Kiến Thức - Chia Sẻ

Lễ hội Đôn Ta – Dấu ấn văn hóa độc đáo của người Khmer

Xếp hạng bài viết

Lễ hội Đôn Ta từ lâu đã được xem là một trong những lễ hội lớn nhất của người Khmer. Lễ hội này mang đậm bản sắc văn hóa truyền thống của người Khmer Nam Bộ, được lưu giữ qua nhiều thế hệ. Cùng chúng tôi đi tìm hiểu chi tiết hơn về lễ hội Đôn Ta bên dưới đây.

Nguồn gốc của lễ hội Đôn Ta

Nguồn gốc của lễ hội Đôn Ta
Lễ hội Đôn Ta có nguồn gốc từ tín ngưỡng của cư dân Phum Sóc Khmer

Lễ hội Đôn Ta hay còn có tên gọi khác là Lễ Sen Dolta. Lễ hội có nguồn gốc từ tín ngưỡng cổ xưa của cư dân Phum Sóc Khmer, trước khi Phật giáo Nam du nhập đến miền Nam Việt Nam. 

Khu vực Nam Bộ từ lâu đã là nơi ngập nước. Người dân nơi đây thường di chuyển bằng thuyền và sinh sống chủ yếu bằng nghề trồng lúa nước. Trong quá trình trồng lúa truyền thống, bà con thường bắt đầu gieo giống vào đầu năm, khi bắt đầu mùa mưa theo lịch Khmer và hoàn thành việc gieo cấy lúc mùa Đôn Ta đến. Thời gian rảnh rỗi khỏi công việc đồng áng, người Khmer thường gặp gỡ, thăm hỏi người thân ở xa và tặng nhau đồ quê như bánh trái, hoa quả.

Dựa trên tập tục này, cứ hàng năm vào ngày 29 tháng 8 đến ngày mùng 01 tháng 9 âm lịch, người dân Khmer Nam Bộ sẽ tổ chức lễ hội Đôn Ta, hay còn gọi là lễ cúng ông bà. Lễ hội này nhằm tưởng nhớ công lao và cầu nguyện cho linh hồn của người đã qua đời, nhất là những người thân trong gia đình. Đồng thời, đây cũng là dịp để tri ân tổ tiên đã khai phá đất đai, đảm bảo sự bình an và thịnh vượng cho Phum Sóc.

Ý nghĩa của lễ hội Đôn Ta

Ý nghĩa của lễ hội Đôn Ta
Lễ hội Đôn Ta là dịp để để hiện lòng thành kính tới ông bà tổ tiên đã khuất

Theo ngôn ngữ Khmer, từ “Sen” có nghĩa là cúng, trong khi từ “Dol” nghĩa là bà và “Ta” có nghĩa là ông. Lễ hội Đôn Ta của người dân tộc Khmer mang ý nghĩa tương tự như lễ vu lan báo hiếu, thể hiện lòng thành kính đối với ông bà và tổ tiên đã qua đời. 

Xem thêm:  Khám phá nét đẹp văn hóa tại lễ hội đình làng Giếng Tanh

Dịp lễ này luôn được bà con trong cộng đồng Khmer chuẩn bị kỹ lưỡng. Thông thường, mỗi gia đình sẽ gửi 1 hoặc 2 thành viên đến giúp đỡ nhà chùa chuẩn bị cho ngày lễ, như treo cờ phướn, làm sạch khu vực xung quanh tháp đựng cốt, sơn trang trí tháp,… 

Các gia đình cũng tận dụng thời gian này để dọn dẹp ngôi nhà, bàn thờ và chuẩn bị các món ăn truyền thống để dâng cúng cho ông bà và tổ tiên. Tùy thuộc vào khả năng kinh tế của từng gia đình, cách chuẩn bị có thể khác nhau. Tuy nhiên, lễ vật thường có điểm chung là những món ăn bình dị, gần gũi, thể hiện đặc trưng văn hóa ẩm thực của người Khmer Nam Bộ.

