Thông tin

Di sản then của người Tày ở Tuyên Quang

Xếp hạng bài viết
Ngày 12-12-2019, Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên Hợp Quốc (UNESCO) đã chính thức ghi danh di sản Thực hành Then của người Tày, Nùng, Thái ở Việt Nam vào Danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Với việc vinh danh của UNESCO, di sản Thực hành Then của người Tày, Nùng, Thái nói chung, Then của người Tày ở Tuyên Quang nói riêng sẽ được bảo tồn và phát huy giá trị rộng rãi hơn trong đời sống văn hóa, tín ngưỡng của người Tày. Song cũng đặt ra đối với Tuyên Quang những thách thức không nhỏ trong việc bảo tồn, phát huy giá trị của di sản văn hóa dân gian độc đáo này.

Di sản văn hóa đặc sắc, tiêu biểu của người Tày

Then là một loại hình nghệ thuật văn hóa dân gian, xuất sứ từ tên gọi (Thiên) của người Tày, để chỉ một loại hình văn hóa tín ngưỡng. Theo quan niệm dân gian, “Then” có nghĩa là “Thiên” (Trời) và được coi là điệu hát của thần tiên truyền lại. Thông qua những quan niệm về Mường Trời (nơi cư ngụ của các thần linh), Mường Đất (nơi cư ngụ của con người), Mường Nước (nơi cư ngụ của Long Vương…), người Tày giải thích về mối quan hệ giữa con người và thiên nhiên cũng như bày tỏ ước vọng về chỗ dựa tinh thần, tạo dựng niềm tin để vượt qua những khó khăn, trở ngại trong cuộc sống. Bên cạnh đó, Then còn được nhìn nhận như một loại hình nghệ thuật diễn xướng dân gian, tích hợp nhiều bộ môn nghệ thuật từ văn học, âm nhạc, múa, tới hội họa và trình diễn… Người hát Then trong những dịp lễ (cầu an, cầu mùa, gọi hồn…), tết là người đại diện cho cộng đồng giao tiếp với thần linh, cầu cho mùa màng tươi tốt, đời sống ấm no, hạnh phúc. Nhạc cụ chính được sử dụng trong hát Then là đàn Tính. Thế nên, lâu nay ta thường quen gọi là hát Then, đàn Tính (Tính tẩu).

Dân tộc Tày ở Tuyên Quang chiếm trên 25% dân số toàn tỉnh (số dân đông sau dân tộc Kinh) và chiếm hơn 50% số dân các dân tộc thiểu số. Người Tày cổ cư trú ở vùng núi phía bắc Tuyên Quang đã góp phần sáng tạo nên nền văn hóa bản địa ở vùng này rất phong phú và đa dạng. Trong đó, phải kể tới kho tàng truyện thần thoại, cổ tích; các thể loại dân ca, dân vũ, như: Hát Then, lượn cọi, phong slư… Trong số các loại hình văn hóa nghệ thuật dân gian này, hát Then là một trong những di sản văn hóa đặc sắc, độc đáo và tiêu biểu của người Tày. Then dân tộc Tày ở Tuyên Quang, theo người già (những người am hiểu về Then) kể lại và sách chép của người đã quá cố, như cố nghệ nhân Ma Thanh Cao, ở xã Tri Phú; cố nghệ nhân Hà Phan; Nghệ nhân Nhâ dân Hà Văn Thuấn, ở xã Tân An, huyện Chiêm Hóa; Nghệ nhân Ưu tú Nguyễn Mạnh Thẩm, ở xã Thanh Tương, huyện Nà Hang, thì Then xuất hiện từ thời Phùng Hưng (thế kỷ thứ VIII). Trải qua năm tháng thăng trầm của các thời kỳ lịch sử, Then luôn có mặt trong đời sống văn hóa, tín ngưỡng và trở thành một loại hình văn hóa nghệ thuật đặc sắc, độc đáo và tiêu biểu của người Tày Tuyên Quang, bởi nó được bắt nguồn từ chính cuộc sống lao động sản xuất, trong tình yêu của đồng bào Tày. Và cũng bởi chính họ (người Tày) là chủ thể sáng tạo ra và được trao truyền bằng hình thức truyền khẩu, thể hiện sự kế tục giữa các thế hệ.

