Kiến Thức - Chia Sẻ

Bật mí về nguồn gốc và ý nghĩa lịch sử ngày phụ nữ Việt Nam 20/10

Xếp hạng bài viết

20/10/2023 là kỉ niệm 93 năm ngày thành lập Hội liên hiệp Phụ nữ Việt Nam. Đây là một trong những ngày lễ đặc biệt để tôn vinh phái nữ. Ngày phụ nữ Việt Nam 20/10 hàng năm là dịp để “cánh mày râu” thể hiện tình cảm, sự yêu thương đến những người phụ nữ thân yêu của mình. Vậy, ngày 20/10 có nguồn gốc và ý nghĩa lịch sử như thế nào? Cùng chúng tôi đi khám phá chi tiết bên dưới đây.

Nguồn gốc của ngày phụ nữ Việt Nam 20/10

Nguồn gốc ngày phụ nữ Việt Nam 20/10
Ngày 20/10 là ngày kỷ niệm Hội Phụ nữ Phản đế Việt Nam đầu tiên trong lịch sử

Việt Nam là nền văn minh nông nghiệp, với nền tảng là nghề trồng lúa và thủ công nghiệp. Chính điều này đã đưa phụ nữ trở thành lực lượng lao động chính trong thời kỳ bấy giờ.

Ngoài ra, lịch sử Việt Nam còn trải qua những năm tháng dài kháng chiến chống lại sự xâm lược từ ngoại quốc. Trong các cuộc chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ đều có sự đóng góp to lớn của người phụ nữ. Họ là những “chiến binh” mạnh mẽ, dũng cảm, là hậu phương vững chắc, là người lao động siêng năng, sáng tạo và thông minh.

Đặc biệt, người phụ nữ Việt còn có vai trò quan trọng trong việc bảo tồn và phát triển văn hóa dân tộc. Ngoài ra, họ còn là những người mẹ dịu dàng, đảm đang và trung hậu, đã sinh ra những thế hệ anh hùng của dân tộc.

Từ năm 1927, các tổ chức quần chúng đã bắt đầu hình thành và thu hút lượng lớn phụ nữ tham gia. Bao gồm Công Hội Đỏ, Nông Hội Đỏ, các nhóm tương tế, tổ học nghề và các tổ chức riêng dành cho phụ nữ.

Vào năm 1927, ba chị em Nguyễn Thị Lưu, Nguyễn Thị Minh Lãng và Nguyễn Thị Thủy từ làng Phật Tích (Bắc Ninh) đã tham gia vào hoạt động của Thanh niên Cách mạng Đồng chí hội. Họ tiến hành công việc tuyên truyền, xây dựng tổ học nghề và giảng dạy chữ viết. Đồng thời, nhóm bà Thái Thị Bôi, bao gồm Lê Trung Lương, Nguyễn Thị Hồng và Huỳnh Thuyên đã tham gia vào các hoạt động tại trường nữ học Đồng Khánh.

Năm 1928, nhóm Nguyễn Thị Minh Khai cùng với Nguyễn Thị Phúc và Nguyễn Thị An tham gia vào hoạt động hội đỏ của Tân Việt. Họ liên kết với các bà Xân, Thiu, Nhuận và Liên để thành lập tờ báo Phụ nữ Giải phóng tại Vinh.

Năm 1930, trong phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh, có 12.946 phụ nữ tham gia vào Phụ nữ Giải phóng. Họ đồng hành cùng với nhân dân tham gia đấu tranh để thành lập chính quyền Xô Viết tại hơn 300 xã khác nhau.

Vào ngày 1/5/1930, bà Nguyễn Thị Thập tham gia lãnh đạo cuộc đấu tranh của hơn 4.000 nông dân. Trong đó có hàng ngàn phụ nữ ở hai huyện Châu Thành và Mỹ Tho.

Vào ngày 3/2/1930, Đảng Cộng sản Đông Dương được thành lập. Cương lĩnh chính trị đầu tiên của Đảng đã quy định rõ ràng về “Nam nữ bình quyền”. Đảng nhanh chóng nhận thức được vai trò quan trọng của người phụ nữ, không chỉ trong cuộc sống hàng ngày mà còn ở các cuộc chiến tranh kháng chiến của dân tộc. Phụ nữ được kêu gọi tham gia vào các tổ chức cách mạng như công hội và nông hội. Sau đó, họ thành lập tổ chức riêng tập trung các tầng lớp phụ nữ tham gia cách mạng.

