Hàng năm, mỗi dịp 30/4 – 1/5 là cả nước từ học sinh, sinh viên đến người lao động, công nhân, viên chức nhà nước đều được nghỉ làm, nghỉ học. Liệu bạn đã hiểu rõ 30/4 – 1/5 là ngày gì chưa? Ý nghĩa và nguồn gốc lịch sử của hai ngày lễ này là gì? Tìm hiểu ngay trong bài viết này!
Nội dung
Ngày 30/4 – 1/5 là ngày gì?
Ngày 30 tháng 4 là ngày gì?
Câu trả lời cho thắc mắc 30 tháng 4 là ngày gì chính là ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (Liberation Day hoặc Reunification Day). Do đó, 30/4 được xem là một ngày lễ kỉ niệm trọng đại của nước ta. Nhà nước đã ban hành quy định nghỉ lễ hưởng nguyên lương cho người lao động vào ngày lễ này hàng năm.
Ngày 1 tháng 5 là ngày gì?
Ngày 1 tháng 5 hàng năm chính là ngày Quốc tế Lao động (International Workers’ Day, hay Labor Day hoặc May Day). Ngày này là ngày kỷ niệm phong trào công nhân thế giới, biểu dương lực lượng lao động đã dũng cảm đấu tranh cho sự tiến bộ, dân chủ và hòa bình. Ngày 1 tháng 5 còn được gọi là ngày hội của giai cấp, tầng lớp lao động trong xã hội.
Nguồn gốc và ý nghĩa ngày Giải phóng miền Nam 30/4
Xe tăng của Quân đội Nhân dân Việt Nam húc đổ cổng sắt và tiến vào Dinh Độc lập ngày 30/4/1975
Sau khi biết ngày 30 tháng 4 là ngày gì, là một công dân Việt Nam, bạn không thể bỏ qua nguồn gốc lịch sử và ý nghĩa của ngày kỉ niệm trọng đại này của đất nước.
Nguồn gốc lịch sử ngày 30/4
Từ cuối năm 1974 đến đầu năm 1975, Bộ Chính trị Trung ương Đảng nhận thấy sự thay đổi, lung lay của các thế lực ở miền Nam. Do đó, trong năm 1975 đến 1976, Bộ Chính trị đã đề ra kế hoạch giải phóng miền Nam.
Sau chiến thắng của quân và dân ta ở các chiến dịch Tây Nguyên, Huế – Đà Nẵng, Bộ Chính trị đã nhận định rằng đây chính thời cơ chín muồi, cần phải hoàn thành sớm việc giải phóng miền nam, thống nhất đất nước. Quân ta đã thực hiện chiến lược tiến công Phan Rang và Xuân Lộc – những căn cứ phòng thủ trọng yếu của địch từ phía Đông trước khi tiến công giải phóng Sài Gòn.
Vào 17 giờ ngày 26/4/1975, năm cánh quân ta tiến công thẳng vào Sài Gòn, đánh chiếm được nhiều cơ quan đầu não của địch. Đến 10 giờ 45 phút ngày 30/4/1975, xe tăng cùng bộ binh của quân ta đã tiến vào cổng của Dinh Độc Lập. Và tới 11 giờ 30 phút cùng ngày, lá cờ đỏ sao vàng đã tung bay phấp phới trên nóc Dinh Độc Lập, thể hiện một chiến thắng vẻ vang của quân và dân ta.
Ngày 30/4/1975, Quân Giải phóng miền Nam Việt Nam chính thức giành quyền kiểm soát Sài Gòn. Chiến tranh Việt Nam kết thúc với sự kiện Tổng thống Việt Nam Cộng hòa Dương Văn Minh đầu hàng vô điều kiện trước Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam.
Chính vì vậy, ngày 30/4 hàng năm trở thành ngày lễ kỉ niệm Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Hàng năm vào ngày này, chúng ta đều có thể được nhìn lại hình ảnh hào hùng của chiếc xe tăng Quân đội Nhân dân Việt Nam húc đổ cổng sắt và tiến vào Dinh Độc lập ngày 30/4/1975.
