Rừng Nà Lừa thuộc dãy núi Hồng - nơi giáp ranh giữa hai tỉnh Tuyên Quang và Thái Nguyên. Đây vốn là khu rừng nguyên sinh có nhiều cây bản địa như: Lim, sến, trám, phách... Cách lán chừng 80m là con đường mòn qua đèo De sang Phú Đình (Định Hoá, Thái Nguyên).
Lán cách làng Tân Lập 1km về hướng đông. Tại căn lán nhỏ, đơn sơ trên sườn đồi Nà Lừa lãnh tụ Hồ Chí Minh đã ở, làm việc từ cuối tháng 5 đến tháng 8 năm 1945. Lán Nà Lừa được dựng theo kiểu nhà sàn của người Tày, quay theo hướng đông tây, có chiều dài 4,20m, chiều rộng 2,70m. Lán có hai gian nhỏ: Gian ngoài (phía tây của lán) có chiều rộng 1,97m, chiều dài 2,70m là nơi Người làm việc và tiếp khách; gian trong (phía đông của lán) có chiều rộng 2,1m, chiều dài 2,7m là nơi Người nghỉ ngơi. Vách ngăn giữa hai gian cao 1,7m, dài 1,83m; có cửa thông giữa hai gian. Xung quanh lán được thưng bằng vách nứa đan nong mốt, trên những bức vách đan những ô thoáng nhỏ cỡ 10cm x 7cm để lấy ánh sáng. Ở chái phía tây có sàn thích nhỏ để hai ống bương (bắng) nước. Mặt sàn lát bằng phên nứa đan nong mốt. Lán lợp 2 mái bằng lá cọ, không có vì kèo. Lán có 6 cột gỗ được chôn xuống đất. Ở sát cây cột nóc phía tây lán Nà Lừa có một cây thành ngạnh to, tán lá toả xum xuê. Ngay dưới chân cây thành ngạnh này là phiến đá rộng và phẳng, nơi Người thường ngồi làm việc, đánh máy chữ những khi tối trời.
Cách lán Nà Lừa 40m về hướng nam là lán của tổ điện đài. Lán được dựng ba gian theo kiểu nhà sàn miền núi, một gian để điện đài, hai gian để ở. Lán quay theo hướng tây nam, nhìn xuống dòng suối Khuôn Pén. Cột lán bằng tre, xung quanh được thưng bằng vách nứa đan nong mốt, sàn cách mặt đất khoảng 40-50cm được lát bằng phên nứa đan nong mốt. Ngoài cửa chính, lán Điện đài có hai cửa sổ ở hai bên. Cùng làm việc với những người lính của quân Đồng minh, có các đồng chí: Hoàng Việt Huy, Lưu Minh Đức, Phạm Văn Quý, Đoàn Hồng Sơn, Phan Việt Bắc....
Lán cảnh vệ được dựng cách lán Nà Lừa 30m về hướng tây theo kiểu nhà sàn, quay ra hướng tây nam, hướng mặt xuống dòng suối Khuôn Pén. Lán chia thành 2 gian để thông nhau, cột bằng gỗ rừng không đẽo vỏ (được làm theo kiểu cột ngoãm), mái lợp lá cọ, xung quang được thưng bằng nứa đan nong đôi, sàn cách mặt đất 0,8m. Lán có 1 cửa chính và một cầu thang bằng gỗ. Ngoài lán cảnh vệ tại rừng Nà Lừa còn có nhiều trạm gác bí mật xung quanh khu rừng Nà Lừa.
Lực lượng cảnh vệ bảo vệ lãnh tụ và các cơ quan Trung ương được biên chế thành nhiều tiểu đội nhỏ. Tiểu đội cận vệ đặc biệt đóng tại khu đồi Nà Lừa có 8 người bao gồm: Tiểu đội trưởng Phạm Văn Quý, Kim Anh, Văn Lâm, Giang Lâm, Nông Ngọc Tuấn, Đinh Đại Toàn, Trần Đình...
Tại căn lán Nà Lừa, sau khi nghe đồng chí Trường Chinh, Võ Nguyên Giáp báo cáo tình hình phong trào cách mạng trong nước, lãnh tụ Hồ Chí Minh nhất trí với nội dung chỉ thị của Thường vụ Trung ương và nghị quyết Hội nghị quân sự Bắc Kỳ. Người chỉ thị: Vùng giải phóng ở miền ngược đã bao gồm 6 tỉnh (Cao Bằng - Bắc Kạn - Lạng Sơn - Hà Giang –Tuyên Quang - Thái Nguyên) địa thế nối liền với nhau nên thành lập khu căn cứ, lấy tên là Khu giải phóng; các lực lượng vũ trang sau khi thống nhất lại, lấy một tên chung là Quân giải phóng; triệu tập Hội nghị cán bộ toàn khu để thống nhất lãnh đạo và triển khai công tác.
