“Thành phố hoa phượng đỏ” Hải Phòng không chỉ được nhiều người biết đến với những bông hoa phượng nở đỏ rực nở khắp thành phố hay những danh lam thắng cảnh tuyệt đẹp. Bên cạnh đó, Hải Phòng còn nổi tiếng với những di tích lịch sử nổi tiếng, tồn tại lên đến hàng trăm năm lịch sử. Hôm nay, chúng ta sẽ cùng nhau tìm hiểu về 15 di tích lịch sử Hải Phòng nổi tiếng trường tồn cùng năm tháng qua bài viết dưới đây.
Nội dung
Khu di tích Bạch Đằng Giang
Đối với những người yêu thích khám phá lịch sử và văn hóa thì di tích Bạch Đằng Giang sẽ là một điểm đến không thể bỏ qua. Khu di tích Bạch Đằng Giang thuộc vùng đất Tràng Kênh – Bạch Đằng, nằm trong Huyện Thủy Nguyên của thành phố Hải Phòng. Nếu đi từ trung tâm thành phố Hải Phòng, bạn sẽ chỉ cần đi khoảng 18km về hướng Đông Bắc là có thể đến với khu di tích này.
Di tích Bạch Đằng Giang chính là nơi lưu giữ những ký ức của ba trận thủy chiến kinh điển, ghi dấu trong trang sử hào hùng của dân tộc Việt Nam. Dòng sông Bạch Đằng đã chứng kiến ba trận đánh lớn của:
- Đức Vương Ngô Quyền vào năm 938
- Vua Lê Đại Hành vào năm 981
- Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn vào năm 1288
Quảng trường Chiến thắng là nơi đặt pho tượng của ba vị anh hùng dân tộc, với chiều cao lên đến 8m.
Điều đặc biệt ở di tích Bạch Đằng Giang chính là nguyên tắc “3 Không”: không thương mại, không thu phí, không rác thải. 3 nguyên tắc này đã góp phần giữ cho không gian văn hóa – lịch sử ở đây được bảo tồn nguyên vẹn. Nơi đây không chỉ mang đến cho bạn những trải nghiệm thú vị mà còn tạo cho bạn một cảm giác bình yên của một thế giới khác ngay trong lòng thành phố.
Vào ngày 2/1/2021, khu di tích Bạch Đằng Giang đã được bộ văn hóa thể thao và du lịch xếp hạng là một trong những di tích lịch sử Hải Phòng được công nhận là di tích lịch sử cấp quốc gia.
=>> Tìm hiểu thêm về Khám phá khu di tích lịch sử Bạch Đằng Giang, dấu ấn hào hùng lịch sử Việt
Di tích Từ Lương Xâm
Tọa lạc tại Làng Lương Xâm, phường Nam Hải, quận Hải An, thành phố Hải Phòng, di tích Từ Lương Xâm không chỉ là một trong ba “Linh Từ” của quận Hải An; mà còn thuộc vào nhóm “Tứ Linh Từ” nếu xét theo cổ huyện An Dương.
Được biết đến như là “Từ Cả”, di tích Từ Lương Xâm là nơi thờ Ngô Quyền và cũng là nơi được xem là căn cứ chiến lược quan trọng của ông trong trận chiến trên sông Bạch Đằng vào năm 938.
Đến với Làng Lương Xâm, bạn sẽ không chỉ có cơ hội chiêm ngưỡng 25 đạo sắc chính và hơn 20 sắc phong dành cho vua Ngô Quyền; mà còn được khám phá những di tích có niên đại từ năm 1522 đến năm 1924. Trong đó có 3 chiếc cọc được đóng tại sông Bạch Đằng chính là một minh chứng rõ nét nhất cho lịch sử Việt Nam.
Khu di tích Núi Voi
Nằm trải dọc trên địa phận của ba xã Trường Thành, An Tiến và An Thắng, thuộc huyện An Lão và cách trung tâm thành phố Hải Phòng khoảng; Núi Voi đứng là một trong những danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử Hải Phòng nổi tiếng. Nơi đây còn được xếp hạng là một trong những di tích lịch sử quan trọng nhất của thành phố cảng.
Di tích núi Voi sở hữu nhiều phong cảnh tuyệt đẹp với hang động hoang sơ kỳ vĩ. Trải dài trên Núi Voi là hàng loạt hang động đẹp mắt như hang Họng Voi, hang Chiêng, hang Cá Chép, hang Bể, động Nam Tào, động Bắc Đẩu… Mỗi hang đều mang một vẻ đẹp và sự huyền bí riêng; tạo nên một bức tranh tuyệt diệu của thiên nhiên tại nơi này.
