Bệnh đau mắt đỏ là một trong những bệnh thường gặp ở mắt. Tuy đây là bệnh không quá nguy hiểm nhưng bệnh gây cảm giác khó chịu và ảnh hưởng rất nhiều đến hoạt động sinh hoạt hằng ngày. Vậy bệnh đau mắt đỏ là bệnh gì? Hãy cùng mình tìm hiểu tất tần tật về bệnh đau mắt đỏ qua bài viết dưới đây nhé!
Nội dung
Bệnh đau mắt đỏ là bệnh gì?

Bệnh đau mắt đỏ, hay còn được gọi là bệnh viêm kết mạc, là một tình trạng khi mô trong suốt bên trong mí mắt và lớp phủ bên ngoài mắt trở nên viêm và hóa màu đỏ. Bệnh đau mắt đỏ có thể xảy ra ở một hoặc cả hai mắt và có nhiều nguyên nhân khác nhau gây ra bệnh như do virus, vi khuẩn, chất gây dị ứng và các tác nhân khác.
Khi mắt bị viêm, phần trắng của mắt thường trở nên màu hồng nhạt hoặc đỏ, mí mắt sưng húp và có thể bị rụng. Người bị viêm kết mạc có thể thấy có chất lỏng chảy ra từ mắt hoặc có vảy trên lông mi và mí mắt.
Bệnh đau mắt đỏ có thể ảnh hưởng đến mọi người, bao gồm trẻ em, người trưởng thành và người già. Nó có thể xảy ra quanh năm, nhưng thường lan rộng và gia tăng vào mùa chuyển từ hè sang thu.
Các nguyên nhân gây ra bệnh đau mắt đỏ là gì?
Các nguyên nhân gây ra bệnh đau mắt đỏ có thể bao gồm do nhiều tác nhân khác nhau. Tuy nhiên có một số tác nhân có thể kể đến như:
- Nhiễm khuẩn: Một số loại vi khuẩn thông thường có thể gây ra bệnh viêm kết mạc, chẳng hạn như Staphylococcus aureus, Haemophilus influenzae, Streptococcus pneumoniae và Pseudomonas aeruginosa.
- Nhiễm virus: Virus là một trong những nguyên nhân phổ biến nhất gây đau mắt đỏ, với hầu hết các trường hợp được gây ra bởi virus adenovirus. Tuy nhiên, cũng có một số loại virus phổ biến khác như virus Corona, herpes simplex virus và varicella-zoster virus cũng có thể gây ra bệnh đau mắt đỏ.
- Dị ứng: Dị ứng có thể xảy ra khi người bệnh tiếp xúc với các tác nhân gây dị ứng như nấm mốc, phấn hoa hoặc các hợp chất khác. Lúc này, cơ thể tạo ra kháng thể immunoglobulin E, giúp kích thích các tế bào đặc biệt trong màng nhầy của mắt và đường hô hấp. Điều này dẫn đến việc giải phóng các chất gây viêm như histamine và gây ra triệu chứng đau mắt đỏ.
- Tiếp xúc thường xuyên với hóa chất: Mắt có thể bị kích ứng hoặc viêm do tiếp xúc với hóa chất có trong sản phẩm như dầu gội, mỹ phẩm, khói,… Hoặc thậm chí là chất clo có chứa trong hồ bơi.
- Dị vật trong mắt: Đôi khi bạn đi đường thì không thể nào tránh khỏi tình trạng bụi bay vào mắt. Nếu như mắt không được rửa sạch thì rất có thể mắt sẽ bị viêm và gây ra chứng đau mắt đỏ.
- Sử dụng kính áp tròng: Sử dụng kính áp tròng không phải là xấu. Tuy nhiên sử dụng mà không tuân thủ quy trình vệ sinh thì rất có thể sẽ dẫn đến nhiễm trùng và gây đau mắt đỏ. Bên cạnh đó, việc đeo kính áp tròng không đúng cách còn có thể làm tăng thêm mức độ trầm trọng của tình trạng nhiễm trùng mắt.
- Tiếp xúc với người bị đau mắt đỏ: Bệnh đau mắt đỏ là bệnh có thể lây lan từ người này qua người khác. Tay của bạn rất có thể sẽ chứa các tác nhân gây đau mắt đỏ khi bạn tiếp xúc với mắt của người bị bệnh. Do đó, việc rửa tay sạch sẽ và tránh chạm vào mắt khi tay chưa được vệ sinh là rất quan trọng, giúp ngăn ngừa việc lây nhiễm bệnh.
Bệnh đau mắt đỏ lây qua những đường nào?
Biết được bệnh đau mắt đỏ lây qua đường nào sẽ giúp cho bạn có những biện pháp phù hợp để tránh bị nhiễm bệnh đau mắt đỏ. Dưới đây là một số đường lây bệnh phổ biến nhất.
- Tiếp xúc trực tiếp với người mắc bệnh: Bệnh đau mắt đỏ có thể lây truyền khi bạn tiếp xúc trực tiếp với người bị nhiễm bệnh; chẳng hạn như qua đường hô hấp hoặc tiếp xúc với nước mắt, nước bọt,… Hoặc thậm chí là bắt tay với họ.
- Tiếp xúc gián tiếp qua các vật dụng bị nhiễm: Bạn cũng có thể mắc bệnh viêm kết mạc khi cầm, nắm, hoặc chạm vào các vật dụng mà người bệnh đã tiếp xúc như tay nắm cửa, đồ chơi, hoặc nút bấm cầu thang,…
- Dùng chung đồ dùng cá nhân: Sử dụng chung vật dụng cá nhân, chẳng hạn như khăn mặt, ly/cốc nước uống, hoặc gối, với người bị bệnh có thể là nguồn lây truyền.
- Thói quen dùng tay chạm vào mắt, mũi, miệng: Thói quen sờ vào mắt, sờ mũi hoặc ngậm vào miệng bằng tay cũng chính là một con đường lây lan bệnh đau mắt đỏ. Nếu bạn đang có thói quen này thì hãy bỏ ngay lập tức.
- Quan hệ tình dục: Bệnh đau mắt đỏ cũng có thể lây truyền qua đường tình dục. Bệnh sẽ bị lây lan khi bạn chạm vào tinh trùng hoặc dịch âm đạo, sau đó vô tình chạm vào mắt.
Các triệu chứng của bệnh đau mắt đỏ