Chấp hành chỉ thị của Người, ngày 4 tháng 6 năm 1945 Tổng bộ Việt Minh đã triệu tập Hội nghị cán bộ. Hội nghị đã quyết định thành lập Khu giải phóng, thống nhất các lực lượng vũ trang thành Quân giải phóng, đề ra 10 chính sách lớn của Việt Minh. Khu giải phóng không ngừng được củng cố, trở thành căn cứ địa vững chắc về mọi mặt chính trị, quân sự, kinh tế, văn hóa tạo thành hậu phương và bàn đạp vững chắc cho thế trận tổng khởi nghĩa về sau. Tân Trào được chọn làm Thủ đô của Khu Giải phóng, trở thành trái tim của cách mạng Việt Nam. Từ Tân Trào mọi chỉ thị, nghị quyết về phương châm, đường lối, sách lược của Đảng nhằm đẩy mạnh cuộc Tổng khởi nghĩa được truyền đi trong cả nước.
Việc lãnh tụ Hồ Chí Minh về Tân Trào được giữ bí mật tuyệt đối. Có lần, Người đến thăm đơn vị giải phóng quân đóng ở thôn Tân Lập. Thấy nền nếp thiếu trật tự, Người gặp đồng chí chỉ huy để góp ý kiến. Đồng chí chỉ huy nói: "Phê bình chúng tôi! Chuyện ấy đã có cấp trên của chúng tôi". Người ôn tồn nói: "Tôi là người dân, tôi có quyền phê bình, góp ý với bộ đội chứ!...Bộ đội cách mạng là bộ đội của dân cơ mà!".
Lãnh tụ Hồ Chí Minh đặc biệt quan tâm công tác cán bộ. Theo chỉ thị của Người, ngày 25 tháng 6 năm 1945, Trường quân chính kháng Nhật khoá I khai giảng tại Khuổi Kịch, Tân Trào. Đồng chí Hoàng Văn Thái[1] được cử làm Hiệu trưởng kiêm chính trị viên. Trong quá trình hoạt động, nhà trường luôn nhận được sự quan tâm sâu sát của Người. Khi đến thăm trường, cán bộ, học viên chỉ biết Người là ông cụ người Nùng, nói sõi tiếng Kinh. Cuốn sách "Cách đánh du kích" do Người biên soạn được nhà trường sử dụng làm tài liệu cơ bản dạy chiến thuật. Đây là tài liệu giáo khoa quân sự đầu tiên của Đảng ta, quân đội ta. Trong cuốn sách, Người viết: "Chuyến này vũ trang khởi nghĩa đánh Tây - Nhật, chính dùng lối đánh du kích để đánh", "Du kích bao giờ cũng giữ thế công". Cuốn sách còn chỉ rõ các cách đánh cụ thể: Tập kích, đột kích...
Để đào tạo nhân viên điện đài, Người chỉ đạo lựa chọn một số học sinh biết tiếng Anh hoặc tiếng Pháp của trường Quân chính kháng Nhật tham gia lớp báo vụ do những nhân viên thuộc lực lượng Đồng minh giúp huấn luyện. Lớp học được tổ chức tại một địa điểm gần dòng suối Khuôn Pén dưới chân đồi Nà Lừa. Chương trình học của lớp báo vụ được chia ra làm hai phần: Phần thứ nhất là phương pháp hoạt động tình báo do đồng chí Lê Giản[2] giảng dạy, phần thứ hai là cách truyền tin qua máy vô tuyến điện do Mácxin và Ph.Tam giảng bằng loại máy SET.8W mà họ đang sử dụng ở Tân Trào.
Phát xít Nhật hết sức hoảng sợ trước sự lớn mạnh của phong trào cách mạng Việt Nam. Trong khoảng tháng 5, tháng 6 quân Nhật nhiều lần đánh vào Khu giải phóng Tân Trào. Khi nhận được tin báo Nhật huy động một lực lượng lớn tiến công vào Tân Trào, đồng chí chỉ huy đơn vị đánh địch đề nghị Người chuyển vào sâu trong núi. Người chỉ thị: "Địch không thể vào đây nếu ta quyết tâm chiến đấu và biết cách tổ chức đánh chặn chúng lại, mặc dù lực lượng của ta rất nhỏ".[3] Người chỉ chuẩn bị sơ tán và vẫn làm việc tại lán. Lực lượng Cứu Quốc quân III và tự vệ địa phương đã nghiêm chỉnh chấp hành chỉ thị của Người, kiên quyết chặn đánh địch. Nhân dân thực hiện vườn không nhà trống, tạm lánh vào rừng sâu. Lực lượng phục kích được bố trí tại Làng Sảo, đèo Chắn - con đường duy nhất địch phải đi qua nếu chúng muốn vào Tân Trào, kiên trì, bình tĩnh chờ địch lọt vào trận địa mới nổ súng buộc chúng phải rút chạy về Tuyên Quang và Thái Nguyên. Trận phục kích thắng lợi đã đánh quỵ ý định tấn công vào Khu giải phóng của phát xít Nhật, bảo vệ an toàn lãnh tụ và Khu giải phóng.
