Du Lịch

Đưa khu du lịch Tân Trào trở thành trung tâm du lịch văn hóa, lịch sử cách mạng hàng đầu cả nước

Xếp hạng bài viết
UBND tỉnh Tuyên Quang đã ban hành Kế hoạch số 134/KH-UBND triển khai thực hiện quy hoạch tổng thể phát triển Khu du lịch Quốc gia Tân Trào đến năm 2030.

Kế hoạch nhằm cụ thể hóa các mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp về xây dựng phát triển Khu du lịch quốc gia Tân Trào theo quy hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 2073/QĐ-TTg ngày 22/12/2017; phát triển Khu du lịch quốc gia Tân Trào (sau đây gọi tắt là Khu du lịch) đáp ứng các tiêu chí trở thành Khu du lịch Quốc gia và là điểm đến du lịch hấp dẫn, có khả năng cạnh tranh, trên cơ sở khai thác các giá trị di tích cách mạng “Thủ đô khu giải phóng”, “Thủ đô kháng chiến”.

Bên cạnh đó, huy động các nguồn lực đầu tư cho phát triển Khu du lịch; tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, doanh nghiệp và nhà đầu tư nghiên cứu, tìm hiểu cơ hội và hợp tác đầu tư phát triển du lịch tại Khu du lịch. Tăng cường công tác quản lý nhà nước; đào tạo bồi dưỡng phát triển nguồn nhân lực du lịch; Liên kết với các khu du lịch trong tỉnh và các tỉnh trong vùng để tạo tuyến du lịch liên hoàn, đa dạng các sản phẩm du lịch; Đẩy mạnh công tác thông tin quảng bá xúc tiến đầu tư, xây dựng sản phẩm du lịch đặc thù, từng bước xây dựng thương hiệu cho Khu du lịch.

Mục tiêu của Kế hoạch đến năm 2025, Khu du lịch cơ bản đáp ứng các tiêu chí của Khu du lịch quốc gia; Phấn đấu đến năm 2030, Khu du lịch trở thành Khu du lịch quốc gia với hệ thống cơ sở vật chất kỹ thuật đồng bộ, sản phẩm du lịch chất lượng cao, có thương hiệu, sức cạnh tranh và trở thành một trong những trung tâm du lịch văn hóa, lịch sử cách mạng hàng đầu của vùng Trung du miền núi Bắc Bộ và cả nước. Cụ thể, phấn đấu đến năm 2025 đón khoảng 1,5 triệu lượt khách, trong đó khách quốc tế đạt 2.000 lượt; đến năm 2030 đón khoảng 2,0 triệu lượt khách, trong đó khách quốc tế đạt 35.000 lượt. Tổng thu từ khách du lịch năm 2025 đạt trên 600 tỷ đồng và năm 2030 đạt khoảng 1.650 tỷ đồng.

Một số nhiệm vụ và giải pháp cụ thể được đưa ra gồm: Nâng cao nhận thức của các tổ chức, doanh nghiệp, cộng đồng và người dân về hoạt động đầu tư kinh doanh dịch vụ du lịch trong Khu du lịch, chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật và quy chế của Ban Quản lý. Triển khai các dự án ưu tiên đầu tư hạ tầng hỗ trợ từ ngân sách nhà nước theo quy hoạch, trong đó ưu tiên hàng đầu phát triển hệ thống giao thông, hệ thống cấp điện, cấp nước khu du lịch, dự án thoát nước thải và vệ sinh môi trường khu du lịch, dự án phát triển hệ thống thông tin liên lạc khu du lịch….; hỗ trợ xúc tiến quảng bá; xây dựng thương hiệu; các dự án phát triển khu chức năng du lịch Tân Trào; dự án cải tạo cảnh quan môi trường sông Phó Đáy (đoạn từ thôn Bòng, xã Tân Trào đến Nà Ho, xã Trung Sơn), suối Khuôn Pén, hồ Nà Nưa; dự án phát triển bản du lịch cộng đồng thôn Tân Lập…. Đồng thời, tập trung ưu tiên đầu tư phát triển các sản phẩm du lịch chính, tạo ra sản phẩm du lịch đặc trưng, khác biệt và tạo dựng thương hiệu của Khu du lịch; Phối hợp gắn kết chặt chẽ trong khai thác các sản phẩm du lịch của các dự án đầu tư trong khu vực phụ cận tạo sự đa dạng các loại hình du lịch phục vụ nhu cầu của khách đến với khu du lịch. Liên kết phát triển sản phẩm du lịch với các khu, điểm du lịch khác của tỉnh Tuyên Quang; Xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng từng bước nâng cao chất lượng nguồn nhân lực du lịch theo giai đoạn và hàng năm cho Khu du lịch. Ngoài ra, tăng cường công tác quản lý môi trường du lịch, bảo đảm an ninh, an toàn cho khách du lịch; quy định cụ thể đối với các hoạt động dịch vụ du lịch và đối với du khách khi đến tham quan du lịch tại Khu du lịch; Tăng cường phối hợp giữa các ngành và các địa phương trong vùng quy hoạch Khu du lịch về công tác bảo vệ an ninh trật tự, quản lý tài nguyên và môi trường của Khu du lịch; gắn kết giữa công tác quản lý, bảo vệ, phát triển và sử dụng rừng bền vững với phát triển du lịch./.

Theo Báo điện tử Tổ Quốc.