Văn Hoá

12 di tích lịch sử Cà Mau được công nhận là di tích cấp quốc gia

4.3/5 - (21 bình chọn)

Cà Mau không chỉ được nhiều người biết đến với tên gọi là “xứ sở đầm lầy” cùng những cánh rừng ngập mặn hay thảm rừng tràm U Minh bạt ngàn. Nơi đây còn được nhiều người biết đến với những di tích lịch sử nổi tiếng, có tuổi đời lên đến hàng trăm năm.

Cho đến nay, toàn tỉnh Cà Mau có đến 57 di tích lịch sử. Trong đó có 45 di tích được công nhận là di tích lịch sử cấp tỉnh và 12 di tích lịch sử được công nhận là di tích lịch sử – văn hóa cấp quốc gia. Hôm nay, chúng ta sẽ cùng nhau tìm hiểu về 12 khu di tích lịch sử Cà Mau được công nhận là di tích cấp quốc gia qua bài viết ngay dưới đây.

Khu di tích Hòn Đá Bạc

di tích lịch sử hòn đá bạc
Di tích lịch sử Cà Mau – Hòn Đá Bạc

Hòn Đá Bạc nằm ngay bên xanh biển xã Khánh Bình Tây, huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau. Nơi đây không chỉ nổi tiếng là một cụm đảo đẹp với diện tích khoảng 6,43ha; Hòn Đá Bạc còn là một bức tranh sống động về lịch sử, về những trang hào hùng của dân tộc Việt Nam.

Cái tên Hòn Đá Bạc không chỉ đơn thuần là một danh xưng đẹp mắt mà còn chứa đựng những kí ức kháng chiến chống Mỹ cứu nước đầy xúc động. Trong những năm tháng đau thương ấy, quân đội Mỹ đã sử dụng mọi thủ đoạn để biến Hòn Đá Bạc thành nơi đặt Trung đội pháo 105 ly, nhằm khống chế vùng căn cứ cách mạng Khánh Bình Tây và tuyến ven biển phía tây Cà Mau.

Hòn Đá Bạc còn là một minh chứng rõ nét nhất cho tinh thần kiên cường, sự đoàn kết của nhân dân Việt Nam trong việc đẩy lùi âm mưu xâm lược, bảo vệ chế độ Xã hội chủ nghĩa. Chính tại đây, chuyên án CM12 đã thất bại trước sức mạnh của lòng yêu nước; khiến âm mưu phản động của tổ chức “Việt Nam phục quốc” dưới sự cầm đầu của Lê Quốc Túy và Mai Văn Hạnh tan thành mây khói.

Vào ngày 22/6/2009, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch đã vinh danh Hòn Đá Bạc – Trung tâm chỉ huy kế hoạch phản gián CM12 (09/9/1981- 09/9/1984) là một trong những di tích lịch sử ở Cà Mau được công nhận là di tích cấp quốc gia.

Những công trình nổi tiếng như tượng đài chiến thắng, nhà truyền thống, đền thờ Bác Hồ được xây dựng bởi Bộ Công an và tỉnh Cà Mau ngay tại khu di tích này. Những công trình ấy chính là một minh chứng sống động về lòng quê hương và truyền thống anh hùng của dân tộc Việt Nam.

Hòn Đá Bạc không chỉ là một hòn đảo xinh đẹp nằm yên bình giữa biển cả mà còn là hình ảnh sống động về sự hy sinh, tinh thần không khuất phục của những con người anh dũng, để lại dấu ấn sâu đậm trong lòng quê hương thiêng liêng của chúng ta.

Di tích đình Tân Hưng

Di tích lịch sử Cà Mau - Đình Tân Hưng
Di tích lịch sử Cà Mau – Đình Tân Hưng

Di tích đình Tân Hưng có địa chỉ tại ấp Xóm Lớn, xã Lý Văn Lâm, thành phố Cà Mau. Nơi đây không chỉ nổi tiếng là một ngôi đình linh thiêng, có nguồn gốc hàng trăm năm; đình còn là một bức tranh sống động nói về lịch sử và lòng dũng cảm của dân tộc trong thời kì kháng chiến cứu nước.

