“Mỏ vàng” du lịch
Toàn tỉnh Tuyên Quang có trên 600 di tích lịch sử, văn hóa, danh lam thắng cảnh, trong đó có 3 di tích quốc gia đặc biệt, 138 di tích quốc gia, trên 250 di tích cấp tỉnh. Không chỉ phong phú về di tích vật thể, Tuyên Quang còn có sự đa dạng, đặc sắc về văn hóa phi vật thể với 10 di sản được công nhận cấp quốc gia.
Tuyên Quang là điểm đến đa hương sắc với các điểm nhấn như: Khu di tích quốc gia đặc biệt Tân Trào; Khu di tích quốc gia đặc biệt Kim Bình; Khu du lịch sinh thái Na Hang với diện tích rừng nguyên sinh rất lớn, có diện tích 8.000ha lòng hồ cùng với nhiều hang động, danh lam, thắng cảnh. Khu du lịch Suối khoáng Mỹ Lâm với nguồn nước khoáng nóng 680C độc đáo, tốt nhất miền Bắc cùng với hệ sinh thái hài hòa.
Đặc biệt, giá trị văn hóa các dân tộc trong tỉnh được phát huy, trong đó nhiều lễ hội đặc sắc trở thành sản phẩm du lịch độc đáo không đâu có, điển hình là Lễ hội Thành Tuyên, Lễ hội nhảy lửa, Lễ hội Lồng tông (có nơi gọi là Lồng tồng), giá trị văn hóa các dân tộc như hát Then, đàn Tính của dân tộc Tày; hát Páo dung, cấp sắc của dân tộc Dao…
Bà Âu Thị Mai, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Tuyên Quang cho biết, từ năm 2016 – 2019, tỉnh đã thu hút trên 6,7 triệu lượt khách du lịch, dự kiến đến hết năm 2020 tỉnh thu hút trên 8.783.600 lượt khách, tăng trưởng bình quân giai đoạn 2015 – 2020 đạt 9,6%. Tổng thu từ khách du lịch giai đoạn 2016 – 2019, đạt 5.925 tỷ đồng; dự kiến đến hết năm 2016 – 2020 đạt 7.826 tỷ đồng. Tăng trưởng bình quân giai đoạn 2015 – 2020 đạt 12%. Tạo việc làm cho khoảng 14.600 lao động ngành dịch vụ du lịch.
Một nghi lễ trong Lễ hội Lồng tông.
Ngành kinh tế mũi nhọn
Trong vài năm trở lại đây, Tuyên Quang đã huy động nguồn lực đầu tư nâng cấp, xây dựng mới hệ thống giao thông từng bước đồng bộ, đáp ứng yêu cầu phát triển du lịch.
Đặc biệt, UBND tỉnh đã triển khai thực hiện Đề án Xây dựng hệ thống du lịch thông minh tỉnh Tuyên Quang, giai đoạn 2019 – 2022, tầm nhìn đến năm 2025.
Theo thống kê, trên địa bàn tỉnh hiện có 335 cơ sở lưu trú, trong đó có 1 khách sạn 4 sao, trên 250 nhà hàng ẩm thực có quy mô lớn. Chú trọng khai thác các món ăn truyền thống của địa phương và các dân tộc đã tạo được nét riêng độc đáo của Tuyên Quang. Tỉnh tạo điều kiện thuận lợi để các công ty lữ hành hoạt động đưa đón khách du lịch đến với Tuyên Quang. Đến nay, tỉnh có 15 công ty lữ hành đang hoạt động.
Không chỉ vậy, nhiều nhà đầu tư có tiềm năng, kinh nghiệm trong hoạt động du lịch đã triển khai các dự án trên địa bàn tỉnh, như: Tập đoàn Mường Thanh; Tập đoàn Vingroup với các hạng mục như: Khách sạn, khu biệt thự nghỉ dưỡng, dịch vụ khám chữa bệnh bằng liệu pháp trị liệu nước khoáng nóng, sân Golf…
Theo bà Âu Thị Mai, một trong những kết quả đáng chú ý của du lịch Tuyên Quang là đã có những bước đi đầu tiên trong triển khai ứng dụng hiệu quả công nghệ vào phát triển du lịch. Vừa qua, tỉnh đã khai trương Cổng Thông tin du lịch và ứng dụng du lịch thông minh trên thiết bị di động kết hợp bản đồ số du lịch tỉnh Tuyên Quang. Từ đó, tạo thuận lợi cho du khách tìm hiểu, tra cứu thông tin, trải nghiệm trong hành trình du lịch đến xứ Tuyên đồng thời giúp doanh nghiệp du lịch quảng bá, cung cấp thông tin cho khách du lịch nhanh chóng, tiết kiệm, thúc đẩy hoạt động du lịch hiệu quả hơn…
Theo Cổng TTĐT tỉnh Tuyên Quang.