Thông tin

Sống tích cực an toàn

Xếp hạng bài viết
– Với việc dần nới lỏng giãn cách xã hội, Việt Nam đang bước sang giai đoạn mới trong công tác phòng chống dịch Covid-19. Mỗi người và cả xã hội đang dần điều chỉnh những thói quen với một tâm thế mới, kỹ năng mới. Đó chính là cách sống tích cực, an toàn trong bối cảnh dịch bệnh để vừa kiểm soát dịch bệnh, vừa phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội.

Thay đổi để thích ứng

Đại dịch Covid-19 đã làm thay đổi cuộc sống. Những xu hướng cho một cuộc sống mới đã nhanh chóng hình thành. Thường ngày phố phường nhộn nhịp, hàng quán đông đúc, nay guồng quay của xã hội có phần chậm lại. Sống chậm, giúp mọi người được thư thái, thấy được sức khỏe quan trọng hơn nhiều thứ khác. Gia đình bỗng trở nên gắn kết. Điều mà bình thường ít ai cảm nhận thấy khi cuộc sống quá bận rộn.

Học sinh trường THCS Lê Quý Đôn, thành phố Tuyên Quang rửa tay sát khuẩn trước khi vào lớp.

Chị Đỗ Thái Ngọc, tổ 12, phường Minh Xuân (TP Tuyên Quang) chia sẻ, những ngày thực hiện giãn cách xã hội, công việc của chị chậm lại, nhưng thay vào đó chị có nhiều thời gian để chăm sóc gia đình hơn. Chị dành nhiều thời gian cho việc thay đổi trong ăn uống, chế biến thực phẩm lành mạnh của gia đình, chồng và các con của chị cũng cùng tham gia. Chị cảm thấy gia đình gắn kết hơn. Chị Trần Thị Minh Ngọc, tổ 7, phường Tân Hà (TP Tuyên Quang) là giáo viên trường THPT Chuyên Tuyên Quang. Những ngày “ở nhà” chị cũng như nhiều đồng nghiệp của mình chưa từng biết đến khái niệm dạy học Online. Nhưng trước diễn biến của dịch bệnh theo yêu cầu của công việc, chị đã mày mò làm quen với cách dạy học mới này, vì thế chị cũng học hỏi được khá nhiều kiến thức mới về công nghệ thông tin và các phương pháp dạy học Online hiệu quả.

Chị Phúc Thị Xuyên, Phó Trưởng phòng Xây dựng nếp sống văn hóa và gia đình, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch nhận xét: Nhiều ý kiến cho rằng, dịch Covid-19 khiến cho mọi người lo lắng về sức khỏe, giảm sút về tâm lý nhưng bên cạnh đó, nếu suy xét ở mặt tích cực hơn, quãng nghỉ vì đại dịch lại khiến chúng ta có được khoảng lặng, biết cách sống chậm và tận hưởng cuộc sống; có thời gian để thảnh thơi, suy nghĩ lại những gì đã qua, hành trình đã đi để nhìn nhận thấu đáo và cả thêm những ý tưởng, kế hoạch rồi sắp xếp cho tương lai.

Dịch bệnh xuất hiện, không chỉ mỗi cá nhân bắt buộc phải thay đổi, mà cả các công ty, doanh nghiệp cũng buộc phải thay đổi để thích nghi. Chị Đinh Thị Kim Dung, tổ 17, phường Phan Thiết (TP Tuyên Quang) Chủ nhà hàng Ẩm thực Việt cho hay: “Tất cả nhân viên đang dồn hết công suất để mở cửa trở lại sau 1 tháng “đóng băng”. Trước đó, việc chuyển đổi từ bán đồ ăn, phục vụ trực tiếp đã được nhà hàng thay thế bằng bán hàng Online để “cầm cự”. Từ khi mở cửa trở lại, chúng tôi đã bố trí lại không gian quán, kê ít bàn ghế hơn, khoảng cách giữa khách hàng rộng hơn để đảm bảo thực hiện việc giãn cách. Hiện tại, khách hàng vẫn có thể đặt món bằng gọi điện, chúng tôi sẽ cho nhân viên ship đồ đến tận nơi cho khách hàng. Với cách này, chúng tôi cũng có thêm được nhiều khách hàng hơn”.

