Trên địa bàn tỉnh hiện có 1 trung tâm văn hóa cấp tỉnh, 5 huyện, thành phố có thiết chế văn hóa, thể thao cấp huyện; 129/138 xã, phường, thị trấn có nhà văn hóa, khu thể thao xã, phường, thị trấn; 1.640/1.739 thôn, bản, tổ dân phố có nhà văn hóa, khu thể thao thôn, bản; 2.494 tổ, đội văn nghệ; 197 Câu lạc bộ văn hóa, văn nghệ; 350 Câu lạc bộ thể dục thể thao ở cơ sở. Cùng với đó, các công trình thể thao gồm: 325 sân bóng đá (trong đó có 6 sân cỏ nhân tạo); 409 sân bóng chuyền, 60 sân patin, 686 sân cầu lông, 28 bể bơi và 185 khu vui chơi giải trí khác đã đóng góp không nhỏ trong công tác phát triển phong trào thể dục thể thao quần chúng. Nhờ đó, tỷ lệ người tham gia luyện tập thể dục thể thao thường xuyên đạt 30%; tỷ lệ gia đình thể thao đạt 25%. Các huyện Sơn Dương, Chiêm Hóa, Hàm Yên hiện đang là địa phương được Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đánh giá cao về hiệu quả hoạt động của các thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở.
Phong trào thể thao quần chúng phát triển mạnh tại thôn Đồng Hèo, xã Vĩnh Lợi (Sơn Dương).
Để nâng cao hoạt động thiết chế văn hóa, thể thao, Phòng Văn hóa và Thông tin huyện Hàm Yên đã tham mưu, xây dựng kế hoạch, mục tiêu cụ thể về phát triển thiết chế văn hóa thể thao ở cơ sở. 5 năm qua, huyện đã đầu tư xây mới, tu sửa, nâng cấp, cải tạo 82 nhà văn hóa với tổng kinh phí trên 50 tỷ đồng. Nhờ đó đến nay, toàn huyện có 265/283 thôn, tổ dân phố có nhà văn hóa đạt chuẩn; trên 50% các xã, thị trấn có sân bóng phục vụ nhu cầu tập luyện thể thao của người dân. Một số xã như Thái Hòa, Phù Lưu, Bình Xa… có tới 3 – 4 sân bóng, sân cầu lông để phục vụ các hoạt động của cộng đồng. Ông Trịnh Hải Linh, Phó Trưởng phòng Văn hóa và Thông tin huyện cho biết, nhà văn hóa, sân thể thao được đầu tư, nâng cấp đã góp phần không nhỏ trong hoạt động vui chơi giải trí của người dân. Hằng năm, huyện, các xã đã tổ chức nhiều chương trình giao lưu văn nghệ, giải đấu thể thao nhân dịp các ngày lễ lớn, ngày kỷ niệm thu hút hàng nghìn lượt người tham gia, phát huy công năng sử dụng của nhà văn hóa.
Không trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước, nhiều xã đã chủ động kêu gọi xã hội hóa. Nhiều người dân sẵn sàng hiến đất để xây nhà văn hóa, sân thể thao. Cụ thể, từ năm 2016 đến nay, xã Vinh Quang (Chiêm Hóa) đã vận động nhân dân đóng góp xây dựng nhà văn hóa, sân thể thao, góp sức, góp tiền mua sắm trang thiết bị, tăng âm, loa đài, bàn ghế, cải tạo khuôn viên nhà văn hóa với số tiền gần 3 tỷ đồng. Có điểm sinh hoạt, người dân tích cực triển khai các hoạt động, thành lập đội nhóm, câu lạc bộ sinh hoạt đều đặn. Nhờ đó, từ chỗ chỉ có một vài câu lạc bộ hoạt động với số lượng người tham gia hạn chế, đến nay, xã có 51 đội, câu lạc bộ văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao với hơn 1.000 người thường xuyên tham gia sinh hoạt. Chị Bàn Thị Hường, thôn Quang Hải cho hay, từ khi thôn có nhà văn hóa với sân thể thao rộng rãi, chị và người dân trong thôn thường xuyên chơi thể thao mỗi buổi chiều. Nhà văn hóa, sân thể thao với hệ thống loa đài đảm bảo đã tạo điều kiện thuận lợi cho người dân trong việc sinh hoạt văn hóa văn nghệ, thể thao, họp thôn. Qua đó, giúp nâng cao sức khỏe, gắn kết tình làng nghĩa xóm trong thôn.
Theo đồng chí Nguyễn Văn Hòa, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, việc nâng cao chất lượng, hiệu quả của hệ thống các thiết chế văn hóa, thể thao ở cơ sở đã cơ bản đáp ứng nhu cầu hưởng thụ của người dân. Tỉnh phấn đấu đến năm 2030 sẽ hoàn thiện đầy đủ, đồng bộ hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao các cấp nhằm khai thác, phát huy hiệu quả hoạt động. Mỗi xã, phường xây dựng ít nhất 2 – 3 mô hình Câu lạc bộ văn hóa, thể thao và duy trì hoạt động hiệu quả. Nhà văn hóa, khu thể thao thôn, tổ dân phố thu hút từ 50% trở lên số người dân tham gia luyện tập thể dục thể thao thường xuyên.
Theo Tuyên Quang online.