Văn Hoá

Khám phá 13 di tích lịch sử Quảng Ngãi được công nhận di tích cấp quốc gia

5/5 - (8 bình chọn)

Quảng Ngãi nổi tiếng và được nhiều người biết là nơi tồn tại nhiều nền văn hóa khác nhau. Từ văn hóa Sa Huỳnh cho đến văn hóa ChamPa, và hiện nay là nền văn hóa của người Việt. Với sự đa dạng các nền văn hóa như vậy nên nơi đây cũng tồn tại nhiều di tích lịch sử văn hóa khác nhau tồn tại hàng nghìn năm.

Để có thể hiểu rõ hơn về những nét độc đáo trong nét văn hóa, lịch sử và con người nơi đây; hôm nay, chúng ta sẽ cùng nhau tìm hiểu về 13 di tích lịch sử Quảng Ngãi được công nhận là di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia. Cùng mình bắt đầu ngay thôi nào!

Khu di tích khảo cổ Văn hóa Sa Huỳnh

di tích khảo cổ Văn hóa Sa Huỳnh
Khu di tích khảo cổ Văn hóa Sa Huỳnh

Khu di tích khảo cổ văn hóa Sa Huỳnh có địa chỉ tại xã Đức Phổ, Quảng Ngãi. Di tích bao gồm một số di chỉ khác như Phú Khương, Thạnh Đức và Long Thạnh nằm tại phường Phổ Thạnh và xã Phổ Khánh.

Nơi trưng bày các hiện vật được khai quật tại khu di tích khảo cổ văn hóa Sa Huỳnh được trưng bày tại nhà hiện vật thuộc xóm Cát, thôn Long Thạnh, xã Phổ Thạnh. Các hiện vật đa dạng từ rìu răng trâu, cuốc đá, đến các mảnh gốm và hạt chuỗi đá đều được trưng bày tại nơi đây.

Khu di tích khảo cổ ngoài trời nằm tại Gò Ma Vương, với đồi cát dọc bờ biển ở đầm An Khê. Nơi đây chứa đựng hơn 200 ngôi mộ chum có niên đại hàng ngàn năm. Đây là nơi được khai quật và khám phá sớm nhất trong hệ thống di chỉ văn hóa Sa Huỳnh ở Quảng Ngãi. Việc phát hiện các loại bình, bát được trang trí tinh xảo, tỉ mỉ đã tô điểm thêm những nét độc đáo trong văn hóa cổ xưa.

Các nhà khảo cổ đã sử dụng phương pháp C14 và thu được mẫu than có niên đại cách ngày nay khoảng 3370 ± 40 năm. Sự phát hiện này đã làm nổi bật hơn nữa những giá trị văn hóa lịch sử lâu đời tại nơi đây.

Với những giá trị văn hóa và lịch sử to lớn đó mà vào năm 1997, di tích khảo cổ văn hóa Sa Huỳnh đã được nhà nước ta công nhận là di tích lịch sử cấp quốc gia. Đến năm 2022, di tích này đã được bộ văn hóa thể thao và du lịch nước ta xếp hạng là di tích quốc gia đặc biệt.

Khu di tích lịch sử trường lũy Quảng Ngãi

di tích trường lũy Quảng Ngãi
Khu di tích lịch sử trường lũy Quảng Ngãi

Di tích lịch sử Trường Lũy Quảng Ngãi là một di tích lịch sử vô cùng đặc biệt tại Quảng Ngãi, trải dài qua nhiều huyện khác nhau như Trà Bồng, Sơn Tịnh, Sơn Hà, Tư Nghĩa, Minh Long, Nghĩa Hành, Ba Tơ, Đức Phổ thuộc tỉnh Quảng Ngãi.

