Văn Hoá

Top 9 di tích lịch sử Hà Tĩnh được công nhận di tích cấp quốc gia

4.7/5 - (9 bình chọn)

Hà Tĩnh là vùng đất có lịch sử hình thành lâu đời. Vì vậy mà nơi đây sở hữu nhiều di tích lịch sử nổi tiếng, đã tồn tại hàng trăm năm. Tính đến thời điểm hiện tại, toàn tỉnh Hà Tĩnh đã có đến 649 di tích lịch sử. Trong đó có 561 di tích lịch sử cấp tỉnh và 88 di tích lịch sử được công nhận di tích cấp quốc gia. Hôm nay, chúng ta sẽ cùng nhau tìm hiểu chi tiết 9 di tích lịch sử Hà Tĩnh nổi tiếng nhất, được công nhận là di tích lịch sử cấp quốc gia qua bài viết ngay dưới đây. Cùng mình bắt đầu ngay thôi nào!

Di tích Đền thờ Đô Đài Bùi Cầm Hổ

Di tích Đền thờ Đô Đài Bùi Cầm Hổ
Di tích Đền thờ Đô Đài Bùi Cầm Hổ

Di tích đền thờ Đô Đài, tọa lạc tại chân núi Bạch Tỵ, phường Đậu Liêu, Thị xã Hồng Lĩnh, tỉnh Hà Tĩnh. Đây là nơi thờ cúng danh nhân Bùi Cầm Hổ, người được nhân dân gọi là Đức Thánh Đô Đài.

Bùi Cầm Hổ, sinh năm 1390 và mất năm 1483, là một quan viên dưới triều Lê. Ông nổi tiếng với đức tính hiền lành, đức độ và nhân văn. Ông từng làm quan Ngự sử của ba triều vua Lê, và hai lần đi sứ nhà Minh. Nhờ đó mà ông đã đóng góp một phần không nhỏ cho sự phồn thịnh của triều đại nhà Lê.

Bên cạnh những công lao to lớn trong triều, ông còn được nhân dân tôn vinh với những hành động thiện lương như xây dựng hệ thống dẫn nước từ núi xuống ruộng, giúp giảm thiểu thiệt hại do hạn hán cho hàng trăm mẫu ruộng của người dân trong làng. Nhờ những công lao to lớn của ông mà sau khi ông mất, ông đã được nhân dân xây dựng đền thờ tại Hà Tĩnh nhằm tôn vinh những đóng góp của ông với nhân dân.

Ngôi đền sở hữu nét đẹp cổ kính, với thượng, trung và hạ điện đều hướng về phía đông nam. Phía trước đền là một con đường đi qua truông, ven đường là ngọn khe Vẹt, và khu vực đền được bao phủ bởi một rừng cây rậm rạp. Bên trong đền có đủ các loại đồ tế khí và nghi trượng. Trước cổng đền có hai tượng phỗng lớn, tóc tết thành hai xoáy, chúng chắp tay và quỳ gối kính cẩn, tạo nên một không gian đền thờ trang nghiêm và cổ kính.

Trải qua nhiều thăng trầm của 2 cuộc chiến tranh cứu nước, đền đã phải chịu những thiệt hại nặng nề. Sau chiến tranh, nhân dân nơi đây đã góp công xây dựng lại thành một ngôi đền mới. Mặc dù đã có nhiều thay đổi về kiến trúc nhưng nơi đây vẫn lưu giữ được phần lớn những giá trị văn hóa từ ngôi đền cũ.

Vào ngày 10/2/1992, di tích đền thờ Đô Đài đã được nhà nước ta xếp hạng là di tích lịch sử cấp quốc gia.

Khu di chỉ Thạch Lạc Hà Tĩnh

Khi di tích khảo cổ Thạch Lạc nằm trên hai gò đất giữa thôn Thanh Sơn, xã Thạch Lạc, huyện Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh.

Cuộc khai quật đầu tiên tại Thạch Lạc được tiến hành vào năm 1963, với diện tích rộng 1500m2. Tầng văn hóa có độ dày lên đến 2,70m, chủ yếu được hình thành từ các vỏ sò huyết. Trong số hiện vật thu được, có đến 103 mục đá như rìu tứ diện, bàn mài, hòn ghè, bi gốm, suối chỉ, và nhiều xương và răng động vật. Đồ gốm tại đây vô cùng đa dạng và phong phú, bao gồm nồi, bình, vò, và âu, được xác định thông qua các mảnh vỡ.

