Du Lịch

Du lịch Tuyên Quang: thành tựu một nhiệm kỳ

Xếp hạng bài viết
Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI, nhiệm kỳ 2015-2020 đã xác định: Khai thác tiềm năng để phát triển du lịch là một trong ba khâu đột phá. Sau một nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết, du lịch Tuyên Quang đã và đang có những bước chuyển mình mạnh mẽ, dần khai thác và phát huy được tiềm năng, thế mạnh, trở thành ngành kinh tế quan trọng. Chúng tôi đã có cuộc trò chuyện với đồng chí Âu Thị Mai, Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch để độc giả có cái nhìn tổng thể về những thành tựu mà ngành du lịch đã đạt được trong thời gian qua, cùng nhiệm vụ phát triển trong thời gian tới.

Phóng viên: Xin đồng chí khái quát cho độc giả biết tiềm năng, lợi thế để phát triển du lịch của tỉnh?

Đồng chí Âu Thị Mai: Tuyên Quang sở hữu nhiều điều kiện để phát triển tốt các loại hình du lịch, trong đó nổi bật là Khu di tích Quốc gia đặc biệt Tân Trào; Khu di tích Quốc gia đặc biệt Kim Bình; Khu du lịch sinh thái Na Hang với diện tích rừng nguyên sinh rộng lớn trên 8.000 ha lòng hồ cùng với nhiều hang động, danh lam, thắng cảnh là điều kiện phát triển du lịch sinh thái, mạo hiểm.

Khu du lịch Suối khoáng Mỹ Lâm với nguồn nước khoáng nóng 680C độc  đáo tốt nhất miền Bắc cùng với hệ sinh thái hài hòa là điều kiện lý tưởng để phát triển du lịch nghỉ dưỡng.

Tuyên Quang là một vùng văn hóa đa hương sắc với 22 dân tộc cùng sinh sống, mỗi một dân tộc lại có những nét văn hóa riêng của mình. Cái riêng kết hợp cùng với cái chung tạo thành nét độc đáo trong văn hóa tín ngưỡng. “Thực hành Then của người Tày, Nùng, Thái” của Việt Nam đã chính thức được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

Tuyên Quang còn được nhắc đến với tên gọi “Đất mẫu linh thiêng”, vì chỉ tính riêng thành phố Tuyên Quang đã có 13 ngôi đền thờ mẫu. Phát triển du lịch tâm linh càng thuận lợi hơn khi “Thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt” đã được UNESCO vinh danh là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

Đặc biệt, lễ hội Thành Tuyên – điểm nhấn quan trọng trong phát triển du lịch, quảng bá con người, quê hương Xứ Tuyên đến bạn bè, du khách gần xa và đã được sách kỷ lục Guinness Việt Nam xác nhận kỷ lục lễ hội có nhiều mô hình đèn Trung thu độc đáo, lớn nhất Việt Nam.

Các lễ hội độc đáo của tỉnh như: Lễ hội Lồng tông, nghi lễ hát Then của người Tày; Lễ hội cấp sắc, hát Páo Dung của người Dao; hát Soọng Cô của người Sán Dìu; hát Sình Ca của người Cao Lan, được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia.

Phóng viên: Xin đồng chí cho biết những điểm nhấn trong 5 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI về phát triển ngành kinh tế du lịch?

Đồng chí Âu Thị Mai: Trong 5 năm qua, Tuyên Quang đã tập trung phát triển sản phẩm du lịch phù hợp với tiềm năng, lợi thế của tỉnh, như: Du lịch lịch sử – văn hóa; du lịch lễ hội, du lịch sinh thái, du lịch nghỉ dưỡng, du lịch tâm linh du lịch cộng đồng.

