Trong số 133 di tích xếp hạng quốc gia, Côn Sơn – Kiếp Bạc (Hải Dương) được coi là trung tâm văn hóa lớn, hội tụ tinh hoa truyền thống, giá trị lịch sử xưa. Bởi vậy, vào khoảng tháng 8 hàng năm, ban lãnh đạo và nhân dân Côn Sơn – Kiếp Bạc mở ra lễ hội mùa thu để tôn vinh đời sống tâm linh của cộng đồng dân tộc.
Đồng thời, đây cũng là ngày để tưởng niệm vị anh hùng kiệt xuất của dân tộc – Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn và Danh nhân văn hóa thế giới Nguyễn Trãi. Cùng chúng tôi đi tìm hiểu chi tiết hơn về lễ hội mùa thu bên dưới đây.
Nội dung
Lễ hội mùa thu được tổ chức vào thời gian nào?
Theo quan niệm dân gian, mùa thu tượng âm và tháng Tám trong mùa thu được coi chính âm. Đức Thánh Trần Hưng Đạo được tôn là cha tượng dương. Lễ hội giỗ cha vào tháng Tám đánh dấu sự hòa hợp giữa yếu tố âm và dương. Sự hòa hợp này được xem là thời điểm vạn vật bắt đầu sinh sôi, nảy nở. Cây cối mùa màng trở nên tươi tốt và mọi việc diễn ra thuận lợi.
Lễ hội được tổ chức vào thời điểm chính âm được coi là thời gian linh thiêng nhất. Mọi sự mong cầu Thánh Trần tại lễ hội mùa thu sẽ được linh ứng. Vì vậy, trong tháng Tám hàng năm, người dân trên khắp cả nước đổ về đền Kiếp Bạc để tham gia lễ hội mùa thu.
Kiếp Bạc là một địa danh nổi tiếng bên sông Lục Đầu Giang, cách Côn Sơn khoảng 5 cây số. Nơi này có thế “rồng vươn, hổ phục”, có “tứ đức, tứ linh”. Thế sông núi hiểm trở nhưng cũng đầy uy nghi, hùng vĩ và hài hòa. Tại Côn Sơn – Kiếp Bạc, bốn dòng sông chảy từ các thượng nguồn hợp lại, đổ vào sông Thái Bình và sông Kinh Thầy, mang theo phù sa màu mỡ để làm cho ruộng đồng trở nên tươi tốt.
Bốn dòng sông này, ngoài tên gọi thông thường, đều có một tên Hán tự kèm theo có chữ “đức” ở sau: sông Đuống (Thiên Đức), sông Cầu (tên gốc là sông Như Nguyệt – Nguyệt Đức), sông Thương (Minh Đức), Sông Lục Nam (Nhật Đức); dòng chính chảy xuôi được gọi là sông Thái Bình.
Người xưa coi Lục Đầu Giang là nơi hợp lưu của bốn dòng sông đức lớn trong vũ trụ. Họ tin rằng điều này sẽ mang lại sự yên bình và thịnh vượng cho mọi người. Kiếp Bạc có các đường thuỷ và đường bộ thuận tiện, cho phép di chuyển dễ dàng từ Kiếp Bạc đến Thăng Long, lên và xuống núi, ra biển. Đây cũng là vị trí chiến lược quan trọng mà cả quân dân Đại Việt và quân xâm lược phương Bắc đều cần chiếm giữ trong các cuộc chiến tranh.
Lễ hội mùa thu tưởng nhớ vị anh hùng nào?
Lễ hội mùa thu Côn Sơn – Kiếp Bạc được tổ chức để tôn vinh, tưởng nhớ đến 2 vị anh hùng kiệt xuất của dân tộc: Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn và Danh nhân văn hóa thế giới Nguyễn Trãi.
Đại Vương là một danh tướng xuất sắc, được coi là bậc nhất trong các lĩnh vực như tài mưu lược, lòng anh hùng và trung nghĩa. Tiếng danh của ông lan xa đến tận vùng đất giặc Bắc. Chúng thường gọi ông là An Nam Hưng Đạo Vương mà không dám gọi thẳng tên.