Năm 2002, việc khai quật tiếp tục trên diện tích 100m2. Các nhà khảo cổ học đã phát hiện gần 150 chiếc rìu và nhiều công cụ khác làm từ đá như bàn chày nghiền, bàn kê, cùng hàng chục mảnh vỡ đồ gốm nằm dưới lớp đất đá tại nơi đây. Điểm đặc biệt trong cuộc khai quật lần này là việc các nhà khảo cổ đã tìm thấy một bộ xương người được chôn theo tư thế nằm ngửa, kèm theo là một chiếc rìu đá. Theo ước lượng ban đầu, di cốt này có niên đại từ 3.000-3.500 năm trước thời điểm hiện tại.

Khu di chỉ Thạch Lạc Hà Tĩnh đã được nhà nước ta xếp hạng là một trong những di tích lịch sử Hà Tĩnh được công nhận là di tích cấp quốc gia.

Di tích Mộ và Đền thờ Nguyễn Lỗi

Nguyễn Lỗi là con trưởng của Tướng quốc Nguyễn Nhữ Lãm, một trong tứ quốc tính là Lê Lỗi, hiện đang là đại diện dòng trưởng tại huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa. Trong đời vua Thiệu Bình, ông được phong chức “sĩ chí suy trung tán trị kiêm cung tuyên lực công thần”.

Ông là một trong những đại tướng nổi tiếng dưới triều đại nhà Lê, được vinh danh làm quân quốc trạng sư. Nguyễn Lỗi còn nổi tiếng với những đóng góp to lớn cho triều đình. Đặc biệt, ông còn đã từng đảm nhận các chức vụ quan trọng như đô uý thái phó thanh quận công và Nguyễn tướng công. Tuy nhiên, vào ngày 7/9/1434, Đình thượng hầu, Thượng tướng quân Nguyễn Lỗi đa qua đời khi ông vẫn còn đang giữ chức Tây Đạo Hành Khiển Tả Bộc Xạ.

Đền thờ Nguyễn Lỗi nằm ẩn mình dưới chân núi Bạch Mã thuộc làng Bảo Thịnh, xã Dương Trai, huyện Hương Sơn, nay là xã Sơn Bình, tỉnh Hà Tĩnh. Kiến trúc của đền được cấu trúc theo kiểu chữ Nhị, bao gồm hạ điện và thượng điện.

Hạ điện có kiến trúc ngang chữ nhất, được xây dựng với 3 gian và 2 hồi, có tường bao quanh, mái ngói âm dương và được trang trí lưỡng long chầu nguyệt trên nóc mái. Nội thất được thiết kế theo kiểu tứ trụ “nội kẻ cầu, ngoại kẻ mái.” Thượng điện cũng có 3 gian và 2 hồi, được xây với tường bít đốc và mái ngói âm dương, trang trí đỉnh nóc mái với hình hổ phù và hai đầu rồng.

Xem thêm:  Khám phá top 6 di tích lịch sử Thanh Hóa nổi tiếng được nhà nước công nhận

Nhờ những công lao to lớn mà ông đã đóng góp cho lịch sử mà vào ngày 28/12/2001, di tích đền thờ Nguyễn Lỗi đã được nhà nước ta công nhận và xếp hạng là di tích lịch sử cấp quốc gia.

Di tích chùa Chân Tiên

Di tích chùa Chân Tiên
Di tích lịch sử Hà Tĩnh – Chùa Chân Tiên

Di tích chùa Chân Tiên, hay còn được gọi là Chân Tiên Tự, tọa lạc trên đỉnh núi Tiên An thuộc xã Thịnh Lộc, huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh. Chùa được xây dựng vào thời kỳ nhà Trần thuộc thế kỷ 13, Chùa Chân Tiên được xem là một trong những di tích văn hóa lịch sử quan trọng tại nơi đây.

Chùa được bố trí thành hai ngôi: ngôi bên trái dành để thờ Phật, còn ngôi bên phải dành cho việc thờ thánh mẫu. Nhà thờ Phật Tổ, nằm bên trái, được xây dựng bằng vôi vữa theo kiến trúc tứ trụ, gồm 3 gian và được bao bọc bởi tường. Mái chùa được lợp ngói vảy, với hai bên hiên chùa để thờ quan Văn (bên trái) và quan Võ (bên phải).

Nhà thờ Thánh Mẫu, nằm bên phải, bao gồm các công trình như nhà Thượng điện, kiệu Long đình và nhà Bái đường. Các công trình kiến trúc nơi đây được trang trí tỉ mỉ với những nét hoa văn, họa tiết được điêu khắc tinh xảo như hình rồng, Mặt Trăng, hoa lá, tạo nên một không gian linh thiêng và trang nghiêm.