Kể từ khi được xây dựng vào năm 1907, đình Tân Hưng đã trải qua hàng loạt biến cố của chiến tranh, chịu nhiều tổn thất nặng nề. Tuy nhiên, sau năm 1975, với lòng yêu nước và tinh thần đoàn kết của nhân dân Cà Mau, đình đã được tu sửa lại như ngày nay.

Đình nổi bật với kiến trúc 4 cột, 4 mái; tổng diện tích 65m2, nền lót gạch tàu, mái lợp ngói máng. Đặc biệt, đình có 4 tượng cá chép cách điệu gắn ở 4 góc, cùng với tượng 2 con rồng trên nóc. Bên ngoài đình được bài trí một cách tinh tế, ngay giữa sân thờ Thần Nông và hai bên lần lượt là thờ Công và thờ Bà.

Bên trong đình không chỉ là nơi thờ cúng linh thiêng mà còn là hình ảnh về những giai đoạn lịch sử của nơi đây. Từ thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh cho đến thờ Thần Hoàng Bổn Cảnh, từ thờ Hữu Ban và Tả Ban đến thờ Tiền hiền,… Mỗi nét vẽ, mỗi tượng thờ đều đậm chất lịch sử và tinh thần cách mạng.

Đình Tân Hưng không chỉ đóng vai trò là nơi thờ cúng mà còn là chứng nhân cho những sự kiện lịch sử quan trọng của Cà Mau. Đây chính là nơi mà cờ Đảng Cộng sản Đông Dương đã được treo lên lần đầu tiên vào năm 1930. Nơi đây cũng từng là căn cứ của Bộ chỉ huy Mặt trận Tân Hưng trong cuộc kháng chiến chống Pháp tại vùng đất Cà Mau.

Nơi đây nổi tiếng nhất với sự kiện của ba thanh niên Lương Thế Trân, Nguyễn Thế Cao, Nguyễn Ngọc Hương treo lá cờ đỏ búa liềm và viết chữ “Diệt trừ Pháp tặc” trước cửa Đình vào đêm 1/5/1930.

Vào ngày 04/08/1992, đình Tân Hưng đã được Bộ văn hóa thể thao và du lịch công nhận là một trong những di tích lịch sử Cà Mau được công nhận là di tích lịch sử cấp quốc gia.

Di tích bến Vàm Lũng

Di tích bến Vàm Lũng
Di tích bến Vàm Lũng Cà Mau

Bến Vàm Lũng nằm sâu trong con rạch Chùm Gộng tại ấp Xẻo Mắm, xã Tân Ân, huyện Ngọc Hiển, tỉnh Cà Mau. Nơi đây không chỉ là một bến cảng đơn thuần mà còn là biểu tượng của sự hy sinh và nỗ lực của nhân dân trong việc tiếp nhận vũ khí từ miền Bắc để hỗ trợ chiến trường miền Nam qua con đường biển – Hồ Chí Minh.

Bên cạnh đó, bến Vàm Lũng còn là một trạm giao thông chiến lược quan trọng của quân đội ta. Vào tháng 2 năm 1961, Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương đã ra chỉ thị cho các tỉnh Nam Bộ chuẩn bị bến cảng, sẵn sàng lực lượng để tiếp nhận vũ khí từ miền Bắc sang miền Nam.

Một năm sau, sau quá trình chuẩn bị kỹ lưỡng, vào ngày 11/10/1962, chuyến tàu đầu tiên mang tên “Phương Đông 1”, cùng với 30 tấn vũ khí từ bến Đồ Sơn, Hải Phòng, đã mở đường vào miền Nam và an toàn cập bến Vàm Lũng ngày 16/10/1962.

Chuyến tàu này, dưới sự chỉ huy của thuyền trưởng Lê Văn Một và chính trị viên Bông Văn Dĩa, đánh dấu sự khai mở cho “Đoàn tàu không số”, mở ra tuyến đường vận tải chiến lược trên biển Đông – con đường Hồ Chí Minh trên biển. Từ năm 1962 đến 1970, cụm bến Vàm Lũng đã tiếp nhận tổng cộng 75 chuyến tàu, với hơn 4.400 tấn vũ khí và trang thiết bị quân sự quan trọng cho chiến trường miền Nam.

