Huế là vùng đất nổi tiếng với những cảnh đẹp thiên nhiên thơ mộng và những tinh hoa ẩm thực phong phú. Đến đây bạn không thể không thưởng thức bánh ép Huế, đặc sản thơm ngon thu hút người dân bản địa và khách du lịch ghé thăm. Hãy cùng mình tìm hiểu chi tiết và cách làm bánh ép Huế qua bài viết dưới đây.
Nội dung
Giới thiệu bánh ép Huế
Bánh ép Huế món ăn vừa ngon vừa vừa rẻ. Vậy bạn có thắc mắc, món ăn đặc sản này bắt nguồn từ đâu không? Bánh ép Huế có nguồn gốc ở Thuận An, một vùng ven biển, nơi có những vựa tôm, cá và hải sản rất lớn. Chính vì vậy, nguyên liệu và cách chế biến đều mang hương vị đậm đà như vùng đất xứ biển nơi đây. Bánh ép Huế không chỉ được người dân địa phương yêu thích mà còn rất được lòng thực khách du lịch, với hương vị gây thương nhớ kể cả người khó tính cũng phải mê mẩn.
Bánh ép Huế to bằng cái bàn tay hoặc cái dĩa nhỏ, nhìn sơ qua có khi bạn lại lầm tưởng là bánh tráng nướng. Nhưng với sự kết hợp vô cùng hòa hợp, từ các nguyên liệu đơn giản như: bột lọc, thịt heo, trứng, hành lá,… lại tạo nên một món ăn “hút hồn” người thưởng thức ngay lần đầu tiên.
Ngày nay với nhu cầu và thị hiếu người dùng, bánh ép Huế có thêm nhiều loại nhân mới ngoài những thứ nguyên bản như là tôm, mực, xúc xích,…người dân biến tấu thêm để tạo sự mới mẻ cho bánh ép cũng như vẫn giữ được cái hồn món ăn.
Các đặc trưng của bánh ép Huế chính là khuôn ép bánh. Khuôn ép bánh phải được làm bằng chất liệu là gang mới giữ được độ nóng nhất định và giúp cho bánh không bị khô và cháy. Tại các quán bán bánh ép Huế, bạn sẽ thấy được nhìn thấy quy trình chuẩn bị của họ rất công phu, đòi hỏi sự khéo tay của người làm bánh được ví như những nghệ nhân thực thụ.
Món bánh ép ra lò mang hương vị thơm ngon và béo ngậy nhưng đặc biệt không ngán, một người có thể ăn đến chục cái mới đã thèm. Để hiểu về quy trình chuẩn bị nguyên liệu và cách làm bánh ép, bạn hãy theo dõi mục cách làm bánh ép ngay bên dưới.
Cách làm bánh ép Huế
Để có được thành phẩm bánh ép Huế bạn phải trải qua 4 công đoạn chính như sau:
Chuẩn bị nguyên liệu
Bạn dễ dàng tìm mua các nguyên liệu ở chợ hoặc siêu thị, bạn có thể tùy chỉnh nguyên liệu theo nhu cầu. Nhưng cách hướng dẫn của mình đây là cách làm đơn giản và phổ biến nhất Khi làm bánh ép Huế bạn cần chuẩn bị như sau:
- Bột lọc (tên khác là bột năng, bột sắn)
- Nhân gồm: thịt heo, tôm, mực, xúc xích, trứng,… tùy theo sở thích của bạn
- Gia vị gồm: tỏi, ớt, hành lá, đường, muối, mì chính (bột ngọt, bạn có thể dùng hoặc không đều được)
- Các loại rau sống ăn kèm gồm: dưa leo, giá đỗ, rau xà lách, xoài xanh, diếp cá, rau mùi,… còn nhiều loại rau sống khác bạn có thể chọn theo sở thích.
Các nguyên liệu trên, bạn nên lựa thật kỹ để được tươi mới, để khi làm nên chiếc bánh ép sẽ ngon hơn và đảm bảo an toàn cho bạn và gia đình. Thịt heo bạn nên chọn loại có nạc và mỡ, như vậy sẽ giúp nhân bánh không khô, giữ được độ mềm ngọt của thịt heo.
Nặn bột và làm nhân bánh
Để được những chiếc bánh ép Huế ngon. Sau khi chuẩn bị nguyên liệu, bạn tiếp tục thực hiện bước nhồi bột và nặn nhân cho bánh.
