Văn Hoá

9 khu di tích lịch sử Quảng Nam được công nhận di tích quốc gia

3.8/5 - (13 bình chọn)

Khi nhắc đến Quảng Nam, chúng ta thường nhớ đến những công trình kiến trúc đồ sộ từ những nền văn hóa Champa cổ như Thánh Địa Mỹ Sơn; hay những khu di tích lịch sử Quảng Nam mang đậm dấu ấn của một thời chiến tranh hào hùng của dân tộc ta. 

Cho đến nay, Quảng Nam sở hữu 439 khu di tích lịch sử đã được xếp hạng. Trong đó có 4 khu di tích được nhà nước ta xếp hạng là di tích quốc gia đặc biệt, 63 khu di tích lịch sử cấp quốc gia và 317 khi di tích được xếp hạng di tích lịch sử cấp tỉnh. Hôm nay, chúng ta sẽ cùng nhau tìm hiểu chi tiết về top 9 khu di tích lịch sử Quảng Nam nổi tiếng, được nhà nước công nhận di tích quốc gia qua bài viết ngay dưới đây. Cùng mình bắt đầu ngay thôi nào!

Danh lam thắng cảnh, di tích Bàn Than – Hòn Mang – Hòn Dứa

Khu di tích Bàn Than – Hòn Mang – Hòn Dứa
Khu di tích Bàn Than – Hòn Mang – Hòn Dứa

Danh lam thắng cảnh, di tích Bàn Than – Hòn Mang – Hòn Dứa là một bãi biển biển đẹp, tọa lạc tại huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam. Khu di tích này bao gồm Bàn Than, một bãi đá trải dài trên xã đảo Tam Hải, cùng hai đảo nhỏ gần kề là Hòn Mang và Hòn Dứa, nằm ở vùng cửa biển của sông Trường Giang. Ghềnh đá Bàn Than có chiều dài khoảng 2km, và cách đảo Tam Hải đến Hòn Mang, Hòn Dứa khoảng 0.5km đến 1 km.

Người dân địa phương gọi địa điểm này là Bàn Than bởi sự phẳng lặng và mịn màng của những chiếc ghềnh đá, giống như những chiếc bàn khổng lồ tự nhiên màu đen tuyền như những viên than. Hai đảo nhỏ Hòn Mang và Hòn Dứa được đặt tên dựa trên các loại cây đặc trưng mọc nhiều trên đó, bao gồm cây dứa gai và cỏ mang.

Di tích Bàn Than – Hòn Mang – Hòn Dứa nổi tiếng với phong cảnh biển thơ mộng, cùng những bãi cát trắng, rừng dừa xanh và những bãi đá trầm tích. Hòn Dứa có bãi cát dài vàng mịn. Đây được xem là nơi lý tưởng cho các hoạt động như ca nô, thuyền bè cập bờ, và tắm biển.

Vùng Bàn Than có một vách đá màu đen dài hơn 2km, cao khoảng 40m, được xếp chồng lên nhau. Nơi đây được xem là một trong những di sản địa chất độc đáo, có tuổi đời lên đến 400 triệu năm. Khu vực này cũng chứa những tảng đá trầm tích lục nguyên và núi lửa cũ. Những lớp trầm tích này từ lâu đã tạo thành những lớp mỏng xếp chồng nhau với nhiều màu sắc khác nhau như xám, xanh và phớt đỏ.

Di tích Bàn Than – Hòn Mang – Hòn Dứa còn được coi là một trong những di sản địa chất quan trọng, mang trong mình giá trị về cổ sinh, địa tầng, địa mạo và cấu trúc, kiến tạo. 

