Du Lịch

Khám phá chùa Châu Thới – ngôi chùa cổ xưa nhất Đông Nam Bộ

5/5 - (1 bình chọn)

Bình Dương luôn nổi tiếng với những điều độc đáo và hấp dẫn. Nơi đây có một ngôi chùa cổ rất linh thiêng tọa lạc trên đỉnh một ngọn núi có tên là chùa Châu Thới. Ngôi cổ tự này ẩn chứa rất nhiều điều đặc biệt, tìm hiểu ngay trong bài viết dưới đây!

Địa chỉ cụ thể chùa Châu Thới

địa chỉ chùa châu thới
Chùa Châu Thới nằm tại tỉnh Bình Dương

Chùa Châu Thới nằm trên đỉnh núi Châu Thới, thuộc xã Bình An, huyện Dĩ An, tỉnh Bình Dương. Chùa cách thành phố Hồ Chí Minh 30km về phía Đông Bắc và cách thành phố Thủ Dầu Một 20km về phía Tây. Ngôi cổ tự này nằm ở vị trí thuận lợi tiếp giáp với sông Đồng Nai, nằm trên trục đường lớn nối TP. Hồ Chí Minh – Bình Dương – Bà Rịa Vũng Tàu.

Ngôi chùa này được mệnh danh là chốn bồng lai tiên cảnh của tỉnh Bình Dương. Tọa lạc ở độ cao 82m so với mặt nước biển, chùa Châu Thới luôn ẩn hiện sau những hàng cây xanh rì, bao quanh bởi nhiều hồ nhân tạo mang lại một khung cảnh tuyệt đẹp giữa một vùng đồng bằng rộng lớn.

Đường đến chùa Châu Thới

đường lên chùa châu thới
Đường leo bộ lên chùa Châu Thới

Du khách có thể dễ dàng di chuyển từ TP. Hồ Chí Minh đến chùa Châu Thới bằng nhiều phương tiện như: ô tô, xe máy hoặc xe buýt.

  • Xe ô tô, xe máy: Chạy dọc theo tuyến đường Trường Chinh đến xa lộ Hà Nội. Sau đó, tiếp tục chạy thẳng theo xa lộ Hà Nội/QL1A và quốc lộ 1K thì bạn sẽ đến được ấp Châu Thới, xã Bình An, thành phố Dĩ An. Bạn tiếp tục đi theo đường lớn đến xã Bình Thắng sẽ nhìn thấy núi Châu Thới và chùa Châu Thới nằm trên đỉnh núi.
  • Xe buýt: Xuất phát từ bến xe miền Tây, bạn có thể bắt xe buýt số 601 để di chuyển khoảng 60 phút đến thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai. Sau đó, bạn bắt tiếp xe số 5 hướng đi Biên Hòa – Chợ To để đi đến trạm dừng tại chân núi Châu Thới, thời gian di chuyển chỉ khoảng 10 phút.

Sau khi đến chân núi, bạn sẽ có hai sự lựa chọn để đi lên chùa Châu Thới:

  • Chạy thẳng thêm một đoạn nữa sẽ có con đường dành cho xe đi lên núi tới chùa Châu Thới.
  • Gửi xe tại các khu gửi xe dưới chân núi (nhớ hỏi kỹ giá gửi xe). Sau đó, leo bộ khoảng 220 bậc thang xi măng để lên chùa Châu Thới, vừa đi vừa ngắm cảnh thiên nhiên tuyệt đẹp.

Lịch sử xây dựng chùa Châu Thới

lịch sử chùa châu thới
Lịch sử hàng trăm năm của chùa Châu Thới

Theo một số tài liệu ghi chép lịch sử, chùa Châu Thới được xây dựng vào năm 1612. Thời đó, thiền sư Khánh Long đang trên bước đường vân du hoằng pháp đi lên đồi Châu Thới đã thấy cảnh non nước hữu tình, thiền sư đã quyết định cất một thảo am nhỏ để tu tịnh. Sau đó, thảo am này được gọi với tên là chùa Hội Sơn và chùa Châu Thới như hiện nay.