Trường lũy trải qua nhiều địa hình khác nhau, từ vùng bằng phẳng đến sườn núi. Điều đó đã thể hiện được sự linh hoạt và sáng tạo trong việc xây dựng của người xưa. Điểm đặc biệt trong việc xây dựng trường lũy đó là việc sử dụng đá để cốt đất và ốp lũy tạo nên một trường lũy vừa mạnh mẽ vừa uy nghiêm, thể hiện được nét đặc trưng của vùng đất Quảng Ngãi. Mặc dù đã tồn tại qua hàng trăm hàng ngàn năm lịch sử nhưng cho đến nay, trường lũy vẫn giữ được sự nguyên vẹn ban đầu.

Trường Lũy Quảng Ngãi không chỉ được xem là ranh giới mà còn là nơi giao thương quan trọng với các vùng xung quanh. Với mạng lưới các cổng cắt qua sông, suối, mỗi nơi lại có một bảo canh, tạo điều kiện cho hoạt động buôn bán và trao đổi kinh tế giữa các miền.

Di tích lịch sử Trường Lũy Quảng Ngãi không chỉ là một công trình quân sự mà còn là con đường kết nối giữa núi rừng, đồng bằng và biển. Với những giá trị lịch sử và văn hóa đó mà vào ngày 10/3/2011, di tích lịch sử Trường Lũy Quảng Ngãi đã được nhà nước ta công nhận là một trong những di tích lịch sử Quảng Ngãi được xếp hạng là di tích lịch sử cấp quốc gia.

Di tích Đình An Định Quảng Ngãi

di tích đình an định
Di tích lịch sử Quảng Ngãi – Đình An Định

Di tích đình An Định Quảng Ngãi được xây dựng vào cuối thế kỷ XVI và đầu thế kỷ XVII, tại xã Hành Dũng, tỉnh Quảng Ngãi. Đình An Định không chỉ là một công trình kiến trúc thể hiện những nét độc đáo trong văn hóa và tâm linh, mà còn là nơi lưu giữ những dấu ấn quan trọng trong lịch sử.

Tọa lạc trên mảnh đất rộng khoảng 5.372m2, Đình An Định là công trình kiến trúc đa dạng, bao gồm cổng, trụ đình, sân đình, đình ngoài, hậu đình, nghĩa từ, miếu thờ thổ thần và sơn thần. Đình An Định đã nhiều lần chứng kiến những biến cố trong lịch sử. Nơi đây cũng đã từng là nơi ẩn náu của các chiến sĩ cách mạng trong cuộc kháng chiến chống Pháp và Mỹ. Đồng thời là căn cứ quân y của Bộ đội Liên khu V.

Ngày nay, Đình làng An Định không chỉ là trung tâm tâm linh mà còn là nơi diễn ra Lễ hội cúng giỗ hàng năm theo phong tục cổ xưa, mang giá trị truyền thống từ thế hệ này sang thế hệ khác (vào ngày 16/3 ÂL).

Vào ngày 20/6/2018, Di tích đình An Định Quảng Ngãi đã được bộ văn hóa thể thao và du lịch nước ta công nhận là di tích lịch sử cấp quốc gia. Sự công nhận này không chỉ là niềm tự hào của người dân nơi đây, mà còn là minh chứng cho sức mạnh tinh thần và lòng yêu nước của dân tộc, góp phần thắp sáng tinh thần đoàn kết và truyền thống lịch sử vững vàng.

Di tích chùa Thiên Ấn Quảng Ngãi

Di tích chùa Thiên Ấn Quảng Ngãi
Di tích chùa Thiên Ấn Quảng Ngãi

Di tích chùa Thiên Ấn là một ngôi chùa có lịch sử hình thành lâu đời, tọa lạc tại đỉnh của núi Thiên Ấn, được khởi công và xây dựng vào năm 1694 và hoàn thành vào năm 1695. Cho đến nay, chùa vẫn giữ được những nét cổ kính và trang trọng, mặc dù đã trải qua hàng trăm năm lịch sử.