Ngoài ra, khu vực Bàn Than – Hòn Mang – Hòn Dứa còn là một hệ sinh thái biển đa dạng, với 90ha rạn san hô và nhiều loài sinh vật biển quý hiếm như san hô gạc nai, san hô khối, rong biển và cá đa dạng.
Với những giá trị lịch sử đó mà Danh lam thắng cảnh, di tích Bàn Than – Hòn Mang – Hòn Dứa đã được nhà nước ta xếp hạng là một trong những khu di tích lịch sử Quảng Nam nổi tiếng, được công nhận là di tích cấp quốc gia vào tháng 2 năm 2023.

Di tích lịch sử Tháp Đồng Dương Quảng Nam

Di tích lịch sử Tháp Đồng Dương Quảng Nam
Di tích lịch sử Tháp Đồng Dương

Khu di tích Tháp Đồng Dương là một trong những di tích lịch sử vô cùng quan trọng của người Chăm Pa. Khu di tích bao gồm một hệ thống các tháp được đặt gần nhau tại làng Đồng Dương, huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam. Tháp Đồng Dương được xây dựng vào những năm đầu thế kỷ 9, trong thời kỳ Phong cách Đồng Dương của Chăm Pa, khi Phật giáo đã có sự ảnh hưởng mạnh mẽ đến văn hóa phương Đông thời bấy giờ.

Tháp Đồng Dương được xây dựng dưới thời vua Indravarman II, một vị vua theo Phật giáo. Ông đã thúc đẩy sự phát triển mạnh mẽ của Phật giáo tại Chămpa khi lên ngôi vị vua, và sáng lập ra triều đại Indrapura. 

Kỷ nguyên của vị vua Indravarman II đã chứng kiến sự bùng nổ của Phật giáo ở Chăm Pa trong gần 50 năm, từ năm 875 đến năm 915. Theo các nhà sử học, thời kì này được gọi là giai đoạn Đồng Dương hoặc phong cách Đồng Dương. Thành tựu kiến trúc Phật giáo trong thời kỳ này đã để lại nhiều công trình độc đáo. Trong đó, Tháp Đồng Dương có thể được coi là một minh chứng.

Công trình kiến trúc của di tích Tháp Đồng Dương đã được các nhà khảo cổ học người Pháp khám phá vào những năm đầu thế kỉ 20. Kết quả của cuộc khám phá này cho thấy rằng, khu đền thờ Đồng Dương có diện tích rộng khoảng 155 mét và dài khoảng 326 mét. Tháp được chia thành ba cụm kiến trúc riêng biệt. Trong đó, chỉ cụm ở phía tây và cụm ở phía đông là còn giữ lại nhiều dấu tích kiến trúc và điêu khắc cho đến ngày nay.

Cụm kiến trúc ở phía Tây bao gồm tháp thờ trung tâm, tháp phụ, điện thờ nhỏ, và được trang trí bằng hình tháp và hình đầu voi xen kẽ nhau. Tháp chính có kiểu dáng tầng truyền thống của Chăm Pa, bao gồm nền, thân và các tầng. Bên trong tháp có hai ô khám lớn, với một đài thờ lớn làm từ đá, là một tác phẩm điêu khắc đặc biệt về Phật giáo. Tháp cũng sở hữu nhiều kiến trúc khác như tháp phụ, miếu thờ nhỏ, các ngôi nhà dài và tháp cổng.

Cụm Trung tâm tháp cho đến nay đã đổ nát, chỉ còn lại các dấu tích của các bức tường và thềm cửa. Tuy nhiên, một số tượng môn thần Dvarapala được tạc bằng đá làm cho nơi này thêm phần nổi bật, gây ấn tượng mạnh mẽ trong phong cách trong nghệ thuật của người Chăm Pa.

Xem thêm:  Top 7 khu di tích lịch sử Đà Nẵng nổi tiếng mà bạn không nên bỏ qua

Cụm phía Đông của tháp được coi như một tu viện của Phật giáo. Cụm này có ngôi nhà dài và đài thờ Vihara, với tượng Phật Thích Ca Mâu Ni và các tượng La Hán. Các cột và cấu trúc của đài thờ được xây từ gạch và đá, được trang trí tinh tế. 

