Du Lịch

Viếng Chùa Vĩnh Tràng, di tích lịch sử lâu đời tại Tiền Giang

5/5 - (2 bình chọn)

Được mệnh danh là “Vương quốc trái cây” của cả nước. Tiền Giang còn là nơi nổi tiếng với các danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử lâu đời. Nhắc đến đây không thể không kể đến Chùa Vĩnh Tràng, để biết rõ về ngôi chùa linh thiêng này mời bạn đọc bài viết dưới đây.

Chùa Vĩnh Tràng ở đâu?

Chùa Vĩnh Tràng
Chùa Vĩnh Tràng – di tích lịch sử cấp quốc gia

Chùa Vĩnh Tràng tọa lạc trên đường Nguyễn Trung Trực, thành phố Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang. Đây là ngôi chùa mang nét đẹp giao thoa giữa kiến trúc Á – Âu nhưng vẫn giữ được nét đẹp truyền thống đậm đà bản sắc dân tộc Việt Nam.

Lịch sử, kiến trúc chùa Vĩnh Tràng

Kiến trúc chùa Vĩnh Tràng
Kiến trúc độc đáo – chùa Vĩnh Tràng Mỹ Tho

Chùa được dựng nên bởi ông Bùi Công Đạt, một vị quan dưới triều vua Minh Mạng nhà Nguyễn đầu thế kỷ 19 dưới sự trụ trì của Hòa thượng Huệ Đăng và cho đến năm 1984 thì nơi đây được công nhận là Di tích lịch sử – văn hóa cấp Quốc gia.

Chùa được xây dựng theo hình dáng chữ Quốc với 4 gian lần lượt nối tiếp nhau là Tiền đường, Chánh điện, nhà Tổ và nhà Hậu. Tổng khuôn viên chùa rộng 20.000m2 với lối kiến trúc vô cùng độc đáo và không kém phần nguy nga, tráng lệ. 

Được lấy cảm hứng từ sự giao thoa của kiến trúc phương Đông lẫn phương Tây. Trong đó có thể kể đến các nước Pháp, La Mã, Thái, Miên,  nhưng chủ yếu vẫn mang trong mình vẻ đẹp của kiến trúc điêu khắc truyền thống Việt Nam kỳ công phu và tinh xảo.

Do vậy mà phần bên ngoài của chùa mang dấu ấn của các nước bạn dựa trên những chi tiết cùng màu sắc trang trí.  Nhưng, khi vào đến bên trong thì lại nổi bật với kiến trúc Việt cùng tráng lệ với khung gỗ truyền thống, mái lợp ngói âm dương,…

Lý giải về tên ngôi chùa này, được Hòa thượng Thích Huệ Đăng đặt cho là Vĩnh Trường, với ngụ ý ước cho chùa được “Vĩnh cửu đối sơn hà, trường tồn tề thiên địa”. Tuy nhiên, cách gọi quen thuộc của người dân nơi đây lại là Vĩnh Tràng. Vì vậy, tên chùa Vĩnh Tràng được gọi đến ngày nay.

Đây là một trong những ngôi chùa nổi tiếng ở khu vực Nam Bộ, nơi người dân và du khách gần xa thường đến hành hương và lễ bái. Bên trong khuôn viên chùa thoáng đãng và yên bình, nổi bật nhất phải kể đến các pho tượng Phật đứng, tượng Phật nằm và tượng Phật cười.

Tham quan gì tại chùa Vĩnh Tràng

Tham quan chùa Vĩnh Tràng
Khuôn viên rộng 20.000m2 – chùa Vĩnh Tràng

Điều đầu tiên đến viếng chùa Vĩnh Tràng bạn sẽ thấy không gian ở đây quá rộng lớn. Vậy, đến chùa bạn sẽ được tham quan những gì mời bạn đọc tiếp bài viết.