Tuy nhiên, điều làm nên sự đặc biệt tại di tích núi Voi không chỉ là vẻ đẹp của thiên nhiên; mà còn là nét đẹp trong văn hóa và lịch sử hào hùng của dân tộc. Sự kết hợp giữa cảnh quan thiên nhiên và giá trị văn hóa lịch sử đã làm cho núi Voi trở thành 1 địa điểm mà bạn tuyệt đối không nên bỏ lỡ khi đến với Hải Phòng.
Di tích lịch sử Tràng Kênh
Nằm tại xã Minh Đức, huyện Thủy Nguyên, thành phố Hải Phòng; di tích lịch sử Tràng Kênh thực sự là một bức tranh tuyệt diệu trong văn hóa và lịch sử Việt Nam. Di tích Tràng Kênh bao gồm ba ngôi đền và một ngôi chùa theo truyền thống Phật giáo Trúc Lâm Tam Tổ. Những ngôi đền và chùa ở đây chính là một trong những biểu tượng quý giá của thành phố Hải Phòng.
Đến với di tích Tràng Kênh, bạn sẽ được trải nghiệm những dấu ấn lịch sử với hàng loạt điểm đến như đền thờ của vua Lê Đại Hành, đền thờ của Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn, đền thờ vua Ngô Quyền và ngôi chùa Tràng Kênh Trúc Lâm…. Các bức tượng được mạ vàng tại đây không chỉ được chạm khắc một cách tinh tế; mà còn toát lên vẻ linh thiêng và uy nghiêm.
Khu tưởng niệm Vương triều nhà Mạc
Khu tưởng niệm Vương triều nhà Mạc tọa lạc tại Thôn Cổ Trai, xã Ngũ Đoan, Kiến Thụy, thành phố Hải Phòng. Với diện tích rộng lớn khoảng 2,5 ha, khu di tích là nơi thờ phụng 5 vị vua triều Mạc, những người đã định đô tại Thăng Long từ năm 1527 đến 1592.
Các công trình thuộc khu di tích được xây dựng công phu, với những kiến trúc tinh xảo và các hiện vật cổ quý giá.Từ những chiếc chiêng đồng chạm hình ảnh 2 con rồng rất uy nghiêm, chiếc bình thờ Một Cột, hình ảnh chim hạc cho đến chiếc đại hồng chung nặng 1.527kg…
Điểm độc đáo nhất tại khu di tích tưởng niệm Vương triều nhà Mạc đó là chiếc Định Nam Đao. Đây được xem là một biểu tượng của vua Mạc Đăng Dung sử dụng trong các trận chiến lớn nhỏ chống lại giặc ngoại xâm. Đây được xem là đại đao lớn nhất Đông Nam Á; với chiều dài 2,55m, cân nặng 25,6 kg, có niên đại hơn 500 năm. Đao được đúc bằng sắt rỗng, cán đao dài 1,6m và phần lưỡi đao dài 95cm.
Khu tưởng niệm Vương triều nhà Mạc không chỉ là nơi lưu giữ những di sản văn hóa quý báu của dân tộc mà còn là nơi để bạn có thể tìm hiểu rõ nét hơn về quá khứ hào hùng của dân tộc ta xuyên suốt chiều dài lịch sử.
Di tích đền thờ Nguyễn Bỉnh Khiêm
Nằm tại Thôn Trung Am, xã Lý Học, huyện Vĩnh Bảo, thành phố Hải Phòng; khu di tích đền thờ Nguyễn Bỉnh Khiêm là nơi thờ cúng Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm, hay còn được biết đến với danh xưng Bạch Vân cư sĩ, một trong những nhà triết học vĩ đại của Việt Nam.
Điểm nổi bật của di tích này đó là bức tượng của ông Nguyễn Bỉnh Khiêm được điêu khắc từ đá khối nguyên chất, có chiều cao lên đến 5,7m và nặng khoảng 8,5 tấn. Bên cạnh có 2 bức phù điêu được chế tác 1 cách tinh xảo nhằm khắc họa một cách chi tiết về cuộc đời của Nguyễn Bỉnh Khiêm.
Khu di tích đền thờ Nguyễn Bỉnh Khiêm chính là nơi để thể hiện lòng tôn kính và tri ân đến với một nhà triết học vĩ đại của dân tộc. Vào ngày 23/12/2015, đền thờ Nguyễn Bỉnh Khiêm đã được bộ văn hóa thể thao và du lịch xếp hạng là một trong những di tích lịch sử Hải Phòng được công nhận là di tích quốc gia đặc biệt.
Di tích đình Kim Sơn
Nằm tại xã Tân Trào, huyện Kiến Thụy, thành phố Hải Phòng; di tích lịch sử đình Kim Sơn nổi tiếng với phong cách kiến trúc đặc biệt từ thời kỳ Nguyễn. Đình là nơi thờ cúng Nam Hải Đại Vương và Thiên quan Vũ Muối (thần Muối) với quan niệm cầu mong ấm no hạnh phúc.