Ngay khi còn sống, Đại Vương đã được triều đình nhà Trần xây dựng đền thờ riêng, được gọi là đền Sinh Từ. Vào ngày 20 tháng Tám năm Canh Tý (1300), Đại Vương qua đời tại Kiếp Bạc. Thượng hoàng Trần Thánh Tông viết một bia ngợi ca công đức của Đại Vương, ví von ông với Thượng Phụ (hay còn gọi là Lã Vọng, một nhà hiền triết từng được Chu Vũ Vương tôn làm thầy). Nhân dân Đại Việt cũng tôn ông với danh hiệu Đức Thánh Trần. Để tưởng nhớ công lao to lớn của ông đối với đất nước và nhân dân, người ta đã xây dựng đền Kiếp Bạc.
Bên cạnh đó, Danh nhân văn hóa thế giới Nguyễn Trãi cũng là vị anh hùng của dân tộc, được lập đền tưởng nhớ tại Côn Sơn. Nguyễn Trãi trở thành linh hồn của cuộc kháng chiến chống lại sự xâm lược của quân Minh, giúp đất nước giành lại độc lập vào thế kỷ 15.
Sau đó, Nguyễn Trãi viết “Bình Ngô Đại Cáo” – một bản Tuyên ngôn độc lập bất hủ, tổng kết tài tình toàn bộ cuộc kháng chiến vĩ đại của dân tộc. Nguyễn Trãi đã đi vào lịch sử và trở thành anh hùng vĩ đại của dân tộc, một danh nhân văn hóa tài năng mà thế giới phải kính trọng.
Nhằm tưởng nhớ 2 vị anh hùng lớn của dân tộc, lễ hội mùa thu đã trở thành một ngày quan trọng tại Đền Côn Sơn – Kiếp Bạc. Hội đền diễn ra vào chính thu và thu hút hàng chục nghìn người dân từ khắp mọi miền của Tổ quốc đến đây để kính bái, cầu nguyện. Đây là một trong những lễ hội lớn nhất của cả nước và đã được duy trì suốt hơn 7 thế kỷ, trở thành một trong những mỹ tục truyền thống, thể hiện rõ nét nguyên tắc “uống nước nhớ nguồn” của dân tộc.
Lễ hội mùa thu Côn Sơn – Kiếp Bạc 2023
Lễ hội mùa thu Côn Sơn – Kiếp Bạc 2023 sẽ diễn ra trong khoảng thời gian từ ngày 24-9 đến ngày 4-10, tương đương với ngày 10 đến 20 tháng Tám theo lịch âm tại hai Khu di tích Côn Sơn và Kiếp Bạc.
Lễ hội mùa thu Côn Sơn – Kiếp Bạc năm nay gắn liền Tuần Văn hóa Du lịch nhằm thúc đẩy quảng bá hình ảnh của Khu di tích quốc gia Côn Sơn – Kiếp Bạc. Đặc biệt là trong bối cảnh tỉnh Hải Dương đang hợp tác với các tỉnh Quảng Ninh và Bắc Giang để đề xuất UNESCO công nhận Quần thể di tích và danh thắng Yên Tử – Vĩnh Nghiêm – Côn Sơn, Kiếp Bạc là Di sản thế giới.
Lễ hội mùa thu năm 2023 sẽ mang đến nhiều hoạt động độc đáo và thú vị. Điểm mới lễ hội mùa thu năm nay là việc khai mạc Tuần Văn hóa Du lịch và Hội thu Côn Sơn – Kiếp Bạc năm 2023, Lễ tưởng niệm 723 năm Ngày mất của Anh hùng dân tộc Trần Hưng Đạo và và 581 năm Ngày mất của Anh hùng dân tộc, Danh nhân văn hóa thế giới Nguyễn Trãi. Theo đó, Lễ khai hội mùa thu Côn Sơn – Kiếp Bạc năm 2023 sẽ diễn ra vào tối ngày 30-9, thay vì buổi sáng như các năm trước.
Kết luận
Lễ hội mùa thu Côn Sơn – Kiếp Bạc là nét văn hóa truyền thống đặc sắc của nhân dân tỉnh Hải Dương nói riêng và Đồng bằng Bắc Bộ nói chung. Lễ hội này là dịp để tôn vinh công đức to lớn của 2 vị anh hùng, giáo dục truyền thống yêu nước, tự hào dân tộc tới các thế hệ Việt Nam.