Khi bị đau mắt đỏ, người bệnh sẽ thường sẽ có một số những triệu chứng sau:
- Mắt bị đỏ: Đây là dấu hiệu nổi bật nhất của người bệnh đau mắt đỏ. Khi bị bệnh, mắt thường trở nên đỏ hoặc hơi đỏ. Nếu bệnh được điều trị kịp thời thì sẽ giảm thiểu các biến chứng gây hại đến thị lực.
- Ngứa hoặc cảm giác cộm trong mắt: Người bệnh thường cảm thấy ngứa, nóng rát hoặc khó chịu trong mắt giống như có vật gì đó kẹt bên trong mắt. Thông thường triệu chứng này bắt đầu ở một bên mắt và sau vài ngày, có thể cũng sẽ bị lây sang mắt còn lại.
- Tiết nhiều dịch từ mắt: Khi bị đau mắt đỏ, mắt thường tiết ra nhiều nước mắt. Nếu nặng, dịch mắt có thể có màu mủ và có màu vàng xanh.
- Nhạy cảm với ánh sáng: Người mắc bệnh đau mắt đỏ khá nhạy cảm với ánh sáng, thông thường là ánh sáng sáng đèn hoặc nắng. Trong trường hợp nghiêm trọng hơn, người bệnh có thể trải qua cơn đau mắt cực độ, gây suy giảm thị lực nghiêm trọng và nhạy cảm với ánh sáng. Đây có thể là dấu hiệu khi bị nhiễm trùng nặng.
- Chảy nước mắt: Người bị mắc bệnh thường chảy nhiều nước mắt hơn so với người bình thường, đặc biệt là trong trường hợp đau mắt đỏ do virus hoặc dị ứng.
Nếu như gặp phải các triệu chứng được nêu trên, bạn cần đến ngay bệnh viện để nhận được lời tư vấn từ bác sĩ, tránh ủ bệnh có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến thị lực.
Một số cách phòng chống bệnh đau mắt đỏ

“Phòng bệnh hơn chữa bệnh”, bạn nên trang bị cho bản thân một số biện pháp phòng chống bệnh đau mắt đỏ để có thể giữ cho bản thân luôn khỏe mạnh.
- Vệ sinh mắt hàng ngày: Bạn nên vệ sinh mắt hằng ngày bằng nước sạch để đảm bảo rằng mắt của bạn luôn sạch sẽ. Bạn có thể sử dụng nước muối sinh lý 0.9% để rửa mắt mỗi ngày.
- Sử dụng khăn mặt riêng: Không nên dùng chung khăn mặt với người khác. Mỗi người nên có một chiếc khăn mặt riêng để tránh lây truyền vi khuẩn hoặc virus qua đối tượng này.
- Tránh tiếp xúc với hóa chất: Hãy thận trọng để không để các sản phẩm hóa chất như sữa tắm, dầu gội, hoặc các sản phẩm khác tiếp xúc quá nhiều với mắt. Hoặc nếu lỡ tiếp xúc thì cần phải rửa thật kỹ bằng nước sạch.
- Sử dụng kính chắn bụi và gió: Khi ra đường, đặc biệt là trong điều kiện bụi bặm hoặc gió mạnh, những nơi có lượng giao thông đông đúc như ở Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, bạn cần phải sử dụng những loại kính chắn bụi, chắn gió để hạn chế bụi bay vào mắt, dẫn đến nhiễm trùng.
- Chế độ ăn uống lành mạnh: Luôn cung cấp cho cơ thể đủ lượng chất dinh dưỡng, đặc biệt là vitamin và khoáng chất có lợi cho mắt, như vitamin A, E, C, b6, B9, B12,… Những vitamin này bạn có thể tìm được ở trong các thực phẩm thường ngày như rau củ, trái cây,…
- Thường xuyên vệ sinh nhà cửa: Hãy luôn vệ sinh môi trường sống của bạn thật sạch sẽ để có thể hạn chế tối thiểu vi khuẩn, virus gây bệnh đau mắt đỏ.
- Cách ly nếu cần thiết: Nếu trong gia đình có người mắc bệnh đau mắt đỏ, bạn cần tuân thủ các biện pháp cách ly hợp lý nhằm giảm thiểu tình trạng lây lan của bệnh
Kết luận
Trên đây là tất cả thông tin mà mình muốn chia sẻ cho bạn về bệnh đau mắt đỏ. Hy vọng rằng qua bài viết này mình đã giúp cho bạn hiểu rõ hơn cũng như có sự chuẩn bị tốt hơn cho căn bệnh này.