Nhờ những công lao to lớn đó mà vào ngày 10/11/2010, di tích bến Vàm Lũng đã được bộ văn hóa thể thao và du lịch vinh danh là di tích lịch sử – văn hóa cấp quốc gia.

Khu di tích Làng rừng Vồ Dơi

Làng rừng Vồ Dơi Cà Mau
Di tích lịch sử Làng rừng Vồ Dơi Cà Mau

Làng rừng Vồ Dơi là một trong những di tích lịch sử nổi tiếng thuộc ấp Vồ Dơi, xã Trần Hợi, huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau. Nơi đây đã cùng nhân dân Cà Mau chứng kiến và trải qua 2 thời kì kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ cứu nước; cùng nhân dân Cà Mau bảo vệ tự do cho lãnh thổ Việt Nam.

Nằm sâu trong rừng U Minh Hạ, Làng rừng Vồ Dơi đã ra đời từ những năm cuối thập kỷ 50 của thế kỷ trước. Tại đây, trong bối cảnh sau Hiệp định Giơ-ne-vơ, chính quyền Ngô Đình Diệm, nhằm kiểm soát vùng miền Nam, đã thực hiện chính sách đàn áp nhằm chia rẽ và kìm hãm những người tham gia cuộc kháng chiến. Qua đó, nhằm gắn chặt quyền lực từ cấp tỉnh cho đến cấp xã, áp đặt các “khu trù mật”, “khu dinh điền” để kiểm soát dân cư.

Xem thêm:  Khám phá khu di tích lịch sử Bạch Đằng Giang, dấu ấn hào hùng lịch sử Việt

Làng rừng Vồ Dơi cùng với những làng rừng khác đã trở thành nơi ẩn náu cho người dân có tinh thần cách mạng và những người theo chủ nghĩa Cộng Sản. Những ngôi nhà sàn trong làng được xây dựng từ gỗ tràm, tập trung ở những vùng gò cao trong rừng; nơi đây đã trở thành căn cứ vững chắc cho cuộc kháng chiến.

Nhân dân tại đây phải dựa vào rừng để nuôi sống bản thân. Họ thường xuyên liên kết với làng khác để trao đổi hàng hóa và duy trì mối quan hệ xã hội. Tổ chức bên trong làng cũng được hình thành mạnh mẽ, với các đoàn thể quần chúng, tổ sản xuất, tổ canh gác, và tổ y tế. Mỗi người dân trong làng luôn tuân theo kim chỉ nam đó là sống làm việc vì cộng đồng, vì cách mạng chứ không vì cá nhân.

Cho đến ngày 20/06/2018, làng Vồ Dơi đã được bộ văn hóa thể thao và du lịch trao tặng danh hiệu là một trong những di tích lịch sử Cà Mau được công nhận là di tích cấp quốc gia. Công nhận này nằm tôn vinh những nỗ lực và tinh thần bất khuất của những người dân nơi đây trong công cuộc xây dựng, bảo vệ tự do và chủ quyền dân tộc.

Khu di tích lịch sử Đầm Dơi – Cái Nước – Chà Là

Khu di tích lịch sử Đầm Dơi, Cái Nước, và Chà Là những địa điểm ghi dấu chiến thắng quyết định trong cuộc chiến tại Cà Mau vào tháng 9/1963. Vào đêm ngày 9/9/1963, Bộ Tư lệnh Quân khu đã đưa ra kế hoạch quyết liệt nhằm tiêu diệt kẻ thù tại hai quận này. Chiến dịch được triển khai mạnh mẽ với việc tấn công các đồn bót, nhằm hạn chế động tác của địch và mở rộng khu vực giải phóng Nam Cà Mau.

Chi Khu Đầm Dơi và Cái Nước, được xây dựng với kết cấu vững chắc từ năm 1955. Nơi đây trở thành nơi phòng thủ nghiêm ngặt của quân địch với hệ thống bảo vệ phức tạp; bao gồm rào chắn thép, bãi mìn, và tháp canh chiến lược,….