Một tiết mục biểu diễn hát Then của Đoàn nghệ thuật Dân tộc tỉnh. Ảnh KT

Trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang hiện nay hầu như huyện nào (kể cả thành phố Tuyên Quang) cũng có hát Then, nhưng vùng hát Then đậm đặc, được duy trì và bảo tồn nguyên giá trị (Then cổ) chủ yếu ở các huyện Chiêm Hóa, Nà Hang và Lâm Bình. Trong đời sống của người Tày trước đây, Then thường được sử dụng trong các nghi lễ tín ngưỡng: Cầu mùa, cầu yên, cấp sắc, gọi hồn… Then Tày Tuyên Quang có hai hình thức thể hiện (tạm hiểu ước lệ như vậy), là Then quạt và Then tính. Then quạt (cùng nhóm với Pụt – Bụt) được sử dụng trong các nghi lệ cầu yên, như: Cúng mụ, giải hạn, chữa bệnh… Then quạt ra đời sớm hơn Then tính, khi thực hành Then quạt, người hát chỉ dùng quạt, mặc quần áo màu đỏ, khăn đỏ, đội mũ đỏ. Giai điệu Then quạt lời hát kéo dài, chủ yếu là âm điệu ừ, ừ, ừ…, không có nhạc đệm, thời gian hát kéo dài hơn Then tính. Khi hát một tay cầm quạt phe phẩy nhẹ nhàng trước mặt, một tay cầm khăn đỏ, đầu hơi lắc lư (động tác, thần thái gần giống hát chầu văn và người thực hành (Thanh đồng) trong các Giá đồng của người Kinh).

Nội dung đường Then cơ bản giống Then tính, chỉ có một số câu khác với Then tính và có bộ sách riêng. Then tính ra đời và phát triển trên cơ sở Then quạt, nhưng có nhạc cụ đệm là đàn tính (tính tẩu) và chùm sóc, khi thể hiện vừa đàn, vừa hát, nhịp lúc nhanh lúc chậm tùy thuộc vào nội dung khúc hát. Nếu thời gian cùng thể hiện một khúc hát thì Then tính nhanh gấp ba lần Then quạt. Như vậy, Then tính rút gọn hơn về số câu và nhịp phách. Âm điệu trong Then tính là ới la, ới là… (nghĩa là khát vọng giao đãi của con người với trời đất, thiên nhiên, vạn vật). Đặc biệt, âm điệu ới la được bắt đầu trước khi vào câu hát chỉ có ở Then của người Tày Tuyên Quang (Then Tày Cao Bằng, Bắc Kạn, Lạng Sơn không có âm điệu ới la). Trước khi hát, dạo nhạc (đàn tính) rồi mới bắt đầu vào lời và mở lời từ: ới la, ới là…

Nội dung hát Then Tày Tuyên Quang được chia thành hai nhóm: Then kỳ yên và Then lễ hội. Theo thống kê chưa đầy đủ của nhóm khảo sát, Bảo tàng tỉnh Tuyên Quang và Nghệ nhân Ưu tú Ma Văn Đức, người dày công nghiên cứu, sưu tầm, giới thiệu các cung Then cổ, thì Then kỳ yên và Then lễ hội có khoảng hơn 80 bài (cung) Then cổ được sử dụng trong các nghi lễ. Nhóm Then kỳ yên (đồng bào Tày thường gọi là làm then) được sử dụng trong các nghi lễ: Cúng cầu yên (cầu an), cầu chúc (chúc phúc, chúc năm mới…), chữa bệnh… Then kỳ yên phải trải qua nhiều công đoạn, gồm: Cung thổ công, cung phát pang (phát lễ cho họ nội, ngoại), cung thần linh, cung mồ mả, cung vua bếp (Táo quân), cung tổ tiên (gia tiên), cung bắc cầu, cung mụ, cung giải hạn (me khoăn) – cầu mong tránh khỏi tai họa, cung tam bảo, cung vua, cung khảm hải (vượt biển)… Then kỳ yên bao giờ cũng tổ chức vào ban đêm yên tĩnh, mọi sự sống đã lắng đọng vào giấc ngủ khi đó chỉ còn vang vọng tiếng hát của then, giúp mọi người nghe và thấu hiểu từng lời hát một cách đầy đủ, trọn vẹn nhất.

Nhóm Then lễ hội là những khúc hát khích lệ tinh thần mọi người thêm phấn chấn, vui vẻ, xua tan phiền muộn, cực nhọc vất vả trong cuộc sống, lao động sản xuất để thỏa mãn ước vọng về một cuộc sống đầy đủ hơn, muôn vật sinh linh. Then lễ hội thường được sử dụng trong các nghi lễ: Lễ cầu mùa, lễ vào nhà mới, lễ cấp sắc (lễ trưởng thành cho người con trai trong gia đình, dòng họ), lễ cốm (lễ vào mùa giã cốm, thường vào tháng Mười âm lịch hằng năm). Then lễ hội gồm nhiều chặng, cung, phủ, cửa: Giải uế, khảm hải, tứ bách hoặc phủ thu quạt, pụt luông (chúa của thần nông), nhà phép, hội đồng, tam bảo, chợ tam quang, vua cha… mà đoàn quân binh nhà Then khi dẫn lễ lên Mường Trời phải đi qua.

