Nói đến người Pà Thẻn là nói đến một dân tộc có đời sống văn hóa tinh thần giàu bản sắc với những lễ hội, tập tục độc đáo. Một trong những lễ hội đặc biệt nhất của người Pà Thẻn chính là lễ hội nhảy lửa, được diễn ra mỗi dịp đầu năm. Cùng khám phá nét độc đáo của di sản văn hóa dân tộc qua bài viết bên dưới nhé!
Nội dung
Đôi nét về người Pà Thẻn
Người Pà Thẻn ở Tuyên Quang cư trú chủ yếu tại thôn Thượng Minh, xã Hồng Quang (Lâm Bình) và xã Linh Phú (Chiêm Hóa), với khoảng 700 nhân khẩu. Khi nhắc đến người Pà Thẻn là người ta nhắc đến lễ nhảy lửa và ngược lại. Cùng khám phá những điều thú vị về lễ hội này ở phần tiếp theo nhé!
Lễ hội nhảy lửa diễn ra như thế nào?
Lễ nhảy lửa của đồng bào thường diễn ra vào lúc nông nhàn, khi mọi công việc đồng áng đã xong, vào khoảng ngày 16-10 âm lịch năm trước đến 16-1 âm lịch năm sau. Nghi lễ được tổ chức ở một khoảng sân rộng ở thôn và chia làm hai phần, cúng trước khi mặt trời lặn diễn ra khoảng 3 – 4 tiếng và nhảy lửa sau khi trời tối diễn ra trong khoảng 1 tiếng.
Để bắt đầu lễ hội, thầy mo sẽ làm lễ cầu thần linh. Lễ vật cúng tế gồm có 1 bát hương, 1 chiếc đàn sắt, 1 con gà, 10 chén rượu, tiền giấy. Khi một đống lửa lớn được đốt lên ở giữa bãi để thành than nóng cho những người nhảy lửa biểu diễn cũng là lúc thầy mo bắt đầu làm lễ. Thời gian làm lễ kéo dài từ 1 thậm chí đến cả 3, 4 giờ đồng hồ, khi thầy mo gõ vào đàn và làm lễ cúng, từng thanh niên sẽ ngồi đối diện với thầy mo.
Trong khi làm lễ cũng, đó chính là lúc nhập đồng cho người nhảy lửa. Những người tham gia nhảy lửa sẽ thay nhau nhảy vào đống than hồng, dùng cả tay và chân trần để phá cho tới khi tàn lửa. Điều huyền bí nhất của lễ nhảy lửa là các chàng trai Pà Thẻn đã dũng mãnh nhảy những bước chân trần trên than hồng mà không hề bị bỏng. Mỗi người thường nhảy lửa trong vòng 3-4 phút, sau đó tỉnh cơn và tiếp tục làm lễ nhập đồng.
Anh Phù Văn Quý, người tham gia nhảy lửa chia sẻ: “Khi nhảy vào lửa tôi nhắm mắt, toàn bộ cơ thể lạnh toát và rung lên, tôi không biết gì nữa và như được thần dẫn đi nên bản thân tôi không biết là đang lao vào đống lửa, cho đến khi cảm nhận hơi nóng cần phải ra khỏi đống lửa tôi chạy ra, khi ra ngoài tôi lại thấy toàn thân lạnh, người rung lên tôi lại lao vào lửa.. cứ như thế lặp đi lặp lại nhiều lần cho đến khi than hồng tàn. Khi chạy ra ngoài tôi vẫn nhìn thấy người xem, nhưng bé tí, bé lắm”.
Sau khi đống lửa tàn, thầy mo chiêu mộ các học trò về lại hàng chiếu phía sau để kết thúc buổi lễ. Họ cảm ơn các vị thần đã tới dự lễ chung vui cùng dân làng, cầu mong các vị thần phù hộ cho dân làng được ấm no, mạnh khỏe, hẹn lần nhảy lửa sau sẽ lại mời các thần xuống tham gia.
Hình ảnh thú vị về lễ hội nhảy lửa
Ý nghĩa văn hóa lễ hội nhảy lửa của người Pà Thẻn
Lễ nhảy lửa mang bản sắc riêng của cộng đồng người Pà Thẻn, có tác động mạnh mẽ, sâu sắc đến đời sống tâm linh, đến việc hun đúc nên tâm hồn, tính cách người Pà Thẻn, thể hiện sức mạnh phi thường của con người dám đương đầu với khó khăn, thách thức, xua đuổi những điều không may mắn. Theo quan niệm của người Pà Thẻn, lửa được coi là vị thần thiêng liêng mang lại sự ấm áp, mang lại cho bà con cuộc sống ấm no, hạnh phúc, cũng như có sức mạnh xua đuổi tà ma, bệnh tật.
Nghệ nhân Phù Văn Thành, thôn Thượng Minh, xã Hồng Quang (Lâm Bình), người tâm huyết trong thực hành, giữ gìn và trao truyền nét văn hóa đặc sắc Lễ nhảy lửa của người Pà Thẻn chia sẻ: Lễ nhảy lửa để tạ ơn thần linh phù hộ cho một năm mùa màng tốt tươi, cuộc sống no ấm, dân làng khỏe mạnh không ốm đau bệnh tật, qua đó góp phần giáo dục truyền thống, tinh thần cố kết cộng đồng bền chặt cho các thế hệ người Pà Thẻn.
Kết luận
Lễ hội nhảy lựa được xem như là một phần không thể thiếu trong văn hóa của người Pà Thẻn. Đây cũng là một trong những tâm điểm thu hút khách du lịch mỗi dịp xuân về, giúp du khách khám phá thêm những nét văn hóa độc đáo của dân tộc Pà Thẻn tỉnh Tuyên Quang nói riêng cũng như các dân tộc thiểu số miền núi phía Bắc nói chung. Hãy theo dõi website để cập nhật thêm nhiều tin tức mới nhé!