Tại Chi Khu Đầm Dơi, Tiểu đoàn U Minh 1 đã tiến hành chiến thuật tấn công đầy can đảm và thông minh. Trải qua hai giờ đồng hồ ác liệt, quân dân nơi đây đã phá hủy chiến khu Đầm Dơi, tiêu diệt 110 kẻ địch, bắt sống 48 tên và thu giữ nhiều vũ khí quân sự.

Chiến thắng ở Cái Nước cũng không kém phần ấn tượng. Tiểu đoàn 306 đã tấn công mạnh mẽ vào đêm 10/9/1963. Kết quả là đã tiêu diệt được 92 kẻ địch, bắt sống 84 tên và thu giữ nhiều vũ khí quân sự quan trọng.

Chà Là cũng là một địa điểm hứng chịu một cuộc tấn công toàn diện của quân đội ta. Sau hơn 3 giờ đấu tranh ác liệt, quân đội ta đã hủy hoại căn cứ Chà Là và đánh bại hoàn toàn quân địch. Kết quả là bắt sống 30 tên địch và thu giữ được nhiều loại vũ khí. Các trận đánh này không chỉ diệt quân địch mà còn góp phần phá tan chiến thuật “trực thăng và dù” của quân đội Mỹ.

Những trận thắng ấy không chỉ mở rộng vùng giải phóng; mà còn là minh chứng rõ nét nhất cho sức mạnh và tình thần đấu tranh của quân dân miền Nam trong cuộc chiến tranh chống Mỹ cứu nước.

Vào ngày 18/08/2016, di tích lịch sử Đầm Dơi – Cái Nước – Chà Là được Bộ Trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Quyết định xếp hạng nơi đây là di tích lịch sử quốc gia.

Di tích chùa Cao Dân

Di tích chùa Cao dân Cà Mau
Di tích lịch sử Cà Mau – chùa Cao dân

Chùa Cao Dân tọa lạc ngay bên lề đường quốc lộ 63; thuộc địa phận của ấp 7, xã Tân Lộc, huyện Thới Bình, tỉnh Cà Mau. Chùa Cao Dân được xây dựng vào năm 1922, chùa đã cùng nhân dân Cà Mau trải qua 2 cuộc kháng chiến vĩ đại của dân tộc. Cho đến tận năm 1998, chùa mới được đưa vào trùng tu và sửa chữa.

Với diện tích khoảng 4ha, Chùa Cao Dân đã đánh dấu vị thế của mình tại ngã ba rạch Đường Cày; trở thành một địa điểm quan trọng trong việc gìn giữ di sản tâm linh và văn hóa.

Bên trong chánh điện chùa, có một bàn thờ lớn duy nhất dành riêng cho Phật Thích Ca. Cùng với tháp Hoà thượng Hữu Nhem có chiều cao khoảng 17m, diện tích 12 m², tạo nên một không gian thờ cúng đầy linh thiêng.

Chùa Cao Dân còn gắn bó chặt chẽ với những cuộc chiến tranh cách mạng chống Pháp và chống Mỹ. Nơi đây đã từng là nơi an cư của một số cán bộ được chuyển ra Bắc theo Hiệp định Giơ – ne – vơ năm 1954.

Chùa cũng là nơi gắn kết của Ban Quản trị và cộng đồng phật tử trong kháng chiến. Hòa thượng Hữu Nhem, người từng giữ vị trí Phó Chủ tịch Mặt trận dân tộc giải phóng Khu Tây Nam Bộ, đã cống hiến rất nhiều trong công cuộc giải phóng của miền Nam, góp phần vào cuộc kháng chiến vĩ đại.

Vào ngày 29/12/2017, chùa Cao Dân đã được bộ văn hóa thể thao và du lịch vinh là một trong những di tích lịch sử Cà Mau được công nhận là di tích lịch sử văn hóa quốc gia.