Trước khi chùa được đưa vào xây dựng, nơi đây đơn giản chỉ là một thảo am nhỏ. Về sau được người dân đưa vào trùng tu và xây dựng lại. Cho đến năm 1717, chúa Nguyễn Phúc Chu đã ban tặng cho chùa Thiên Ấn biển ngạch Sắc Tứ Thiên Ấn Tự, thể hiện lòng tin mạnh mẽ và sự tôn kính đối với đạo Phật.

Với hơn 300 năm lịch sử, cho đến nay chùa Thiên Ấn đã trải qua 15 đời sư trụ trì, trong đó có 6 vị được suy tôn là sư tổ, được gọi là lục tổ. Mặc dù không nổi bật về kiến trúc nội thất, nhưng vị trí của chùa được đặt tại đỉnh đồi Thiên Ấn. Đây không chỉ là nơi thiêng liêng, mà còn là nguồn cảm hứng tinh thần cho cộng đồng và là nơi gắn kết tình cảm tâm linh sâu sắc với những giai thoại và câu ca dao ý nghĩa.

Xem thêm:  Khám phá top 6 di tích lịch sử Thanh Hóa nổi tiếng được nhà nước công nhận

Khuôn viên mộ là nơi an táng của các vị sư tổ và thiền sư trụ trì. Nơi đây được xây dựng tinh tế và tỉ mỉ, với những ngôi bữa tháp hình hoa sen và bảo tháp nhiều tầng. Khuôn viên mộ được xem là nơi gìn giữ di sản và mang giáo lý từ bi, hỷ xả của Đức Phật đến với cộng đồng tín đồ.

Chùa Thiên Ấn đã trở thành một biểu tượng văn hóa, tâm linh không chỉ đối với người dân Quảng Ngãi, mà còn thu hút sự quan tâm của nhiều phật tử trong và ngoài nước. Việc trùng tu và xây dựng mới các công trình phật giáo như vườn cây Lâm tỳ ni, bảo tháp 9 tầng, tượng phật bồ tát… đã góp phần giữ gìn di sản và giáo lý của chùa và làm tăng thêm vẻ đẹp tâm linh của chùa.

Vào đầu năm 1990, di tích chùa Thiên Ấn đã được nhà nước ta công nhận là di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia.

Di tích lịch sử khởi nghĩa Ba Tơ Quảng Ngãi

Di tích khởi nghĩa Ba Tơ
Di tích lịch sử khởi nghĩa Ba Tơ Quảng Ngãi

Di tích lịch sử khởi nghĩa Ba Tơ Quảng Ngãi là nơi lưu giữ những dấu ấn lịch sử quan trọng của cuộc khởi nghĩa Ba Tơ trong giai đoạn kháng chiến chống Pháp.

Cuộc khởi nghĩa Ba Tơ bùng nổ vào ngày 11/3/1945 với 278 đội viên du kích. Sự kiện đã đánh dấu sự hình thành của chính quyền mới tại huyện Ba Tơ và tỉnh Quảng Ngãi sau khi Nhật Bản lật đổ chính quyền Pháp tại Việt Nam trong 2 ngày. Sự kiện này chặt chẽ liên kết với Đội du kích Ba Tơ, tổ chức vũ trang đầu tiên của nhân dân Quảng Ngãi do Đảng Cộng sản Việt Nam trực tiếp lãnh đạo.

Nhiều thành viên Đội du kích Ba Tơ về sau đã trở thành cán bộ tài năng, tướng lĩnh xuất sắc của quân đội ta trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ như Thượng tướng Trần Nam Trung (Trần Lương), Trung tướng Nguyễn Chánh, Trung tướng Nguyễn Đôn, Trung tướng Phạm Kiệt, Trung tướng Trần Quý Hai, Trung tướng Võ Thứ…

Vào năm 1980, Di tích lịch sử khởi nghĩa Ba Tơ Quảng Ngãi đã được nhà nước ta công nhận là di tích cấp quốc gia. Đến tháng 8/2013, Thủ tướng Chính phủ đã có quyết định công nhận các xã: Ba Vinh, Ba Giang, Ba Động, Ba Chùa, Ba Thành và thị trấn Ba Tơ thuộc vùng “An toàn khu của Trung ương ở Quảng Ngãi” trong thời kỳ chống Pháp.