Tòa tháp cao 7 tầng

Tòa tháp 7 tầng chùa vĩnh Tràng
Tòa tháp 7 tầng chùa Vĩnh Tràng – xây dựng vào năm 2015

Chùa Vĩnh Tràng có một tòa lầu tháp cao 7 tầng nằm ở khu vực phía sau, cạnh tượng Phật Thích Ca nằm. Đây là nơi lưu giữ tro cốt của các vị Phật tử và chư tăng trong chùa.

Bên cạnh đó, khu vực khuôn viên của chùa còn có nhiều góc nhỏ mang kiến trúc phương Tây rất đẹp, du khách có thể tha hồ ngắm cảnh, tản bộ và lưu giữ những bức ảnh sống ảo tuyệt đẹp tại đây.

Tượng Phật Thích Ca nằm

Tượng thích ca nằm
Tượng Phật Thích Ca nằm tại chùa Vĩnh Tràng – khung cảnh uy nghiêm

Tượng Phật Thích Ca nhập Niết Bàn hay còn gọi là tượng phật nằm được khởi công vào ngày 15/02/2012, và khánh thành ngày 26/03/2013 với đế dài 35m, cao 10m, nặng 250 tấn. Tượng Phật có sắc thái khuôn mặt rất an lạc, nhẹ nhàng khiến cho những du khách hành hương, vãn cảnh chùa đều cảm thấy thư thái và bình yên.

Xem thêm:  Viếng thăm di tích đền thờ Trương Định – Vị anh hùng bất khuất của dân tộc

Tượng Phật A Di Đà

Tượng Phật A Di Đà
Tượng phật A Di Đà – nằm tại mảnh đất phía trước chùa Vĩnh Tràng

Tại chùa Vĩnh Tràng có bức tượng Phật khổng lồ nằm trước chánh điện. Tượng được khởi công xây dựng vào 03/7/2007 và được khánh thành vào ngày 14/01/2008, có chiều cao tính từ chân đến đỉnh là 18m, bệ cao 7m, nặng 150 tấn.

Vị trí Phật A Di Đà được đặt ở đây với ngụ ý rằng Phật đang đứng “trông nom” chúng sinh và sẽ phù hộ chúng sinh bình an. Đây cũng được xem là biểu tượng của chùa Vĩnh Tràng hiện nay.

Tượng Phật Di Lặc

Tượng Phật Di Lặc
Tượng Phật Di Lặc chùa Vĩnh Tràng – công viên Di Lặc 5.000m2

Pho tượng Phật Di Lặc tại chùa Vĩnh Tràng được khánh thành vào ngày 22/01/2010. Du khách có thể chiêm ngưỡng vẻ đẹp của bức tượng cao 20 mét và nặng 250 tấn được làm bằng chất liệu bê tông cốt thép này khi ghé thăm chùa Vĩnh Tràng ở Mỹ Tho, Tiền Giang.

Khu vực bên trong tượng Phật cũng được tận dụng để thiết kế cơ quan làm việc của Ban Trị Sự Phật Giáo tỉnh Tiền Giang. Khu vực này bao gồm giảng đường và nơi nghỉ ngơi phục vụ cho 200 người. 

Công viên chùa Vĩnh Tràng

Công viên chùa Vĩnh Tràng
Ba tượng Phật tại khuôn viên lớn – chùa Vĩnh Tràng

Công viên của chùa Vĩnh Tràng có hình tam giác được xây dựng trên diện tích 5.000m2, với các hạng mục như  hệ thống hòn non bộ, hệ thống chiếu sáng, cây cảnh, ghế đá.

Tổng kinh phí của cả công trình là hơn 4,1 tỷ đồng với sự ủng hộ của chư Tăng Ni, Phật tử trong và ngoài nước. Bên cạnh đó là sự hộ trì của người dân địa phương đã tạo nên một cảnh quan tôn nghiêm nơi này.

Đi chùa Vĩnh Tràng Tiền Giang thế nào?