Du khách trải nghiệm ruộng bậc thang xã Hồng Thái (Na Hang). Ảnh: Quốc Việt

Đối với loại hình du lịch lịch sử, văn hóa: Với mục tiêu bảo tồn, tôn tạo khu di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Tân Trào, gắn với phát triển du lịch, Tổng cục Du lịch (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) phối hợp với tỉnh Tuyên Quang xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển Khu du lịch quốc gia Tân Trào, đến năm 2030 Khu du lịch Tân Trào cơ bản đáp ứng các tiêu chí của Khu du lịch quốc gia. Đồng thời tỉnh đã tập trung kêu gọi xã hội hóa và bố trí nguồn lực để triển khai thực hiện Quy hoạch tổng thể bảo quản, tu bổ, phục hồi và phát huy giá trị di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Tân Trào, tỉnh Tuyên Quang gắn với phát triển du lịch đến năm 2025, với các hạng mục công trình: Xây dựng Nhà bảo tàng và Phòng chiếu phim; Khu tưởng niệm các vị tiền bối cách mạng; Cải tạo nâng cấp Quảng trường Tân Trào và xây dựng Khu đón tiếp khách. UBND tỉnh cũng đã chấp thuận chủ trương Dự án Khu du lịch sinh thái và dịch vụ thể thao Sơn Dương (khu A) tại xã Minh Thanh và xã Tú Thịnh, huyện Sơn Dương cho nhà đầu tư Công ty cổ phần Tập đoàn FLC, hiện nay Tập đoàn FLC đang phối hợp với các sở, ngành liên quan lập Quy hoạch chi tiết Dự án, tiến hành bồi thường giải phóng mặt bằng. Cùng với đó, công tác xúc tiến quảng bá được tăng cường thông qua nhiều hình thức như lập website riêng của Khu du lịch quốc gia song ngữ Việt – Anh; trang bị phòng cung cấp thông tin trình chiếu phục vụ khách du lịch; phát hành tờ rơi, tập gấp, sách ảnh về khu du lịch; tổ chức tuyên truyền, hội thảo khẳng định giá trị khu di tích; kịp thời tu bổ, tôn tạo các điểm di tích; nâng cao chất lượng hướng dẫn, thuyết minh phục vụ du khách; mở rộng tuyến tham quan. Khu di tích quốc gia đặc biệt Kim Bình (huyện Chiêm Hóa); Khu di tích Làng Ngòi – Đá Bàn (Yên Sơn)…từng bước được đầu tư tôn tạo, thu hút khách tham quan.

Xem thêm:  Thác mơ Tuyên Quang địa điểm du lịch lý tưởng không thể bỏ lỡ

Đối với du lịch lễ hội: Tỉnh đã duy trì thành công Lễ hội Thành Tuyên hàng năm với cách thức tổ chức ngày càng chuyên nghiệp, gắn với các sự kiện văn hóa cấp quốc gia, khu vực đã tạo được điểm nhấn và trở thành sản phẩm du lịch độc đáo, riêng có của tỉnh. Các huyện, thành phố tiếp tục duy trì các lễ hội truyền thống, đồng thời chú trọng khai thác và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của địa phương để xây dựng sản phẩm du lịch lễ hội mang đặc trưng riêng, phục vụ khách du lịch khi có nhu cầu, tiêu biểu như Lễ hội nhảy lửa của người Pà Thẻn, xã Hồng Quang, huyện Lâm Bình; Lễ hội Động Tiên – chợ quê, Lễ hội Đền Thác Cái, Lễ hội chợ Thụt (Hàm Yên); Lễ hội Lồng Tông (Chiêm Hóa, Na Hang, Lâm Bình, Lễ hội Giếng Tanh (Yên Sơn); Lễ hội Đền Hạ, Lễ hội Chùa Hang (thành phố Tuyên Quang)… góp phần bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống, thu hút đông đảo du khách trong và ngoài tỉnh đến tham dự.

