Đề tài đã thu thập thông tin từ các tài liệu tham khảo, từ phòng Văn hóa – Thông tin huyện, cán bộ văn hóa xã, Câu lạc bộ hát Páo dung xã; đồng thời phỏng vấn thực tế, quan sát một số sinh hoạt văn hóa của đồng bào dân tộc Dao xã Yên Nguyên.

Kết quả, đã thống kê được số người có khả năng và đam mê với thể loại hát Páo dung chỉ còn 13 người. Trong số 100 người trên 30 tuổi tại xã Yên Nguyên được phỏng vấn có 20 người không hề biết tới Páo dung; 75 người có nghe nói tới nhưng không biết hát; chỉ có 5 người biết hát Páo dung (chỉ hát được một hoặc hai điệu). Trong số 100 người từ 15 đến 29 tuổi có đến 80 người không biết đến hát Páo dung; 19 người có biết về loại hình này nhưng không biết hát; chỉ có 1 người biết hát.
Việc tiếp tục sáng tác và cho ra đời những điệu hát Páo dung mới cũng gặp nhiều khó khăn. Trong 13 nghệ nhân hát Páo dung tại xã thì chỉ có 2 nghệ nhân sáng tác được các bài hát mới. Nhưng các nghệ nhân này đều trên 40 tuổi và đa phần làm nghề thầy cúng nên họ chỉ quan tâm tới những bài hát trong nghi lễ tín ngưỡng, hoàn toàn không sáng tác các bài hát giao duyên hoặc phục vụ lao động sản xuất.
Từ kết quả khảo sát thực trạng và tìm hiểu nguyên nhân, đề tài đã đưa ra một số giải pháp nhằm bảo tồn và phát triển điệu hát Páo dung. Trước hết là nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người dân nói chung và cho đồng bào dân tộc Dao tại xã Yên Nguyên nói riêng, tuyên truyền để nâng cao nhận thức của người dân về văn hóa hát Páo dung. Tác giả cũng đề xuất việc kiểm kê, lập hồ sơ khoa học di sản văn hóa hát Páo dung tại xã Yên Nguyên một cách khoa học và có hệ thống để đề xuất phương án bảo tồn, phát huy một cách hiệu quả. Việc bảo tồn các loại hình văn hóa phi vật thể ngay chính trong đời sống cộng đồng, xây dựng các tổ, đội văn nghệ, nhân rộng các mô hình điểm và hướng dẫn người trẻ dân tộc Dao các điệu hát Páo dung truyền thống, phát động việc sáng tác các bài hát Páo dung mới… cũng là những giải pháp được tác giả đề xuất. Ngoài ra còn giải pháp khá thiết thực được chỉ ra là đưa Páo dung vào các hoạt động ngoại khóa và các hoạt động khác trong nhà trường. Theo đó, xây dựng môi trường học tập gắn với xây dựng môi trường văn hóa, tổ chức các buổi ngoại khóa, mời các nghệ nhân hát Páo dung đến giao lưu, biểu diễn; tổ chức các câu lạc bộ bảo tồn và phát huy những di sản văn hóa dân tộc trong nhà trường phổ thông để sưu tầm, truyền dạy các điệu hát Páo dung.
Có thể coi đề tài nghiên cứu là công trình tâm huyết, trách nhiệm của một học sinh phổ thông đối với việc bảo tồn bản sắc văn hóa truyền thống của quê hương đang có nguy cơ mai một. Đề tài đã được trao giải khuyến khích.
Theo Báo Tuyên Quang online