Khi nhắc đến anh hùng Trương Định, người ta liền nghĩ ngay đến vị anh hùng dám đứng lên kháng chiến khi quân Pháp xâm lược vào Gia Định. Khi mất, ông đã được nhân dân dựng đền thờ nhằm ghi nhớ những công lao to lớn mà đã để lại. Hôm nay, bạn hãy cùng mình tìm hiểu về di tích đền thờ Trương Định.
Nội dung
Đền thờ Trương Định ở đâu?
Tại Tiền Giang, có đến 3 đền thờ Trương Định
- Sau khi Trương Định mất, ông được nhân dân an táng tại Gò Công tỉnh Tiền Giang. Đây cũng là nơi ông sinh sống và lập nghiệp. Cũng tại nơi đây, ông cùng nhân dân đứng lên khởi nghĩa và hy sinh trên mảnh đất này. Di tích đền thờ Trương Định đã được nhà nước công nhận là di tích lịch sử vào ngày 6/12/1989.
- Tại xã Gia Thuận, huyện Gò Công Đông tỉnh Tiền Giang, người dân nơi đây cũng lập cho anh hùng Trương Định một ngôi đền bằng tre nhằm tưởng nhớ công ơn của ông. Nơi đây cũng được nhà nước công nhận là di tích lịch sử cấp quốc gia vào năm 2004.
- Ngoài ra, tại quê hương Quảng Ngãi của ông, nay thuộc xóm Khuê Thuận, xã Tịnh Khuê, thành phố Quảng Ngãi tỉnh Quảng Ngãi, người dân nơi đây cũng lập cho vị anh hùng dân tộc một ngôi đền thờ. Đền thờ này đã được ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ngãi xếp hạng là di tích lịch sử cấp tỉnh Quảng Ngãi vào năm 2014. Đến ngày 24/2/2023, đền Trương Định đã được công nhận là di tích lịch sử.
Tham quan khu di tích đền thờ Trương Định Gò Công
Đến với đền thờ của vị anh hùng dân tộc Trương Định, bạn sẽ cảm nhận được sự đơn sơ, giản dị mộc mạc chứ không được nguy nga, lộng lẫy như những ngôi mộ của các vị anh hùng dân tộc khác. Tuy nhiên, lăng Trương Định chính là sự ngưỡng mộ và kính trọng, thể hiện sự tưởng nhớ đời đời của nhân dân đến với vị anh hùng của dân tộc.
Khu di tích đền thờ Trương Định được chia làm 2 khu vực chính là khu đền thờ và khu lăng mộ.
Khu lăng mộ Trương Định
Lăng Trương Định được nhân dân xây dựng theo phong cách đậm chất của người dân nam bộ, không cầu kì nhưng vẫn thể hiện được sự tôn trọng và kính cẩn. Ngôi mộ Trương Định được xây dựng chủ yếu bằng hợp chất ô dước. Đây là một loại hợp chất có độ kết dính cực cao, có hình dạng vón cục.
Bao quanh khu lăng mộ là một bức tường cao lên đến 70cm. Góc của ngôi mộ được các người thợ thủ công chạm khắc tỉ mỉ, tạo ra hình dáng của bông sen. Thể hiện một nét đẹp thanh tao, trong sáng.
Đền thờ Trương Định mặc dù đã cùng nhân dân trải qua nhiều biến cố và thăng trầm của lịch sử. Thế nhưng nơi đây đã được nhân dân tu sửa thường xuyên, nên nơi đây vẫn giữ được vẻ đẹp cho đến ngày hôm nay.
Khu đền thờ Trương Định
Khu đền thờ anh hùng Trương Định được nhân dân xây dựng thêm vào năm 1972 với phong cách đậm chất miền tây nam bộ. Nơi đây vừa thể hiện được sự trang nghiêm, cổ kính vừa thể hiện nét đẹp trong văn hóa của người miền tây.
Vào bên trong đền thờ, bạn sẽ cảm nhận được sự ấm cúng và trang trọng của nơi đây. Ngoài ra, bạn cũng sẽ bị ấn tượng bởi câu nói của vị anh hùng Trương Định khi đứng lên khởi nghĩa:
Triều đình Huế không nhìn nhận chúng ta. Nhưng chúng ta cứ bảo vệ Tổ quốc chúng ta.
Có thể nói, đây là một câu nói kinh điển của anh hùng Trương Định, đã khởi dậy tinh thần yêu nước, yêu quê hương của nhân dân.
Trong đền còn có một quyển sách viết về tiểu sử anh hùng Trương Định. Cuốn sách này mang đậm những giá trị lịch sử sâu sắc và quan trọng và được ghi nhận kỷ lục việt nam bởi ý nghĩa mà nó mang lại.
Tiểu sử của anh hùng Trương Định
Tiểu sử của vị anh hùng dân tộc Trương Định có thể được chia ra làm 3 giai đoạn chính đó là giai đoạn trước khởi nghĩa, giai đoạn khởi nghĩa trở thành thủ lĩnh chống pháp và giai đoạn cuối đời.
Giai đoạn trước khởi nghĩa
Trương Định sinh tại làng Tư Cung, phủ Bình Sơn, Quảng Ngãi. Ông là con của Lãnh binh Trương Cầm, người từng là Hữu thủy Vệ uý ở Gia Định thời vua Thiệu Trị.
Năm 1844, ông chuyển vào nam theo cha. Sau khi cha ông qua đời, ông định cư tại nơi cha từng đóng quân. Trương Định sau đó kết hôn với bà Lê Thị Thưởng, con gái của một gia đình giàu có ở huyện Tân Hòa, tỉnh Gia Định (nay là Gò Công Đông, Tiền Giang).
