Để phong trào đi vào đời sống, các địa phương đã xây dựng hương ước, quy ước về thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội, đa dạng hóa hình thức tuyên truyền. Từ đó, phong trào có sức lan tỏa sâu rộng trong các tầng lớp nhân dân. Số lượng và chất lượng gia đình văn hóa ngày càng được nâng lên. Năm 2015, toàn huyện có hơn 80% số hộ được công nhận gia đình văn hóa, đến năm 2019, số hộ được công nhận gia đình văn hóa đạt 93%, nhiều địa phương có tỷ lệ gia đình văn hóa cao như các xã: Phú Thịnh, Thái Bình, Kim Quan, Tân Long, Tứ Quận…
Kim Quan là xã tiêu biểu trong thực hiện phong trào này. Xã có 838 hộ, 3.643 nhân khẩu, với gần 90% đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống ở 7 thôn. Công tác tuyên truyền, vận động, tổ chức các hoạt động văn nghệ, thể thao với chủ đề xây dựng gia đình ấm no, hạnh phúc luôn được xã quan tâm. Theo đồng chí Dương Đức Tuyên, Phó Chủ tịch UBND xã, xã đã phát huy vai trò của cán bộ thôn bản, hội viên Hội phụ nữ trong công tác tuyên truyền, kịp thời giải quyết, ngăn chặn những phát sinh, nêu gương những điển hình trong các phong trào để người dân noi theo. Hằng năm, việc bình xét danh hiệu “Gia đình Văn hóa” diễn ra công khai, dân chủ từ các thôn. Nhờ đó, trên 95% hộ đạt danh hiệu “Gia đình Văn hóa”, 7/7 thôn được công nhận thôn văn hóa. Xã hoàn thành tiêu chí về văn hóa năm 2019, hiện các hệ thống thiết chế văn hóa cơ sở cơ bản đáp ứng nhu cầu của người dân.
Nét nổi bật ở huyện là việc kết hợp xây dựng đời sống văn hóa với xây dựng nông thôn mới. Để nông thôn ngày càng văn minh, sạch đẹp, hàng nghìn hộ gia đình đã chỉnh trang khuôn viên nhà ở và di dời chuồng trại ra xa nhà ở để đảm bảo vệ sinh. Người dân đã hiến đất, góp công để làm đường, xây dựng nhà văn hóa thôn, vệ sinh đường làng, ngõ xóm, khơi thông cống rãnh. Nhiều gia đình có từ 3 thế hệ chung sống song vẫn giữ được nền nếp gia phong, hạnh phúc. Điển hình như gia đình ông Đinh Đức Toàn, thôn 1, xã Đạo Viện có 3 thế hệ cùng chung sống nhưng trên dưới luôn hòa thuận, tích cực tham gia các phong trào của địa phương; gia đình bà Lý Thị Dòng, thôn Hòn Lau, xã Thắng Quân năm 2017 hiến 515 m2 đất xây dựng nhà văn hóa thôn; ông Nguyễn Văn Du, thôn 4, xã Thái Bình đã hiến 500 m2 đất để làm đường giao thông nông thôn…
Là một trong những gia đình văn hóa tiêu biểu của huyện, bà Lý Thị Dòng, thôn Hòn Lau, xã Thắng Quân chia sẻ, sau những giờ làm việc, bà luôn dành thời gian quan tâm đến việc học tập của các cháu. Ông bà luôn giữ hòa thuận trong gia đình, giải quyết các mâu thuẫn ngay khi mới phát sinh và cùng nhau chia sẻ khó khăn. 3 người con của bà đều có công ăn, việc làm ổn định, kinh tế gia đình khá giả. Năm 2017, ông bà quyết định hiến 515 m2 đất xây dựng nhà văn hóa thôn. Bà nghĩ, hiến một ít đất để người dân và trẻ em có sân chơi, rèn luyện sức khỏe, đồng thời làm cho nông thôn mới thêm khang trang bà cũng thấy hạnh phúc.
Phong trào xây dựng gia đình văn hóa trên địa bàn huyện Yên Sơn đã góp phần tạo chuyển biến về nhận thức của các tầng lớp nhân dân trong việc thực hiện nếp sống văn minh, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống. Đồng chí Đoàn Thị Quỳnh Phương, Phó trưởng phòng Văn hóa – Thông tin huyện cho biết, huyện phấn đấu đến hết năm 2020 có thêm 4 xã hoàn thành tiêu chí về văn hóa, nâng tổng số xã hoàn thành lên 11 xã; phấn đấu hết năm 2025, 100% các xã, cơ quan, đơn vị thực hiện có chất lượng phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”.
Theo Tuyên Quang online.