Ngôn ngữ – lời then mộc mạc, giàu hình ảnh, gần gũi với cuộc sống đời thường, sử dụng ngôn từ tượng hình, tượng thanh phong phú, lối so sánh, ví von. Nội dung các khúc hát then đều toát lên tư tưởng nhân văn sâu sắc, chứa đựng tình yêu thiên nhiên (mong muốn nhân an, vật thịnh, mưa thuận gió hòa, con người khỏe mạnh, mùa màng tốt tươi…), tình yêu đôi lứa, nghĩa vợ chồng, dăn dạy đạo lý làm người, ca ngợi  làng bản, quê hương… Giai điệu mượt mà, sâu lắng, âm hưởng mềm mại, đầm ấm, tạo cảm giác gần gũi, thiêng liêng, sức truyền cảm mạnh.

Như vậy, theo GS, TSKH Tô Ngọc Thanh, Chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam, Trưởng Ban chỉ đạo thực hiện Dự án: Công bố và phổ biến tài sản văn hóa – văn nghệ dân gian các dân tộc Việt Nam, “nếu gạt bỏ những yếu tố mê tín đối với việc chữa bệnh bằng hát Then (mà thực tế ngày nay cũng không còn mấy ai tin) thì Then là một không gian văn hóa dân tộc, một tác phẩm văn học nghệ thuật dân gian đa dạng, vừa phản ánh, vừa mô tả, vừa gửi gắm nhắn nhủ những ngọt bùi đắng cay của cuộc sống ông cha”. Vì, theo ông, “có thể thấy trong Then (Then Tày nói chung và Then Tày Tuyên Quang nói riêng), không chỉ các thể thơ dân tộc (thường là trường thiên thất ngôn, ngũ ngôn, thơ tự do… P.V), mà còn cả những biện pháp thi pháp, tu từ, ẩn dụ… của nghệ thuật ngôn từ; tìm thấy những làn điệu của tầng dân ca, dân nhạc cổ xưa nhất; những điệu múa đã song hành với hát then không biết bao năm tháng”. Và GS, TSKH Tô Ngọc Thanh khẳng định: “… Then là một kho tàng quý báu tàng trữ những giá trị văn học nghệ thuật ngàn đời của ông cha”.

Và vấn đề bảo tồn, phát huy giá trị di sản Then

Theo kết quả khảo sát, nhận diện, kiểm kê di sản văn hóa Then của người Tày trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, để lập hồ sơ di sản nghi lễ Then của người Tày ở Tuyên Quang trình Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia (Đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ghi danh vào Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia năm 2012), cho thấy một sự thật đáng lo ngại, đó là, xu hướng hát Then trong cộng đồng dân tộc Tày đang dần bị mai một. Vì các nghệ nhân già ngày một mất dần, lớp trẻ thì thích nhạc trẻ. Hát Then, theo cách nói của những người làm bảo tồn, bảo tàng cũng đang bị “biến đổi” mạnh. Lời Then giờ chủ yếu được đặt lại (đặt lời mới). Số nghệ nhân biết và lưu gữi Then cổ không còn nhiều. Hiện nay, số người biết về Then quạt và biết hát Then quạt còn rất ít. Hơn bốn mươi nghệ nhân là người dân tộc Tày làm nhiệm vụ trao truyền, duy trì hát Then ở cơ sở cũng chỉ ít người biết hát Then cổ.

Trước thực trạng như vậy, những năm gần đây, ngành văn hóa đã tham mưu, đề xuất với UBND tỉnh triển khai thực hiện một số giải pháp bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa các dân tộc, trong đó, tập trung bảo tồn, phát huy giá trị di sản hát Then của người Tày trên địa bàn tỉnh, với một số việc làm cụ thể: Thực hiện đề tài nghiên cứu khoa hoc “Bảo tồn di sản hát Then dân tộc Tày”; sưu tầm, dịch thuật các bài (cung) Then cổ từ chữ Nôm Tày, biên soạn xuất bản thành sách; ghi âm, ghi hình sản xuất đĩa nhạc về hát Then. Tham mưu với UBND tỉnh chỉ đạo UBND các huyện, phối hợp với ngành văn hóa thành lập các câu lạc bộ hát Then – đàn tính ở cơ sở. Đến nay, toàn tỉnh đã có trên 70 câu lạc bộ hát Then – đàn tính, duy trì hoạt động; đồng thời xây dựng kế hoạch kinh phí trong kế hoạch ngân sách hằng năm để tổ chức các lớp bồi dưỡng, tập huấn hát Then cho hạt nhân văn nghệ cơ sở (mời các nghệ nhân đến truyền dạy các làn điệu Then cổ); phối hợp với các huyện, xã có phong trào hát Then, có nghệ nhân tâm huyết, nắm giữ các làn điệu Then cổ mở lớp truyền dạy cho lớp trẻ.