Với những giá trị lịch sử và văn hóa to lớn của Khu di tích Tháp Đồng Dương mang lại, mà vào năm 2016, Tháp Đồng Hương đã được nhà nước ta xếp hạng là một trong những di tích lịch sử Quảng Nam nổi tiếng và được công nhận là di tích lịch sử cấp quốc gia. 

Lăng mộ Đoàn Quý phi tại Quảng Nam

Lăng mộ Đoàn Quý phi tại Quảng Nam
Lăng mộ Đoàn Quý phi

Khu di tích Lăng mộ Đoàn Quý Phi tọa lạc tại một vùng đất thuộc làng Chiêm Sơn, xã Duy Trinh, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam. Lịch sử của Lăng mộ Đoàn Quý phi được bắt nguồn từ triều đại của vua Gia Long. Vào năm 1606, Lăng mộ của Hiếu Chiêu Hoàng Hậu Đoàn Thị Ngọc được đặt tên là Vĩnh Diên để phân biệt với Lăng mộ của Hiếu Văn Hoàng Hậu Mạc Thị Giai, gọi là Vĩnh Diễn. 

Lăng Vĩnh Diên được cư dân gọi là Lăng Trên, trong khi Lăng Vĩnh Diễn được gọi là Lăng Dưới. Vào khoảng năm 1824, vua Minh Mạng đã xây dựng Chùa Vĩnh An giữa hai lăng mộ để thờ cúng cho hai Hoàng Hậu, được biết đến như Chùa Vua hay Chùa Ngự. Mỗi năm, vua Nhà Nguyễn đều đến cung yết Lăng mộ hai Hoàng Hậu và Chùa Vĩnh An tại xã Duy Trinh.

Ngoài việc xây dựng các công trình tôn giáo, Chúa Hiền Nguyễn Phúc Tần còn xây dựng Nhà thờ Đức Bà Hiếu Chiêu Hoàng Hậu tại thôn Đông giáp, làng Đông Yên, gần sát với Dinh trấn Thanh Chiêm. 

Tuy nhiên, do trận lụt lớn vào năm 1680, Nhà thờ bị hủy hoại, và được xây lại sau đó vào khoảng năm 1730. Nhà thờ này tiếp tục bị hư hại do sạt lở đất và sau đó được xây lại dưới thời vua Gia Long vào năm 1802 và được trùng tu vào năm 1894 dưới thời vua Thành Thái.

Tuy nhiên, sau hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, Nhà thờ Đức Bà Hiếu Chiêu Hoàng Hậu đã bị xuống cấp trầm trọng. Hội đồng Gia tộc Đoàn tộc Quảng Nam đã vận động bà con đóng góp tài chính để đại trùng tu Nhà thờ và có được công trình kiến trúc như hiện nay.

Di tích lịch sử Quảng Nam – Tháp Bằng An

Tháp Bằng An Quảng Nam
Tháp Bằng An Quảng Nam

Di tích Tháp Bằng An là một trong những tháp Chăm cổ cuối cùng còn tồn tại ở tỉnh Quảng Nam. Tháp tọa lạc tại phường Điện An, thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam, nằm cách Đà Nẵng khoảng 30km, Hội An khoảng 14km và cách Quốc lộ 1 khoảng 1,2 km. Tháp Bằng An được xây dựng vào khoảng cuối thế kỷ 11, đến đầu thế kỷ 12, dưới thời vua Bhadravarman.  

Di tích Tháp Bằng An được xây theo cấu trúc hình bát giác, mỗi cạnh rộng khoảng 4m và chiều cao khoảng là 21,5m. Kiến trúc của Tháp bao gồm phần thân và mái tháp. Trong đó, phần thân tháp cao 12,7m, được bọc kín với chỉ một lối đi vào qua tiền sảnh dài 6m, rộng khoảng 1,55m. Mặt trên của tháp là một chóp nhọn, bên trong có đặt một linga bằng đá. Tương truyền rằng, linga bằng đá được xem là biểu tượng của thần Siva.Phía trước của tháp có tượng của hai con vật bằng đá là sư tử và voi.