Di tích Hòn Khoai

di tích Hòn Khoai Cà Mau
Di tích Hòn Khoai Cà Mau

Di tích lịch sử Hòn Khoai một hòn đảo nằm tại phía đông nam của Mũi Cà Mau, cách đất liền khoảng 14,6 km; thuộc xã Tân Ân, huyện Ngọc Hiển. Nơi đây nổi bật với diện tích rộng lớn là 4km2, có đỉnh cao lên tới 318m so với mực nước biển.

Hòn Khoai được biết đến với nhiều tên gọi khác nhau như Đảo Giáng Tiên hay Hòn Độc Lập. Di tích Hòn Khoai sở hữu nhiều nguồn nước ngọt, với hai con suối lớn chảy quanh năm. Đó chính là nguồn cung cấp nước quý báu cho đảo và cũng phục vụ tàu đánh cá trong khu vực xung quanh.

Lịch sử của di tích Hòn Khoai cũng kể về ngọn hải đăng cao 12,05m được xây dựng bởi thực dân Pháp trên đỉnh cao của hòn đảo. Ngọn hải đăng này có công suất quét sáng rộng 35km; là một phần của hệ thống đèn biển Cần Giờ – Côn Đảo – Hòn Khoai – Phú Quốc giúp chiếu sáng cho tàu biển lưu thông trên biển Đông.

Vào ngày 13/12/1940, nơi đây đã ghi dấu một sự kiện lịch sử quan trọng khi ông Phan Ngọc Hiển đã lãnh đạo cuộc khởi nghĩa tại Hòn Khoai chống lại thực dân Pháp và giành thắng lợi. Đây cũng là ngày được chọn làm Ngày truyền thống cách mạng của Đảng bộ và quân dân Cà Mau để kỷ niệm sự kiện quan trọng này.

Vào ngày 27/04/1990, Di tích Hòn Khoai đã được bộ văn hóa thể thao và du lịch công nhận là di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia.

Xứ ủy Nam Bộ – Trung ương Cục miền Nam

Hiện trên lãnh thổ của tỉnh Cà Mau có tổng cộng 29 địa điểm đánh dấu những di sản lịch sử quốc gia quan trọng, thuộc khu vực Xứ ủy Nam Bộ – Trung ương Cục miền Nam (giai đoạn từ cuối năm 1949 đến đầu năm 1955). Những địa danh này đều được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xếp hạng vào danh sách di tích lịch sử quốc gia.

Tại huyện Thới Bình có đến 11 điểm gồm các cơ quan quan trọng như Văn phòng trung ương cục miền Nam, Đài phát thanh và Phòng họp của Trung ương cục,… Cũng trong danh sách này, Huyện Đầm Dơi có 6 điểm với các cơ quan như Xứ ủy Nam Bộ – Trung ương Cục miền Nam, Hội trường Ủy ban kháng chiến hành chính Nam Bộ, và những địa điểm liên quan đến công tác Đảng và quân đội.

Xem thêm:  Top 15 di tích lịch sử Hải Phòng nổi tiếng trường tồn qua năm tháng

Huyện Phú Tân, U Minh, Trần Văn Thời và thành phố Cà Mau cũng đều có những địa danh đáng chú ý như nơi ở của cố Tổng Bí thư Lê Duẩn hoặc nơi tập kết, làm việc quan trọng của các cơ quan cách mạng.

Những địa điểm xứ ủy này đã được bộ văn hóa thể thao và du lịch công nhận là di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia vào ngày 10/11/2010 với 5 điểm di tích. Đến ngày 28/10/2016 được bổ sung thêm 4 địa điểm xứ ủy khác được công nhận là di tích cấp quốc gia.

Di tích chùa Phật Tổ

di tích chùa Phật Tổ
Di tích chùa Phật Tổ Cà Mau

Chùa Phật Tổ hay còn gọi là Sắc Tứ Quan Âm Cổ Tự có địa chỉ tại số 84/4, đường Rạch Chùa, phường 4, thành phố Cà Mau. Chùa được xây dựng từ năm 1840. Mặc dù đã trải qua nhiều lần trùng tu nhưng chùa Phật Tổ vẫn giữ được vẻ đẹp kiến trúc cổ xưa. Chùa sở hữu một số kiến trúc độc đáo với mái ngói có hình quả ấn, mô phỏng theo mái đình của vùng Đồng bằng sông Cửu Long.