Vào ngày 25/12/2017, Nhà nước ta quyết định xếp hạng Di tích lịch sử khởi nghĩa Ba Tơ là một trong những di tích lịch sử Quảng Ngãi được công nhận là di tích lịch sử cấp quốc gia.

Khu di tích chùa Hang Quảng Ngãi

 chùa Hang Quảng Ngãi
Khu di tích chùa Hang Quảng Ngãi

Khu di tích chùa Hang hay còn được gọi với tên là Thiên Khổng Thạch Tự, được xây dựng trên đảo Lý Sơn, Quảng Ngãi, cách cảng Sa Kỳ khoảng hơn 25km về phía đông nam. Chùa có nguồn gốc từ thời vua Lê Kính Tông, do ông Trần Công Thành sáng lập cùng với việc khai phá và xây dựng làng An Hải, An Vĩnh.

Nằm trong một hang đá lớn, chùa Hang được xem là một phần của hệ thống hang động ở Lý Sơn, nằm trong dãy núi Thới Lới với vách núi cao gần 20m. Chùa có một sân trước cửa hang nhìn ra biển, có hồ sen giữa sân với tượng Phật và được bao quanh bởi những cây bàng biển cổ thụ.

Hang chùa sâu 24m, rộng 20m, cao 3,2m, diện tích 480m². Trong hang, có bàn thờ các vị Phật và các bàn thờ các sư tổ, tiền hiền của làng An Hải được chế tác từ những khối đá tự nhiên. Hằng năm, chùa Hang tổ chức nhiều lễ hội lớn như Lễ Vu Lan, Phật Đản, ngày giỗ các vị tiền hiền, thu hút người dân địa phương và du khách tới tham gia, niệm Phật và cầu nguyện.

Vào ngày 20/7/1994, khu di tích chùa Hang đã được nhà nước ta công nhận là di tích lịch sử cấp quốc gia

Di tích đình An Vĩnh

Di tích đình An Vĩnh
Di tích lịch sử Quãng Ngãi – đình An Vĩnh

Di tích đình An Vĩnh được xây dựng từ cuối thế kỉ 18, nằm tại đảo Lý Sơn, Quảng Ngãi. Đình không chỉ là nơi lưu giữ văn hóa và lễ tế truyền thống, mà còn là biểu tượng quan trọng của chủ quyền biển đảo Việt Nam. Đình An Vĩnh đã không ít lần chứng kiến những sự kiện lịch sử, từ việc tách biệt phường An Vĩnh đảo Cù Lao Ré đến những cuộc chiến với thực dân Pháp và đế quốc Mỹ.

Không chỉ là nơi lưu giữ những cổ vật, di tích đình An Vĩnh còn là nơi ghi lại những dấu ấn lịch sử với Đội Hoàng Sa, một đội người lính đánh cá bảo vệ chủ quyền biển đảo. Đây cũng là điểm xuất phát của họ Võ Văn, Nguyễn, Phạm Quang, Lê, Võ Xuân, Đặng, những dòng họ nổi tiếng tham gia Đội Hoàng Sa.

Kiến trúc của đình với hình chữ Tam và mô thức trang trí tứ linh, ngũ phúc thể hiện niềm tin cầu mong sự bình an cho nhân dân.

Đình làng An Vĩnh không chỉ là biểu tượng tinh thần cho người dân đảo Lý Sơn, mà còn là di tích lịch sử Quảng Ngãi quan trọng, là minh chứng sống cho chủ quyền biển đảo Việt Nam trên 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Vào năm 2013, di tích đình Lý Sơn Quảng Ngãi đã được nhà nước ta công nhận là di tích lịch sử cấp quốc gia.