Cách làm này khá thành công ở xã Tân An (Chiêm Hóa), nơi có hai anh em Cố nghệ nhân Hà Phan và Nghệ nhân Nhân dân Hà Thuấn, người dành cả đời mình cho việc sưu tầm, lưu giữ và phát huy giá trị hát Then của dân tộc mình. Nghệ nhân Nhân dân Hà Thuấn, tâm sự: “yêu thích, trân trọng giá trị nhân văn của nghệ thuật truyền thống dân tộc trong Then, nên thấy tự mình cần phải có trách nhiệm giữ gìn, truyền dạy cho con cháu…”. Và rồi, ông cũng là người khởi xướng việc thành lập câu lạc bộ hát Then-đàn tính thôn Tân Hợp, xã Tân An, do các thế hệ con cháu gia đình ông làm nòng cốt. Sự lan tỏa từ hoạt động thiết thực, hiệu quả của Câu lạc bộ này, không chỉ đối với các thôn, bản của xã Tân An, mà còn phát triển rộng trên phạm vi các xã của huyện Chiêm Hóa và các huyện khác.

Không chỉ truyền dạy cho người trẻ ở các câu lạc bộ hát Then – đàn tính tại các xã, hiện nay, một số trường học trong tỉnh, như Trường Dân tộc nội trú- THPT tỉnh, các trường Dân tộc nội trú huyện đã đưa nội dung hát Then, đàn tính vào chương trình giảng dạy của trường…

Cùng với việc xây dưng và phát triển phong trào hát Then đàn tính ở cơ sở, Đoàn Nghệ thuật dân tộc tỉnh cũng được giao nhiệm vụ nghiên cứu, sưu tầm chất liệu văn hóa dân gian các dân tộc, trong đó, có hát Then, đàn tính để xây dựng tiết mục biểu diễn phục vụ nhân dân; bổ sung một số diễn viên trẻ, tốt nghiệp chuyên sâu về thanh nhạc dân ca dân tộc, về đàn tính của Trường Nghệ thuật Việt Bắc, Trường đại học Văn hóa nghệ thuật Quân đội để hình thành tổ nghệ thuật biểu diễn về hát Then đàn tính của Đoàn.

Để khuyến khích và tôn vinh các nghệ nhân dân gian đã có công trong việc bảo tồn và truyền dạy di sản văn hóa dân tộc, tỉnh đã trình và được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu Nghệ nhân Nhân dân, Nghệ nhân Ưu tú cho 10 nghệ nhân, trong đó, có 4 nghệ nhân thuộc lĩnh vực văn hóa dân gian dân tộc Tày, gồm: Nghệ nhân Nhân dân Hà Văn Thuấn (Hà Thuấn), dân tộc Tày, xã Tân An (Chiêm Hóa); các Nghệ nhân Ưu tú: Nguyễn Mạnh Thẩm, dân tộc Tày, xã Thanh Tương (Nà Hang); Ma Văn Đức, dân tộc Tày (thành phố Tuyên Quang); Hà Ngọc Cao, dân tộc Tày, xã Xuân Quang (Chiêm Hóa).

Với những biện pháp tích cực và kết quả đạt được trong việc bảo tồn, phát huy giá trị Then của người Tày ở Tuyên Quang và 11 tỉnh miền núi phía bắc nước ta, Hồ sơ đề cử Thực hành Then (nghi lễ Then) của người Tày, Nùng, Thái ở Việt Nam, trong đó, có Then của người Tày Tuyên Quang, đã đáp ứng các tiêu chí quan trọng để UNESCO ghi danh vào Danh sách di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Việc ghi danh nghi lễ Then sẽ làm nổi bật sự đóng góp của di sản trong việc giữ gìn bản sắc dan tộc và củng cố sự đoàn kết giữa các dân tộc; đồng thời khẳng định sức sống của di sản được bảo đảm, bởi các cá nhân, gia đình, cộng đồng và các cơ quan chức năng đều trách nhiệm bảo tồn, phát huy trong đời sống đương đại.

Công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản Then của người Tày ở Tuyên Quang, đã đạt được những kết quả đáng mừng, Tuy nhiên, bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa dân tộc, không thể xem là công việc một sớm, một chiều. Và cũng không chỉ là việc của riêng ngành văn hóa. Thiết nghĩ, cách bảo tồn, phát huy di sản văn hóa dân tộc nói chung và di sản Then của dân tộc Tày nói riêng, trước hết và tốt nhất vẫn là mỗi cá nhân, gia đình và cộng đồng dân tộc đều có trách nhiệm bảo tồn và phát huy di sản văn hóa đặc sắc, riêng có của dân tộc mình.

Theo Tuyên Quang online