Nét đặc sắc và tinh tế trong kiến trúc của chùa là việc sử dụng đồ sứ ốp vào các họa tiết tạo nên các hình ảnh của các linh vật Long – Lân – Qui – Phụng bằng xi măng. Những họa tiết đó đã tạo nên một bức tường bao quanh chánh điện, tôn vinh các tượng Phật với hình thức lộng lẫy và thiêng liêng.

Chùa Phật Tổ còn chứa đựng nhiều bức tượng hoành tráng, các câu đối và nhiều di vật khác, mang đậm dấu ấn của Phật giáo trong thời kỳ khẩn hoang, mở cõi. Đặc biệt, từ năm 1842, triều Nguyễn đã ban phong chùa Phật Tổ là Sắc Tứ Quan Âm Cổ Tự, nhằm đánh dấu sự uy nghiêm và quan trọng của ngôi chùa này.

Trong thời kỳ chiến tranh chống Mỹ cứu nước, Chùa Phật Tổ đã đóng vai trò quan trọng khi là nơi ẩn náu, che chở cho các chiến sĩ cách mạng. Không ít các nhà sư tại chùa đã hy sinh; trở thành những người anh hùng, liệt sĩ trong cuộc đấu tranh cho độc lập dân tộc và giải phóng đất nước.

Với những đóng góp quan trọng và giá trị lịch sử, chùa Phật Tổ đã được Bộ Văn hóa thể thao và du lịch công nhận là di tích lịch sử – văn hóa cấp quốc gia vào ngày 24/11/2000. Sự công nhận đó đã thể hiện một vai trò đặc biệt và ý nghĩa trong việc bảo tồn và gìn giữ di sản văn hóa của đất Cà Mau.

Di tích nhà Dây Thép

nhà Dây Thép Cà Mau
Di tích lịch sử nhà Dây Thép Cà Mau

Nhà Dây Thép nằm ngay trên đường Lê Lợi thuộc Phường 2, tỉnh Cà Mau. Nhà được xây dựng vào khoảng năm 1910, là biểu tượng của quyền lực thực dân Pháp tại Cà Mau. Trong thập kỷ 1930, nhà Dây Thép đã trở thành tâm điểm liên lạc quan trọng của các chiến sĩ cách mạng trong cuộc chiến chống lại thực dân Pháp.

Được sử dụng như một trung tâm liên lạc, Nhà Dây Thép đã trở thành một địa điểm quan trọng để truyền đạt chỉ thị từ cấp lãnh đạo cao hơn đến các cơ sở đảng ở Cà Mau. Nhờ đó mà chiến sĩ cách mạng đã có thể phổ biến đường lối đấu tranh, tập trung quần chúng nhân dân vào cuộc chiến, và đạt được nhiều thành công quan trọng.

Từ năm 1930 đến 1939, Nhà Dây Thép đã được chọn làm trung tâm liên lạc chính thức, với đồng chí Lê Tồn Khuyên là người phụ trách liên lạc của Đảng tại Cà Mau. Trải qua quá trình biến đổi từ một biểu tượng của thực dân, nơi này đã trở thành điểm liên lạc quan trọng, giúp Đảng bộ Cà Mau nhận thông tin quan trọng và chỉ đạo tối cao về việc củng cố lực lượng cách mạng và kêu gọi cuộc đấu tranh của quần chúng.

Với vai trò lịch sử đặc biệt quan trọng, Nhà Dây Thép đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là Di tích lịch sử – văn hóa cấp Quốc gia vào ngày 02/6/2011.

Di tích Hồng Anh Thư Quán

di tích Hồng Anh Thư Quán
Di tích lịch sử Cà Mau – Hồng Anh Thư Quán

Hồng Anh Thư Quán có địa chỉ tại số 43 đường Phạm Văn Ký, phường 2, thành phố Cà Mau. Nơi đây là một trong những di tích lịch sử quan trọng của tỉnh Cà Mau. Hồng Anh Thư Quán được xây dựng từ đầu thế kỷ XX, dưới thời chủ quản của quận Metayer, người Pháp. Nơi đây đã từng là nhà hàng và phòng ngủ có tên Á Châu.