Đồng thời di tích đình Kim Sơn còn là một “minh chứng sống” về cuộc kháng chiến và lòng yêu nước kiên cường của dân tộc Việt Nam. Đình Kim Sơn đã từng là tổ chức các cuộc mít tinh, biểu tình nhằm kêu gọi quần chúng cùng nổi dậy chống lại thực thể thù địch. Đình cũng là nơi đã từng nhiều lần đốt phá kho thóc để chia cho dân nghèo trong thời kỳ khởi nghĩa.
Với những công lao to lớn đó mà di tích lịch sử đình Kim Sơn đã được nhà nước ta công nhận là di tích lịch sử cách mạng cấp quốc gia vào năm 1986.
Di tích chùa Dư Hàng
Tọa lạc tại địa chỉ số 121 phố Dư Hàng, thuộc phường Hồ Nam, quận Lê Chân, thành phố Hải Phòng; Chùa Dư Hàng, hay còn gọi là Phúc Lâm Tự, là một trong những di tích tâm linh nổi tiếng, mang trong mình dấu ấn của thời kỳ Tiền Lê.
Điểm độc đáo tại chùa Dư Hàng chính là gác chuông cao 3 tầng và tòa Phật điện với 7 gian được xây dựng theo phong cách thiết kế độc đáo của đền chùa cổ xưa. Mái đao cong vút, quả chuông đồng cỡ lớn với chữ đề: “Phúc Lâm tự chung”… Tất cả kết hợp tạo nên một tác phẩm kiến trúc vô cùng uy nghiêm và trang nhã.
Vào năm 1986, di tích chùa Dư Hàng đã được nhà nước ta xếp hạng là một trong những di tích lịch sử Hải Phòng được công nhận là di tích lịch sử cấp quốc gia.
Khu di tích chùa Đỏ
Di tích chùa Đỏ hay còn gọi là chùa Linh Độ Tự, là một ngôi chùa mang đậm yếu tố tâm linh; có địa chỉ tại Đường Lê Lai, quận Ngô Quyền, thành phố Hải Phòng. Chùa được đặt tên Linh Độ với hy vọng có thể cầu mong siêu độ cho linh hồn bị lạc lối, bất hạnh trôi dạt tới khu vực bãi bồn cao gần bờ sông.
Nơi đây không chỉ là nơi thờ cúng tâm linh mà còn được xem là một trong những ngôi chùa linh thiêng bậc nhất trong thành phố Hải Phòng, được lòng tin và tôn kính sâu sắc từ cư dân địa phương.
Điểm độc đáo của chùa Đỏ chính là các công trình kiến trúc nơi đây được thiết kế theo phong cách cổ xưa. Với công trình diêm chồng đấu có 3 tầng và 20 mái, chiều cao lên đến 26m; chùa sở hữu một kiến trúc độc đáo, khác biệt và không có một kiến trúc nào tương tự trong lịch sử kiến trúc chùa chiền trên đất nước Việt Nam
Di tích chùa Mõ
Tọa lạc tại xã Ngũ Phúc, huyện Kiến Thụy, thành phố Hải Phòng; Chùa Mõ là nơi thờ cúng Quỳnh Trân công chúa, con gái của vua Trần Thánh Tông, người được sử sách ghi nhận với công lao khai hóa vùng đất này. Quỳnh Trân công chúa đã chọn nơi đây để lập am, mời gọi người dân đến đây định cư, chung tay khai hoang, lập ấp.
Chùa Mõ mang trong mình vẻ đẹp kiến trúc cổ kính, mang đến cảm giác yên bình và thanh tịnh. Chùa có cây gạo cổ thụ với hơn 720 năm tuổi, được công nhận là di sản Việt Nam. Vào năm 1991, chùa Mõ đã được bộ văn hóa thể thao và du lịch công nhận là một trong những di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia.
Di tích đền Bà Bế
Nằm tại Núi Độc, phường Ngọc Hải, quận Đồ Sơn, thành phố Hải Phòng; Đền Bà Đế là nơi mà vua Tự Đức đã từng tới viếng và trao danh hiệu cao quý “Đông Nhạc Đế Bà – Trịnh chúa phu nhân”.
Vị trí của đền rất đặc biệt khi được bố trí với lưng đình tựa vào núi và cổng đình hướng ra biển. Với kiến trúc giản dị, mộc mạc nhưng không kém phần trang nhã, thanh thịnh; kết hợp hài hòa với cảnh quan tự nhiên của núi rừng mênh mông và cảnh biển cả bao la; tất cả đã tạo nên một kỳ quan thiên nhiên cuốn hút lòng người.
Một điểm đặc biệt của đình đó chính là hang Giải Oan. Tương truyền rằng, mỗi khi có nỗi uất ức ở trong lòng, bạn hãy mang những uất ức đó đến và giải tỏa với hang thì hang sẽ giúp bạn giải nỗi oan ức đó.
