Quảng trường Tuyên Quang, công trình kiến trúc đầy tự hào của người dân thành phố Thủ đô kháng chiến, nơi mang đậm dấu ấn lịch sử, văn hóa của các dân tộc xứ Tuyên. Đây cũng chính là công trình duy nhất của Việt Nam đạt giải “Phong cảnh thành phố Châu Á 2022”. Bài viết dưới đây sẽ mang đến cho độc giả những thông tin mới nhất, miêu tả rõ nét từng lối kiến trúc, cảnh quan Quảng trường lịch sử, đồng thời nhấn mạnh những đóng góp to lớn về mặt tinh thần và kinh tế của công trình kiến trúc vĩ đại này.
Nội dung
Quảng trường Tuyên Quang ở đâu?
Quảng trường Tuyên Quang hay còn được gọi với cái tên đáng tự hào là Quảng trường Nguyễn Tất Thành, nằm tọa lạc giữa lòng thành phố Thủ đô kháng chiến (Tuyên Quang), giáp với dòng sông Lô thơ mộng. Tổng diện tích của Quảng trường lên đến 8.5 ha và được xây dựng trên nền sân vận động cũ của tỉnh. Công trình được khởi công xây dựng vào đầu năm 2012 và hoàn thành vào đúng ngày 19/5/2015, kỷ niệm 125 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Kiến trúc độc đáo của Quảng trường Tuyên Quang
Quảng trường mang tên Bác không chỉ là một trong những địa điểm du lịch Tuyên Quang nổi tiếng, mà nơi đây còn là dấu ấn đầy tự hào in đậm trong ký ức của mỗi người dân xứ Tuyên. Trung tâm của Quảng trường là tượng đài “Bác Hồ với nhân dân các dân tộc tỉnh Tuyên Quang”, mô phỏng lại chuyến thăm trò chuyện của Bác với nhân dân các dân tộc Tuyên Quang vào tháng 3 năm 1961.
Phía trước của tượng đài là bức tranh điêu khắc 7 nhân vật đại diện cho những con người vĩ đại, góp phần tạo nên đất nước ngày hôm nay. Trong đó, tượng của Hồ Chủ tịch được xây dựng ở vị trí trung tâm với chiều cao là 7.9m. Xung quanh Bác là các nhân vật đại diện cho lực lượng vũ trang, thiếu nhi, thanh niên, phụ nữ, công nhân, trí thức tại tỉnh Tuyên Quang nói riêng và Việt Nam nói chung.
Phía sau là bức phù điêu tái hiện lại cây đa Tân Trào, biểu tượng của cách mạng Việt Nam và là một trong những di tích lịch sử vô cùng nổi tiếng tại Tuyên Quang. Bên cạnh đó, phía sau tượng còn được khắc họa hình ảnh của các hoạt động trong việc phát triển văn hóa, kinh tế của tỉnh Tuyên Quang.
Gắn kết với tượng đài nằm ở trung tâm là công trình kiến trúc đền thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh. Công trình có quy mô lên đến 615 mét vuông, được khánh thành vào tháng 8/2014. Đền được thiết kế với lối kiến trúc hình chữ Đinh gồm 3 gian chính, 2 chái và 2 gian phụ phía sau.
Toàn bộ khung gỗ, hoa văn của đền đều được gia công và điêu khắc bởi những người thợ lành nghề nhất và mang đậm nét đặc trưng văn hóa các dân tộc tỉnh Tuyên Quang. Nội thất cũng được chọn lựa kỹ càng, phù hợp với tín ngưỡng thờ cúng của dân tộc Việt Nam và được làm hầu hết bằng gỗ lim hoặc gỗ mít.
Bên cạnh đó, theo như những nguồn thông tin tìm được, thì một phần kinh phí xây dựng Quảng trường là do nhân dân tỉnh Tuyên Quang tự nguyện đóng góp. Chính tinh thần đoàn kết của người dân cùng sự lãnh đạo tài tình của các cấp chính quyền, đã tạo thành động lực to nhất để xây dựng nên một công trình thời đại của thế kỷ XXI tại Thủ đô Kháng chiến năm xưa.
Quảng trường Tuyên Quang đoạt giải Phong cảnh thành phố Châu Á
Vào năm 2022, Sở Ngoại vụ đã chủ động đề xuất với Ủy ban nhân dân tỉnh Tuyên Quang về việc tham gia ứng cử giải thưởng quốc tế “Phong cảnh thành phố châu Á năm 2022”. Công trình Quảng trường Tuyên Quang đã được đề xuất với tên gọi “Quảng trường Nguyễn Tất Thành – Tinh hoa của núi rừng” nhằm tôn vinh các giá trị văn hóa, lịch sử của Quảng trường trong không gian cảnh quan đô thị thành phố Tuyên Quang.
Ngày 05/12/2022, Ban Tổ chức đã chính thức công bố Quảng trường Nguyễn Tất Thành thuộc tỉnh Tuyên Quang đã xuất sắc giành được giải thưởng Phong cảnh thành phố châu Á năm 2022. Giải thưởng danh giá này là sự ghi nhận vô cùng to lớn những nỗ lực của chính quyền địa phương, cũng như những đóng góp của người dân trong quá trình xây dựng, thực hiện công trình.
Kể từ khi được xây dựng đến nay, công trình đã khẳng định được các giá trị, nét độc đáo riêng của tỉnh Tuyên Quang và trở thành một trong những hình mẫu về phong cảnh thành phố châu Á. Chính vì thế, Quảng trường Nguyễn Tất Thành đã trở thành địa điểm được lựa chọn để tổ chức rất nhiều sự kiện quan trọng của tỉnh. Điển hình là Lễ hội Thành Tuyên hằng năm đã thu hút được rất nhiều du khách đến khắp nơi trên thế giới.
Kết luận
Ta có thể thấy được rằng Quảng trường Tuyên Quang cho đến ngày nay vẫn giữ nguyên hình hài như xưa, vẫn luôn là “trái tim”, là niềm tự hào to lớn của Thủ đô Kháng chiến. Không những thế, trong thời kỳ ra sức phát triển kinh tế, du lịch như hiện nay, Quảng trường Nguyễn Tất Thành còn góp phần không nhỏ trong việc quảng bá, giới thiệu hình ảnh tươi đẹp của quê hương Tuyên Quang đến với du khách và bạn bè quốc tế.