Đối với Du lịch sinh thái và nghỉ dưỡng: Khu du lịch suối khoáng Mỹ Lâm đã thu hút 6 doanh nghiệp lớn đang đầu tư phát triển dịch vụ du lịch, trong đó có Dự án Khu du lịch nghỉ dưỡng Vinpearl Tuyên Quang, đầu tư hạng mục: Khu biệt thự nghỉ dưỡng; khu dịch vụ khám chữa bệnh bằng liệu pháp trị liệu nước khoáng nóng; khu khoáng nóng; khu dịch vụ Clubhouse; sân Golf Mỹ Lâm. Dự án đầu tư xây dựng sân golf và làng du lịch sinh thái Mimosa… Đây sẽ là điều kiện để đưa Khu du lịch suối khoáng Mỹ Lâm trở thành khu du lịch dịch vụ tổng hợp cao cấp, tạo đà thúc đẩy du lịch của tỉnh phát triển bền vững. Ngoài ra, đã xây dựng nhãn hiệu “Nước khoáng thiên nhiên Mỹ Lâm” được Cục Sở hữu trí tuệ – Bộ Khoa học và Công nghệ cấp, là điều kiện thuận lợi để xây dựng thương hiệu sản phẩm nước khoáng cũng như quảng bá giá trị nguồn nước khoáng, tạo thương hiệu điểm đến, nâng cao khả năng cạnh tranh của khu du lịch. Khu bảo tồn thiên nhiên Na Hang – Lâm Bình đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận danh thắng quốc gia đặc biệt và đã trở thành một điểm đến của đông đảo du khách; đồng thời là điều kiện thuận lợi để tỉnh phối hợp với tỉnh Bắc Kạn xây dựng hồ sơ Khu Di sản thiên nhiên Ba Bể (tỉnh Bắc Kạn) – Na Hang (tỉnh Tuyên Quang) đệ trình UNESCO công nhận là di sản thiên nhiên thế giới.

Đối với Du lịch tâm linh: Đã khẳng định được thương hiệu Tuyên Quang là “Vùng đất linh thiêng”, “Miền đất Mẫu” được nhiều du khách trong cả nước tìm đến chiêm bái. Nhằm đưa du lịch tâm linh Tuyên Quang trở thành một trong những trung tâm du lịch tâm linh vùng Trung du và miền núi phía Bắc, Ủy ban nhân dân tỉnh đã phê duyệt Đề án phát triển du lịch tâm linh trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang.

Đối với du lịch cộng đồng: Các huyện đã tập trung triển khai xây dựng đề án phát triển du lịch cộng đồng và đã hình thành một số điểm thu hút đông đảo khách du lịch tham quan, trải nghiệm, tiểu biểu như: điểm du lịch cộng đồng tại thác Bản Ba (huyện Chiêm Hóa); thôn Nà Tông, xã Thượng Lâm, thôn Nặm Đíp, xã Lăng Can (huyện Lâm Bình); thôn Nà Khá xã Năng Khả, thôn Khau Tràng xã Hồng Thái (huyện Na Hang); thôn Giếng Tanh, xã Kim Phú (thành phố Tuyên Quang)… Thông qua đó, người dân đã nhìn nhận thấy lợi ích tích cực của du lịch cộng đồng mang lại, tập trung đầu tư, chỉnh trang nhà cửa tiếp tục phát triển, mở rộng các mô hình homestay để đón khách du lịch. Đã có doanh nghiệp lữ hành liên kết đầu tư cùng khai thác phát triển cộng đồng bước đầu đã phát huy hiệu quả (Công ty TNHH Thương mại và Du lịch Năm Sao chi nhánh tại Tuyên Quang đầu tư tại thôn Nặm Đíp xã Lăng Can, thôn Bản Bon xã Phúc Yên huyện Lâm Bình).