Đầu tiên là pha bột:
- Bạn dùng nước lọc để pha với bột, thêm các gia vị chuẩn bị vào tùy chỉnh theo lượng bột nhiều hay ít. Sau đó bạn trộn đều và nhồi để bột được đều và dẻo dai.
- Bạn để cho bột nghỉ trong lúc làm nhân bánh
Tiếp theo là làm nhân bánh ép Huế
- Thịt heo, tôm, mực,… sau khi sơ chế bạn cắt thành từng miếng nhỏ như đầu ngón tay út (hay cỡ hạt lựu đều được).
- Cho nhân với một ít gia vị, hành lá và ớt sau đó trộn đều cho thấm gia vị
Sơ chế rau sống ăn kèm
- Bạn lặt rau và rửa sạch từng loại rau riêng
- Xoài xanh gọt vỏ, rửa sạch, bào sợi hoặc cắt theo miếng dài vừa ăn
- Dưa leo bạn cũng cắt theo chiều dọc của quả, thành từng cọng dài
- Bạn thể làm thêm đồ chua bằng củ cải đỏ
Công đoạn cho nhân vào bột
- Bạn nặn bột thành từng cục nhỏ, dùng tay cái đè bột hơi dẹt để có chỗ cho nhân vào
- Bạn đặt nhân đã chuẩn bị lên bột, lần lượt xếp đều lên mâm sẵn sàng để chuẩn bị công đoạn ép bánh
Công đoạn ép bánh
Công đoạn ép bánh có thể nói là quan trọng và khéo léo nhất để hoàn thiện món bánh ép Huế. Bánh có ngon và thành công hay không là nhờ vào công đoạn này nên bạn hãy tập trung thực hiện.
- Bạn cho khuôn bánh (bằng gang) lên bếp than lửa đỏ rực
- Bôi ít dầu vào khuôn để bánh được không bị dính
- Khuôn nóng tới thì cho cục bột vào giữa, dùng tay cầm khuôn ép chặt xuống giữ khoảng 5 đến 7 giây
- Mở khuôn ra, tiếp tục cho trứng vào và ép xuống giữ vài giây
- Bạn nắm tay cầm lật qua lại vài lần để bánh chín đều
Công đoạn ép bánh rất quan trọng, để quyết định xem bánh ra lò có ngon như tiêu chuẩn hay không. Nếu bạn cố gắng canh được đúng thời điểm khuôn bánh nóng vừa phải, ép bánh đủ lực, lật bánh đều và đúng lúc thì bánh sẽ chín vàng đều kèm theo hương thơm nức mũi lan tỏa thu hút mọi người.
Công đoạn pha nước chấm
Nước chấm là “linh hồn” của tất cả món ăn không chỉ riêng bánh ép Huế. Vậy cách làm chén nước chấm ngon tuyệt đỉnh như thế nào để thu hút người ăn? Với nguyên liệu đơn giản cách làm cũng đơn giản như sau:
- Bạn chuẩn bị 1 vá canh nước mắm, 1 vá canh đường, 2 vá canh nước sôi
- Tiếp tục cho các nguyên liệu trên vào và khuấy đều hỗn hợp để tan đường
- Bạn cho nước cốt chanh đã vắt và tỏi ớt đã băm vào, nếm thử để điều chỉnh vị chua ngọt tùy sở thích.
Vậy là đã hoàn tất nước chấm vừa đơn giản lại vừa ngon. Bày ra và thưởng thức bánh ép Huế ngay thôi.
Thưởng thức bánh ép Huế
Để thưởng thức món bánh ép ngon nhất là lúc bánh còn nóng vừa mới ra lò, bánh nóng hổi kèm với hương thơm khó cưỡng. Bạn cuốn từng miếng bánh ép với rau sống, dưa leo, xoài xanh,… chấm nước mắm thần thánh vừa mới pha. Cắn một miếng cảm nhận được vị béo, thơm, bùi bùi và vị mặn ngọt chua cay hòa quyện của nước mắm. Bánh ép Huế không tạo cảm giác ngán, bạn có thể ăn đến no căng bụng, vì hương vị lừng lẫy này.
Du lịch ăn bánh ép Huế ở đâu?
Khi đến du lịch ở xứ Huế bạn không thể bỏ qua món bánh ép Huế này. Dưới đây là 5 quán bánh ép Huế ngon, được nhiều du khách đến ăn thử và “review” qua bạn có thể tham khảo.