Đầu tháng 7 năm 1945, có tin toán thổ phỉ ở đèo De âm mưu đánh vào căn cứ của ta, Người chỉ thị tạm sơ tán cơ quan. Người kiểm tra kỹ việc cất giấu tài liệu, bố trí hành quân, chuẩn bị vũ khí, căn dặn phải hết sức giữ bí mật, không được để lại dấu vết gì "Không được gõ vào cây nứa gây tiếng động, không được phát đường bẻ lá. Người đi sau cùng phải xóa dấu vết của người đi trước". Bàn về cách đối phó với địch, Người nói: Nếu giặc tới, chúng ta phải kiên quyết chiến đấu, tài liệu cũng như sinh mệnh của ta, phải bảo vệ đến cùng. Nên tìm cách tạm cất giấy tờ đi để khi xảy ra chiến đấu, ta hoạt động được dễ dàng.
Mặc dù bận nhiều việc nhưng Người luôn quan tâm giảng dạy chính trị; chỉ dẫn các cán bộ, chiến sĩ cách rèn luyện, cách sống. Người hướng dẫn tỉ mỉ cách đề ra chương trình học tập, làm việc hàng ngày, hàng tuần; dặn dò anh em không nên ngồi chơi mà tranh thủ đọc sách báo, vá quần áo, không nên tắm lâu dưới nước suối vì dễ bị cảm lạnh, sửa từng động tác tập thể dục, hướng dẫn cách lấy rau, chọn rau ngon trong rừng. Hàng ngày, Người thường xuống suối tắm và tự giặt lấy quần áo, khi đi lên một tay chống gậy, vai vác ống nước, vai vắt quần áo vừa giặt. Khi thấy các anh em trẻ mỗi khi xuống suối hay bị ngã do sợ bẩn nên hay đi tránh sang hai bên sườn núi dốc trơn và làm cho đường ngày một to ra, Người đã hướng dẫn đi theo cách của mình: Đi giữa đường đã đánh bậc sẵn, có bẩn một chút nhưng đã có sẵn ống nước mang theo, một nửa dùng để rửa chân, một nửa để rửa tay trước và sau khi ăn cơm.
Trong thời gian ở Tân Trào, lãnh tụ Hồ Chí Minh luôn giữ liên lạc với quân Đồng minh ở Côn Minh, Trung Quốc. Cuối tháng 5 năm 1945, Người phái một giao thông trao cho Pátti (L.A. Patti)[4] tại Côn Minh thông báo về việc quân Nhật xây dựng công sự ở vùng Cao Bằng và trên đường về Hà Nội. Đầu tháng 6 năm 1945, Người điện báo cho Pátti đã chuẩn bị sẵn sàng hơn 1.000 quân du kích được huấn luyện tốt, tập trung ở Chợ Chu, Định Hóa.
Để phối hợp hiệu quả hơn với quân Đồng minh, Mặt trận Việt Minh đã tiếp nhận một số binh sĩ Mỹ đến Khu giải phóng hợp tác chống Nhật, chủ yếu là những kỹ thuật viên giúp công tác thông tin liên lạc bằng vô tuyến điện. Giữa tháng 6 năm 1945, thông qua một trong những đầu mối tiếp xúc giữa Người với Pátti, được biết có một toán quân Mỹ, do một sĩ quan cao cấp chỉ huy sẽ nhảy dù xuống Tuyên Quang và đề nghị phía Việt Nam chuẩn bị. Ngày 30 tháng 6 năm 1945, qua hệ thống điện đài, Người trả lời Pátti đồng ý cho toán quân Đồng minh nhảy dù xuống Tân Trào và yêu cầu cho biết bao giờ thì họ có thể đến.
Ngày 16 tháng 7 năm 1945, toán quân Đồng minh mang biệt danh "Con Nai" đã nhảy dù xuống khu vực cây đa Tân Trào. Đội "Con Nai" gồm có 5 người do Thiếu tá tình báo E.K Tômát (Thomas) chỉ huy, Trung uý Môngpho (Monfort) sĩ quan quân đội Pháp, Trung sĩ Phác - Người Việt Nam (phiên dịch), Trung sĩ Lôgốt, Binh nhất Pruyniê (H.Prunier). Ngày 19 tháng 7 năm 1945, Đại uý Hôlan (Holland) - sĩ quan thuộc lực lượng Đồng minh nhảy dù xuống Tân Trào.