Chùa Vĩnh Tràng cách TP. Hồ Chí Minh khoảng 70km, bạn có thể đến và về trong ngày. Mình gợi ý bạn vài cách để đến chùa Vĩnh Tràng chi tiết bên dưới:

Đi bằng xe máy

Đến chùa Vĩnh Tràng Tiền Giang nếu bắt đầu khởi hành từ TP. Hồ Chí Minh  bạn có thể di chuyển theo tuyến đường như sau:

Bạn đi theo hướng Quốc lộ 1A tới trung tâm thành phố Mỹ Tho. Sau đó bạn tiếp tục đi theo hướng tỉnh lộ 879 khoảng 3km là đến công viên Vĩnh Tràng. Tại đây, bạn chỉ cần rẽ trái và đi thẳng thêm 300m là tới chùa Vĩnh Trang. 

Đi bằng xe khách

Mình gợi ý, bạn có thể đến chùa Vĩnh Tràng bằng xe khách. Bạn đến thẳng bến xe miền Tây, bạn sẽ mua vé xe để đi  từ bến xe về Mỹ Tho. 

Ngoài ra, bạn có thể theo dõi thông tin một vài nhà xe giường nằm đi Mỹ Tho, Tiền Giang như: Xe Hà Linh,  Anh Tuấn, Phương Hồng Linh, Mạnh Hùng, Hòa Hiệp, những nhà xe này linh động được vị trí khởi hành. Cũng như chất lượng dịch vụ khác nhau nên giá vé sẽ khác nhau. Tùy theo nhu cầu bạn có thể đưa ra lựa chọn cho mình.

Tuy nhiên, khi đến chùa Vĩnh Tràng bằng xe khách bạn không đến tận nơi được. Vì vậy, bạn cần đi xe ôm hoặc xe buýt để tiếp tục hành trình đến được chùa Vĩnh Tràng.

Một số lưu ý khi đến thăm chùa Vĩnh Tràng

Viếng chùa Vĩnh Tràng
Du khách mặc áo dài đến viếng chùa Vĩnh Tràng

Để hành trình di chuyển, khám phá chùa thêm phần trọn vẹn bạn cần lưu ý một số điều bên dưới đây:

  • Chùa Vĩnh Tràng mở cửa tất cả các ngày trong tuần do đó nếu bạn cần một người diễn thuyết thì có thể nhờ sư cô, chư tăng tại chùa
  • Khi đi chùa bạn nên ăn mặc lịch sự, không mặc quá hở hang
  • Bạn nên tắt chuông điện thoại khi dâng hoa, dâng hương
  • Đi nhẹ, nói khẽ, cười duyên
  • Bạn còn có thể mua đồ lưu niệm ngay trong khuôn viên chùa
  • Hiện nay, chùa chỉ mở cửa hai bên tả hữu để bạn có thể vào tham quan, cửa chánh điện không mở
  • Cởi bỏ mũ nón, áo khoác trước khi vào nhà thờ tổ, chánh điện
  • Nên xin phép trước khi chụp ảnh tại khu vực bên trong tiền đường.
  • Không nên tự ý vào khu vực nghỉ ngơi riêng của các nhà sư.
Xem thêm:  Tìm hiểu giá trị lịch sử văn hóa của di tích chùa Vĩnh Tràng

Những địa điểm tham quan khác gần chùa Vĩnh Tràng

Sau khi đến viếng chùa Vĩnh Tràng, bạn có thể đến tham quan vài địa điểm gần đó. Mình chia sẻ bạn vài địa điểm sau:

Trại rắn Đồng Tâm

Trại Rắn
Cổng vào trại rắn Đồng Tâm

– Trại rắn Đồng Tâm hiện được xem như bảo tàng rắn đầu tiên của nước ta với tới hơn 400 loại rắn khác nhau, được nuôi sống trong môi trường hoang dã. Đến đây, bạn sẽ được tận mắt chứng kiến nhiều loài từ vô hại đến kịch độc cũng như được hướng dẫn về cách phân biệt giữa các loài, cách phòng tránh và xử lý khi bị cắn.

– Địa chỉ: ấp Tân Thuận B, xã Bình Đức, huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang. Cách chùa Vĩnh Tràng Mỹ Tho chỉ 9km về phía Tây Nam.