Tuy nhiên, một số tư liệu lại ghi chép ngôi cổ tự này được xây dựng vào năm 1681. Dù là xây dựng vào năm 1612 hay 1681 thì ngôi chùa này vẫn là ngôi cổ tự xưa nhất tại Bình Dương nói riêng và Đông Nam Bộ nói chung.

Đến ngày 21 tháng 04 năm 1989, với những giá trị lịch sử, văn hóa, kiến trúc độc đáo, núi chùa Châu Thới đã được Bộ Văn hóa – Thông tin xếp hạng là Di tích lịch sử văn hóa và thắng cảnh cấp quốc gia.

Chùa Châu Thới linh thiêng, đặc biệt

chùa châu thới linh thiêng
Chùa Châu Thới có nhiều điểm kiến trúc độc đáo

Chùa Châu Thới là một trong những địa điểm du lịch tâm linh thu hút rất nhiều du khách đến tham quan. Ngôi chùa nổi tiếng linh thiêng kết hợp với kiến trúc độc đáo, nằm tại vị trí thuận lợi nên hàng năm có hàng triệu du khách thập phương ghé thăm.

Hòn đá trấn tại chùa

Nếu bạn chọn cách leo bộ qua 220 bậc thang lên chùa, bạn có thể bắt gặp một tảng đá lớn chắn ngay lối đi lên nằm ở bậc thứ 170. Hòn đá đặc biệt này được xem như hòn đá trấn tại chùa, người trong chùa thường gọi đó là đá “ông Tà”. Hiện nay, người dân và du khách đến đều bày biện cúng viếng, thắp nhang vái lạy tại đây.

Vào những năm 1990, khi bắt đầu xây dựng thêm 220 bậc thang lên chùa, người ta đã phải di dời rất nhiều tảng đá. Duy chỉ có mỗi tảng đá “ông Tà” là làm cách nào cũng không thể di dời đi được. Sư trụ trì chùa lúc bấy giờ đã mang sơn đến viết lên hòn đá 4 chữ Hán “Tà Lão Trung Sơn” nghĩa là “ông Tà giữ núi”. Cho đến nay, “ông Tà” vẫn luôn là một vật linh thiêng tại chùa Châu Thới.

Kiến trúc độc đáo

Trải qua hơn 400 năm lịch sử, chùa Châu Thới đã chịu không ít những tác động tàn phá bởi thời gian và chiến tranh. Mặc dù mất đi một số dấu tích, di vật nguyên thủy nhưng ngôi chùa vẫn giữ nguyên được kiến trúc vô cùng độc đáo.

Chùa gồm có ngôi chánh điện, điện thờ Ngũ Hành Nương Nương, Thiên Thủ Thiên Nhãn, Diêu Trì Kim Mẫu, Linh Sơn Thánh Mẫu và một điện thờ Ngọc Hoàng Thượng Đế.

Khi bước vào chùa, du khách sẽ được chiêm ngưỡng nhiều pho tượng đặc biệt. Bức tượng Quan Thế Âm chính là điểm nhấn của ngôi chùa. Bức tượng này được đúc bằng đồng và đá cẩm thạch lớn với hình ảnh Quan Thế Âm ngự trên đài hoa sen, trên tay cầm nhành liễu vẩy nước cam lồ trong bình thanh tịnh. Ngoài ra, chùa Châu Thới còn lưu giữ 3 pho tượng Phật bằng đá cổ và một pho tượng Quan Âm được đúc bằng gỗ mít hơn 100 năm.

Nét nổi bật trong kiến trúc của ngôi chùa còn là hình 2 con rồng dài hơn cả mét đặt ở đầu đao mái chùa được tạo thành từ nhiều mảnh gốm sứ màu sắc đa dạng gắn kết lại. Chùa có tổng cộng 9 con rồng với các đầu hướng đến mọi phương tạo sự sống động, thiêng liêng.

Bên cạnh nét kiến trúc độc đáo, đến đây, du khách còn cảm nhận được một không gian thanh tịnh, trong lành xua tam mọi lo lắng, buồn phiền.

Kết luận

Chùa Châu Thới là nơi hội tụ linh khí của đất trời, nổi tiếng linh thiêng tại Bình Dương. Nếu có cơ hội đến Bình Dương, bạn đừng bỏ qua địa điểm di tích tâm linh vô cùng độc đáo này nhé!