Tuyên Quang có 56% dân số là đồng bào dân tộc thiểu số nên có nhiều con em của họ học ở các trường nội trú được nhà nước ưu tiên. Theo Sở Giáo dục và Đào tạo, hiện nay mỗi huyện có một trường nội trú THCS, tại tỉnh có một trường THPT với số học sinh theo học trên 2.300 em.
Đồng chí Trần Thị Thu Nga, Trưởng phòng Giáo dục Dân tộc – Giáo dục thường xuyên cho biết, ở các trường nội trú tỉnh, ngoài học văn hóa, kỹ năng sống, thì vấn đề định hướng các em biết cách giữ gìn bản sắc văn hóa của dân tộc mình là trọng tâm của nhà trường.
Tới các trường nội trú vào thứ hai đầu tuần, chúng tôi thực sự ngỡ ngàng trước khung cảnh rực rỡ đa sắc màu của những bộ trang phục dân tộc. Sắc đỏ chủ đạo của trang phục Dao, Pà Thẻn, Mông; sắc đen chàm của trang phục Tày, Nùng; sắc nâu tím của trang phục Cao Lan. Quy định bắt buộc này của nhà trường giúp học sinh phải tự có trang phục của dân tộc mình, người ít thì một bộ, người nhiều thì hai ba bộ. Bên cạnh mặc vào thứ hai chào cờ đầu tuần, học sinh các trường nội trú tỉnh còn được mặc vào những ngày lễ, những sự kiện quan trọng của trường, ngành, địa phương.
Tại trường Phổ thông Dân tộc nội trú THCS Na Hang, nhà trường còn tổ chức cho học sinh trình diễn trang phục dân tộc, trao các giải học sinh mặc trang phục dân tộc đẹp để khuyến khích các em. Ở trường Phổ thông Dân tộc nội trú THCS Lâm Bình còn thành lập các nhóm, giúp học sinh biết cách tự thêu thùa, kỹ thuật nhuộm vải, tạo phom dáng cho một bộ trang phục truyền thống chuẩn. Những buổi học ngoại khóa như thế này giúp học sinh phấn chấn, tự hào thêm về bộ trang phục truyền thống của dân tộc mình.
Hiện nay các trường nội trú tỉnh được Sở Giáo dục và Đào tạo đánh giá đều có đội văn nghệ xung kích mạnh, hoạt động năng nổ, giàu bản sắc. Đội văn nghệ được dẫn dắt bởi giáo viên âm nhạc có chuyên môn, tâm huyết. Nhà trường trực tiếp tuyển chọn những học sinh có năng khiếu vào tốp Then, Páo dung, Sình ca, Soọng cô, Khèn Mông, Pí Lè. Bà Nịnh Thị Lan Hương, Phó Hiệu trưởng trường Phổ thông Dân tộc nội trú THCS Yên Sơn cho rằng, ngoài phục vụ hoạt động của trường, đội văn nghệ còn mang bản sắc của mình phục vụ nhiệm vụ chính trị, sự kiện văn hóa của huyện, tỉnh. Những hạt nhân văn nghệ nổi trội được Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tuyển chọn đi công diễn ở các liên hoan khu vực và quốc gia. Nhà trường cũng có những buổi học giới thiệu về các loại nhạc cụ dân tộc, giúp học sinh thấy được giá trị của việc bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc của mình.
Hằng năm, các trường nội trú đều nghĩ ra các chủ đề xoay quanh giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc. Trường Phổ thông Dân tộc nội trú THPT tỉnh tổ chức “Hội xuân”. Sau Tết Nguyên đán, học sinh đều phải tựu trường cho kỳ học mới. Nhà trường tổ chức “Hội xuân”, cắm trại giao lưu giữa các chi đoàn. Trong “Hội xuân” có các môn thể thao dân tộc như màn tung còn, đánh pam, đánh yến, đánh cù, kéo co, bắn nỏ, đi cà kheo, đẩy gậy. Buổi tối có đốt lửa trại, vui văn nghệ mang bản sắc các dân tộc. Còn trường Phổ thông Dân tộc nội trú THCS Chiêm Hóa thì tổ chức buổi chợ quê. Mỗi gian hàng mang dư vị của nhiều dân tộc trên địa bàn. Dân tộc Tày có xôi ngũ sắc, món rau dớn, bánh gai, bánh củ chuối; dân tộc Mông có món bánh dày, thịt hun khói; dân tộc Dao có món củ đao, thịt trâu nướng; dân tộc Cao Lan có món bánh mật…
Vào các ngày kỷ niệm ngày thành lập Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, ngày Nhà giáo Việt Nam, các trường nội trú thường tổ chức thi làm báo tường, trong đó yếu tố bản sắc dân tộc là ưu tiên hàng đầu. Trường Phổ thông Dân tộc nội trú THCS Hàm Yên còn tổ chức cho học sinh đi dã ngoại, tham quan Bảo tàng tỉnh. Ở đây quy tụ những nét đặc sắc nhất của 22 dân tộc trên địa bàn tỉnh. Có thể nói với những việc làm thiết thực, cụ thể, các trường nội trú trên địa bàn tỉnh đang làm tốt vai trò trường chuyên biệt của mình, vừa dạy học, vừa giúp học sinh giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc của mình.
Theo Tuyên Quang online