Năm 1850, ông ủng hộ chính sách khẩn hoang của tướng Nguyễn Tri Phương và sử dụng tiền của mình để chiêu mộ người nghèo và thành lập đồn điền ở Gia Thuận (Gò Công). Với những đóng góp to lớn này, Trương Định đã được nhà Nguyễn bổ nhiệm làm Quản cơ và được thăng cấp lên chức hàm chánh lục phẩm.
Giai đoạn khởi nghĩa chống Pháp xâm lược
Năm 1861, trong cuộc xâm lược đầu tiên của quân Pháp vào Gia Định, Trương Định đã hợp tác với tướng Nguyễn Tri Phương để bảo vệ chiến tuyến Chí Hòa.
Khi Đại đồn Chí Hòa bị chiếm, ông rút quân về Gò Công và cùng với Lưu Tiến Thiện và Lê Quang Quyền cùng chiêu binh mãi mã, âm thầm thực hiện cuộc kháng chiến chống Pháp ở Gia Định – Định Tường.
Trong giai đoạn này, Trương Định đã tổ chức lại lực lượng và triển khai chiến dịch trải dài từ Gò Công đến các vùng như Tân An, Mỹ Tho, Chợ Lớn, Sài Gòn, Đồng Tháp Mười, và thậm chí còn kéo dài đến biên giới Campuchia. Ông được mô tả là một nhà lãnh đạo tài ba, am hiểu về các chiến thuật quân sự, dũng cảm, và có khả năng chiêu mộ và lãnh đạo binh lính.
Tuy nhiên, vào ngày 5 tháng 6 năm 1862, triều đình Huế đã ký kết hiệp ước với Pháp. Tuy nhiên, Trương Định đã không tuân theo lệnh triều đình và tiếp tục kháng chiến. Khi triều đình yêu cầu ông ra Phú Yên, Ông đã thẳng thừng từ chối và bị mất chức vụ.
Trương Định tiếp tục tổ chức cuộc kháng chiến và xây dựng các căn cứ chiến đấu. Ông được nhân dân tôn là Bình Tây Đại Nguyên soái. Ông đã ra lệnh tấn công các vị trí của quân Pháp ở miền Đông Nam Bộ. Qua đó đã nhiều lần đẩy quân Pháp vào tình thế khó khăn.
Tuy nhiên, vào tháng 2 năm 1863, quân Pháp đã phản công quyết liệt tại Biên Hòa và Chợ Lớn. Lúc này ông đành phải rút quân về Gò Công. Tháng 9 năm 1863, tướng Lagrandière thay thế Bonard và tiến hành cuộc tấn công thứ hai, bắt giữ gia đình và một số tùy tùng của Trương Định.
Giai đoạn cuối đời của anh hùng Trương Định
Vào ngày 19 tháng 8 năm 1864, Trương Định bị bao vây và bị trọng thương trong trận giao tranh với quân Pháp do sự phản bội của Huỳnh Công Tấn.
Sau cuộc chiến, đại bản doanh Bình Tây Đại Nguyên của ông, hay còn được người dân gọi là “Đám lá tối trời” đã bị quân Pháp chiếm đóng.
Theo nhiều nguồn tư liệu cho rằng, Trương Định đã tự tay tuẫn tiết để bản thân không rơi vào tay của quân Pháp. Tuy nhiên, cũng theo một số tư liệu khác cho rằng, ông cùng nhiều người khác đã bị quân Pháp bắn chết. Anh hùng Trương Định qua đời khi vừa mới 44 tuổi.
Có nhiều tin đồn rằng khi Trương Định tuẫn tiết, vua Tự Đức đã truy phong ông lên phẩm hàm và cho xây dựng một đền thờ ông tại làng Tư Cung, Quảng Nghĩa. Con trai của Trương Định là Trương Quyền vẫn tiếp tục kêu gọi nhân dân chiến đấu chống Pháp ở vùng Châu Đốc trong vòng 6 năm sau đó.
Nhà thơ Nguyễn Đình Chiểu đã viết 12 bài thơ và một bài văn tế về Trương Định nhằm tôn vinh vị anh hùng Trương Định.
Trong Nam, tên họ nổi như cồn
Mấy trận Gò Công nức tiếng đồn
Đấu đạn hỡi rêm tàu bạch quỷ
Hơi gươm thêm rạng vẻ Hoàng Môn
Ngọn cờ ứng nghĩa trời chưa bẻ
Quả ấn Bình Tây đất vội chôn
Nỡ khiến anh hùng rơi giọt lụy
Lâm dăm ba chữ điếu linh hồn…
Kết luận
Trương Định xứng đáng là vị anh hùng của dân tộc. Mặc dù cuộc khởi nghĩa của ông đã thất bại nhưng những giá trị và ý nghĩa của cuộc kháng chiến của ông thì mang lại nhiều giá trị to lớn hơn bao giờ hết. Nhờ ông mà nhân dân đã khơi dậy tinh thần đấu tranh chống lại quân xâm lược. Công lao của ông đóng góp một phần to lớn trong công cuộc giải phóng dân tộc Việt Nam về sau này.
Nếu có thể đến với mảnh đất Gò Công, Tiền Giang, bạn hãy dành chút thời gian để viếng thăm di tích đền thờ Trương Định để dành cho vị anh hùng dân tộc của chúng ta sự tôn trọng và biết ơn nhé. Hy vọng bài viết này, mình đã giúp bạn hiểu rõ hơn về khu di tích lịch sử đền thờ anh hùng Trương Định. Hãy luôn theo dõi mình để biết thêm nhiều thông tin hữu ích nhé.