Xem thêm:  Top 3 điểm đến hấp dẫn và độc đáo khi du lịch Tuyên Quang

Một trong những điểm nhấn nữa là ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã có những bước đi đầu tiên trong triển khai ứng dụng hiệu quả công nghệ vào phát triển du lịch. Sở đã trình Ủy ban nhân dân tỉnh đã phê duyệt Đề án “Xây dựng hệ thống Du lịch thông minh tỉnh Tuyên Quang giai đoạn 2019-2022, tầm nhìn đến 2025”, xây dựng và khai trương Cổng Thông tin du lịch và ứng dụng du lịch thông minh trên thiết bị di động kết hợp bản đồ số du lịch tỉnh Tuyên Quang để tạo thuận lợi cho du khách tìm hiểu, tra cứu thông tin, trải nghiệm trong hành trình du lịch đến Tuyên Quang đồng thời giúp doanh nghiệp du lịch quảng bá, cung cấp thông tin cho khách du lịch nhanh chóng, tiết kiệm và thúc đẩy hoạt động du lịch hiệu quả.

Từ năm 2016 – 2019, tỉnh đã thu hút trên 6,7 triệu lượt khách du lịch,  dự kiến đến hết năm 2020 tỉnh thu hút trên 8.783.600 lượt khách, đạt 100% so với mục tiêu nghị quyết, tăng trưởng bình quân giai đoạn 2015-2020 đạt 9,6%. Tổng thu từ khách du lịch giai đoạn 2016 – 2019, đạt 5.925 tỷ đồng; dự kiến đến hết năm 2016-2020 đạt 7.826 tỷ đồng. Tăng trưởng bình quân giai đoạn 2015-2020 đạt 12%. Tạo việc làm cho khoảng 14.600 lao động ngành dịch vụ du lịch.

Phóng viên: Xin đồng chí cho biết nhiệm vụ trọng tâm để phát triển du lịch của tỉnh trong thời gian tới?

Đồng chí Âu Thị Mai: Trong thời gian tới, tỉnh tiếp tục tạo môi trường thuận lợi cho doanh nghiệp và cộng đồng phát triển du lịch. Tiếp tục mời gọi, thu hút các doanh nghiệp có tiềm lực đầu tư vào khai thác hoạt động du lịch, dịch vụ tại tỉnh. Khuyến khích thành lập các doanh nghiệp lữ hành. Có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp kinh doanh du lịch; hỗ trợ người dân trực tiếp tham gia kinh doanh và hưởng lợi từ du lịch. Khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư phát triển các loại hình du lịch sinh thái nghỉ dưỡng gắn liền với sản xuất nông nghiệp. Tăng cường các biện pháp huy động nguồn quỹ và nâng cao hiệu quả Quỹ Hỗ trợ phát triển du lịch của tỉnh, tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân được hỗ trợ kinh phí thực hiện các chương trình, dự án phát triển du lịch.

Tổ chức có hiệu quả các hoạt động xúc tiến đầu tư, quảng bá du lịch; tăng cường liên kết, hợp tác trong nước và nước ngoài; đa dạng hoá loại hình du lịch, kết nối tua du lịch liên tỉnh và quốc tế, nhất là với các trung tâm du lịch lớn.

Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cả về quản lý nhà nước, quản trị doanh nghiệp và lao động nghề du lịch, đặc biệt là nâng cao kỹ năng nghề, ngoại ngữ và đạo đức nghề nghiệp cho lực lượng lao động ngành du lịch; chú trọng bồi dưỡng nghiệp vụ du lịch cho cộng đồng dân cư tại các bản làng, các điểm du lịch. Tổ chức tôn vinh các doanh nhân, doanh nghiệp du lịch tiêu biểu trên địa bàn tỉnh; tổ chức các hội thi tay nghề trong lĩnh vực du lịch.

Tăng cường năng lực và hiệu quả quản lý nhà nước về du lịch. Nâng cao hiệu quả hoạt động Ban Quản lý các khu du lịch tỉnh đáp ứng yêu cầu phát triển du lịch trong tình hình mới; thành lập Hiệp hội Du lịch tỉnh Tuyên Quang. Giao trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy và chính quyền các cấp trong tổ chức triển khai, quản lý hoạt động du lịch; bảo đảm vệ sinh môi trường và an toàn thực phẩm, xây dựng môi trường du lịch văn minh, an toàn, thân thiện.

Phóng viên: Xin cảm ơn đồng chí!

Theo Cổng TTĐT Tuyên Quang.