Trong hơn 30 năm xây dựng và phát triển, Bảo tàng tỉnh đã sưu tầm, bảo quản 15.700 hiện vật, 8.700 tài liệu. Trung bình mỗi năm Bảo tàng tỉnh sưu tầm thêm khoảng 400 tài liệu, hiện vật bổ sung. Qua phân loại, Bảo tàng tỉnh đã chọn trưng bày giới thiệu với du khách khoảng trên 1.000 hiện vật, tài liệu tiêu biểu.
Trong số 15.700 hiện vật quý mà Bảo tàng tỉnh đang quản lý có Văn bia Bảo Ninh Sùng Phúc là Bảo vật quốc gia duy nhất của tỉnh Tuyên Quang đang được trưng bày, bảo quản tại chùa Bảo Ninh Sùng Phúc, xã Yên Nguyên (Chiêm Hóa). Bảo tàng tỉnh phối hợp với Ban Quản lý di tích chùa Bảo Ninh Sùng Phúc tăng cường công tác an ninh, bảo vệ. Cán bộ Bảo tàng tỉnh thường xuyên giám sát, đánh giá công tác bảo quản, bảo vệ bảo vật quốc gia của tỉnh tại xã Yên Nguyên.
Ngoài ra số tài liệu, hiện vật còn lại chủ yếu nằm trong kho của Bảo tàng tỉnh. Bà Ma Thị Nhung, Trưởng Phòng Sưu tầm, kiểm kê, bảo quản của Bảo tàng tỉnh chia sẻ, do thời tiết nước ta nóng ẩm, độ ẩm cao nên dễ làm cho hiện vật, tài liệu nhanh xuống cấp, hư hại, mục nát. Bởi vậy, Bảo tàng tỉnh luôn chú trọng công tác sưu tầm, phân loại và bảo quản. Kho của Bào tàng trước kia chỉ lắp quạt thông gió, máy hút ẩm, thì nay còn lắp thêm cả điều hòa. Bảo tàng tỉnh luôn chú trọng công tác phòng cháy chữa cháy, khử mối, côn trùng. Cơ quan còn phối hợp với Viện Khảo cổ học, Viện 69 tiến hành phun hóa chất bảo quản hiện vật, tài liệu, nhất là di cốt của người nguyên thủy. Đến nay cơ bản số tài liệu, hiện vật tại Bảo tàng tỉnh được bảo quản tốt.
Cán bộ sưu tầm hiện vật, tài liệu của Bảo tàng tỉnh vẫn đang tích cực đi cơ sở, bám sát địa bàn để nắm được thông tin. Qua đó đưa được nhiều hiện vật, tài liệu quý về Bảo tàng tỉnh phân loại, bảo quản, trưng bày. Tuy nhiên, số hiện vật, tài liệu khổng lồ lên đến 24.000 tài liệu, hiện vật, mà hiện nay mới có trên 1.000 tài liệu, hiện vật được trưng bày. Tiêu biểu như hiện vật Sanh đồng 12 ngăn của xã Bình An (Lâm Bình); Trống đồng Nhân Lý (Chiêm Hóa); Chuông đồng thời Vua Lê Hiển Tông tại xã Côn Lôn (Na Hang); Bếp lửa người nguyên thủy; bộ sưu tập đồ đồng thuộc văn hóa Đông Sơn, đồ đá thời tiền sơ sử… Bà Ma Hồng Huệ, Phó phòng Trưng bày, tuyên truyền khẳng định, nếu Đề án “Sưu tầm phục chế tài liệu, hiện vật, viết thuyết minh trưng bày” được thông qua, công tác trưng bày tài liệu, hiện vật sẽ có nhiều đổi mới. Nhiều cổ vật quý sẽ được trưng bày khoa học, đảm bảo an toàn. Bảo tàng tỉnh đã có tủ kính, camera giám sát nhưng vẫn chưa đủ. Các cổ vật quý cần được gắn chíp chống trộm, có tủ kính đủ bảo đảm an toàn để trưng bày cho công chúng tham quan.
Với chủ trương của tỉnh phát triển du lịch thành ngành kinh tế quan trọng, việc bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa, truyền thống lịch sử, cách mạng có vai trò quan trọng. Bảo tàng tỉnh nhận thấy đây cũng là địa chỉ rất cần thiết cho du khách dừng chân, tìm hiểu lịch sử, văn hóa của mảnh đất, con người xứ Tuyên xưa và nay. Do vậy, trong thời gian tới, Bảo tàng tỉnh tiếp tục tăng cường công tác sưu tầm, kiểm kê, phân loại, bảo quản và trưng bày hiện vật, tài liệu tại Bảo tàng tỉnh phục vụ cho việc lưu giữ cũng như nhu cầu tham quan của du khách.
Theo Tuyên Quang online