Chiếc gùi trong sinh hoạt mang đậm bản sắc người Mông.
Bản Mông từ xưa đến nay hầu như ngày nào cũng có tiếng khèn, lúc thì thanh niên tụ tập nhau lại thi thổi. Rồi ai buồn, ai vui ở nhà cũng tự thổi, bày tỏ nỗi lòng của mình. Đàn ông Mông khi lớn lên đều được ông và bố dạy cho thổi khèn. Tiếng khèn Mông thường được thổi theo bài dân ca Mông. Nếu dân tộc khác nghe tiếng khèn hay, thì người phụ nữ Mông hiểu người đàn ông muốn nói điều gì. Nhiều cô gái cũng chỉ vì say tiếng khèn mà kết duyên vợ chồng, để tiếng khèn mãi mãi là của nhau. Hằng tuần xuống chợ phiên xã Kiến Thiết, sau bữa sáng lại thấy đàn ông Mông mang khèn ra thổi. Người mua kẻ bán, người đi chơi đều thấy háo hức, rộn ràng.
Đối với người Mông, họ chỉ thích làm nhà trên núi cao. Như khu vực đỉnh Mười – Ba Xứ, xã Kiến Thiết (Yên Sơn), thôn Trung Phìn, xã Sinh Long; thôn Khuổi Phầy, xã Hồng Thái; Khuổi Củng, xã Xuân Lập (Lâm Bình), xã Yên Lâm (Hàm Yên). Ông Sùng Mí Chính, thôn Khuổi Củng, xã Xuân Lập cho rằng, người Mông thích ở trên cao vì thích thời tiết lạnh và gió, không gian thoáng đãng. Quan niệm của người Mông là khí hậu ở đâu mát mẻ, thì đất đai sẽ tươi tốt. Nhờ đó mà cuộc sống sẽ gặp nhiều thuận lợi, con người khỏe mạnh. Vì ở trên cao nên người Mông luôn duy trì ngôi nhà trình tường bằng đất. Ngôi nhà này về mùa hè mát mẻ, ấm về mùa đông, chắn gió tốt. Ngày nay người Mông trên địa bàn tỉnh thường làm nhà bưng gỗ trên lợp tấm lợp. Về nhà ở người Mông không quá cầu kỳ trang hoàng, chỉ cần một không gian rộng rãi, ấm cúng. Tuy nhiên dù đi đâu người Mông vẫn có thói quen sống quần tụ thành từng bản làng, cấu kết cộng đồng tương đối chặt chẽ.
Ở tỉnh ta, dân tộc Mông đông thứ 4 sau dân tộc Tày, Dao, Cao Lan với gần 4.000 hộ, 20.000 nhân khẩu, văn hóa thì không lẫn vào đâu được. So với dân tộc khác, người Mông vẫn có xu hướng kết hôn cùng dân tộc, song tránh kết hôn cùng dòng họ. Giờ có giao thoa lấy người dân tộc khác, nhưng tỷ lệ không nhiều. Đối với người Mông, vai trò người trưởng tộc rất lớn, người đàn ông là trụ cột gia đình, người phụ nữ nội trợ giỏi. Người Mông rất tín thờ thần linh, tổ tông, dòng họ. Giữa gian nhà bàn thờ thường được lập trang trọng. Ở thôn Khuổi Phầy, xã Hồng Thái người Mông vẫn giữ thói quen ăn thêm mèn mén với cơm gạo. Bà con thích món thịt xông khói, canh đậu tương, rau bao, cải bẹ, bí đỏ, gà nấu canh gừng, thắng cố, bánh giày, thích ăn mía. Trong chăn nuôi người Mông thường nuôi ngựa, dê, lợn đen, gà sao.
Theo Ban Dân tộc tỉnh, người Mông xứ Tuyên cũng chia ra nhiều ngành như: Mông Trắng, Mông Hoa, Mông Đỏ, Mông Đen, Mông Xanh. Tuy mỗi ngành tiếng nói, trang phục, phong tục có hơi khác nhau chút, song chất chung của người Mông vẫn đậm nét. Đối với phụ nữ Mông là bộ váy hoa, mũ, yếm, bao chân, chiếc ô sặc sỡ. Còn đàn ông thì đơn giản là bộ áo thổ cẩm màu đen, khuy gài, chiếc mũ nồi. Khi người con gái Mông đi lấy chồng, bố đẻ không quên tặng một chiếc mũ nồi. Người con gái mang mũ về cất trong hòm như một vật linh thiêng, bùa hộ mệnh. Chỉ khi nào người bố đẻ mất, cô con gái lấy mũ đội trong đám tang, được thầy làm lễ.
Nhờ cuộc sống “bay bổng” trên non cao, nên tính cách người Mông giản dị, chất phác, hiếu khách, phóng khoáng, nhiều tài lẻ. Người Mông thôn Trung Phìn, xã Sinh Long còn tự rèn dao, cuốc, xẻng, bừa cho chất lượng tốt. Họ luyện những con chó thuần chủng thành những chiến binh chăn ngựa, dê, trông nhà hiệu quả. Hay những chú họa mi chiến hót tung trời. Người Mông rất nể nhau, sang nhà nhau chơi hay có chén rượu ngô làm quà. Văn hóa đi nương hay đi chợ họ thường đeo gùi và kéo cả nhà đi cho vui. Dù lớn hay nhỏ người Mông thích chơi cù, bắn nỏ, ăn quà ở chợ. Người Mông thường sống tự cung tự cấp, song cũng có khiếu buôn bán nhỏ lẻ. Họ thường mang những vật dư thừa trong nhà đi đổi lấy hàng hóa thiết yếu.
Cùng với 22 dân tộc anh em trên địa bàn tỉnh, dân tộc Mông càng tô điểm thêm cho vườn hoa đa sắc màu. Sức sống văn hóa truyền thống dân tộc Mông được thực tiễn đánh giá trường tồn với thời gian, không lẫn với dân tộc khác. Điều đó làm nên “hồn cốt” người Mông, cho dù họ ở bất cứ nơi đâu…
Theo Tuyên Quang online.