Bên cạnh đó, chùa Chân Tiên còn lưu giữ nhiều hiện vật thờ tự quý hiếm, bao gồm các pho tượng Phật, lư hương, trống, hương án, cờ Phật, tạo nên không khí thiêng liêng và cổ kính. Chính những điều này đã góp phần làm nổi bật những nét đẹp giá trị văn hóa và lịch sử nơi đây.

Di tích chùa Chân Tiên đã được nhà nước ta công nhận là một trong những di tích lịch sử Hà Tĩnh được xếp hạng di tích cấp quốc gia vào năm 1992.

Khu di tích lưu niệm Đại thi hào Nguyễn Du

Khu di tích lưu niệm Đại thi hào Nguyễn Du
Khu di tích lưu niệm Đại thi hào Nguyễn Du

Nguyễn Du (1765 – 1820), tự là Tố Như, hiệu là Thanh Hiên, quê gốc ở Tiên Điền, Nghi Xuân, Hà Tĩnh. Ông là một nhà thơ và là nhà văn nổi tiếng trong lịch sử Việt Nam. Nguyễn Du sinh ra trong một gia đình dòng dõi, cha là Nguyễn Nghiễm, từng giữ chức Tham tụng dưới triều Lê – Trịnh.

Nguyễn Du từng nhận phong tước Hoằng tín đại trung thành môn Vệ uý từ khi 3 tuổi, đứng trong hàng ngũ sĩ tịch của triều đình nhà Lê. Sau khi dự khoa thi Hương và đậu Tam trường, Nguyễn Du được tập ấm chức Chánh thủ hiệu triệu quân hùng hậu.

Nguyễn Du đã để lại cho người đời sau một công trình văn học đồ sộ. Các tác phẩm nổi tiếng của ông không thể không nhắc đến như Thanh Hiên thi tập, Nam Trung tập ngâm, Bắc hành tạp lục, Văn tế thập loại chúng sinh, Văn tế Trường Lưu nhị nữ, Thác lời trai phường nón, Đoạn Trường Tân Thanh,…. Những tác phẩm này đã góp phần làm nên tên tuổi của ông.

Vào năm 1824, Nguyễn Du đã qua đời ở Huế. Gia quyến đã đưa hài cốt của ông về quê an táng và xây dựng đền thờ tại khu vực vườn nhà Nguyễn Du, thuộc xóm Tiền, thôn Lương Năng, tỉnh Hà Tĩnh.

Khu lưu niệm đền thờ đại thi hào Nguyễn Du hiện nay nằm tại huyện Tiên Điền, bao gồm nhiều công trình kiến trúc nổi tiếng như nhà tư văn, nhà thờ Nguyễn Du, đàn tế và bia đá Nguyễn Quỳnh, nhà trưng bày, khu lăng Văn Sự, mộ Đại thi hào Nguyễn Du, đền thờ và mộ Xuân Quận công Nguyễn Nghiễm, đền thờ và mộ Nguyễn Trọng, khu vườn cũ của Đại thi hào Nguyễn Du, cùng nhiều di vật có giá trị khác.

Nhờ những đóng góp to lớn của đại thi hào Nguyễn Du đối với văn hóa và lịch sử nước nhà, mà vào ngày 27/9/2012, khu lưu niệm đền thờ đại thi hào Nguyễn Du đã được nhà nước ban tặng danh hiệu là di tích lịch sử quốc gia đặc biệt.

Quần thể di tích lịch sử Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác

Quần thể di tích lịch sử Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác
Quần thể di tích lịch sử Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác

Quần thể di tích lịch sử Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác nằm tại thôn Hải Thượng, xã Sơn Trung, huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh. Khu di tích kéo dài trên đoạn đường khoảng 8 ki lô mét, bắt đầu từ khu mộ ở xóm 17, xã Sơn Trung, tiếp tục qua chùa Tượng Sơn bên sông Ngàn Phố, đến kết thúc là khu nhà thờ Hải Thượng Lãn Ông ở xóm 8, xã Sơn Quang.

Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác là một trong những danh y nổi tiếng bậc nhất trong lịch sử Việt Nam. Ông sinh năm 1720 tại thôn Văn Xá, làng Liêu xá, Hải Dương. Ông sống tại quê mẹ ở xứ Bàu Thượng từ khi 26 tuổi cho đến khi qua đời vào ngày rằm tháng giêng năm Tân Hợi năm 1791 tại thôn Hải Thượng, xã Sơn Trung, Hương Sơn, Hà Tĩnh. Mộ của ông nằm ở khe Nước cắn chân núi Minh Tự, thôn Hải Thượng, xã Sơn Trung, Hương Sơn, Hà Tĩnh.