Khu di tích đình An Hải

di tích đình An Hải
Khu di tích đình An Hải

Di tích đình An Hải nằm trên đảo Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi. Đình là nơi thờ cúng các thần linh, tiền hiền của Đảo Lý Sơn. Qua đó thể hiện được mối liên hệ giữa văn hóa người Việt đối với nền văn hóa ChămPa cổ.

Đình làng An Hải được xây dựng vào năm 1820. Do đó mà đình mang đậm nét phong cách thiết kế, kiến trúc nghệ thuật cổ kính và trang nghiêm. Đình An Hải được 8 dòng họ tiền hiền cùng dân làng cùng nhau xây dựng đình. Tuy nhiên, về sau này họ Lê bị loại khỏi danh sách tiền hiền do vi phạm quy định trong tế Đình.

Từ 1820 đến nay, đình An Hải đã trải qua nhiều đợt tu bổ và xây dựng thêm nhiều công trình. Vì vậy mà kiến trúc hiện tại của đình đã có một số thay đổi so với ban đầu. Đình được xây dựng với hướng quay ra biển, đằng sau là núi Thới Lới và trước mặt có hai trụ biểu với con nghê đặt trên đỉnh.

Kiến trúc bên trong đình làng An Hải bao gồm tiền đường, hậu tẩm và các chi tiết trang trí như chiêng, trống, bàn thờ cô hồn. Đình mang phong cách bố trí theo quan niệm âm dương, thể hiện mong muốn bình an qua các mô típ thiết kế và trang trí lưỡng long, long phụng, ngũ phúc…

Mặc dù đã trải qua nhiều sự thay đổi, nhưng di tích đình An Hải vẫn giữ được vẻ đẹp độc đáo, đặc trưng của phong cách kiến trúc cổ, thể hiện được sự trang nghiêm, cổ kính của đình làng. Vào năm 1995, di tích đình làng An Hải đã được xếp hạng là một trong những di tích lịch sử Quảng Ngãi được công nhận là di tích lịch sử cấp quốc gia.

Di tích núi Giếng Tiền

núi Giếng Tiền
Di tích núi Giếng Tiền

Núi lửa Giếng Tiền và Thới Lới là hai ngọn nút độc đáo tại đảo Lý Sơn, Quảng Ngãi, thuộc nhóm 10 ngọn núi lửa phát hiện ở khu vực này. Núi lửa Giếng Tiền, cao 86m, có miệng núi rộng hàng trăm mét, phủ đất đỏ màu mỡ và xanh quanh năm. Dưới chân núi là chùa Đục, với tượng Quan Thế Âm cao 27m, được xem là bảo vệ ngư dân trên biển. Đứng từ đỉnh núi Giếng Tiền, bạn có thể ngắm nhìn toàn cảnh đảo Lý Sơn và thấy đảo Bé giữa biển khơi.

Xem thêm:  Top 9 di tích lịch sử ở Đà Lạt được công nhận di tích quốc gia

Vào tháng 1/2020, di tích núi Giếng Tiền đã được bộ văn hóa thể thao du lịch quyết định công nhận là một trong những di tích lịch sử cấp quốc gia.

Di tích núi Thới Lới

núi Thới Lới
Di tích núi Thới Lới

Núi lửa Thới Lới có độ cao 169m, được phủ bởi đá nên cây cối tại núi Thới Lới trở nên cằn cỗi. Từ đỉnh Thới Lới, bạn có thể ngắm nhìn toàn cảnh đảo Lý Sơn. Trên đỉnh núi có hồ chứa nước ngọt dung tích 270m3, được xây dựng từ lòng chảo của núi lửa, đem lại nguồn nước quý giá cho người dân nơi đây.

Vào tháng 1/2020, Nhà nước ta đã quyết định công nhận di tích núi Thới Lới là di tích lịch sử cấp quốc gia.

