DI TÍCH ĐÌNH TÂN TRÀO

Sáng ngày 16 tháng 8 năm 1945, Quốc dân Đại hội chính thức khai mạc tại đình Tân Trào. Đình Tân Trào nằm ở phía tây thôn Tân Lập, xã Tân Trào (thôn Kim Long cũ). Đình được bao bọc bởi ngọn núi Au Rừm và Khau Tâm xanh biếc. Ngay phía trước đình, dòng suối Khuôn Pén mềm mại, hiền hoà uốn lượn hình cánh cung; xa xa phía sau đình là dòng suối Khuổi Kịch trong mát tạo cho đình nét thơ mộng, hấp dẫn.

Đình Tân Trào được dựng năm 1923[1] trên một khu đất rộng khoảng 1000m2, quay theo hướng nam, phía trước là con đường mòn dẫn vào làng Kim Long. Đình Tân Trào mang dáng dấp phong cách nhà sàn miền núi, được làm bằng gỗ, mái lợp lá cọ được khai thác ở địa phương. Đình gồm 1 gian, 2 chái, không có tường xung quanh; nền cao 25cm, dài 16m, rộng 12m; sàn cao 84cm, xung quanh được làm hệ thống lan can. Đình Tân Trào không có cánh cửa, không có ngưỡng và bậc tam cấp. Đình có 4 mái, 2 mái lớn (trước, sau) và 2 mái hiên (đông, tây).      

Phần thượng cung (hay còn gọi là gác lửng) được chia làm hai phần: Phần ngoài được lát ván để bầy đồ cúng tế, phần trong gọi là vọng cung dùng để thờ và đồ tế khí là nơi để 8 bát hương thờ 8 vị thành hoàng. Trên thượng cung treo 2 câu đối có  nội dung:

               "Long quy đông hải lập đình trung.

                 Phượng xuất tây phương triều quý địa"

         Dịch là:

                " Rồng ở biển đông về chầu vào đình

                 Phía tây có phượng chầu vào ngôi đình".

          Lễ hội lớn nhất trong năm được tổ chức vào ngày mồng 4 tháng giêng âm lịch, gọi là "Lễ hội cầu mùa". Trong lễ hội, nhân dân trong thôn và vùng xung quanh đến dự rất đông và vui chơi ca hát. Để chuẩn bị cho ngày lễ, 8 gia đình trong thôn làm 8 mâm cỗ để đặt trên vọng cung. Sau ba tuần lễ, tiến hành hạ cỗ và 8 bát hương đặt lên kiệu bát cống có 8 người khiêng. Đoàn rước đi từ đình lên cánh đồng "hương hoả" của thôn cách đình 200m về phía đông bắc. Sau khi hạ kiệu, ông Hương trưởng tiến hành làm lễ và cử một phái đoàn (gọi là giải hiếu) có trống, cờ đi ra phía ngoài đình để đón 2 phái đoàn của xã Hồng Thái và Lương Thiện vào dự lễ. Trong phần hội có rất nhiều trò chơi dân gian, đặc biệt là hát giáo trò (vừa hát vừa múa kết hợp chơi trò chơi theo điệu và lời hát) dưới sự chứng giám của các vị thần linh.

Lễ cầu mùa tại đình Tân Trào bị gián đoạn trong một thời gian khá dài từ năm 1958 đến năm 2006.

Về dự Quốc dân Đại hội có hơn 60 đại biểu đại diện cho các đảng phái chính trị, các đoàn thể cứu quốc, các dân tộc, tôn giáo, có cả đại biểu từ Nam Trung Bộ, Nam Bộ và Việt kiều ở Thái Lan, Lào đã vượt mọi hiểm nguy đến Tân Trào kịp dự Đại hội. Lãnh tụ Hồ Chí Minh luôn quan tâm đến các đại biểu, đặc biệt là phụ nữ. Khi biết có đại biểu nữ phải vượt qua chặng đường dài để đến dự Đại hội, Người đã cho chiến sĩ tự vệ dắt ngựa đi đón đại biểu nữ cao tuổi nhất. Trong những ngày diễn ra Đại hội, Thủ đô Khu giải phóng sống trong không khí hân hoan của ngày hội lớn, các đoàn đại biểu, bộ đội giải phóng quân đi lại nhộn nhịp.

