Lựa chọn nghỉ ngơi tại các homestay, du khách không chỉ đơn thuần đến để lưu trú, tham quan, trải nghiệm. Điều đặc biệt hơn cả, họ đến để được khám phá, thưởng thức những sắc màu, những giá trị văn hóa độc đáo của người dân bản địa.
Đồng chí Nguyễn Thị Thu Hà, Trưởng phòng Quản lý Du lịch, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho biết, toàn tỉnh hiện có 393 cơ sở lưu trú, trong đó có 77 homestay, tập trung chủ yếu ở địa bàn 2 huyện Na Hang, Lâm Bình, với 41/77 homestay (chiếm 53,2%) homestay trên địa bàn toàn tỉnh. Đây là mô hình du lịch cộng đồng giàu bản sắc, một không gian năng động mà ở đó, mỗi người dân làm du lịch đều có vai trò như một hướng dẫn viên, một “đại sứ” du lịch.
Thực tế cho thấy, phát triển du lịch không chỉ dựa vào các yếu tố thuận lợi của cảnh quan thiên nhiên, những hang động, thác nước nên thơ, hùng vỹ, những cánh đồng hoa gây thương nhớ… mà yếu tố đặc biệt nhất, gây ấn tượng mạnh mẽ nhất vẫn là con người và những nét văn hóa bản địa độc đáo, hấp dẫn.
Anh Hoàng Văn Minh, Giám đốc hợp tác xã Thanh niên Thượng Lâm, thôn Nà Tông, chủ homestay Tài Ngào (Lâm Bình) cho biết: Homestay Tài Ngào đi vào hoạt động được hơn 3 năm. Với 2 nhà sàn, homestay có thể đón tối đa 65 khách, tạo công ăn việc làm cho khoảng từ 8 – 10 lao động trực tiếp. Khách đến với homestay Tài Ngào sẽ được trải nghiệm các hoạt động như giã bánh dày, giao lưu văn hóa văn nghệ, đốt lửa trại, nhảy sạp, nghe hát Then, Páo dung, múa khèn Mông, múa Pà Thẻn, đạp xe tham quan bản làng, trải nghiệm nấu ăn tại homestay… Có thể nói, “hồn” của du lịch cộng đồng ở đây bắt nguồn từ sức hút văn hóa, thể hiện qua cuộc sống bình dị, thường nhật của người dân. Và những người trẻ hôm nay đang nỗ lực chuyển động, tạo ra các giá trị mới trên nền tảng các giá trị văn hóa truyền thống, góp phần tạo ấn tượng đẹp, xây dựng hình ảnh du lịch Lâm Bình thân thiện trong lòng du khách, nhằm từng bước hiện thực hóa ước mơ “nông thôn là nơi đáng sống, là nơi để quay về”…
Để hỗ trợ, đồng hành cùng người dân trong thực hiện mô hình du lịch còn khá mới mẻ này, 2 năm qua, ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch, các đơn vị, địa phương trong tỉnh đã mở 17 lớp tập huấn nâng cao kiến thức về hoạt động du lịch cho người dân, đặc biệt là kỹ năng làm du lịch cộng đồng. Là ngành kinh tế dịch vụ tổng hợp, hoạt động du lịch đòi hỏi mỗi người dân cần am hiểu sâu sắc lịch sử, bản sắc văn hóa dân tộc, địa phương mình. Mỗi người dân đều có thể trở thành một hướng dẫn viên, một “đại sứ” du lịch trong việc giới thiệu, quảng bá tới du khách các nét đẹp văn hóa riêng có của địa phương mình… cùng với đó là sự thân thiện, lối sống mộc mạc, ân tình của người dân bản địa… đã thu hút lượng du khách ngày càng lớn đến với các homestay.
Anh Triệu Văn Đội, chủ homestay Triệu Cường, thôn Nà Tông, xã Thượng Lâm (Lâm Bình) cho biết: ngoài những trải nghiệm như trực tiếp nướng cơm lam, dệt thổ cẩm, làm bánh trứng kiến, bánh chưng gù thì du khách rất mê đặc sản rau rừng. Làm du lịch, mình quan niệm văn hóa trước hết cần sạch và đẹp. Gia đình mình duy trì nghiêm nguyên tắc: nhà phải sạch, bếp sạch, nhà tắm, nhà vệ sinh phải sạch sẽ. Với khách, phải ân cần, chu đáo, tạo không khí thoải mái nhất cho du khách trải nghiệm, thư giãn… Anh Đội bảo mình trăn trở, ấp ủ nhiều ý tưởng lắm, chỉ mong sau này huyện quy hoạch để người dân có thể trồng bông trở lại. Khi bông nở, không chỉ tạo cảnh quan nên thơ, giàu bản sắc đặc trưng cho quê hương Lâm Bình mà còn tạo nguồn nguyên liệu tại chỗ cho những cô gái Tày, cô gái Dao ngồi se tơ, dệt thổ cẩm, giúp họ có thu nhập, nâng cao chất lượng cuộc sống…
Chia sẻ những cảm xúc, suy nghĩ của người lần đầu làm du lịch homestay, anh Nguyễn Ngọc Quý, chủ homestay Quý Hằng, thôn Động Sơn, xã Chân Sơn (Yên Sơn) cho biết: để thực hiện Đề án xây dựng Làng Văn hóa dân tộc Cao Lan gắn với phát triển du lịch cộng đồng của huyện, gia đình anh đã tiên phong chỉnh trang khuôn viên nhà sàn, mở homestay Quý Hằng. Anh bảo việc gì cũng phải mày mò, học hỏi từ đầu, từ làm mảng cho du khách trải nghiệm bơi mảng, khám phá Động Sơn, đến luyện tập các điệu múa dân gian dân tộc như múa chim gâu, múa xúc tép, cầu mùa… cùng với đó là chế biến các món ăn đặc sản truyền thống độc đáo, hấp dẫn của đồng bào Cao Lan. Anh Quý bảo, trước đây, mình chỉ cần chế biến món ăn ngon, đảm bảo vệ sinh là được, nhưng giờ làm du lịch, mình ý thức được cần học cách trang trí nữa, sao cho vừa ngon miệng, vệ sinh, lại vừa hấp dẫn, bắt mắt… nhằm mang đến những trải nghiệm ẩm thực đáng nhớ cho du khách khi đến với homestay Quý Hằng nói riêng và Động Sơn nói chung.
Để phát triển du lịch cộng đồng, phía trước còn rất nhiều việc phải làm trong việc tạo được nhiều hơn những điểm nhấn mới mẻ, những hoạt động trải nghiệm hấp dẫn giúp giữ chân du khách ở lại được lâu hơn, trở lại nhiều lần hơn… Trong đó, mỗi người dân cần phát huy vai trò của mình trong việc gìn giữ, bảo tồn văn hóa dân tộc. Vì chỉ khi từng người dân am hiểu sâu sắc lịch sử, bản sắc văn hóa dân tộc, địa phương mình mới có thể bảo tồn, giữ gìn tốt các giá trị văn hóa truyền thống, đồng thời với đó là việc tạo ra các giá trị mới, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống, tạo hiệu ứng tích cực trong phát triển kinh tế – xã hội địa phương.
Theo Báo Tuyên Quang