Sau khi nhảy dù an toàn xuống Tân Trào, nhóm quân Đồng minh được bố trí ở trong khu rừng Nà Lừa, cách lán của Hồ Chí Minh khoảng 30m về hướng bắc. Lán Đồng minh được làm theo kiểu nhà sàn, có 2 gian, cột bằng gỗ rừng, mái lợp lá cọ, xung quanh được thưng bằng vách nứa đan nong đôi. Cửa lán quay về hướng nam, phía trước cửa là cầu thang lên xuống được làm bằng gỗ, sàn cao 0,8m.
Trong những ngày làm việc ở lán Nà Lừa, Người khẩn trương làm việc suốt ngày đêm. Nhiều hôm, vào lúc nửa đêm, khi tìm ra hướng giải quyết một vấn đề đang trăn trở Người lại trở dậy ngồi viết. Mọi chỉ thị, giấy tờ Người đều tự tay đánh máy và đánh số cẩn thận, rõ ràng. Trung ương Đảng quyết định cần tích cực chuẩn bị tổ chức Hội nghị toàn quốc của Đảng và Quốc dân Đại hội đại biểu. Người đề nghị họp từ cuối tháng 7 "Có thể còn thiếu một số đại biểu nào đó chưa về kịp cũng họp, nếu không thì sẽ không kịp với tình hình chung".
Cuối tháng 7 năm 1945, do điều kiện làm việc hết sức gian khổ và thiếu thốn, với những bữa ăn đạm bạc chỉ có măng rừng chấm muối vừng, cơm chan nước chè xanh cộng với tình hình sức khoẻ của Người đã giảm sút nhiều trong thời gian bị giam giữ ở nhà tù đế quốc nên Người đã bị ốm nặng. Người sốt liên miên, lúc tỉnh lúc mê. Trong những ngày đó, không khí của thủ đô Khu giải phóng nặng trĩu, mọi người đều lo lắng cho Người. Có người vào rừng tìm lá thuốc, có người ra sông Phó Đáy bắt được con ba ba đem về cắt tiết nhỏ vào rượu mời Người uống và cầu mong cho Người mau khỏi bệnh.
Trong số các đồng chí Trung ương ở gần Người lúc này có đồng chí Võ Nguyên Giáp (Văn) đang làm việc tại gia đình ông Hoàng Trung Dân dưới làng Tân Lập. Hàng ngày, đồng chí lên lán Nà Lừa báo cáo tình hình công việc, hỏi thăm sức khỏe nhưng Người chỉ nói "Chú cứ xuống làm công tác, tôi không việc gì". Một hôm lên báo cáo công việc, đồng chí Võ Nguyên Giáp thấy Người rất yếu, đang lên cơn sốt, mê sảng, đồng chí đã xin phép được nghỉ lại "Hôm nay tôi cũng thong thả, xin ở lại với Bác đêm nay", Người mở mắt và khẽ gật đầu. Đêm ấy, tỉnh lại sau cơn sốt, Người nói: “Lúc này thời cơ thuận lợi đã tới, dù hy sinh tới đâu, dù phải đốt cháy cả dãy Trường Sơn cũng cương quyết giành cho được độc lập”. Lúc khác Bác lại dặn: “Lúc nào cũng phải chú trọng xây dựng chi bộ, bồi dưỡng cán bộ, đảng viên và các phần tử trung kiên. Trong chiến tranh du kích, lúc phong trào lên, ta phải hết sức phát triển, vừa phát triển vừa chú ý xây dựng căn cứ cho thật vững chắc, để đề phòng lúc khó khăn mới có chỗ đứng chân được”.
Những lời dặn dò của Người khẳng định quyết tâm giành độc lập dân tộc khi thời cơ đã chín muồi.
Hôm sau, đồng chí Võ Nguyên Giáp viết thư hoả tốc báo tin tình hình sức khoẻ của Người cho các đồng chí Trung ương và đi tìm người chữa bệnh cho Bác. Nhờ sự mách bảo của bà con, đồng chí mời một cụ lang già người Tày đến chữa bệnh cho Người. Sau khi bắt mạch, cụ già đốt cháy một thứ củ rừng hoà vào cháo loãng mời Người uống. Uống thuốc vài lần như vậy, Người đỡ dần và gượng dậy tiếp tục làm việc.
