Du Lịch

Lâm Bình cần có bước đi phù hợp để phát triển du lịch

Xếp hạng bài viết
Huyện Lâm Bình có nhiều tiềm năng, lợi thế để phát triển du lịch. Đó là cơ hội nhưng cũng là thách thức đối với huyện trong việc lựa chọn các giải pháp để phát huy. Trong khuôn khổ Hội thảo khoa học quốc tế “Du lịch Lâm Bình, Tuyên Quang: Tiềm năng, thực trạng và giải pháp”, phóng viên Báo Tuyên Quang online đã có cuộc trao đổi với các nhà nghiên cứu, chuyên gia du lịch về giải pháp phát triển du lịch huyện.


Phóng viên Báo Tuyên Quang online trao đổi với các tác giả tại hội thảo. Ảnh: Hoàng Thảo.

Theo quan điểm nghiên cứu của Phó Giáo sư, Tiến sỹ Dương Văn Sáu, Trưởng khoa Du lịch học, Trường Đại học Văn hóa Hà Nội: “Ở cửa ngõ của sự phát triển, du lịch Lâm Bình cần có những bước đi chính xác, chắc chắn, có tầm chiến lược lâu dài, có cơ chế chính sách thích ứng để thu hút đầu tư, tạo ra những thay đổi lớn trên các lĩnh vực”.

Ông đưa ra 7 gợi ý định hướng về du lịch Lâm Bình như cần phát triển giao thông thủy, bộ liên hoàn đặc thù; phát triển các cơ sở lưu trú đặc hiệu; xây dựng điểm check in Lâm Bình đặc hữu ấn tượng; xây dựng nguồn nhân lực phục vụ du lịch mang phong cách đặc trưng; sáng tạo văn hóa dân gian hiện đại đặc sắc phục vụ phát triển du lịch; ẩm thực và mua sắm sản vật đặc sản; bảo vệ môi trường du lịch…


Giáo sư Sirilak Sriphachan, Trường Đại học Sakon Nakhon​ (Thái Lan).

Giáo sư Sirilak Sriphachan đến từ Trường Đại học Sakon Nakhon, Thái Lan đã chia sẻ cách làm du lịch tại Isan – vùng Đông Bắc của xứ sở Chùa Vàng, đó là khai thác nguồn lợi du lịch từ phim ảnh. Tác giả cho rằng, với cảnh đẹp hùng vĩ, hoang sơ và các giá trị văn hóa đặc sắc của các đồng bào dân tộc ở Lâm Bình khá phù hợp để các đạo diễn làm bối cảnh quay phim. Thông qua các bộ phim sẽ thúc đẩy sở thích của người xem, bởi người xem muốn trực tiếp trải nghiệm thực tế để họ quyết định đến tham quan các địa điểm làm phim.

“Lâm Bình được ví như một viên ngọc quý không những cho Tuyên Quang mà cho cả vùng núi phía Bắc, vì chỉ trong một diện tích không lớn nhưng kết hợp được một cách tổng hòa của tất cả các nét đặc sắc về thiên nhiên đa dạng, văn hóa dân tộc và văn hóa nông nghiệp bản địa”, đó là đánh giá của Tiến sỹ Ngô Kiều Oanh, nguyên cán bộ Viện Khoa học Việt Nam.


Tiến sỹ Ngô Kiều Oanh.

Bà đã đưa ra 6 giải pháp làm nền tảng phát triển du lịch Lâm Bình trong giai đoạn 5 đến 10 năm: Xây dựng quy hoạch tổng thể về phát triển kinh tế – xã hội của huyện mang tính hệ thống và khoa học; tập trung ưu tiên các nguồn lực phát triển kinh tế du lịch, các biện pháp triệt để bảo vệ di sản thiên nhiên, văn hóa, nông nghiệp trong quá trình phát triển; cần xây dựng các mô hình kinh tế nông nghiệp điển hình tận dụng tối đa các nguồn vốn hỗ trợ như nông thôn mới, hữu cơ, OCOP, liên kết chuỗi nhằm tạo ra vùng nguyên liệu mang tính hàng hóa bền vững, tin cậy; xây dựng các mô hình phát trển kinh tế du lịch nông thôn, nông nghiệp gắn với nông thôn mới; xây dựng tư duy điều hành để đạt được các tiêu chí tạo ra những miền quê đáng sống; định hướng phát triển sản phẩm du lịch sức khỏe, du lịch y tế, trải nghiệm, nghiên cứu để thu hút lượng khách lưu trú dài ngày.

Tiến sỹ Vũ Quỳnh Loan, Trường Đại học Tân Trào đã đánh giá khái quát thực trạng và đưa ra các giải pháp khả thi truyền thông về du lịch Lâm Bình bằng mạng xã hội. Chị chia sẻ, du lịch Lâm Bình đã được “đánh thức” nhưng vẫn chưa “cất cánh”, doanh thu chưa tương xứng với tiềm năng, truyền thông, quảng bá trên các trang mạng xã hội chưa được đầu tư đúng mức. Qua khảo sát, tác giả nhận thấy Facebook và YouTube là hai mạng xã hội cơ bản được sử dụng nhiều nhất để giới thiệu, quảng bá du lịch huyện.


Tiến sỹ Nguyễn Quỳnh Loan.

Để nâng cao hiệu quả truyền thông của các trang mạng xã hội nhằm thúc đẩy phát triển du lịch huyện, chị cho rằng cần thành lập bộ phận chuyên trách có kiến thức, kỹ năng, thành thạo về mạng xã hội và internet marketing để xây dựng và quản trị các trang mạng xã hội về du lịch Lâm Bình; tổ chức các sự kiện trực tuyến như thi ảnh đẹp, chia sẻ ảnh, thi viết về các sản phẩm du lịch…; thông qua những người nổi tiếng tạo ảnh hưởng đến cộng đồng; tổ chức cho các đoàn báo chí, người viết blog du lịch nổi tiếng trong nước và quốc tế trực tiếp đến trải nghiệm và viết bài giới thiệu Lâm Bình.

Thông qua các nghiên cứu, chia sẻ, đánh giá chuyên sâu của các chuyên gia tại hội thảo, cấp ủy, chính quyền huyện Lâm Bình sẽ tiếp tục xây dựng, lựa chọn, điều chỉnh định hướng giải pháp để có bước đi phù hợp, phấn đấu đưa du lịch cơ bản trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của huyện đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030.

Theo Báo Tuyên Quang online.