Đối phó và thích ứng với dịch bệnh, nhiều nhà khởi nghiệp trẻ cũng đã có những điều chỉnh nhanh chóng để thay đổi theo nhu cầu của khách hàng, có thể kinh doanh mà vẫn an toàn trong bối cảnh này. Anh Hoàng Văn Minh, Giám đốc HTX Thanh niên Thượng Lâm (Lâm Bình) cho biết: HTX kinh doanh hoạt động ở các loại hình dịch vụ khá đa dạng như thu mua nông sản của nông dân địa phương, trồng rau, nuôi trồng thủy sản nước ngọt, chế biến bảo quản thủy sản và các sản phẩm từ thủy sản, cung cấp giống cây trồng, vật nuôi; dịch vụ homestay, dịch vụ lữ hành du lịch nội địa, vận tải đường thủy nội địa. Dịch bệnh Covid-19 xuất hiện khiến HTX phải tổ chức lại các hoạt động, làm sao để các thành viên có thể làm việc ở nhà, đảm bảo nhân viên an toàn vẫn phải là việc làm trước tiên. Tuy nhiên, mỗi thành viên trong HTX đang phải hoạt động cao độ, thậm chí còn hơn cả trước khi có dịch bệnh, phải đa dạng hóa nguồn cung, sản phẩm và kênh bán hàng cũng như liên kết với những đơn vị khác để việc phục vụ khách hàng tại nhà được tốt hơn, nhanh hơn, an tâm hơn. “Tôi xem đây là thử thách, cơ hội để nâng cao “sức đề kháng” của HTX trong bối cảnh dịch bệnh hiện nay” – anh Minh nói.

Trách nhiệm với cộng đồng

Những ngày qua, những câu chuyện cảm động, nghĩa cử cao đẹp, sẻ chia đùm bọc giữa mùa dịch lan tỏa khắp cả nước. Tất cả tạo nên luồng sinh khí ấm áp, làm lòng người dịu lại bên cạnh những thông tin gây sốc về số lượng người nhiễm Covid-19 tăng lên nhanh chóng khắp toàn cầu.

Vừa nỗ lực tham gia phòng chống dịch, thời gian qua, cán bộ chiến sỹ công an toàn tỉnh vừa tình nguyện hiến được 558 đơn vị máu góp phần chữa bệnh cứu người.

Hình ảnh những gói quà nhỏ và dòng chữ: “Nếu bạn khó khăn cứ lấy một phần” xuất hiện tại cửa hàng tạp hóa của chị Bùi Thị Nguyệt, tổ 12, phường An Tường (TP Tuyên Quang) nhận được sự ủng hộ tích cực và chia sẻ nhiều trên trang mạng xã hội. Hình ảnh những đoàn viên, thanh niên, hội viên Hội Phụ nữ gấp rút khẩn trương may những chiếc khẩu trang vải, làm kính chống giọt bắn, ủng hộ nhu yếu phẩm cho khu cách ly. Ông Ma Văn Dần, 94 tuổi đời, 76 năm tuổi Đảng, cán bộ Tiền khởi nghĩa ở tổ dân phố 2, phường An Tường (TP Tuyên Quang) đã trích 6 triệu đồng tiền tiết kiệm để ủng hộ cho công tác phòng, chống dịch Covid-19 của thành phố. Cụ ông, cụ bà Hoàng Vì Seo và Mông Thị Nghè, dân tộc Mông ở xã Yên Lập (Lâm Bình) “tay xách nách mang” từng kg gạo, mớ rau của nhà trồng, thậm chí là vài chục nghìn đồng tiền lẻ đến ủng hộ tại khu cách ly trên địa bàn.

Đó là những nghĩa cử của thành viên của các hợp tác xã nông nghiệp tích cực ủng hộ lương thực, thực phẩm. Dẫu họ là những người chịu ảnh hưởng trực tiếp từ dịch bệnh nhưng vẫn trọn vẹn một tấm lòng “Một miếng khi đói bằng một gói khi no”. Điển hình như: Hợp tác xã Nông nghiệp Thanh niên Năng Khả, Hợp tác xã Nông nghiệp Đà Vị, Hợp tác xã Nông nghiệp và Dịch vụ Kim Long, Hợp tác xã Nông nghiệp Minh Quang… Những sản phẩm ủng hộ đều là những sản phẩm người dân vất vả một nắng hai sương làm ra, thể hiện tấm lòng, tinh thần cùng chung tay phòng chống dịch bệnh của người dân với cấp ủy, chính quyền trong phòng chống dịch.