Tình hình hết sức khẩn trương khi Hồng quân Liên Xô đập tan đạo quân Quan Đông của Nhật và Mỹ ném bom nguyên tử xuống đất Nhật. Người đề nghị Ban Thường vụ Trung ương khẩn trương tổ chức Hội nghị toàn quốc của Đảng “Nên họp ngay và không nên kéo dài Hội nghị, chúng ta phải tranh thủ từng giây phút. Tình hình sẽ chuyển biến nhanh chóng, không thể để lỡ cơ hội”. Đồng thời yêu cầu một số đại biểu đi dự hội nghị Trung ương phải khẩn cấp về địa phương để thi hành ngay chủ trương của Ban Thường vụ.
Ngày 12 tháng 8 năm1945, mặc dù đang yếu mệt Người vẫn chăm chú theo dõi diễn biến tình hình thế giới. Qua chiếc đài thu thanh chạy bằng pin đã cũ, Người nhận được tin của Đài tiếng nói Hoa Kỳ, phát đi từ Xan Phranxítcô (San Francisco) loan tin: Nhật Bản gửi công hàm cho Mỹ và các nước Đồng minh, đề nghị mở cuộc đàm phán lập lại hòa bình, chấp nhận "ngừng bắn", chứ không chấp nhận "đầu hàng" không điều kiện. Người nhận định: "Có hiện tượng nguy ngập tan rã trong quân đội Nhật".
Ngày 13 tháng 8 năm 1945, có tin Nhật đầu hàng Đồng minh, quân đội Nhật ở các nơi ngừng chiến đấu, Người chỉ thị Mệnh lệnh khởi nghĩa phải: "Tập trung lực lượng đánh vào đô thị, đánh chặn quân Nhật rút lui; sau mỗi trận chiến đấu lập tức bổ sung và củng cố bộ đội, để lại một phần ba hoạt động trong địa phương, hai phần ba sẵn sàng đợi lệnh điều động đi nơi khác; củng cố các căn cứ bí mật, quân lương, quân giới... chuẩn bị kháng chiến một khi quân Pháp trở lại...".
Từ ngày 13 đến ngày 15 tháng 8 năm 1945, Hội nghị toàn quốc của Đảng được triệu tập tại Tân Trào theo đề nghị của Người, bàn luận về những vấn đề quyết định tới vận mệnh đất nước. Tham dự Hội nghị có hơn 30 đại biểu các Đảng bộ Bắc Kỳ, Trung Kỳ, Nam Kỳ gồm có các đồng chí: Hồ Chí Minh, Trường Chinh, Nguyễn Lương Bằng, Phạm Văn Đồng, Vũ Anh, Nguyễn Chí Thanh, Võ Nguyên Giáp, Lê Đức Thọ, Hà Huy Giáp, Lê Giản, Chu Văn Tấn, Lê Thanh Nghị, Song Hào, Hoàng Quốc Việt, Hoàng Hữu Nam, Trần Huy Liệu, Trần Đăng Ninh, Vũ Oanh, Phan Mỹ, Đặng Việt Châu, Khuất Duy Tiến, Trần Đức Vịnh, Vũ Quang...
Các đại biểu dự họp trong một căn lán nhỏ, cách lán Nà Lừa nơi Người ở khoảng 20m về phía tây bắc. Đây là căn lán 2 gian, được làm tạm bằng gỗ, nứa rừng, mái lợp lá cọ, xung quanh để trống không thưng vách, trong lán không có bàn ghế. Các đại biểu dự họp dùng lá cây rừng trải xuống đất và những cây gỗ nhỏ kê lên để ngồi.
Vì điều kiện sức khỏe, lãnh tụ Hồ Chí Minh không dự đầy đủ các phiên họp, nhưng vẫn chỉ đạo Hội nghị và góp rất nhiều ý kiến sáng suốt, phân tích tình hình một cách rõ ràng và khoa học. Trước và trong suốt thời gian Hội nghị diễn ra, đồng chí Trường Chinh thường xuyên báo cáo và xin ý kiến của Người. Người nhận định cách mạng là một cuộc đấu tranh lâu dài, làm cách mạng phải chiến đấu hết keo này đến keo khác. Trước mắt là phải nỗ lực phát động một cao trào khởi nghĩa, mở rộng khu giải phóng ra khắp nơi trong nước, ở những nơi dù lực lượng còn nhỏ cũng lập khu giải phóng trước khi Đồng minh vào. Tích cực nắm thời cơ, nếu không thì thời cơ không chờ mình…
Hội nghị phân tích những điều kiện chủ quan và khách quan để cuộc khởi nghĩa nổ ra thắng lợi và nhận định: "Nhật đổ, hàng ngũ chỉ huy của chúng ở Đông Dương chia rẽ đến cực điểm; quân Nhật tan rã, mất tinh thần; bọn Việt gian thân Nhật hoảng sợ... Những điều kiện khởi nghĩa ở Đông Dương đã chín muồi... Cơ hội rất tốt cho ta giành quyền độc lập đã tới". Hội nghị quyết định phải kịp thời phát động và lãnh đạo toàn dân tổng khởi nghĩa để giành chính quyền trước khi quân Anh và Tưởng vào Đông Dương để tước vũ khí quân đội Nhật và trước khi quân Pháp đưa lực lượng trở lại xâm lược nước ta. Để đảm bảo lãnh đạo tổng khởi nghĩa thắng lợi, Hội nghị đã đề ra 3 nguyên tắc: Tập trung lực lượng vào những việc chính. Thống nhất mọi phương diện chính trị, hoạt động chỉ huy. Kịp thời hành động không bỏ lỡ cơ hội. Hội nghị toàn quốc của Đảng nhấn mạnh phải tập trung vào những nơi cần thiết để tiến công: “đánh chiếm ngay những chỗ chắc thắng không kể thành phố hay thôn quê”. Phải thống nhất Đảng về chính trị và tổ chức, chống hữu khuynh và tả khuynh để lãnh đạo toàn dân nổi dậy giành chính quyền, khẳng định chỉ có thực lực của ta mới giành được thắng lợi quyết định cho ta.