Với những giá trị lịch sử quan trọng liên quan đến tôn giáo và tín ngưỡng của văn hóa Chămpa còn lưu giữ cho đến ngày nay, mà tháp đã được nhà nước ta công nhận là một trong những di tích lịch sử Quảng Nam, được xếp hạng là di tích cấp quốc gia vào năm 2010.

Khu di tích lịch sử Thánh địa Mỹ Sơn Quảng Nam

Khu di tích lịch sử Thánh địa Mỹ Sơn
Khu di tích lịch sử Thánh địa Mỹ Sơn

Khu di tích lịch sử thánh địa Mỹ Sơn thuộc xã Duy Phú, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam. Đây là một trong 3 khu di tích lịch sử Việt Nam đã được UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới.

Khu di tích lịch sử Mỹ Sơn được khởi công xây dựng từ khoảng đầu thế kỷ IV. Trải qua quá trình hình thành và phát triển, thánh địa Mỹ Sơn đã trở thành trung tâm văn hóa của người Chămpa.

Bên cạnh mục đích sử dụng cho các nghi lễ tôn giáo, thánh địa Mỹ Sơn còn là nơi chôn cất các vị vua và những người có quyền lực trong triều đại Chăm Pa. Đền thờ đầu tiên tại đây được xây bằng gỗ vào thế kỷ IV. Tuy nhiên đền đã bị phá hủy vào thế kỷ VII trong một vụ hỏa hoạn lớn.

Vào đầu thế kỷ VII, vua Sambhuvarman của vương triều Champa đã sử dụng gạch nung để xây dựng lại các đền thờ trước đó, và một số trong số những đền thờ đó vẫn còn tồn tại đến ngày nay. Các triều vua Champa sau này tiếp tục tu sửa và xây dựng thêm các công trình tôn giáo tại Mỹ Sơn.

Các công trình kiến trúc tại thánh địa được các nhà khảo cổ học nhận định có niên đại từ thế kỷ VII đến thế kỷ XIV. Tuy nhiên, khi khai quật các hầm mộ tại đây thì các nhà khảo cổ cho rằng các vị vua Chăm pa đã được chôn cất tại đây từ thế kỷ IV.

Kiến trúc của thánh địa Mỹ Sơn thể hiện sự ảnh hưởng từ Ấn Độ, với cấu trúc cụm tháp có tháp chính (Kalan) thường thờ Linga hoặc thần Shiva, được bao quanh bởi các tháp phụ nhỏ, cùng với các cổng (Gopura) và tiền đình (Mandapa). Các tháp đều có hình chóp. Theo các nhà nghiên cứu cho rằng, những tháp này được xem biểu tượng của đỉnh Meru, nơi cư ngụ của các vị thần Hindu.

Mặc dù thánh địa đã cùng nhân dân ta trải qua nhiều thăng trầm trong lịch sử, từ 2 cuộc chiến tranh chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, nhưng thánh địa vẫn còn lưu giữ gần như nguyên vẹn những nét đẹp văn hóa của triều đại Champa. Do đó mà vào năm 1999, khu di tích thánh địa Mỹ Sơn đã được UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới. Đến năm 2009, thánh địa đã được nhà nước ta công nhận là di tích lịch sử quốc gia đặc biệt.

Di tích lịch sử Phố cổ Hội An

Phố cổ Hội An
Phố cổ Hội An

Phố cổ Hội An là một khu đô thị cổ, tọa lạc tại hạ lưu sông Thu Bồn, tỉnh Quảng Nam, và cách Đà Nẵng khoảng 30km về phía Nam. Với vị trí địa lý và khí hậu thuận lợi, Hội An từng là một trung tâm thương cảng quốc tế sầm uất, thu hút thuyền buôn từ Nhật Bản, Trung Quốc và phương Tây trong thế kỷ XVII và XVIII.