– Vé tham quan:

  • 60.000 một  lượt (dành cho người lớn)
  • 40.000 một lượt (dành cho trẻ em cao từ 1m-1m3)
  • Miễn phí tham quan đối với các bé cao dưới 1m.

– Giờ mở cửa: Từ 7:00 đến 16:30 hằng ngày.

Di tích Rạch Gầm Xoài Mút

Rạch Gầm - Xoài Mút
Tượng đài chiến thắng Rạch Gầm – Xoài Mút

Di tích lịch sử Rạch Gầm – Xoài Mút nằm ở vị trí thoáng mát, bên bờ sông Tiền ngày nay gợi nhắc về cuộc chiến oai hùng của Nguyễn Huệ với quân Xiêm và Nguyễn Ánh. Đến đây, bạn sẽ được nhìn thấy tượng đài anh hùng Nguyễn Huệ khổng lồ cao hơn 8 mét, nặng 20 tấn, trong tư thế uy dũng cũng như ghé thăm những nhà trưng bày hiện vật của cuộc chiến khi xưa.

Địa chỉ: ĐT 864, xã Kim Sơn, huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang. Cách chùa Vĩnh Tràng khoảng 12km

Giá vé hoàn toàn miễn phí. Tuy nhiên, ở đây không có bãi giữ xe bạn nên khóa xe cẩn thận và không nên đi vào buổi trưa vì rất nắng nóng.

Giờ mở cửa: 6:00 đến 20:00 tất cả các ngày trong tuần.

Cù lao Thới Sơn

Du lịch cù lao Thới Sơn
Cù lao Thới Sơn – thiên đường miệt vườn chốn sông nước

Cù lao Thới Sơn được nhiều khách du lịch tìm tới bởi vẻ đẹp thiên nhiên mát mẻ, phong cảnh hữu tình, cùng sự chân chất, thật thà của người dân địa phương. Bạn sẽ hiểu hơn được lối sống, tính tình cũng như nét ẩm thực giản dị mà vô cùng hấp dẫn khi đến đây đấy.

Địa chỉ: ấp Thới Hòa, xã Thới Sơn, thành phố Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang. Cách chùa Vĩnh Tràng chỉ 20 phút chạy xe.

Chi phí tham quan tùy vào mức độ chịu chơi của bạn.

Vườn hoa Mãn Đình Hồng

Vườn hoa Mãn Đình Hồng
Vườn hoa Mãn Đình Hồng – chụp ảnh đẹp tuyệt vời

Vườn hoa Mãn Đình Hồng có diện tích hơn 1.1 ha, là nơi trồng nhiều loại hoa đẹp được chăm sóc theo luống cẩn thận. Thời điểm tuyệt nhất để ghé thăm vườn hoa là vào trước Tết khi trăm hoa thi nhau khoe sắc rạng rỡ. Bạn sẽ có cho mình nhiều bức ảnh sống ảo tuyệt đẹp tại địa điểm này đấy.

Địa chỉ: ấp Phước Thuận, xã Phước Thạnh, huyện Châu Thành, Tỉnh Tiền Giang. Chỉ cách chùa Vĩnh Tràng khoảng 8km.

Giá vé: 30.000 một người, giá quá rẻ cho vài giờ đồng hồ thăm thú vườn hoa.

Giờ mở cửa: 6:00 đến 18:00 tất cả các ngày trong tuần.

Kết luận

Có về Tiền Giang bạn đừng quên ghé thăm chùa Vĩnh Tràng – Ngôi chùa sở hữu phong cách kiến trúc độc đáo, khiến bất cứ ai khi đặt chân đến cũng phải ấn tượng. Trên đây là những kinh nghiệm mình chia sẻ. Hy vọng bài viết của mình sẽ giúp bạn có thêm mong muốn được đến viếng chùa Vĩnh Tràng sớm nhất, hẹn gặp bạn một ngày không xa đến dâng hương, lễ Phật cũng như tìm hiểu về lịch sử của chùa.