VHO- Ngày Gia đình Việt Nam (28.6) năm nay, Bộ VHTTDL tiếp tục tổ chức các hoạt động truyền thông, các sự kiện văn hóa gia đình theo chủ đề “Giữ gìn và phát huy truyền thống văn hóa ứng xử tốt đẹp trong gia đình”.
Vụ trưởng Vụ Gia đình (Bộ VHTTDL) Trần Tuyết Ánh đã có trao đổi với Văn Hóa xung quanh ý nghĩa của việc tổ chức các hoạt động Ngày Gia đình Việt Nam.
Ngày Gia đình Việt Nam là một sự kiện tôn vinh các giá trị văn hóa của gia đình Việt, năm nay công tác này được triển khai như thế nào thưa bà? Định hướng về công tác gia đình trong giai đoạn 2020-2030?
– Vụ trưởng Vụ Gia đình Trần Tuyết Ánh: Gần 20 năm qua, Ngày Gia đình Việt Nam 28.6 được tuyên truyền ngày càng sâu rộng hơn. Năm nay Bộ VHTTDL tiếp tục hướng dẫn tổ chức các hoạt động truyền thông, các sự kiện văn hóa gia đình năm 2020 theo chủ đề “Giữ gìn và phát huy truyền thống văn hóa ứng xử tốt đẹp trong gia đình”. Từ Trung ương tới địa phương, nhiều Bộ, ngành và 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã có chỉ đạo triển khai các hoạt động thiết thực như tôn vinh các gia đình tiêu biểu, trong đó có các gia đình trẻ, các gia đình cao niên, gia đình khuyết tật, các hoạt động từ thiện, nhân đạo, thăm hỏi động viên và tổ chức các hội thi về văn hóa ứng xử trong gia đình, kỹ năng xây dựng gia đình hạnh phúc, về tiêu chí ứng xử trong gia đình, vận động và khuyến khích các gia đình Việt Nam tổ chức bữa cơm đoàn viên, bữa cơm sum họp. Hoạt động Ngày Gia đình Việt Nam được xã hội hóa tốt hơn với sự vào cuộc của nhiều cơ quan, tổ chức, đoàn thể, doanh nghiệp, các dòng họ, gia đình.
Trong giai đoạn tiếp theo, với chức năng nhiệm vụ của cơ quan tham mưu, giúp Chính phủ quản lý nhà nước về gia đình, Bộ VHTTDL sẽ triển khai đánh giá kết quả thực hiện Chiến lược phát triển gia đình Việt Nam, các văn bản, đề án trong giai đoạn 2010-2020. Trên cơ sở đó sẽ cùng các cơ quan liên quan xây dựng đề xuất hoàn thiện chính sách cho giai đoạn 2020-2030. Tập trung vào công tác xây dựng văn hóa gia đình và phòng, chống bạo lực gia đình.
“Bữa cơm gia đình ấm áp yêu thương” là chủ đề quen thuộc vào Ngày Gia đình Việt Nam. Vì sao năm nay Bộ VHTTDL vẫn lấy chủ đề là “Bữa cơm gia đình”?
– “Bữa cơm gia đình ấm áp yêu thương” là chủ đề xuyên suốt từ năm 2014 trở lại đây được truyền thông mạnh mẽ, đã lan tỏa và nhận được sự quan tâm, hưởng ứng của hàng triệu triệu gia đình. Bữa cơm là cầu nối của sự vun đắp tình cảm gia đình, của sự chia sẻ và yêu thương, trao truyền và tiếp thu các giá trị văn hóa. Chúng tôi rất mong “Bữa cơm gia đình ấm áp yêu thương” sẽ luôn được duy trì trong từng gia đình Việt Nam.
Năm 2019, Bộ VHTTDL tổ chức triển khai thí điểm Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình trên 12 tỉnh, thành được lựa chọn thí điểm, năm 2020 tiếp tục triển khai với sự tham gia của nhiều địa phương. Bà đánh giá thế nào về sự tham gia của các hộ gia đình và những chuyển biến tích cực từ những địa phương thực hiện thí điểm cho thấy hiệu quả của Bộ tiêu chí ứng xử là không nhỏ khi tác động tới đời sống gia đình Việt Nam hiện nay?