Các đại biểu thảo luận rất sôi nổi, đặc biệt là về hai khả năng của cách mạng. Khả năng thứ nhất là ta lấy lại được nước, nắm được chính quyền, tức là có cương vị nói chuyện với Đồng minh. Khả năng thứ hai là lực lượng chủ quan của ta yếu, không chớp được thời cơ thuận lợi mà giành lấy chính quyền trước khi Đồng minh kéo vào - mà Đồng minh có Pháp ở trong thì tức là phải đặt vấn đề đàm phán với Pháp, đòi quyền tự do, dân chủ, nắm lấy đấy mà tuyên truyền giác ngộ quần chúng nhân dân, đẩy mạnh phong trào cách mạng hơn nữa để tiếp tục đấu tranh với Pháp cho đến thắng lợi cuối cùng.
Hội nghị thảo luận và quyết định nhiều vấn đề cụ thể và cấp bách về đối nội như công tác tuyên truyền cổ động, nhiệm vụ quân sự, nhiệm vụ kinh tế, công tác cán bộ, vấn đề giao thông liên lạc. Thông qua mười chính sách lớn của Việt Minh, coi đó là những mục tiêu cơ bản và trước mắt của toàn Đảng, toàn dân. Hội nghị nhấn mạnh vấn đề đào tạo cán bộ, sử dụng và phân phối cán bộ hợp lý, hết sức giúp đỡ cán bộ Việt Minh, kết nạp đảng viên mới. Đề ra những chủ trương đối ngoại với quân Đồng minh và với Pháp, Nhật trên nguyên tắc thêm bạn, bớt thù. Triệt để lợi dụng mâu thuẫn giữa hai tập đoàn đế quốc Pháp - Anh và Mỹ - Tưởng về vấn đề Đông Dương. Tránh trường hợp một mình phải đối phó với nhiều kẻ thù một lúc, chuẩn bị ứng phó với việc Anh - Mỹ - Tưởng nhân nhượng cho Pháp trở lại Đông Dương, tranh thủ sự đồng tình ủng hộ của Liên Xô, nhân dân Pháp, nhân dân Trung Quốc và nhân dân tiến bộ trên thế giới.
Theo quyết định của Hội nghị, Uỷ ban khởi nghĩa toàn quốc được thành lập gồm 5 đồng chí do Tổng Bí thư Trường Chinh trực tiếp chỉ đạo. Thành lập Bộ Tư lệnh giải phóng quân Việt Nam.
23 giờ ngày 13 tháng 8, Uỷ ban khởi nghĩa toàn quốc ra bản Quân lệnh số 1, hạ lệnh tổng khởi nghĩa trong toàn quốc:
"Hỡi quân dân toàn quốc! ...Giờ Tổng khởi nghĩa đã đến! Cơ hội có một cho quân dân Việt Nam vùng dậy giành lấy quyền độc lập của nước nhà!...
... Dưới mệnh lệnh của Ủy ban khởi nghĩa, đồng bào hãy đem hết tâm lực ủng hộ đạo Quân giải phóng, sung vào bộ đội, xông ra mặt trận đánh đuổi quân thù.
...Chúng ta phải hành động cho nhanh, với một tinh thần vô cùng quả cảm, vô cùng thận trọng".
Đảng Cộng sản Đông Dương lập tức ra Lời hiệu triệu kêu gọi "Giờ khởi nghĩa đã đến, ngày vinh quang của Tổ quốc đã bùng nổ... Đồng bào và các đoàn thể cứu quốc, dưới quyền chỉ huy của Uỷ ban dân tộc giải phóng. Uỷ ban dân tộc giải phóng hãy cùng với giải phóng quân và tự vệ đội nổi dậy đánh chiếm các đồn, các huyện lỵ, phủ lỵ và các tỉnh lỵ, tước khí giới của giặc Nhật".