Quán bánh ép Huế Dì Mai
Quán dì Mai nhỏ gọn nằm một góc trên đường Duy Tân. Với giá rẻ quán thu hút rất nhiều khách, đặc biệt là các em học sinh ghé ăn sau giờ học. Tuy giá rẻ nhưng chất lượng thì ngon không thua kém. Đến quán bạn sẽ thấy khách rất đông, vì vậy phục vụ hơi chậm. Nhưng chờ lâu mà được ăn ngon thì xứng đáng.
- Địa chỉ quán: đối diện Trường THCS Duy Tân, thành phố Huế
- Giờ mở cửa: từ 14 giờ đến 20 giờ mỗi ngày
Quán bánh ép Huế Cầu Hai
Với thực đơn phong phú, nhân bánh đa dạng cùng với nhiều món nước ngon như: cà phê Muối, trà gừng, trà chanh, nước ép, sinh tố,…. Đến Huế du lịch bạn có thể ghé quán bánh ép Cầu Hai thưởng thức thử.
- Địa chỉ quán: Số 09, đường Trương Định, thành phố Huế
- Giờ mở cửa: từ 14 giờ đến 21 giờ mỗi ngày
Quán bánh ép Huế Gia Di
Với không gian rộng rãi, thoáng mát và sạch sẽ, phù hợp đi nhóm đông người cần nhiều chỗ thì bạn có thể ghé quán này. Bánh ép ở đây làm theo công thức gia truyền nên sẽ rất riêng biệt, không giống quán nào khác. Thực đơn quán đa dạng có cả đồ nướng và đồ chiên.
- Địa chỉ quán: Số 04, đường Phùng Chí Kiên, thành phố Huế
- Giờ mở cửa: từ 8 giờ đến 21 giờ 30 phút mỗi ngày
Quán bánh ép Huế nguyễn Du
Quán bánh ép Nguyễn du là quá quen thuộc và nổi tiếng với người dân nơi đây. Với giá cả hợp lý, thực đơn phong phú, ngoài đặc sản bánh ép Huế quán còn có các món ăn vặt và nước uống.
- Địa chỉ quán: số 20, đường Nguyễn Du, thành phố Huế
- Giờ mở cửa: từ 16 giờ đến 22 giờ
Quán bánh ép Huế Chị Huệ
Những chiếc bánh to đầy nhân kèm nước chấm ngon đặc trưng tại quán. Bánh ép Chị Huế thu hút nhiều lượt khách đến ăn, có khi còn quay lại vài lần nữa. Với những chiếc bạn giản dị, không quan quán vẫn rất sạch sẽ và gọn gàng. Bánh ép Huế tại đây hợp khẩu vị đa số nhiều vùng miền nên khách du lịch ghé ăn đều khen ngon.
- Địa chỉ quán: 116, đường Lê Ngô Cát, thành phố Huế
- Giờ mở cửa: từ 14 giờ đến 21 giờ mỗi ngày
Mua bánh ép Huế làm quà
Ngoài bánh ép dẻo ăn tại chỗ thì bánh ép khô bạn có thể mua mang đi hoặc mua về làm quà cho người thân. Bánh ép khô được ép trong thời gian lâu hơn để bánh có độ giòn rụm và nguyên liệu giống bánh ép dẻo. Bạn có thể mua bánh ép Huế khô như một món ăn vặt, khi ăn bánh giòn tan, bạn có thể ăn kèm với tương ớt tạo nên hương vị vừa lạ vừa cuốn hút.
Bạn có thể mua bánh ép khô tại các cửa hàng bán quà du lịch, ở chợ hoặc tìm mua những nơi làm bán bánh ép như: số 4 đường Lê Sĩ, số 8 đường Mạc Đỉnh Chi, số 118 Lê Ngô Cát,…
Kết luận
Bài viết đã giới thiệu chi tiết về bánh ép Huế, cách làm bánh ép và những quán bánh ép ngon tại Huế. Hy vọng bài viết sẽ giúp bạn muốn đến Huế du lịch sớm hơn để thưởng thức hương vị thơm ngon của món này. Nếu có dịp ghé thăm vùng đất Cố Đô đừng bỏ qua món đặc sản này nhé! Và đừng quên mua bánh ép khô về làm quà, người thân bạn sẽ rất thích món này đó.