Đặc biệt, trong những ngày cả nước thực hiện giãn cách xã hội, có thời điểm kho dự trữ máu tại Khoa Huyết học –  Truyền máu, Bệnh viện Đa khoa tỉnh chỉ còn 4 đơn vị máu, nhiều bệnh nhân phải chờ đợi để được truyền máu. Nhận thấy rõ tình huống cấp bách đó, nhiều tình nguyện viên sẵn sàng sẻ chia giọt máu để cứu người. Nhờ sự vận động, tổ chức của Hội Chữ thập đỏ và một số cơ quan, đơn vị, kết quả đã có hơn 1.000 người tham gia, thu được 1.500 đơn vị máu. Chị Nguyễn Hải Anh, đoàn viên Đoàn phường Tân Hà chia sẻ: “Dù đi hiến máu năm nay khác mọi năm, lỉnh kỉnh một chút với khẩu trang, kính bảo hộ, găng tay y tế, các bước vệ sinh, sát khuẩn… nhưng chúng tôi vẫn rất vui. Bởi mỗi người đã góp sức cùng bệnh viện vượt qua khó khăn trong đợt dịch bệnh, đảm bảo nguồn máu cứu chữa kịp thời cho người bệnh”.

Bên cạnh những hình ảnh đẹp, những việc làm đầy ý nghĩa nhân văn, những ứng xử có trách nhiệm cao trong “chiến dịch” phòng chống dịch Covid-19, cũng vẫn còn không ít những hành động, việc làm đáng lên án. Như lợi dụng việc khan hiếm nguồn hàng khẩu trang y tế để phòng chống dịch, 2 đối tượng Lý Khánh Huyền, trú tại thôn Nghiêm Sơn, xã Hoàng Khai và Nguyễn Xuân Minh, thôn Soi Tiên, xã Phúc Ninh (Yên Sơn) đã tàng trữ, vận chuyển, buôn lậu khẩu trang y tế. Hay lợi dụng sự lan tỏa thông tin trên các trang mạng xã hội, 2 đối tượng Lương Hải Yến, thôn Hợp Long 1, xã Yên Nguyên và Trần Thị Giáo, thôn Làng Lạc, xã Xuân Quang (Chiêm Hóa) đã đăng tải những nội dung sai sự thật về dịch bệnh Covid-19 gây hoang mang dư luận. Trong khi cả hệ thống chính trị, toàn Đảng, toàn quân, toàn dân đang gồng mình để chống dịch bệnh Covid-19, mang lại sự bình yên cho nhân dân, thì một số đối tượng lại đua xe, lạng lách đánh võng ngoài đường gây bức xúc trong nhân dân như 4 đối tượng Nguyễn Đức Anh, Đinh Văn Huy, Tạ Bá Sơn trú tại xã Thái Sơn; Nguyễn Huyền My trú tại xã Đức Ninh (Hàm Yên)…

Dịch bệnh Covid-19 đã và đang có những ảnh hưởng trực tiếp đến mọi mặt đời sống kinh tế, xã hội cũng như cuộc sống của mỗi người. Mọi nỗ lực, cố gắng chỉ thực sự có được hiệu quả khi có sự đồng lòng, chung sức của toàn xã hội, ý thức trách nhiệm của mỗi công dân. Đứng trước một hoàn cảnh mỗi người có quyền lựa chọn thái độ sống khác nhau. Thái độ sống tích cực không chỉ mang đến lợi ích cho bản thân mà tạo hiệu ứng tốt cho cộng đồng, xã hội. Trong thời điểm dịch Covid-19, thay vì sống lo lắng, hoang mang chúng ta hãy dần điều chỉnh theo hướng tích cực để thích ứng với thời cuộc mới, xu thế mới, góp phần cùng cộng đồng thực hiện được mục tiêu kép: Vừa kiểm soát dịch bệnh, vừa phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội.

Theo Báo Tuyên Quang