Khu di tích Huyện đường Đức Phổ

Huyện đường Đức Phổ Quãng Ngãi
Khu di tích Huyện đường Đức Phổ Quãng Ngãi

Di tích huyện Đường Đức Phổ nằm thị trấn Đức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi. Đây là nơi để kỷ niệm cuộc biểu tình lịch sử ngày 8/10/1930, khi hơn 5000 người dân đã chiếm huyện ủng hộ phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh 1930-1931. Huyện Đức Phổ nằm vùng đồng bằng ven biển, có sông Trà Câu đổ ra biển và bờ biển dài 42km. Nơi đây từng chứng kiến nhiều cuộc nổi dậy chống thực dân Pháp và tay sai.

Trước sự ra đời của Đảng Cộng sản Việt Nam, Đức Phổ đã tham gia nhiều cuộc khởi nghĩa. Sau khi Đảng Cộng sản ra đời, vào mùa xuân 1930, Tỉnh ủy lâm thời Quảng Ngãi được thành lập tại làng Tân Hội, Đức Phổ. Chi bộ cộng sản Đức Phổ ra đời tháng 4/1930, dẫn đầu bởi đồng chí Nguyễn Suyền.

Chi bộ cộng sản Đức Phổ đã lãnh đạo nhân dân tiến hành nhiều hoạt động đấu tranh, từ mít tinh đến biểu tình, rải truyền đơn và treo cờ cách mạng. Trong cao trào của phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh, Đức Phổ được chọn làm điểm đấu tranh chống địch. Cuộc biểu tình vào ngày 8/10/1930 đã thu hút khoảng 5000 người tham gia và lan rộng đến nhiều huyện khác trong tỉnh.

Đoàn biểu tình đã đổ về huyện đường Đức Phổ và chiếm huyện ủy. Họ đốt phá, thả tù nhân, treo cờ cách mạng và hô khẩu hiệu chống khủng bố. Các cuộc đấu tranh của nhân dân Đức Phổ sau đó còn nhiều thắng lợi khác, góp phần tạo dựng tinh thần cách mạng và thúc đẩy sự phát triển kinh tế – xã hội trong huyện.

Huyện Đường Đức Phổ có diện tích 5576m2, nằm ngay trên đường quốc lộ IA, được bao bọc bởi bờ tường gạch thấp và có cổng ra vào chính giữa. Trụ sở huyện đường ban đầu được xây dựng là một nhà 3 gian 2 chái. Sau này nâng cấp thành ngôi nhà lớn 7 gian lên đến 2 tầng vào năm 1985.

Ngoài trụ sở chính, khuôn viên có miếu âm hồn dành cho việc thắp hương cúng lễ, cũng như các căn nhà khác như trại giam tù nhân và nhà vợ chồng tri huyện. Một điểm nhấn đặc biệt là bức phù điêu cao 10m với hình ảnh cuộc biểu tình lịch sử năm 1930 của nhân dân Đức Phổ và tấm bia đá tóm tắt nội dung cuộc đấu tranh ngày 8/9/1930 tại di tích này.

Vào ngày 7/5/1994, Di tích lịch sử huyện Đường Đức Phổ Quảng Ngãi đã được nhà nước ta công nhận là di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia.

Di tích chùa Ông Quảng Ngãi

Di tích chùa Ông Quảng Ngãi
Di tích chùa Ông Quảng Ngãi

Chùa Ông Thu Xà Quảng Ngãi hay còn được gọi là Chùa Ông, là một ngôi chùa cổ lâu đời, có lịch sử hình thành lên đến hàng trăm năm. Chùa được xây dựng với sự kết hợp giữa phong cách kiến trúc của người Việt và người Hoa. Chùa Ông là nơi thờ cúng Quan Công, Phật Quan Âm Nam Hải và bà Thiên Hậu.