Trong những ngày diễn ra Hội nghị, phát xít Nhật chính thức tuyên bố đầu hàng quân Đồng minh vô điều kiện, đúng như Người đã nhận định trước đó mấy ngày: "Một vài ngày nữa là nó hàng, và hàng không điều kiện". Người đề nghị Hội nghị toàn quốc của Đảng nên mau chóng kết thúc để các đại biểu khẩn trương trở về các địa phương, kịp thời phát động quần chúng khởi nghĩa giành chính quyền.
Sau Hội nghị, lãnh tụ Hồ Chí Minh gửi Trung úy Giôn (John) bức thư bằng tiếng Anh với nội dung đề nghị Chính phủ Hoa Kỳ thông báo cho Liên hợp quốc việc Mặt trận Việt Minh đứng về phía Đồng minh chống lại phát xít Nhật.
Chủ trương khởi nghĩa của Hội nghị đã được Quốc dân Đại hội tại đình Tân Trào tán thành. Sau khi Đại hội Quốc dân bế mạc, ngày 18 tháng 8 năm 1945 lãnh tụ Hồ Chí Minh viết Thư kêu gọi Tổng khởi nghĩa gửi quốc dân, đồng bào. Trong bức thư này, lần cuối Người ký tên Nguyễn Ái Quốc. Bức thư có đoạn:"Hiện nay quân đội Nhật đã tan rã, phong trào cứu quốc lan tràn khắp nước...
Giờ quyết định cho vận mệnh dân tộc ta đã đến. Toàn quốc đồng bào hãy đứng dậy đem sức ta mà tự giải phóng cho ta.
... Dưới lá cờ Việt Minh, đồng bào hãy dũng cảm tiến lên!".
Cùng ngày, Người gửi thông điệp cho Chính phủ Pháp, nêu ra đề nghị năm điểm với nội dung: Chính phủ Pháp công nhận Chính phủ Việt Minh. Việt Minh công nhận quyền của Pháp ở Việt Nam từ 5 đến 10 năm, sau đó Chính phủ Pháp trao trả độc lập cho Việt Nam. Trong thời gian đó, Việt Nam hưởng quyền tự trị đối nội, Chính phủ Pháp được hưởng quyền ưu đãi trong kỹ nghệ, thương mại ở Việt Nam.
Ngày 18 tháng 8 năm 1945, Hồ Chí Minh gửi thư cho Trung úy Sáclơ Phen. Bức thư có nội dung: Chiến tranh dù đã kết thúc thắng lợi, nhưng nhân dân Việt Nam còn phải tiếp tục chiến đấu cho tự do, dân chủ. Người tin tưởng sâu sắc rằng sớm hay muộn, nhân dân Việt Nam sẽ đạt được mục đích vì chính nghĩa, dân tộc Việt Nam sẽ được độc lập. Người cảm thấy áy náy vì những người bạn Đồng minh đã rời khỏi Việt Nam quá nhanh và mong muốn sẽ luôn luôn nhận được sự ủng hộ của nhân dân Mỹ.
Cùng thời gian này, Người gửi cho Ph. Tam một bức thư mong muốn dù chiến tranh đã kết thúc, dù mọi thứ đã thay đổi nhưng tình bạn đã được vun đắp giữa Việt Minh với quân Đồng minh không thay đổi "ngày mai tươi sáng chúng ta sẽ gặp nhau, chúng ta trông chờ ngày đó!". Người khẳng định nhân dân Việt Nam đã và sẽ chiến đấu cho tới khi đạt được độc lập cho dân tộc. Người đã chuyển cho Ph. Tam những đồ nhờ mua và số tiền còn lại.
Trước ngày 20 tháng 8 năm 1945, để chuẩn bị cho việc rời căn cứ địa về Hà Nội, lãnh tụ Hồ Chí Minh họp với các đồng chí Phạm Văn Đồng, Hoàng Văn Thái, Hoàng Hữu Kháng và Trần Thị Minh Châu, phân công một số đồng chí ở lại. Người nói: "Các cô, các chú người nào cũng muốn về Hà Nội vì đã bao nhiêu năm nay, thời cơ cách mạng cướp chính quyền đến ai cũng muốn đi lắm chứ. Nhưng đợt này Bác về mà các cô, các chú không được về là vì các cô, các chú nên nhớ rằng cách mạng phải có đường tiến, đường lui. Đừng tưởng rằng kỳ này chúng ta về là sẽ không quay trở lại rừng núi, trở lại căn cứ nữa đâu. Cho nên, bây giờ Bác giao cho các cô, các chú nhiệm vụ ở lại địa phương đây, phải giúp đồng bào tổ chức cuộc sống sao cho tốt đẹp hơn, ấm no, văn minh hơn. Để đồng bào thấy rõ ánh sáng của cách mạng và cũng là đến đáp lại công ơn của đồng bào đã đùm bọc cách mạng bao nhiêu năm nay. Biết đâu chúng ta còn trở lại đây nhờ cậy đồng bào lần nữa”.