Vào đầu thập niên 20, thời kỳ đấu tranh cách mạng nổi lên sục sôi khắp nơi trong cả nước, Hồng Anh Thư Quán đã trở thành cơ sở của Chi hội Việt Nam thanh niên cách mạng, có tên gọi rất đặc biệt và ý nghĩa.

Nhiệm vụ hàng đầu của Hồng Anh Thư Quán là truyền bá chủ nghĩa Mác – Lênin cho nhân dân, đặc biệt là các thanh thiếu niên yêu nước. Đồng thời, nơi đây cũng là nơi chuẩn bị mọi điều kiện cần thiết để cơ sở của Đảng Cộng sản Việt Nam được hình thành và hoạt động tại Cà Mau.

Với vai trò là hiệu sách, Hồng Anh Thư Quán đã cung cấp những quyển sách, báo chí có tư tưởng tiến bộ. Trong đó có “Tự Bản Luận” của Mác và Ăng-gênh, góp phần quan trọng trong việc lan tỏa tri thức cách mạng và tư tưởng tiến bộ.

Với những đóng góp quan trọng trong việc truyền bá tư tưởng cách mạng cho nhân dân, vào ngày 04/08/1992, Hồng Anh Thư Quán đã được bộ văn hóa thể thao và du lịch công nhận là một trong những di tích lịch sử Cà Mau được xếp hạng là di tích lịch sử cấp quốc gia.

Di tích Biệt khu Hải Yến – Bình Hưng

biệt khu Hải Yến Bình Hưng
Biệt khu Hải Yến – Bình Hưng Cà Mau

 Biệt khu Hải Yến – Bình Hưng tọa lạc tại ấp Thanh Đạm, xã Tân Hải, huyện Phú Tân, tỉnh Cà Mau. Nơi đây đã đánh dấu những sự kiện bi kịch trong lịch sử ngay tại vùng đất này.

Vào năm 1957, theo kế hoạch của Mỹ – Diệm, Nguyễn Lạc Hóa cùng nhóm 80 hộ dân theo đạo Thiên Chúa đã di cư tới kênh xáng Thọ Mai, xã Phú Mỹ, huyện Cái Nước và thành lập xứ đạo Phú Mỹ. Qua thời gian, khu dinh điền Phú Mỹ được dời về ấp Thanh Đạm, xã Tân Hưng Tây, huyện Cái Nước, hình thành nên biệt khu Cái Cám.

Trong giai đoạn này, Nguyễn Lạc Hóa không chỉ tập trung vào việc tổ chức xứ đạo, mà còn vận động di cư 120 gia đình người dân tộc thiểu số và những phần tử không lương tâm từ xứ đạo. Tại Biệt khu Hải Yến – Bình Hưng, nhóm này đã gây ra hàng loạt tội ác kinh hoàng như hãm hiếp, thảm sát, và gieo rắc kinh hoàng cho người dân nơi đây.

Theo thống kê của Bảo tàng tỉnh Cà Mau, nhóm người này đã cướp đi sinh mạng của 1.675 cán bộ và người dân vùng này. Sự kiện bi kịch này đã ghi dấu trong lịch sử Cà Mau. Biệt khu Hải Yến – Bình Hưng đã được bộ văn hóa thể thao và du lịch công nhận là di tích lịch sử cấp quốc gia vào ngày 24/11/2000, nhằm nhấn mạnh sự thương tâm và đau đớn của nhân dân Cà Mau trong sự kiện này.

Kết luận

Qua bài viết trên, chúng ta đã cùng nhau tìm hiểu về 12 khu di tích lịch sử Cà Mau được nhà nước công nhận là di tích cấp quốc gia. Hy vọng với những gì mình chia sẻ có thể giúp cho bạn hiểu rõ hơn về lịch sử, văn hóa cũng như con người nơi đây. Hãy luôn theo dõi mình để đọc thêm nhiều bài viết hữu ích khác nhé.