Khu di tích Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác bao gồm 2 khu chính

Khu 1: Mộ đá và sân vườn mộ đá

  • Mộ đá với hệ thống lan can, lư hương.
  • Nhà Phương Đình.
  • Khuôn viên sân dạo khu nhà Phương Đình.
  • Tứ trụ, cổng Tam Quan.
  • Đường đá tam cấp dẫn từ khu tứ trụ lên khu mộ.
  • Hệ thống bồn hoa và sân dạo hai bên phải, trái khu mộ.
  • Hệ thống cây xanh đa dạng.

Khu 2: Khu vườn, tượng đài, sân tượng đài, sân đón tiếp, nhà bốc thuốc, bãi đậu xe, khu dịch vụ

  • Diện tích rộng 120.000m2.
  • Hệ thống đón tiếp với nhiều công trình như nhà ban quản lý, khu vườn tường bao, khu nhà vệ sinh công cộng, bãi đậu xe, cổng ra vào, đường dẫn từ cổng lên tứ trụ.
  • Hệ thống cây xanh phong phú.
  • Hệ thống đường lát đá xanh Thanh Hóa dẫn từ khu mộ lên tượng đài.
  • Tượng đài Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác cao 15m, chế tác từ đá.
Xem thêm:  10 di tích lịch sử Quảng Bình nổi tiếng được công nhận di tích quốc gia

Di tích lịch sử Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác đã được nhà nước ta xếp hạng là một trong những di tích lịch sử Hà Tĩnh được công nhận là di tích lịch sử cấp quốc gia vào ngày 9/1/1990.

Khu di tích mộ và đền thờ Nguyễn Tuấn Thiện

Khu di tích mộ và đền thờ Nguyễn Tuấn Thiện
Khu di tích mộ và đền thờ Nguyễn Tuấn Thiện

Nguyễn Tuấn Thiện sinh năm 1401, tại thôn Phúc Đậu, xã Phúc Dương, nay là xã Sơn Phúc, Hương Sơn, Hà Tĩnh. Nguyễn Tuấn Thiện đã kết nghĩa anh em với Lê Lợi, cùng Lê Lợi đứng lên đấu tranh và lãnh đạo cuộc kháng chiến chống quân Minh xâm lược. Về sau, ông cũng góp công lớn trong công cuộc xây dựng cơ nghiệp cho triều đại nhà Lê.

Sau khi ông mất vào ngày 18/01/1494, ông đã được nhân dân xây dựng đền thờ tại ven dòng sông Ngàn Phố, và được nhân dân gọi với cái tên mỹ miều là Kim Quy Sơn Thần.

Di tích đền thờ Nguyễn Tuấn Thiện bảo tồn nhiều hiện vật quý giá như bàn thờ gỗ, hương án gỗ, Long ngai thần chủ, bình hoa gỗ, lưu hương gỗ, trường kiếm gỗ, kiếm thường gỗ, đại tự gỗ chạm sơn son, trướng gỗ hợp hiển, câu đối gỗ, mâm chè gỗ, hòn đá buộc voi,… cùng với các tư liệu lịch sử về thân thế và sự nghiệp của Nguyễn Tuấn Thiện.

Vào ngày 18 tháng Giêng hàng năm, người dân cùng chính quyền nơi đây đều tổ chức ngày giỗ cho ông, nhằm tôn vinh truyền thống chiến đấu chống giặc cứu nước của Nguyễn Tuấn Thiện và những đóng góp to lớn của ông cho lịch sử nước nhà. Vì thế nào vào 20/07/1994, Di tích đền thờ Nguyễn Tuấn Thiện đã được nhà nước ta xếp hạng là một trong những di tích lịch sử Hà Tĩnh được công nhận là di tích lịch sử cấp quốc gia.

Di tích lịch sử Hà Tĩnh – đền Đinh Lễ

Di tích Hà Tĩnh đền Đinh Lễ
Di tích Hà Tĩnh đền Đinh Lễ

Đinh Lễ được biết đến là một trong những Khai quốc công thần của triều đại nhà Lê vào cuối thế kỉ 15. Đinh Lễ đã đóng góp nhiều chiến công xuất sắc trong phong trào giải phóng dân tộc khỏi ách đô hộ nhà Minh ở đầu thế kỷ 15. Các chiến thắng lịch sử tại Trà Long, Khả Lưu, Bồ Ải (Nghệ An) đã giúp ông nhận được sự tin tưởng của Lê Lợi. Ông đã được Lê Lợi phong là Tư Không, được lệnh chỉ huy hơn 1.000 nghĩa quân.