Ngày 20/10/1930, Hội Phụ nữ Phản đế Việt Nam (nay là Hội Phụ nữ Việt Nam) được thành lập. Sự kiện này thể hiện sâu sắc quan điểm của Đảng về vai trò của người phụ nữ trong cách mạng.

Như vậy, ngày 20/10 hàng năm từ đó đến nay trở thành ngày kỷ niệm và tôn vinh người phụ nữ Việt Nam.

Ý nghĩa của ngày phụ nữ Việt Nam 20/10

Ý nghĩa ngày phụ nữ Việt Nam 20/10
20/10 hàng năm là ngày để tôn vinh vẻ đẹp duyên dáng, sự hy sinh của người phụ nữ Việt

Ngày 20/10/1930 đánh dấu sự ra đời lần đầu tiên của một tổ chức quần chúng phụ nữ trong lịch sử cách mạng nước ta. Mục tiêu của tổ chức này là tạo sự đoàn kết và động viên lực lượng phụ nữ tham gia tích cực vào sự nghiệp cách mạng của đất nước.

Với tổ chức của riêng mình, phụ nữ Việt Nam đã đóng góp quan trọng vào việc đưa Cách mạng tháng Tám đi đến thành công, giành độc lập cho đất nước và thiết lập chính quyền cách mạng nhân dân. Nhờ vào những đóng góp này, phụ nữ Việt Nam lần đầu tiên được cầm lá phiếu bầu cử, tham gia vào các hoạt động chính quyền và xã hội. Họ được đảm nhiệm các trọng trách quan trọng trong bộ máy Nhà nước và các tổ chức quần chúng.

Ngày 20/10 hàng năm đã được chọn là Ngày Phụ Nữ Việt Nam. Đây là sự công nhận của đất nước đối với những con người được Bác Hồ tặng 8 chữ vàng: “Anh hùng, Bất khuất, Trung hậu, Đảm đang”.

Ngày phụ nữ Việt Nam 20/10 là dịp để tôn vinh phái nữ, không chỉ bởi vẻ đẹp thướt tha bên ngoài mà còn là lòng can đảm, sự hy sinh, chịu thương chịu khó. 

20/10 cũng là dịp để mọi người nhớ đến vai trò và đóng góp quan trọng của người phụ nữ trong xã hội. Đây là sự ghi nhận của xã hội để giúp phái nữ tiếp tục nỗ lực và phát triển trong cuộc sống.

Những hoạt động trong ngày phụ nữ Việt Nam 20/10

Hoạt động ngày phụ nữ Việt Nam 20/10
Sự kiện trao giải thưởng cho phụ nữ tiêu biểu được thực hiện vào ngày 20/10

Vào ngày phụ nữ Việt Nam 20/10 hàng năm, Việt Nam luôn có nhiều hoạt động để tôn vinh phụ nữ. Nhiều cơ quan, đoàn thể đã thực hiện trao giải thưởng cho những phụ nữ xuất sắc, đạt thành tích cao trong các lĩnh vực khác nhau. Hay những bà mẹ Việt Nam anh hùng kiên trung được Nhà nước thăm nom và tặng những món quà ý nghĩa. 

Ngoài ra, các hoạt động văn nghệ chào mừng cũng được bố trí một cách tỉ mỉ. Những bài hát vinh danh phụ nữ được cất lên bởi những ca sĩ nổi tiếng như “Thu quyến rũ”, “Em hãy ngủ đi”, “Này em có nhớ”, “Áo dài Việt Nam”,…  

Bên cạnh đó, nhiều công ty, siêu thị và trung tâm thương mại cũng tổ chức các chương trình khuyến mãi dành riêng cho phụ nữ như sản phẩm giảm giá và quà tặng hấp dẫn.

Kết luận

Trên đây là toàn bộ thông tin liên quan tới nguồn gốc và ý nghĩa lịch sử của ngày phụ nữ Việt Nam 20/10. Hiện nay, phụ nữ hiện đại cũng phải chịu khá nhiều những áp lực, căng thẳng từ gia đình, công việc. Chính vì vậy, những lời chúc ý nghĩa, bó hoa tươi thắm, món quà nhỏ xinh,… sẽ là niềm khích lệ to lớn đối với chị em phụ nữ.