Chùa Ông Quảng Ngãi có diện tích khoảng 2.730m2. Mặc dù đã trải qua nhiều lần trùng tu từ năm 1821 đến năm 1991, nhưng chùa vẫn giữ được nét cổ kính và trang nghiêm nơi cửa phật. Khuôn viên chùa bao gồm tam quan, sân vườn và các công trình chính, được bao bọc bởi vòng thành kiên cố.

Kiến trúc của chùa Ông Thu Xà có ba phần chính:

  • Tiền đường: Thể hiện được nét đặc trưng bởi cổng tam quan, bình phong, lầu trống và lầu chuông. Tiền đường có hai miếu thờ bà Thiên Hậu và miếu thờ Tiêu Diện Đại Sĩ. Chữ Quan Thánh Tự đắp nổi trên mái đỉnh.
  • Chánh điện: Bố trí gian thờ Quan Công, được trang trí tỉ mỉ và có bức họa Đạt Ma Tổ Sư qua sông. Vách gỗ trang trí ô hộc và hình ảnh khâm thiền cực kỳ tinh xảo.
  • Hậu cung: Chứa thờ Phật và các vị bồ tát, có bức hoành phi bằng gỗ sơn son thếp vàng.

Nét đặc trưng của kiến trúc chùa là sự kết hợp giữa kiến trúc truyền thống miền Trung Việt Nam và nét độc đáo từ vùng Bắc Bộ và Hoa Bắc. Nghệ thuật trang trí bằng đắp nổi, chạm nổi, chạm thủng thể hiện tài nghệ thuật tinh tế của các nghệ nhân thời xưa.

Di tích chùa Ông đã được nhà nước ta công nhận là một trong những di tích lịch sử Quảng Ngãi được xếp hạng là di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia vào năm 1993.

Khu di tích lịch sử đền thờ Trương Định Quảng Ngãi

đền thờ Trương Định Quảng Ngãi
Khu di tích lịch sử đền thờ Trương Định Quảng Ngãi

Anh hùng Trương Định là một vị anh hùng nổi tiếng trong lịch sử Việt Nam trong công cuộc chống thực dân Pháp trong giai đoạn từ năm 1859 đến năm 1864. Trương Định sinh ra tại làng Tư Cung, tỉnh Quảng Ngãi. Ông theo cha vào nam và lập nên vùng đất Tân An, Định Tường.

Trương Định đã lãnh đạo quân đội đột kích vào đồn điền quân Pháp sau khi quân Pháp tiến đánh Gia Định năm 1859. Tuy nhiên, khi triều đình ký kết Hòa ước Nhâm Tuất năm 1862, nhường ba tỉnh miền Đông cho Pháp, Trương Định không chấp nhận việc bãi binh và nhậm chức Lãnh binh ở An Giang như lệnh của triều đình. Thay vào đó, ông tiếp tục cuộc chiến với danh hiệu Bình Tây Đại Nguyên Soái, với sự ủng hộ từ nhân dân và các nhà nho.

Cuộc đấu tranh chống Pháp của ông chấn động với nhiều chiến công lẫy lừng. Tuy nhiên, vào ngày 19/8/1864, trong trận Đám Lá Tối Trời tại Gò Công Đông, Trương Định bị thương nặng. Để bảo toàn danh dự, ông đã quyết định tự vẫn tại Ao Dinh, Gò Công, khiến người dân và lính của mình đau lòng và tiếc nuối.

Sau khi Trương Định mất, vua Tự Đức đã truy tặng danh hiệu và xây dựng đền thờ tại làng Tư Cung, Quảng Ngãi để tưởng nhớ ông.

Kết luận

Qua bài viết trên, chúng ta đã cùng nhau khám phá và tìm hiểu về 13 di tích lịch sử Quảng Ngãi được nhà nước công nhận là di tích lịch sử cấp quốc gia. Hy vọng với những gì mình chia sẻ sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về văn hóa, lịch sử và con người nơi đây. Hãy luôn theo dõi mình để đọc thêm nhiều bài viết hữu ích khác nhé.