Sau khi Đinh Lễ mất, ông đã được vua Lê Thái Tổ phong hiệu Linh cảm Đại vương, và được lập đền thờ tại núi Tùng Lĩnh, tỉnh Hà Tĩnh. Mặc dù với hơn 600 năm lịch sử, trải qua nhiều đợt trùng tu và sửa chữa, nhưng đền Đinh Lễ vẫn giữ được nguyên vẹn kết cấu kiến trúc cho đến tận ngày nay.

Đền được xây dựng với cấu trúc bằng gỗ, cùng hệ thống cột kèo và rường đấu cực kì tinh xảo. Với phong cách kiến trúc độc đáo, cùng những nét chạm khắc tinh tế và tỉ mỉ đã khiến cho nơi đây thêm phần lộng lẫy, thể hiện được sự uy nghi và trạng trọng nơi thờ cúng.

Đền còn lưu giữ nhiều tượng Phật với được những người thợ xưa điêu khắc tinh xảo. Tuy nhiên, sau khi trải qua nhiều quá trình trùng tu mà những tượng phật này đã được chuyển đến những ngôi chùa gần đó để lưu giữ và quản lý.

Vào năm 2006, di tích đền Đinh Lễ đã được nhà nước ta công nhận và xếp hạng là một trong những di tích lịch sử cấp quốc gia.

Khu di tích đền thờ Nguyễn Biểu

Khu di tích đền thờ Nguyễn Biểu
Khu di tích đền thờ Nguyễn Biểu

Nguyễn Biểu sinh ra và lớn lên tại làng Bình Hồ, huyện La Sơn, thuộc trấn Nghệ An; hiện nay là xã Yên Hồ, huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh. Ông được biết đến là một đại tướng nổi tiếng dưới thời nhà Trần.

Nguyễn Biểu đỗ Tiến sĩ vào cuối thời nhà Trần và được bổ nhiệm vào chức vụ Điện Tiền Thái sử, hay còn được biết đến là chức Ngự Sử. Khi quân nhà Minh xâm lược Đại Ngu, ông đã hỗ trợ vua Trùng Quang Đế tổ chức cuộc kháng chiến chống lại quân Minh.

Đến năm 1413, khi quân Minh tấn công Nghệ An, vua Trùng Quang Đế tháo chạy vào Hóa Châu và gửi Nguyễn Biểu làm sứ giả để thương lượng hòa bình với quân Minh. Trong cuộc gặp thương lượng, đại diện của quân Minh là Trương Phụ đã thể hiện sự khinh bạc và ngạo mạn. Ông ta thậm chí sai binh lính dọn ra một bàn ăn chỉ có một cái đầu người luộc chín, ép Nguyễn Biểu phải ăn để thị oai. Sau sự kiện này một thời gian, Nguyễn Biểu đã qua đời.

Sau chiến thắng chống lại quân Minh, vì tưởng nhớ công lao của Nguyễn Biểu mà vua Lê Thái Tổ đã cho lập đền thờ Nguyễn Biểu tại Nội Diên, nay thuộc xã Yên Hồ, huyện Đức Thọ, phong ông là Nghĩa Liệt Hiển ứng Uy Linh Trợ Thuận đại vương, tức Nghĩa sĩ Đại Vương. Về sau, vua Lê Thánh Tông cũng sai lập miếu thờ Nghĩa sĩ tại Bình Hồ.

Vào năm 1968, đền thờ Nguyễn Biểu bị tàn phá nặng nề bởi các cuộc không kích của Mỹ. Do đó mà khu Hạ điện và Trung điện đã bị mất ngói hoàn toàn. Ngoài ra, một số tác phẩm nghệ thuật thờ phụng bên trong đền đã bị kẻ gian đánh cắp, trong đó có hai tượng Phật làm từ gỗ.

Sau giải phóng, đền đã được nhân dân tu sửa nhiều lần. Đến năm 1991, khu di tích đền thờ Nguyễn Biểu đã được nhà nước ta công nhận là một trong những di tích lịch sử Hà Tĩnh được xếp hạng là di tích cấp quốc gia.

Kết luận

Qua bài viết trên, chúng ta đã cùng nhau tìm hiểu chi tiết về 9 di tích lịch sử Hà Tĩnh nổi tiếng, được công nhận là di tích lịch sử cấp quốc gia. Hy vọng với những gì mình chia sẻ sẽ có thể giúp cho bạn hiểu rõ hơn về những giá trị lịch sử và văn hóa nơi đây. Hãy luôn theo dõi mình để có thể đọc thêm nhiều bài viết hữu ích khác nhé.