– Thực hiện Chỉ thị số 11/ CT-TTg ngày 29.3.2017 của Thủ tướng Chính phủ về việc đẩy mạnh giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình, Bộ VHTTDL đã xây dựng và ban hành Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình (Quyết định số 4843/ QĐ-BVHTTDL ngày 8.12.2017) nhằm góp phần xác định và từng bước đưa vào cuộc sống các chuẩn mực giá trị đạo đức, văn hóa con người Việt Nam trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế; củng cố ý thức pháp luật, đề cao đạo đức, lương tâm, trách nhiệm của mỗi người với bản thân, gia đình, cộng đồng, xã hội và đất nước; ngăn chặn sự xuống cấp về đạo đức trong gia đình và xã hội; nâng cao nhận thức về xây dựng, giữ gìn hạnh phúc bền vững của mỗi gia đình hướng tới sự ổn định, văn minh cho toàn xã hội. Tiêu chí Tôn trọng, bình đẳng, yêu thương, chia sẻ được áp dụng chung cho các thành viên trong gia đình. Các tiêu chí cụ thể, bao gồm: Tiêu chí ứng xử vợ chồng: Chung thủy, nghĩa tình; Tiêu chí ứng xử của cha mẹ với con, ông bà với cháu: Gương mẫu, yêu thương; Tiêu chí ứng xử của con với cha mẹ, cháu với ông bà: Hiếu thảo, lễ phép; Tiêu chí ứng xử của anh, chị, em: Hòa thuận, chia sẻ.
Bộ tiêu chí hiện nay đã được thực hiện thí điểm tại nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước. Bộ Tiêu chí từng bước được các địa phương triển khai với nhiều sáng tạo, được hàng chục ngàn gia đình đăng ký thực hiện, đang dần tạo nên sự chuyển biến trong nhận thức và hành động góp phần xây dựng gia đình hạnh phúc bền vững. Năm 2021, Bộ VHTTDL sẽ tổ chức tổng kết hoạt động thí điểm và định hướng nhiệm vụ, giải pháp cho việc hoàn thiện, áp dụng thực hiện Bộ tiêu chí, tiếp tục đẩy mạnh truyền thông vận động các gia đình Việt Nam thực hiện. Tôn vinh những văn hóa ứng xử trong gia đình khi thực hiện Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình, đã nâng cao chất lượng đạo đức, lối sống từ trong mỗi gia đình.
Theo bà, tôn vinh giá trị gia đình có tầm quan trọng và ảnh hưởng như thế nào đối với xã hội nói chung và công tác gia đình nói riêng?
– Tôn vinh giá trị gia đình là tôn vinh giá trị dân tộc. Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn quan tâm đến vai trò của gia đình. Người khẳng định: “Quan tâm đến gia đình là đúng vì nhiều gia đình cộng lại mới thành xã hội, gia đình tốt thì xã hội mới tốt, xã hội tốt thì gia đình càng tốt hơn, hạt nhân của xã hội là gia đình”. Theo Người: Một gia đình mới, một gia đình tốt là một gia đình mà trong đó các thành viên trong gia đình phải biết yêu thương, tôn trọng lẫn nhau, chia sẻ những khó khăn trong công việc cùng nhau, nam nữ bình đẳng. Phải đề cao và tôn trọng người phụ nữ.
Đảng, Nhà nước ta luôn quan tâm công tác chăm lo xây dựng gia đình bằng nhiều chủ trương, chính sách cụ thể, thể hiện quan điểm: Muốn có một xã hội phát triển lành mạnh thì trước hết từng “tế bào” phải phát triển bền vững. Gia đình không chỉ là “tế bào” tự nhiên mà còn là một đơn vị kinh tế của xã hội. Gia đình không chỉ giữ vai trò nền tảng, tế bào của xã hội, mà còn là môi trường quan trọng, trực tiếp giáo dục nếp sống, hình thành nên nhân cách con người. Gia đình giữ vai trò đặc biệt quan trọng tới số lượng, chất lượng dân số và cơ cấu dân cư của quốc gia. Gia đình không chỉ dừng lại ở việc duy trì nòi giống, mà quan trọng hơn, gia đình phải trở thành môi trường tốt, đầu tiên để giáo dục nếp sống, hình thành nhân cách con người, giáo dục nhân cách của trẻ em. Xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ và hạnh phúc là góp phần vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.