Di tích Đình Kiến Bái
Nằm tại Xã Kiền Bái, huyện Thuỷ Nguyên, thành phố Hải Phòng; Đình Kiền Bái là ngôi đền thờ hai vị thần Trung Quốc Cảm ứng thượng đẳng thần và Lôi Công Uy Diệu thượng đẳng thần. Người dân nơi đây tin rằng 2 vị thần này đã bảo vệ vua Trần trong các cuộc chiến chống lại cuộc xâm lược của quân Nguyên, cũng như đem lại hòa bình và thịnh vượng cho cư dân xóm Kiền.
Các công trình kiến trúc của đình thể hiện sự tinh tế với những nét điêu khắc tinh xảo, mang đậm nét kiến trúc thời Lê với cấu trúc hình chữ Đinh. Những họa tiết trên các bức tường được trang trí bởi hình ảnh rồng, phượng, hoa lá,.. Tất cả đã tạo nên một bức tranh sinh động về cuộc sống đời thường.
Vào ngày 10 đến ngày 13 tháng Giêng Âm Lịch hàng năm, di tích Đình Kiền Bái lại tổ chức các cuộc lễ hội làng. Mọi người trong làng tham gia các hoạt động như thi hát đúm, nấu bánh chưng, và cướp cây bông,…
Theo truyền thống, người chiến thắng trong cuộc cướp cây bông sẽ được coi là được ban phước từ các vị thần và nhận được sự tôn kính từ cư dân làng. Và người này sẽ được thưởng thức món bánh chưng của người chiến thắng trong cuộc thi nấu ăn.
Nếu hai người này là nam và nữ chưa kết hôn, cả làng sẽ chúc phúc cho họ, mong rằng họ sẽ thành đôi trong tương lai. Đây là lễ hội không chỉ mang giá trị tín ngưỡng mà còn kết nối và tôn vinh truyền thống văn hóa của người dân nơi đây.
Di tích đình Vĩnh Khê
Di tích đình Vĩnh Khê nằm tại Làng Vĩnh Khê, xã An Đồng, huyện An Dương, thuộc ngoại ô thành phố Hải Phòng. Đình thờ cúng ba vị phúc thần là Vũ Giao, Vũ Trọng và Phạm Tử Nghi, những vị thần được người dân tôn vinh với lòng dũng cảm, tài năng và có những đóng góp đặc biệt cho đất nước.
Vào ngày mồng 7 tháng Giêng hàng năm, di tích Đình Vĩnh Khê trở thành nơi diễn ra lễ hội kỷ niệm ngày sinh của hai vị thành hoàng họ Vũ. Lễ hội thu hút sự tham gia của nhiều vận động viên vật nổi tiếng từ Vĩnh Bảo, Tiên Lãng,… trong cuộc thi đấu vật. Các lễ hội tại di tích Đình Vĩnh Khê chính là dịp để kỷ niệm và tôn vinh những nét đẹp văn hóa truyền thống nơi đây.
Di tích Chùa Hang
Tọa lạc tại Phường Vạn Sơn, trong thị xã Đồ Sơn, thành phố Hải Phòng; Chùa Hang chính là một biểu tượng lịch sử của người dân nơi đây. Đúng với tên gọi của chùa, chùa Hang được xây trong một hang đá núi, với chiều cao 3,5m và chiều rộng 7m. Bên trong hang có hình dạng thang dốc, đi sâu vào núi khoảng 25m, với phần nội thất cao 1,2m và rộng 1,3m.
Tuy nhiên, vào năm 1967, trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ cứu nước, để che giấu tài liệu, tiểu đoàn công binh đã phá rộng miệng hang khoảng 8m tại cửa hang. Chiến tranh cũng gây ảnh hưởng khá nhiều đến các công trình kiến trúc bên trong chùa. Bề mặt bệ thờ đá và những bài thơ được khắc trên tường đá của Chùa Hang bị hỏng hóc, làm mất đi một phần nét đẹp cổ kính của ngôi chùa này.
Mặc dù hiện nay di tích lịch sử chùa Hang đã không còn giữ được vẻ đẹp tự nhiên ban đầu; tuy nhiên, chùa vẫn giữ được nét uy nghiêm và trang trọng nơi cửa phật.
Kết luận
Qua bài viết trên, chúng ta đã cùng nhau tìm hiểu về 15 di tích lịch sử Hải Phòng nổi tiếng, có lịch sử lên đến hàng trăm năm. Hy vọng với những gì mình chia sẻ đã có thể giúp bạn hiểu rõ hơn về lịch sử, văn hóa và con người tại “thành phố hoa phượng đỏ”. Hãy luôn theo dõi mình để đọc thêm nhiều bài viết mới nhất nhé!