Ý nghĩa ngày 30/4
Ngày 30/4/1975 là đánh dấu mốc lịch sử chiến dịch Hồ Chí Minh toàn thắng, chấm dứt 21 năm quân và dân ta chiến đấu chống lại đế quốc Mỹ xâm lược. Đây là dấu mốc vàng son chói lọi trong lịch sử dân tộc Việt Nam, đánh dấu một kỷ nguyên mới của đất nước – kỷ nguyên độc lập, tự do và hạnh phúc.
Chiến thắng 30/4/1975 của chúng ta còn góp phần thúc đẩy các cuộc đấu tranh vì hòa bình, chống chủ nghĩa thực dân kiểu mới trên toàn thế giới. Do đó, đại thắng 1975 được xem là sự kiện có tính thời đại, mang tầm quốc tế, cổ vũ cho phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc trên trên các quốc gia khác.
Ngày 30 tháng 4 là ngày lễ của toàn Đảng, toàn dân mang ý nghĩa lịch sử trọng đại. Nó chứng minh cho sức mạnh đoàn kết của toàn quân và dân ta. Đây là dịp kỉ niệm hàng năm nhắc nhở thế hệ con cháu hãy nhớ đến sự hi sinh anh dũng của ông cha ta vì sự độc lập, tự do và phát triển như ngày nay.
Nguồn gốc và ý nghĩa ngày Quốc tế Lao động 1/5
Nguồn gốc lịch sử ngày 1/5
Ngày 1/5 là ngày lễ quốc tế của tầng lớp lao động trong xã hội. Nó bắt nguồn từ nửa cuối thế kỉ 19, thời điểm này xảy ra rất nhiều cuộc xung đột giữa chủ và công nhân. Đây là thời kỳ phát triển lớn mạnh của các quốc gia tư bản chủ nghĩa. Do đó, sản xuất công nghiệp tại các nước này đòi hỏi tăng mạnh, kéo theo điều đó chính là công nhân lao động phải chịu sự bóc lột nặng nề.
Sức chịu đựng con người có giới hạn, do đó vào ngày 1/5/1886, các công nhân Mỹ đã tham gia bãi công để gây áp lực, bảo vệ quyền lợi của mình và yêu cầu quyền làm việc tối đa 8 giờ/ngày. Các cuộc biểu tình, bãi công đều bị đàn áp rất nặng nề, nhiều công nhân bị đuổi việc, rất nhiều người đã bị thương và thiệt mạng tại Chicago, New York (Mỹ)… Cuối cùng, các cuộc đấu tranh của họ đã đạt được thành công.
Do đó, ngày 1 tháng 5 được lấy làm ngày biểu dương cho cuộc đấu tranh của giai cấp vô sản tại nhiều quốc gia trên thế giới.
Ở Việt Nam, ngày 1/5/1930 cũng là ngày giai cấp công nhân đã biểu tình ngoài đường, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam để đấu tranh với đế quốc thực dân Pháp. Mục đích yêu cầu cải thiện điều kiện làm việc, tăng lương cho người lao động.
Vào ngày 1/5/1946, ngày Quốc tế Lao động 1/5 lần đầu tiên được tổ chức long trọng tại Thủ đô Hà Nội với hơn 20 vạn người dân lao động tham gia.
Ý nghĩa ngày 1/5
Ngày 1/5 hàng năm là ngày biểu dương cho cuộc đấu tranh quyết liệt của tầng lớp vô sản hay giai cấp công nhân và lực lượng lao động trên toàn thế giới cho nền hòa bình, dân chủ và tiến bộ xã hội.
Tại Việt Nam, ngày lễ 1/5 còn mang ý nghĩa giúp tạo động lực cho công nhân, nông dân cả nước, biểu dương và hưởng ứng tinh thần đoàn kết đấu tranh với công nhân quốc tế. Ngoài ra, ngày 1/5 còn là ngày kỷ niệm phong trào chống đế quốc – thực dân, đánh dấu sự độc lập – dân chủ cũng như những quyền lợi kinh tế – xã hội của nhân dân Việt Nam.
Kết luận
Tóm lại, hai ngày 30/4 – 1/5 là các ngày lễ lớn trong năm của Việt Nam. Là một công dân Việt Nam, chúng ta cần phải biết và hiểu rõ 30/4 – 1/5 là ngày gì, có ý nghĩa và nguồn gốc lịch sử như thế nào. Như vậy mới xứng đáng với những gì ông cha ta đã hi sinh cho đất nước, cho thế hệ tương lai.