Hưởng ứng lời kêu gọi của lãnh tụ Hồ Chí Minh, chỉ trong vòng hơn 10 ngày, cuộc Tổng khởi nghĩa đã thành công trong cả nước. Mặc dù còn mệt nhiều, ngày 22 tháng 8 năm 1945, Người quyết định rời căn lán Nà Lừa về Hà Nội theo đường Đèo Khế - Cù Vân (Thái Nguyên) để cùng Trung ương Đảng giải quyết những vấn đề trọng đại liên quan đến vận mệnh dân tộc.
Để bảo tồn giá trị đặc biệt của di tích, ngay từ năm 1961 Ty Thông tin - Văn hóa Tuyên Quang đã tiến hành công tác sưu tầm tư liệu, hiện vật lịch sử. Ngày 2 tháng 9 năm 1964, nhà lưu niệm Tân Trào được khánh thành, mở cửa đón tiếp khách thăm quan. Năm 1970, nhằm phục vụ nhu cầu phát triển nông nghiệp của nhân dân địa phương con đập chắn ngang dòng suối Khuôn Pén được hoàn thành đã tạo thành đường đi nối liền từ làng Tân Lập qua chiếc cầu nhỏ vào đến di tích lán Nà Lừa. Năm 1972, di tích lán Nà Lừa được phục dựng lại tại địa điểm cũ, khu rừng Nà Lừa đã bảo tồn và dần trở lại vẻ nguyên sinh lúc ban đầu. Lán Nà Lừa đã được trùng tu, sửa chữa nhiều lần. Hệ thống bia, đường lên di tích được xây dựng năm 1990. Năm 2009, lán Nà Lừa tiếp tục được tu bổ, phục dựng hệ thống các di tích xung quanh lán Nà Lừa như lán họp Hội nghị cán bộ toàn quốc của Đảng, lán điện đài, lán Đồng minh, lán cảnh vệ.
Những đồ dùng Người sử dụng trong thời gian ở và làm việc tại lán Nà Lừa như: máy đánh chữ, mâm gỗ, âu đựng cơm, quả bầu khô đựng chè, hòn cuội dùng để chặn giấy, ấm đựng chè đã được sưu tầm, bảo quản; đây là những hiện vật quý được trưng bày tại nhà trưng bày Ban Quản lý khu di tích lịch sử văn hóa và sinh thái Tân Trào.
[1] Tên thật là Hoàng Văn Xiêm. Tham gia cách mạng từ năm 1936. Năm 1940 bị thực dân Pháp bắt giam một thời gian. Năm 1941, học quân sự ở Trung Quốc. Tháng 8-1945, tham gia cướp chính quyền ở Lục An Châu và phối hợp cướp chính quyền ở Tuyên Quang. Tổng tham mưu trưởng đầu tiên của Quân đội Nhân dân Việt Nam (1945-1953). Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, Phó Tổng tham mưu trưởng, Uỷ viên Thường vụ Đảng uỷ Quân sự Trung ương (1974). Được phong hàm Đại tướng năm 1980. Uỷ viên Ban chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam các khoá II, IV,V; đại biểu Quốc hội khoá VII.
[2] Tên thật là Tô Gĩ. Năm 1940, ông tham gia hoạt động cách mạng và bị giặc bắt giam ở nhà tù Sơn La. Năm 1941, bị đầy đi Sài Gòn, đảo Mađagátxca. Năm 1944 về Cao Bằng hoạt động. Năm 1945 hoạt động tại Tân Trào. Giám đốc Nha Công an Trung ương (1947). Phó Chánh án toà án Nhân dân tối cao (1978). Uỷ viên đảng, đoàn Mặt trận Việt Minh kiêm Cục trưởng Cục biên phòng (1979).
[3] Hồ Chí Minh tiểu sử, Học viện chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Nxb Lý luận chính trị, Hà Nội, 2006, trang 317.
[4] L.A. Patti (Archimedes Patti). Tham gia quân đội Mỹ từ năm 1936 đến năm 1957. Trưởng phòng Đông Dương của cơ quan Tình báo chiến lược OSS của Mỹ ở Hoa Nam từ tháng 10-1944 đến tháng 10-1945. Làm việc ở Bộ Quốc phòng Mỹ từ năm 1958 đến 1959; ở Văn phòng Tư pháp của Tổng thống Mỹ từ năm 1959 đến năm 1971.