 Đình Tân Trào được trang hoàng đẹp hơn, xung quanh đình được che bằng vải. Gian bên phải được bố trí làm nơi họp của Đại hội, gian giữa là nơi triển lãm sách báo cách mạng và vũ khí thu được của địch gồm các loại trung liên, tiểu liên, súng trường. Gian bên trái được giành làm nơi uống nước, ăn cơm của đại biểu.

Đúng thời gian diễn ra Quốc dân đại hội, lãnh tụ Hồ Chí Minh vừa trải qua cơn ốm nặng. Mặc dù sức còn yếu nhưng Người vẫn đến dự và chỉ đạo Đại hội. Đây là lần đầu tiên sau khi về nước trực tiếp lãnh đạo cách mạng, Người ra mắt đại biểu cả nước với tên gọi Hồ Chí Minh.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong tác phẩm Đội quân giải phóng Bắc Bộ đã nhớ lại tâm trạng của các đại biểu tham dự đại hội: "Được gặp lại vị lãnh tụ tối cao của dân tộc, được nghe vị lãnh tụ vạch rõ phương châm thành công với một giọng nói hiền từ mà kiên quyết, các đại biểu ai nấy đều có cảm tưởng được thỏa mãn trong ước vọng bình sinh của mình, lòng tin tưởng vào tương lai càng cao".

Đoàn đại biểu Hà Nội có những kỷ niệm sâu sắc về những giây phút đầu được gặp lãnh tụ Hồ Chí Minh tại Tân Trào. Khi đoàn đại biểu Hà Nội do đồng chí Hoàng Đạo Thuý[2] dẫn đầu tới cây đa Tân Trào thì có một đoàn người đi ra đón. Dẫn đầu đoàn là một cụ già mặc quần áo Tày, đội mũ sợi màu chàm, tay chống gậy. Sau phút chào hỏi vui vẻ, đồng chí Hoàng Đạo Thuý cử đồng chí Nguyễn Tài, Uỷ viên dân vận của đoàn ra nói chuyện cùng nhân dân địa phương. Còn cả đoàn xin phép được ngồi nghỉ dưới gốc đa liền đó chờ thượng cấp.

  Được gặp đồng bào ở chiến khu, với niềm tự hào là đại biểu của Hà Nội đi dự Quốc dân đại hội, đồng chí Nguyễn Tài dùng hết khả năng tuyên truyền của mình để nói chuyện với đồng bào. Khi nhắc tới lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc thì cụ già, người dẫn đầu đoàn nhân dân địa phương vỗ tay ngắt lời, nhân dân cũng vỗ tay hoan hô theo. Một nữ đại biểu từ trong đoàn nhân dân địa phương ra đáp lời tạm biệt và chúc đại biểu Hà Nội thu nhiều kết quả.

  Ông cụ vẫy đồng chí Nguyễn Tài lại gần, cầm tay vừa đi vừa hỏi:

  - Đồng chí thấy nữ đại biểu nói thế nào?

  - Dạ, nữ đồng chí ấy nói ngắn, nhưng thể hiện trình độ khá cao. Cháu đang băn khoăn là mình nói hơi thừa...

  Ông Ké tủm tỉm cười, nhẹ nhàng bảo đồng chí Tài:

  - Chú cần nhớ là Hà Nội bị địch chiếm trước, trên này bị địch chiếm sau. Bây giờ trên này lại được giải phóng trước, Hà Nội vẫn bị quân giặc cướp nước thống trị. Cho nên người đi sau không nên chỉ đường cho người đi trước.

