Thông tin

Ý nghĩa nhân văn trong tranh thờ cổ của người Dao

Xếp hạng bài viết
Trong các nghi lễ thờ cúng của người Dao không thể thiếu tranh thờ. Loại tranh này được treo chỗ trang trọng, không chỉ thể hiện niềm tin của con người về thần linh, vũ trụ, các hiện tượng trong cuộc sống từ thuở xa xưa, mà còn có ý nghĩa giáo dục con người hướng thiện. Hiện nay có rất nhiều bộ tranh thờ cổ của người Dao có tuổi đời hàng trăm năm, như sợi dây kết nối tâm linh truyền từ đời này qua đời khác.

Hệ thống tranh thờ của người Dao rất phong phú, hình vẽ trên tranh thể hiện từ thời sơ khai của người Dao về nguồn gốc hình thành vũ trụ, mối quan hệ giữa vạn vật, trong đó có con người. Theo dòng chảy thời gian, tranh thờ cổ của người Dao đã mai một phần nào, tuy nhiên thế hệ người Dao ngày nay luôn có ý thức giữ gìn “báu vật” của tổ tiên.

Bộ tranh thờ cổ của người Dao được ông Phùng Chương Chí, xã Thổ Bình (Lâm Bình) gìn giữ cẩn thận.

Ông Phùng Chương Chí, xã Thổ Bình (Lâm Bình) sở hữu bộ tranh thờ 120 năm tuổi cho biết, dòng họ ông nhiều đời làm thầy tạo nên bộ tranh này được lưu truyền qua bao đời của họ Phùng. Tranh chỉ được mở ra đúng vào dịp tổ chức nghi lễ sau đó sẽ được bọc kỹ, gói ghém cẩn thận cất vào hòm. Có người treo tranh lên xà nhà gần gian bếp lửa để tránh ẩm mốc hư hỏng. Trước khi mở phải làm các thủ tục như thắp hương, thổi tù và gọi thánh thần…

Tranh của người Dao thể hiện quan niệm của con người thuở sơ khai về vũ trụ. Trong đó, thần tiên chính là thế lực vô cùng quan trọng bảo trợ cho cuộc sống của con người. Có 3 vị thần cai quản ở 3 nơi là Ngọc Thanh (thần cai quản trên trời), Thượng Thanh (thần cai quản trần gian), Thái Thanh (thần cai quản âm phủ). Trong 3 vị thần linh này thì Ngọc Thanh có vị trí cao hơn cả. Gia đình anh Bàn Văn Nghĩa, thôn Thanh Bình, xã Minh Thanh (Sơn Dương) sở hữu bộ tranh 200 năm tuổi. Đây là bộ tranh thờ của người Dao Coóc mùn. Anh Nghĩa chia sẻ, các lễ, Tết khác nhau của người Dao lại có những loại tranh riêng, trong đó phổ biến nhất là bộ tranh Tam Tượng và bộ Đại đường quân. 2 bộ tranh này dòng họ nào cũng phải có, bởi nếu không có thì không thể tiến hành các nghi lễ cúng của dòng họ được. Bộ tranh cổ này là “báu vật” của dòng họ, nếu ai làm mất hay hỏng thì có lỗi với tổ tiên. Người nào được lưu giữ bộ tranh cổ là một vinh dự và trọng trách rất lớn.

Tranh thờ người Dao khá nhiều màu sắc nhưng chủ yếu là những gam màu cơ bản như đen, trắng, vàng, đỏ, xanh… Tuy nhiên theo thời gian thì những màu sắc của những bộ tranh cổ không còn đậm nét. Theo quy định thì trang phục của Ngọc Thanh là màu xanh da trời, màu xanh lá cây, màu trắng; tranh vẽ Thượng Thanh thì chủ đạo là màu xanh lá cây, xanh da trời, nâu sẫm và Thái Thanh thì chủ yếu là màu đỏ, đen, vàng.

Trong các nghi lễ thờ cúng của người Dao luôn được bà con trong dòng họ, làng bản đến tụ họp rất đông. Các bức tranh cúng thường được treo trên vách hoặc tường nhà được những người hiểu biết về nội dung chỉ dẫn cho người chưa biết. Nội dung trong tranh thờ cúng của người Dao chứa đựng nhiều giá trị giáo dục, tính nhân văn cao cả cho con người. Nghệ nhân Phàn Văn Phú, xã Tân Thành (Hàm Yên) chia sẻ, người Dao cho rằng các vị thần linh luôn nhìn thấu mọi việc của con người và sẵn sàng phạt người nào làm việc ác. Chỉ cần nhìn tranh các vị thần được khắc họa oai nghiêm, dữ dằn như bức Tứ đại Nguyên Soái Tam Thanh thì ai có ý nghĩ xấu xa, những mưu đồ đen tối sẽ bị đẩy lùi. Điều này đã tạo được sức lan tỏa trong giáo dục, mang lại niềm tin hướng con người đến những điều tốt đẹp.

Tranh thờ cúng của người Dao chứa đựng giá trị giáo dục tính nhân văn cho con người. Các bức tranh cúng thường treo kín trên vách nhà được thế hệ trước giảng giải cho thế hệ sau. Vì thế, tục thờ tranh dân gian được người Dao bảo tồn từ đời này qua đời khác tạo nên nét đẹp văn hóa riêng biệt.

Theo Báo Tuyên Quang online