Đồng chí Trịnh Hải Linh, Phó Trưởng phòng Văn hóa – Thông tin huyện Hàm Yên cho biết: Người Tày chiếm tỷ lệ đông trong cộng đồng dân tộc thiểu số của huyện, để bảo tồn phát huy giá trị văn hóa, những năm gần đây Phòng Văn hóa – Thông tin đã chủ động phối hợp với chính quyền các xã, kết nối với nhiều nghệ nhân tâm huyết tổ chức phục dựng những lễ hội truyền thống, tổ chức các buổi giao lưu giữa các địa phương, qua đó khôi phục dần những nét văn hóa trước đây bị mai một, bổ sung kho tàng văn hóa người Tày thêm phong phú.
Nói đến dân tộc Tày, ai cũng nhắc ngay đến làn điệu hát Then và cây đàn tính, bởi đó là “hồn cốt” của người Tày. Chính vì vậy, những năm qua, các đội văn nghệ, các câu lạc bộ hát Then, đàn tính ở các địa phương của huyện rất phát triển. Toàn huyện đã thành lập và duy trì được 8 CLB hát Then; 19 đội văn nghệ tại 18 xã và 1 đội văn nghệ xung kích của huyện. Là người tâm huyết với điệu Then truyền thống, bà Kiều Lan Thiên, Chủ tịch Hội người cao tuổi xã Thái Sơn chia sẻ: Những câu hát hòa quyện với giai điệu đàn tính đã sớm ăn sâu vào tâm trí bà từ nhỏ. Là người có giọng hát hay, bà được truyền dạy nhiều bài hát dân ca cổ. Trải qua thời gian, nhiều nét văn hóa của dân tộc Tày đã bị mai một, để khôi phục lại, mới đây, CLB hát Then của xã Thái Sơn được thành lập với 15 thành viên, sinh hoạt mỗi tuần 1 lần tại nhà văn hóa xã. Là thành viên năng nổ, bà Nguyễn Thị Thương, thôn 2 Minh Thái kể: Sau khi tham gia CLB, bản thân bà và các thành viên khác đều cảm thấy rất vui và nhiệt huyết, nhiều hôm mưa gió, nhà bà cách nơi tập gần 5 km, thế nhưng bà đều đến đúng giờ, CLB cũng thường xuyên tổ chức đi giao lưu văn nghệ tại các huyện trong tỉnh, và một số tỉnh như Yên Bái, Lạng Sơn… Ngoài ra, các thành viên trong CLB cũng xây dựng thêm các mô hình đan lát dụng cụ truyền thống như “Soỏng” (Giỏ đi chợ) làm quà tặng cho mọi người.
Từ nhỏ, ông Nguyễn Văn Hòe, thôn Đồng Ca, xã Nhân Mục đã yêu thích làn điệu Then. Năm 13 tuổi ông có thể hát được những lời Then cơ bản, từ thích hát, ông Hòe đã tự mày mò học làm đàn tính. Ông nói: “điệu hát Then được gọi là điệu hát thần tiên, và cây đàn tính là nhịp cầu dìu bước điệu hát lên tới thần tiên”. Ông nhấn mạnh thêm, muốn tiếng đàn được hay, quả bầu phải được phơi thật khô, kích cỡ từng bộ phận của chiếc đàn phải chuẩn, dây đàn phải căng. Biết ông làm được đàn tính, nhiều người đã nhờ ông làm hộ, ông đều sẵn sàng giúp đỡ và hướng dẫn mọi người cách đánh đàn. Không chỉ hát hay, làm đàn giỏi, ông Hòe hiện còn mở các lớp truyền dạy văn hóa truyền thống dân tộc Tày cho lớp trẻ.
Bên cạnh những điệu Then, người Tày Hàm Yên còn rất quan tâm đến lễ cưới với 29 nghi lễ truyền thống. Người con gái Tày đi lấy chồng mang theo nhiều của hồi môn đựng trong chiếc hòm bằng gỗ. Phần lớn của hồi môn là vải, chăn màn, đồ trang sức. Bà Bàn Thị Minh, thôn Ba Chãng, thị trấn Tân Yên kể: Người Tày quan niệm, phụ nữ ngoài chăm chỉ phải biết dệt vải, tự hào nhất của người phụ nữ trưởng thành là được mặc trang phục do tay mình làm ra đi chơi trong các dịp lễ, Tết. Nếu so sánh với người Mông, người Dao thì trang phục truyền thống của người Tày khá đơn giản. Đó là những tấm vải thô nhuộm chàm đen bóng rồi cắt may thành quần áo, không thêu thùa nhiều hoa văn phức tạp. Tuy nhiên, để đánh giá độ khéo léo của người con gái, người Tày nhìn vào cách dệt vải sao cho sợi đều, khít, mặc có độ bóng, mịn dù trải qua nhiều lần giặt.
Để lưu giữ và phát huy những giá trị truyền thống của người Tày, UBND huyện Hàm Yên đã có nhiều chính sách khuyến khích những nghệ nhân, những người tâm huyết với văn hóa truyền thống của người Tày có điều kiện trao truyền những tư liệu quý cho thế hệ trẻ. Không chỉ là kho tàng văn hóa cổ, bản thân họ cũng đang góp phần lớn trong việc xóa bỏ các hủ tục, xây dựng đời sống văn hóa trong cộng đồng dân tộc mình có hiệu quả.
Theo Tuyên Quang online