Giữ gìn bản sắc
Trao đổi với chúng tôi, bà Âu Thị Mai, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho biết, hiện nay toàn quốc có khoảng gần 300 di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, chia ra trung bình mỗi tỉnh, thành phố có khoảng 5 di sản. Nhưng đến nay, riêng Tuyên Quang đã có 10 di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, gồm: Nghi lễ Then và Lễ hội Lồng tông của người Tày; nghi lễ Cấp sắc và hát Páo dung của người Dao; kéo co truyền thống; hát Sình ca của người Cao Lan; hát Soọng cô của người Sán Dìu; lễ hội đền Hạ, đền Thượng, đền Ỷ La của thành phố Tuyên Quang; Lễ hội đình Thọ Vực, huyện Sơn Dương; Nghệ thuật trang trí trên trang phục truyền thống của người Dao Đỏ.
Với 10 di sản đặc sắc trên, điều đó cho thấy bản sắc văn hóa của Tuyên Quang rất phong phú, đa dạng và độc đáo. Những di sản đó không chỉ của đồng bào dân tộc Kinh, mà phân bố đều ở người Tày, Dao, Cao Lan, Sán Dìu. Hiện nay, tỉnh còn nhiều di sản có thể làm hồ sơ trình Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xem xét công nhận trong thời gian tới. Như nghi lễ nhảy lửa của dân tộc Pà Thẻn, kỹ năng làm cọn nước của người Tày, lễ hội Thành Tuyên…
Tuyên Quang rất coi trọng, quan tâm gìn giữ và phát huy vai trò của di sản gắn với du lịch. Năm 2017 tỉnh phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức Lễ hội Thành Tuyên và Ngày hội Văn hóa dân tộc Dao toàn quốc. Di sản nghi lễ Cấp sắc và làn điệu Páo dung của người Dao Tuyên Quang có cơ hội được quảng bá, giao lưu với các tỉnh, thành phố khác. Tiếp đó đến năm 2019, tỉnh phối hợp tổ chức Lễ hội Thành Tuyên và Liên hoan trình diễn Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Đã có tổng cộng 12 di sản đặc sắc của các tỉnh, thành phố trong cả nước tham gia trình diễn. Trong đó có 2 di sản tiêu biểu của tỉnh Tuyên Quang là Nghi lễ hát Then của dân tộc Tày và Nghi lễ thờ Mẫu Tam phủ của người Việt.
Nói đến Tuyên Quang là nói đến vùng đất đa văn hóa với 22 dân tộc cùng sinh sống. Tỷ lệ người dân tộc thiểu số chiếm 56% dân số toàn tỉnh, trong đó dân tộc Tày là dân tộc thiểu số đông nhất tỉnh. Nghệ nhân Nhân dân Hà Thuấn, xã Tân An (Chiêm Hóa) khẳng định, những làn điệu hát Then chính là “hồn cốt” của xứ Tuyên. Then là nghi lễ tâm linh của người Tày, đồng thời cũng là những bài hát cổ, hát mới răn dạy con người, ca ngợi quê hương, đất nước. Lời bài hát bay xa dễ đi vào lòng người. Để bảo tồn Then, tỉnh đã có chương trình đưa hát Then vào trường học, thành lập trên 100 Câu lạc bộ hát Then, đàn Tính ở cơ sở. Tuyên Quang cũng là tỉnh đưa ra sáng kiến và là đầu mối cùng các tỉnh làm hồ sơ trình Unesco công nhận Then là Di sản văn hóa đại diện của nhân loại.
Ở Tuyên Quang tín ngưỡng thờ thánh Mẫu (Mẫu Thượng thiên, Mẫu Thượng ngàn, Mẫu thoải) trong hàng chục ngôi đền cổ, tập trung nhiều nhất tại trung tâm thành phố là nét riêng đặc sắc. Hàng năm nghi lễ rước Mẫu từ đền Hạ, Thượng, Ỷ La đã thu hút đông đảo nhân dân và du khách thập phương.
Động lực phát triển du lịch
Nhờ có bước đi sớm, quyết đoán mà nhiều di sản văn hóa phi vật thể xứ Tuyên được phục dựng, bảo tồn, phát huy tốt, phục vụ đắc lực cho chiến lược phát triển du lịch. Trước kia, Lễ hội Lồng tông của đồng bào Tày Tuyên Quang có quy mô nhỏ. Để nâng tầm lễ hội này, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã phối hợp với huyện Chiêm Hóa, Lâm Bình phục dựng lại lễ hội truyền thống có quy mô lớn hơn. Ông Nguyễn Văn Hiền, Phó Chủ tịch UBND huyện Lâm Bình cho rằng, địa phương rất quan tâm tổ chức Lễ hội Lồng tông cấp huyện hàng năm. Giờ đây đầu xuân năm mới, Lễ hội Lồng tông đã trở thành thương hiệu của huyện vùng cao Lâm Bình, thu hút hàng vạn du khách tham gia. Các xã trong huyện đều có gian hàng văn hóa, ẩm thực nhằm quảng bá đến du khách tiềm năng, thế mạnh của mình.
Chưa bao giờ du lịch homestay lại phát triển mạnh mẽ như hiện nay. Tại làng homestay thôn Tân Lập, xã Tân Trào (Sơn Dương); Nặm Đíp, xã Lăng Can; Nà Đông, Nà Tông, xã Thượng Lâm; Bản Bon, xã Phúc Yên (Lâm Bình); Nà Khá, Nà Vai, xã Năng Khả (Na Hang) bản sắc văn hóa được giữ gìn và phát huy phục vụ du lịch. Như không gian nhà sàn, bản làng của đồng bào Tày, tiếng nói, trang phục, phong tục tập quán, ẩm thực. Trong đó không thể thiếu các đội hát Then, “hồn cốt” của văn hóa Tày để phục vụ du khách. Nhiều địa phương chú trọng mời các nghệ nhân Then tên tuổi trong tỉnh như: Hà Thuấn, Hà Ngọc Cao, Thàm Ngọc Kiến, Hoàng Liên Sơn, Nguyễn Mạnh Thẩm… để truyền dạy cho lớp trẻ. Qua đó nhằm xây dựng các Câu lạc bộ Then hoạt động có hiệu quả tại các vùng trọng điểm về du lịch.
Ở xã Hồng Thái (Na Hang) nghi lễ Cấp sắc, làn điệu Páo dung, nghệ thuật thêu của người Dao địa phương đã là sản phẩm du lịch độc đáo. Ông Bàn Quý Tỉnh, dân tộc Dao Tiền, thôn Khau Tràng, xã Hồng Thái tâm sự, du khách lên Hồng Thái giờ lại thích được ở trong những ngôi nhà gỗ, mái lợp ngói âm dương. Thôn cũng lập được đội văn nghệ, chuyên biểu diễn trích đoạn lễ Cấp sắc, hát Páo dung cho du khách nghe, xem. Du khách cũng được tham gia trải nghiệm cùng các bà, các chị thêu trang phục, khăn. Qua đây, du khách hiểu thêm về về nghệ thuật thêu của người Dao thật cầu kỳ, tinh tế và tỉ mẩn, nhưng cũng đầy màu sắc lãng mạn.
Nhờ làm tốt công tác bảo tồn và phát huy tốt giá trị của các di sản văn hóa phi vật thể quốc gia trên địa bàn tỉnh, du lịch Tuyên Quang có bước phát triển nhanh chóng. Với cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp, di tích lịch sử phong phú, bản sắc văn hóa độc đáo, chắc chắn xứ Tuyên sẽ là điểm đến lý thú, an toàn của du khách.