Văn Hoá

Đặc sắc 12 di sản văn hóa phi vật thể quốc gia

Xếp hạng bài viết
Trong khuôn khổ Liên hoan trình diễn Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia và Lễ hội Thành Tuyên năm 2019, nhân dân, du khách gần xa đã được thưởng thức chương trình nghệ thuật đặc sắc gồm 12 di sản, trong đó có một số di sản đã được UNESCO công nhận là của nhân loại như: Cồng chiêng Tây Nguyên, hát Xoan Phú Thọ, Quan họ Bắc Ninh. Đây là những di sản tiêu biểu đại diện cho vùng miền trong cả nước, thể hiện bản sắc của cộng đồng, địa phương, phản ánh sự đa dạng văn hóa và sáng tạo của con người. Giá trị quý báu của Lễ cấp sắc của dân tộc Dao và hát Then của dân tộc Tày Tuyên Quang

Tháng 10 – 2013, lễ cấp sắc của người Dao Tuyên Quang được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Đây là nghi lễ đánh dấu sự trưởng thành của người đàn ông. Bên cạnh màu sắc tâm linh mang ý nghĩa tôn kính thần linh, lễ cấp sắc còn chứa đựng giá trị nhân văn sâu sắc, thể hiện đạo làm người. Lễ cấp sắc phải tiến hành các bước theo trình tự: Lập đàn cúng, mời thần thánh, tổ tiên, trình báo nội dung lễ cấp sắc, cấp đèn, cấp sắc, răn dạy, tạ ơn thần thánh, tổ tiên.


Lễ Cấp sắc của dân tộc Dao Tuyên Quang.

Theo quan niệm dân gian, “Then” có nghĩa là “Thiên” (Trời) và được coi là điệu hát của thần tiên truyền lại. Then là những khúc hát, điệu múa thuộc thể loại dân ca nghi lễ, được sử dụng trong các lễ cúng, cầu mùa, lễ cốm, lễ cấp sắc…do các thầy Then thực hiện, nhằm cầu cho vạn vật được bình an, con người khỏe mạnh, mùa màng bội thu, luôn hướng mọi người làm điều thiện, tránh điều ác…Nhạc cụ chính được sử dụng trong hát Then là đàn Tính. Vùng hát Then tỉnh Tuyên Quang tập trung chủ yếu ở các huyện Chiêm Hóa, Na Hang, Lâm Bình… Năm 2012, nghi lễ Then của người Tày tỉnh Tuyên Quang đã được đưa vào Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.


Hát Then của dân tộc Tày Tuyên Quang.

Nhiều di sản độc đáo

Ngoài Tuyên Quang có 2 di sản tham gia trình diễn, 10 tỉnh còn lại mang đến 10 di sản hết sức độc đáo. Theo chia sẻ của Nghệ nhận ưu tú Trần Văn Xén đến từ Tây Ninh, trống Chhay- dam làm bằng cây gỗ mít, mặt trống làm bằng da trâu già với phần chân trống gắn với kim loại. Người múa trống với động tác như xuống tấn, nhào, lộn, đánh trống, song đấu. Qua các điệu múa trống thể hiện sự đoàn kết cộng đồng, khi tiếng trống vang lên xua tan bao nỗi buồn phiền, mệt mỏi, tất cả chào đón những điều tốt lành và nhiều niềm vui. Với những giá trị đặc sắc, múa trống Chhay- dam được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia năm 2014.

Xuân Phả là một trò diễn nổi tiếng của người dân tỉnh Thanh Hóa mô tả lại các đoàn sứ thần các nước lân bang và phương Tây đến triều cống nước Đại Cồ Việt. Thông qua trò diễn, quần chúng nhân dân muốn ca ngợi tinh thần đoàn kết, cùng nhau làm ăn lao động sản xuất, bảo ban con cháu phải biết sống kính trên, nhường dưới, xây dựng hạnh phúc  gia đình…

Dân ca Quan họ là hình thức hát giao duyên. Những liền anh trong trang phục truyền thống khăn xếp, áo the và những liền chị duyên dáng trong bộ áo mớ ba, mớ bẩy, đầu đội nón quai thao, cùng nhau hát đối những câu ca mộc mạc, đằm thắm, cách hát theo lối truyền thống không cần nhạc đệm mà vẫn đầy chất nhạc, thể hiện nét văn hóa tinh tế của người quan họ.

Ngày nay, múa Bồng thường được biểu diễn trong lễ hội làng Triều Khúc (Hà Nội) từ ngày 9-12 tháng Giêng, mang ý nghĩa thiêng liêng và liên quan đến triết lý âm dương ngũ hành. Đây là điệu múa gia bảo, điệu múa hầu thánh không thể truyền dạy ra ngoài. Ấn tượng lớn nhất chính là ở chỗ các diễn viên múa đều phải là nam đóng giả nữ. Tất cả nam thanh niên đều được mặc váy yếm đào, trang điểm khăn mỏ quạ y như những người con gái thôn quê. Phía trước bụng mỗi người đeo một cái trống dài gọi là trống bồng.

Hát trống quân là lối hát ví von, đối đáp giao duyên gắn liền với sinh hoạt cộng đồng trong suốt chiều dài lịch sử của người dân quê nhãn Hưng Yên. Ngày nay, hát Trống quân đang phát triển ở nhiều nơi và được bảo tồn, lưu giữ.

Hát Xoan là di sản văn hóa độc đáo và là nét sinh hoạt văn hóa mang đặc trưng riêng của người dân đất Tổ. Hát Xoan gắn liền với việc thờ cúng Hùng Vương, một tín ngưỡng bắt nguồn từ việc thực hành thờ cúng tổ tiên của người Việt. Đây là loại hình dân ca nghi lễ, đa yếu tố.

Cồng chiêng gắn bó mật thiết với cuộc sống của người Tây Nguyên, là tiếng nói của tâm linh, tâm hồn con người, để diễn tả niềm vui, nỗi buồn trong cuộc sống, trong lao động và sinh hoạt hàng ngày của họ. Theo quan niệm của người Tây Nguyên, đằng sau mỗi chiếc cồng, chiêng đều ẩn chứa một vị thần. Vào những ngày hội, hình ảnh những vòng người nhảy múa quanh ngọn lửa thiêng, bên những vò rượu cần trong tiếng cồng chiêng vang vọng núi rừng, tạo cho Tây Nguyên một không gian lãng mạn và huyền ảo.

Xuất phát từ hình thức diễn xướng dân gian trong tín ngưỡng thờ Mẫu, nghệ thuật chầu văn tại Nam Định luôn gắn liền với nghi thức tụng ca công đức của thánh Mẫu Liễu Hạnh, các vị thần, vị thánh có công với đất nước.

Xòe Thái ở Sơn La ra đời đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa, tinh thần, kết nối cộng đồng. Xòe Thái trầm bổng, dựa trên nền nhạc đệm bằng khèn, bè trống mõ với ống nứa, gõ vào nhau tạo ra những âm thanh rộn ràng. Sự mềm mại, tinh tế của nghệ thuật xòe Thái ẩn chứa trong xòe vòng, xòe khăn, xòe nón, xòe quạt, xòe sạp, xòe nhạc, xòe chai.

Ca Huế là một thể loại âm nhạc cổ truyền của xứ Huế, bao gồm ca và đàn từ dòng nhạc dân gian bình dị và cung đình nhã nhạc, thanh cao. Với kĩ thuật đàn và hát, ca Huế đặc biệt tinh tế, mang đậm sắc thái địa phương, là cầu nối giữa nhạc cung đình và âm nhạc dân gian.

Theo Tuyên Quang Online