Du Lịch

Phải xây dựng được sản phẩm du lịch đặc trưng, hấp dẫn và có tính cạnh tranh nhất

Xếp hạng bài viết

Chiều 21-11, tại trụ sở UBND tỉnh, Ban Chỉ đạo tỉnh về du lịch họp đánh giá thực hiện Đề án tổng thể truyền thông về du lịch trên địa bàn tỉnh; tham gia góp ý vào Đề án phát triển sản phẩm du lịch đặc trưng tỉnh Tuyên Quang, giai đoạn 2022-2030. Đồng chí Hoàng Việt Phương, Ủy viên BCH Đảng bộ tỉnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì buổi họp.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Việt Phương chủ trì buổi họp.

Năm 2022 vượt qua đại dịch Covid-19, tỉnh và ngành Du lịch tỉnh có nhiều giải pháp quyết liệt để phục hồi du lịch. Các chuỗi sự kiện được tỉnh tạo ra để kích cầu du lịch như tổ chức Kỷ niệm 75 năm Bác Hồ trở lại Tuyên Quang lãnh đạo toàn quốc kháng chiến; Năm du lịch Tuyên Quang năm 2022; Lễ hội Khinh khí cầu quốc tế Tuyên Quang 2022; Lễ đón nhận Bằng ghi danh “Thực hành Then của người Tày, Nùng, Thái” ở Việt Nam và danh mục Di sản văn hóa đại diện của nhân loại và Lễ hội Thành Tuyên 2022; các huyện, thành tăng cường tổ chức các hoạt động nhằm thu hút khách du lịch. Ước năm 2022, tỉnh đón được trên 2,2 triệu lượt khách du lịch, ước đạt 104 % kế hoạch năm, tăng 47,7% so với cùng kỳ năm 2021. Tổng thu từ khách du lịch đạt 2.475 tỷ đồng, đạt 105% kế hoạch năm, tăng 66% so với cùng kỳ năm 2021.

Công tác quy hoạch du lịch, phát triển các sản phẩm du lịch, xúc tiến quảng bá, liên kết hợp tác, ứng dụng công nghệ thông tin có nhiều chuyển biến mạnh, tác động mạnh mẽ đến ngành du lịch tỉnh. Tuy nhiên kết cấu hạ tầng, cơ sở vật chất kỹ thuật, chất lượng dịch vụ du lịch một số khu, điểm du lịch còn hạn chế, chưa đáp ứng được tốc độ phát triển. Các điểm du lịch cộng đồng chưa khai thác, phát huy hết các giá trị văn hóa bản địa đặc sắc để phát triển. Các nhà đầu tư lớn vào phát triển du lịch của tỉnh không nhiều…

Tại buổi họp, các đại biểu tập trung thảo luận Đề án phát triển sản phẩm du lịch đặc trưng tỉnh Tuyên Quang, giai đoạn 2022-2030. Trong đó tập trung nhóm sản phẩm du lịch tham quan, nghiên cứu các di tích văn hóa lịch sử, cách mạng; sản phẩm du lịch nghỉ dưỡng kết hợp tắm khoáng nóng; sản phẩm du lịch tham quan, nghiên cứu sinh thái và trải nghiệm; sản phẩm du lịch văn hóa, lễ hội, tâm linh; sản phẩm du lịch nông nghiệp nông thôn bản địa công nghệ cao…

Kết luận buổi họp, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Việt Phương ghi nhận, biểu dương sự nỗ lực của các cấp, các ngành trong việc tập trung phát triển du lịch. Để du lịch Tuyên Quang phát huy hết tiềm năng, thế mạnh, bản sắc văn hóa, Phó Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị tiếp tục triển khai các giải pháp thực hiện Nghị quyết số 29 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về phát triển du lịch thành ngành kinh tế quan trọng của tỉnh. Các địa phương phải chọn ra các sản phẩm du lịch đặc trưng nhất, có tính hấp dẫn và cạnh tranh cao, đầu tư trọng tâm, trọng điểm để hoàn thành mục tiêu năm 2023 đón trên 2,5 triệu lượt khách du lịch, tổng doanh thu xã hội từ du lịch ước đạt 3000 tỷ đồng. Giao Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch; cơ quan tư vấn là Viện Kinh tế, Văn hóa thuộc Liên hiệp các Hội khoa học và Kỹ thuật Việt Nam tiếp thu, hoàn thiện Đề án Phát triển sản phẩm du lịch đặc trưng tỉnh Tuyên Quang, giai đoạn 2022-2030.

Theo Báo Tuyên Quang