Xem thêm:  Tìm hiểu 13 khu di tích lịch sử Quảng Trị được công nhận di tích quốc gia

Trước đó, Hội An cũng từng là nơi có những dấu tích của thương cảng Chăm Pa, và là điểm dừng chân trên con đường tơ lụa trên biển. Tuy nhiên, vào thế kỷ XIX, do vấn đề giao thông đường thủy không thuận tiện, cảng thị Hội An đã dần trở nên suy thoái.
Mặc dù trải qua 2 cuộc chiến tranh chống Pháp và chống Mỹ, nhưng Hội An đã không bị tàn phá, và không phải chịu quá nhiều áp lực đô thị hóa ồ ạt vào cuối thế kỷ 20.

Kiến trúc của phố cổ Hội An được xem là một ví dụ điển hình về cảng biển truyền thống ở Đông Nam Á. Hầu hết các ngôi nhà ở đây cho đến nay vẫn giữ nguyên kiến trúc truyền thống từ thế kỷ 17 đến thế kỷ 19.

Hội An còn là nơi ghi nhận sự pha trộn của nhiều nền văn hóa khác nhau, từ các hội quán, đền miếu đậm chất người Hoa đến ngôi nhà phong cách Pháp. Bên cạnh những kiến trúc độc đáo, Hội An còn lưu giữ nền văn hóa đa dạng, từ sinh hoạt thường nhật đến nghệ thuật dân gian và lễ hội văn hóa.

Vào ngày 4/12/1999, khu di tích phố cổ Hội An đã được UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới. Đến năm 2009, phố cổ Hội An được nhà nước ta xếp hạng là một trong những di tích lịch sử Quảng Nam, được công nhận là di tích lịch sử cấp quốc gia.

Khu di tích Đình Chiên Đàn Quảng Nam

Khu di tích Đình Chiên Đàn Quảng Nam
Khu di tích Đình Chiên Đàn

Di tích đình Chiên Đàn được xây dựng vào khoảng năm 1471 – 1473, tại xã Tam Đàn, huyện Phú Ninh, tỉnh Quảng Nam. Trong suốt hơn 550 năm tồn tại và phát triển, mặc dù đã trải qua nhiều lần tu sửa nhưng cho đến nay, đình vẫn giữ được sự nguyên vẹn của một công trình kiến trúc cổ. Theo nhiều ghi chép lịch sử, Quảng Nam từng có ba ngôi đình lớn là Nhất La Qua, nhì Thành Mỹ, ba Chiên Đàn; nhưng hiện chỉ còn lại đình Chiên Đàn là vẫn còn tồn tại cho đến tận ngày nay.

Đình Chiên Đàn được xây dựng trên một vùng đất có diện tích khoảng 1.500m2, là nơi thờ các vị thành hoàng và hiền tài có công với đất nước. Kiến trúc của đình có hình chữ nhất, mặt hướng về đông nam, mái được lợp ngói âm dương, trang trí bằng hình dáng hai con rồng bay lượn và quay đầu lại với nhau. Nóc đình được trang trí bằng hình “lưỡng long triều nguyệt”, mái hiên đắp hai con kỳ lân, và phía trước có cổng tam quan.

Đình có diện tích rộng 440 m2, gồm năm gian hai chái với 30 cột gỗ mít. Ba gian chính được sử dụng để thờ tự, và trước điện thờ có ba bức hoành phi với bức ghi rõ “Chiên Đàn xã đình”. Các kèo, kiện trong đình được chạm trổ tinh xảo, uyển chuyển bởi những người thợ tài hoa của làng mộc Văn Hà, xã Tam Thành, huyện Phú Ninh.