Các hoạt động đặc sắc trong lễ hội Đôn Ta

Các hoạt động trong lễ hội Đôn Ta
Lễ hội Đôn Ta sẽ diễn ra trong vòng 3 ngày, từ 9/8 – 1/9 âm lịch

Theo truyền thống, lễ hội Đôn Ta sẽ được tổ chức trong 3 ngày, từ ngày 29/8 đến 1/9 âm lịch. Trong 3 ngày này, lễ hội Đôn Ta sẽ diễn ra những hoạt động sau:

Ngày thứ nhất

Trong ngày đầu tiên, mỗi gia đình chuẩn bị cẩn thận, lau chùi sạch sẽ nhà cửa, bàn thờ tổ tiên. Họ sắp đặt bàn cơm, bánh trái, rượu trà,… sau đó mời tất cả thành viên trong gia đình đến để cúng ông bà và tổ tiên. Vào buổi chiều, sau khi đã tắm rửa sạch sẽ và mặc áo đẹp, họ tiếp tục cúng ông bà, sau đó đến chùa để nghe kinh cầu siêu, thuyết pháp từ sư sãi. Tại đây, các nhà sư sẽ lấy những nắm cơm vắt từ bàn cúng tam bảo để tụng kinh cầu siêu cho những linh hồn cô đơn, không có người thân.

Tại chùa, lễ nghi truyền thống cùng với các hoạt động tôn giáo, tín ngưỡng khác sẽ được tổ chức. Đồng thời cũng có những hoạt động hội hè như du kê, Lò-khol Bác-sắc, múa Lâm-thol,…

Xem thêm:  Khám phá nét đẹp văn hóa lễ hội Lồng Tông của đồng bào dân tộc Tày

Ngày thứ hai

Ngày thứ hai vào buổi trưa, bà con Khmer chuẩn bị mâm cơm và bánh, trái,… mang đến chùa để tổ chức cúng chính (cúng tập thể). Sau khi sư thầy đã tụng kinh cầu siêu cho tất cả linh hồn ông bà của các gia đình trong cộng đồng, mọi người sẽ cùng nhau tham gia ăn uống và chia sẻ kinh nghiệm trong việc canh tác nông nghiệp cũng như vui chơi tại chùa. 

Buổi chiều, mọi người sẽ đón linh hồn ông bà về nhà, chuẩn bị mâm cơm mới để cúng. Sau đó, mọi người sẽ cúng để mời họ ở lại chứng kiến cuộc sống hạnh phúc của con cháu.

Ngày thứ ba

Vào ngày thứ ba, mỗi gia đình chuẩn bị một mâm cơm riêng, sau đó mời một số vị sư sãi cùng người thân, họ hàng đến nhà để tụng kinh cầu siêu và tiễn đưa linh hồn người quá cố. 

Để chuẩn bị cho ông bà và người thân quá cố, bà con thường làm một chiếc thuyền bằng lá chuối, gắn thêm cờ phướn và hai hình nộm (tượng trưng cho tổ tiên), cùng với các vật phẩm như gạo, muối, quần áo, tiền bạc, vàng,… Người thân sẽ thắp nhang và đèn trên thuyền. Sau đó, họ thực hiện thả thuyền xuống dòng sông hoặc kênh gần nhà để đưa ông bà và người thân quá cố về thế giới bên kia.

Trong suốt ba ngày lễ hội Đôn Ta, tất cả các nghi lễ quan trọng đều được diễn ra tại chùa. Đây là nơi mọi người hướng lòng thành kính về Đức Phật, tưởng nhớ ông bà tổ tiên và hy vọng vào những điều tốt lành.

Kết luận

Lễ hội Đôn Ta thể hiện rõ nét truyền thống “Cây có cội, nước có nguồn” của người dân Việt Nam nói chung và cộng đồng Khmer nói riêng. Lễ hội Đôn Ta mang giá trị nhân văn sâu sắc, giúp gia tăng sự đoàn kết, yêu thương giữa các thành viên trong gia đình cũng như hàng xóm láng giềng trong bản làng.