Ngược lại với Nhật Bản, Việt Nam là nước bán đảo trải dài từ bắc xuống nam với 54 dân tộc anh em. Riêng tỉnh miền núi phía bắc Tuyên Quang cũng được xếp vào tốp tỉnh nhiều dân tộc thiểu số, có 22 dân tộc. Sự quần cư của 22 dân tộc trên địa bàn tỉnh có yếu tố lịch sử tộc người, văn hóa cư trú và vị trí địa lý. Chính sự đan xen, giao thoa này mà Tuyên Quang được các nhà nghiên cứu đánh giá là vùng đất đa văn hóa. Chất liệu “văn hóa đa dạng này” giúp Tuyên Quang có sức hấp dẫn lớn trong phát triển kinh tế, xã hội, đặc biệt là du lịch.
Thiếu nữ các dân tộc thiểu số ở Tuyên Quang.
Theo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, toàn tỉnh hiện có 425 di sản văn hóa phi vật thể, trong đó có 10 di sản văn hóa phi vật thể được Bộ văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào Danh sách di sản văn hóa phi vật thể quốc gia là: Lễ hội Lồng tông, hát Then của dân tộc Tày; hát Páo dung, lễ Cấp sắc của dân tộc Dao; kéo co truyền thống của cộng đồng các dân tộc Tuyên Quang; hát Soọng cô của dân tộc Sán Dìu; hát Sình ca của dân tộc Cao Lan; Lễ hội Đình Thọ Vực; Lễ hội rước Mẫu đền Hạ, đền Thượng và đền Ỷ La; Nghệ thuật trang trí trên trang phục truyền thống của người Dao Đỏ. Hiện nay, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đang tiến hành kiểm kê toàn diện 40 di sản văn hóa phi vật thể trên địa bàn tỉnh. Trên cơ sở đó lựa chọn những di sản văn hóa phi vật thể tiêu biểu, lập hồ sơ đề nghị Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào Danh sách di sản văn hóa phi vật thể quốc gia để có biện pháp bảo tồn, phát huy giá trị di sản.
Sự đa dạng văn hóa của Tuyên Quang không chỉ dừng lại ở con số cơ học là 22 dân tộc anh em cùng sinh sống, mỗi dân tộc có một bản sắc riêng. Ông Hoàng Văn Tước, thôn Lang Chang, xã Hòa Phú (Chiêm Hóa) là người dân tộc Tày sinh ra và lớn lên ở Hòa Phú cho biết, trước kia dòng họ Hoàng rất khắt khe trong việc kết hôn với các dân tộc khác. Kết hôn người cùng dân tộc vẫn là giải pháp tốt nhất. Tuy nhiên sang đời con ông đã có hai người con gái lấy chồng người Kinh. Rồi sang đời cháu, đã có người lấy người Dao Tiền. Văn hóa gia đình đã có sự giao thoa rõ rệt. Những đời con, cháu lai chắc chắn bị ảnh hưởng giữa hai nền văn hóa của bố và mẹ. Nên người Tuyên Quang tại sao lại có nhiều tố chất uyển chuyển, linh hoạt dễ phù hợp với từng hoàn cảnh sống.
Đối với đồng bào dân tộc thiểu số sống lâu đời ở Tuyên Quang, vấn đề dòng họ gia tộc đã đi vào nền nếp. Sự gắn kết chặt chẽ họ với nhau chính là sự gần gũi về huyết thống. Cũng giống như người Kinh ở dưới xuôi, vai trò người trưởng họ, trưởng tộc là rất lớn. Nên tính cộng đồng và đoàn kết, phân biệt trên dưới ở đây rất rõ ràng. Lối sống quây quần thành từng bản làng đông đúc, có hương ước riêng được thể hiện rõ nét. Tuy nhiên đối với người Kinh ở Tuyên Quang thì hơi khác. Người Kinh ở Tuyên Quang đa phần di cư từ miền Trung, vùng đồng bằng bắc bộ đi xây dựng vùng kinh tế mới. Họ là người tứ xứ từ nhiều tỉnh, thành phố lên làm cùng với nhau trong một lâm trường, nông trường hay một khu dân cư.
Ông Lê Tiến Hạm, xóm 2, xã Tràng Đà (TP Tuyên Quang) kể, năm 1963 ông từ Hà Nội lên Tuyên Quang đi xây dựng vùng kinh tế mới, làm công nhân Lâm trường Tuyên Bình. Sau đó kết hôn với bà Võ Thị Hợi, người Nghệ An, làm cùng đơn vị. Cùng là người Kinh, song việc kết hôn khác vùng miền cũng làm văn hóa gia đình thêm đa dạng. Hơn nữa việc ở quê mới sẽ mất đi tính dòng họ gia tộc ở quê hương cũ, thay vào đó là sự pha trộn những tập quán ở vùng đất mới. Cả một thôn mới là công nhân lâm nghiệp, nông trường hội tụ người của các tỉnh, thành phố. Các hội đồng hương Nam Định, Hải Phòng, Ninh Bình, Hải Dương… ra đời. Sự phong phú văn hóa vùng miền còn được “lai” sang các đời sau, khi con cháu của những người di cư này kết hôn với nhau.
Tại xã Vinh Quang (Chiêm Hóa) có những thôn toàn người Hà Tây (cũ) hay người Ninh Bình sống quần cư với nhau. Việc di cư lên Tuyên Quang theo anh em họ hàng, làng xóm khiến bản sắc văn hóa, kết cấu dòng họ được giữ tương đối tốt. Đồng chí La Văn Thắng, Bí thư Đảng ủy xã Kim Bình cho rằng, văn hóa người Kinh dưới xuôi, pha trộn với văn hóa người dân tộc Tày, Dao… bản địa, làm cho văn hóa, lối sống của người Vinh Quang khá phong phú. Như lối làm ăn năng động, hiệu quả của người Kinh được người dân tộc thiểu số bản địa học tập. Còn người Kinh lại học tập người dân tộc thiểu số bản địa ở thế mạnh trong văn hóa ẩm thực, các bài thuốc dân gian, kỹ năng đi rừng…
Qua khảo sát 7 huyện, thành phố, thì hầu hết các dân tộc đều phân bố đan xen. Dân tộc Tày, Dao thì ở địa phương nào cũng có. Với tỷ lệ dân số 56% là đồng bào dân tộc thiểu số, 44% là người Kinh, có thể hoàn toàn khẳng định Tuyên Quang là vùng đất đa văn hóa. Đồng chí Âu Thị Mai, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch khẳng định, những năm qua ngành đã bảo tồn và phát huy tốt truyền thống lịch sử cách mạng, bản sắc văn hóa đa dạng của Tuyên Quang để tập trung phát triển du lịch thành ngành kinh tế quan trọng của tỉnh như bảo tồn về lễ hội truyền thống, phong tục, tập quán, di tích lịch sử văn hóa, danh lam thắng cảnh, các di sản văn hóa phi vật thể, kiến trúc nhà ở, ẩm thực, âm nhạc, trang phục… của các dân tộc trên địa bàn. Cùng với đó thực hiện quy hoạch bảo tồn, phát huy các làng văn hóa gắn với phát triển du lịch homestay của dân tộc Tày, Dao, Cao Lan…
Theo Tuyên Quang online.