Vào năm 2005, di tích đình Chiên Đàn đã được nhà nước ta công nhận là một trong những di tích lịch Quảng Nam được xếp hạng là di tích lịch sử, văn hóa cấp quốc gia.

Di tích lịch sử Làng cổ Lộc Yên Quảng Nam

Làng cổ Lộc Yên Quảng Nam
Làng cổ Lộc Yên Quảng Nam

Di tích Làng cổ Lộc Yên nằm cách thành phố Tam Kỳ, Quảng Nam khoảng 35km và cách thành phố Hội An 80 km. Làng cổ là nơi lưu giữ những giá trị văn hóa của những ngôi nhà cổ có tuổi đời lên đến hàng trăm năm. Những ngôi nhà này sở hữu kiến trúc độc đáo, cùng những nét chạm trổ tinh xảo, được xây dựng từ gỗ mít vườn,  một loại gỗ đặc biệt của xã Tiên Phước.

Không những thế, di tích làng Lộc Yên còn sở hữu không gian văn hóa đá đặc trưng của người dân xứ Tiên với những bờ đá, mộ đá và giếng đá có tuổi đời hàng trăm năm. Làng cổ không chỉ là một điểm du lịch thu hút bởi vẻ đẹp kiến trúc và nghệ thuật, mà còn là nơi lưu giữ những di sản văn hóa quý báu của vùng đất Quảng Nam.

Với những giá trị lịch sử và văn hóa đó mà di tích làng cổ Lộc Yên đã được nhà nước ta công nhận và xếp hạng là di tích lịch sử cấp quốc gia.

Khu di tích lịch sử Địa đạo Phú An – Phú Xuân Quảng Nam

Khu di tích lịch sử Địa đạo Phú An - Phú Xuân
Khu di tích lịch sử Địa đạo Phú An – Phú Xuân

Khu di tích lịch sử địa đạo Phú An – Phú Xuân có chiều dài hơn 2.000 mét, nối liền hai thôn Phú An và Phú Xuân thuộc xã Lộc Quý ( nay là xã Đại Thắng), tỉnh Quảng Nam. Địa đạo nằm gần ngay nách đồn bót của quân đội Mỹ – ngụy và được bao bọc bởi hai con sông Thu Bồn và Vu Gia ở ba phía.

Địa đạo Phú An – Phú Xuân được xem là một cứ điểm mang tính chiến lược quan trọng, và là một trong những căn cứ tiền phương của Đặc khu ủy Quảng Đà. Địa đạo là trung tâm tiếp nhận và phân phối cán bộ và quân chủ lực từ hậu phương. Đồng thời nơi đây cũng là nơi làm việc và hội họp của Đặc khu ủy Quảng Đà, Khu ủy V, cũng như của Mặt trận 4 từ năm 1965.

Địa đạo Phú An – Phú Xuân cũng là nơi chiến đấu và cố thủ của bộ đội du kích của ta. Đồng thời là nơi đặt sở chỉ huy tiền phương trong các trận bộ đội tấn công quân thù ở các căn cứ An Hòa, Đức Dục.

Khu di tích lịch sử địa đạo Phú An – Phú Xuân đã được nhà nước ta xếp hạng là một trong những khu di tích lịch sử Quảng Nam, được công nhận là di tích lịch sử cấp quốc gia vào năm 2002.

Kết luận

Qua bài viết trên, chúng ta đã cùng nhau tìm hiểu chi tiết về top 9 khu di tích lịch sử Quảng Nam nổi tiếng, được nhà nước công nhận là di tích lịch sử cấp quốc gia. Hy vọng với những thông tin mình chia sẻ sẽ có thể giúp cho bạn hiểu rõ hơn về  lịch sử, văn hóa và con người nơi đây. Hãy luôn theo dõi mình để có thể đọc thêm nhiều bài viết hữu ích khác nhé.