  Đồng chí Nguyễn Tài giật mình nhìn ông Ké. Trời ơi! Ông già miền núi gầy gò, mảnh khảnh kia nói đơn giản nhưng đầy ý nghĩa: "Người đi sau lại chỉ đường cho người đi trước". Đồng chí Nguyễn Tài vội nắm chặt tay ông già: "Cháu hiểu rồi ạ!". Nhìn theo bóng ông cụ bước đi, Nguyễn Tài thầm nghĩ:  "Việt Minh mình có những sức mạnh, chính là ở những con người này đây".

   Thấy đồng chí Nguyễn Tài đi theo ông Ké một lát rồi bất thần đứng lại, đồng chí Hoàng Đạo Thuý liền tới gần và hỏi: "Ông Ké bảo gì mà cậu ngẩn ngơ ra vậy?". Đồng chí Nguyễn Tài kể lại lời ông Ké. Nhìn theo bóng ông cụ, đồng chí Thuý thầm thì với đồng chí Tài: "Không khéo ông Ké ấy chính là cụ Nguyễn Ái Quốc đấy!". Đến ngày khai mạc Quốc dân đại hội, những băn khoăn đó của hai đồng chí mới được rõ ràng: ông Ké ấy chính là Cụ Nguyễn Ái Quốc.

Đồng chí Cù Huy Cận[3] luôn khắc ghi từng lời lãnh tụ Hồ Chí Minh đã căn dặn khi được nói chuyện với Người trong giờ giải lao của Đại hội: "Chú còn thanh niên, chú hoạt động trong anh em sinh viên trí thức là rất tốt. Còn làm cách mạng thì không phân biệt người trước người sau, người hoạt động lâu năm với người mới vào phong trào. Cốt nhất là có nhiệt huyết với sự nghiệp giải phóng dân tộc. Người mới vào phong trào mà làm việc hăng hái thì cũng có thể đóng góp cho sự nghiệp chung. Chú cứ yên tâm mà hoạt động với các đồng chí".

Dưới sự điều khiển của lãnh tụ Hồ Chí Minh và Đoàn chủ tịch, Đại hội đã nghe bản báo cáo của Tổng Bí thư Trường Chinh[4] gồm hai vấn đề lớn là tổng khởi nghĩa và bầu Uỷ ban dân tộc giải phóng. Đại hội đã nghe đồng chí Hoàng Quốc Việt[5] báo cáo về phong trào công nhân, báo cáo về tình hình nông hội của đồng chí Hoàng Đức Thịnh, về văn hóa của đồng chí Nguyễn Đình Thi, về hướng đạo của Hoàng Đạo Thúy.

Sau khi nghe đồng chí Hồ Chí Minh nói chuyện về công tác ngoại giao, Đại hội đã sôi nổi thảo luận về thái độ của nhân dân ta đối với quân Đồng minh vào giải giáp vũ khí của phát xít Nhật. Người phân tích việc cần phải đón tiếp Đồng minh với tư thế của người chủ nhân đất nước, đồng thời phải cảnh giác đề phòng thực dân Pháp có thể nấp sau quân Đồng minh thâm nhập vào nước ta hòng đặt dân ta dưới ách nô lệ một lần nữa. Người yêu cầu các địa phương phải có thái độ bình tĩnh để không mắc vào âm mưu khiêu khích của Pháp và bọn phản động, khéo léo tranh thủ Đồng minh; nếu thực dân Pháp muốn đặt ách đô hộ lên nước ta một lần nữa, chúng ta nhất định sẽ chiến đấu và giành thắng lợi. Người nhắc nhở các đại biểu: Khi về xuôi, chỉ nên để một bộ phận Ủy ban vào Hà Nội còn một bộ phận phải ở ngoài để phòng tình thế khó khăn và khi cần thiết, các uỷ viên chia đi các nơi, đi vào Trung Bộ, Nam Bộ để kịp thời kêu gọi đồng bào và chống lại thực dân Pháp khi chúng đổ bộ vào nước ta.

Đại hội đã nhiệt liệt tán thành chủ trương tổng khởi nghĩa của Đảng và Tổng bộ Việt Minh. Nghị quyết của Đại hội nhấn mạnh: "Không phải Nhật bại là nước ta tự nhiên được độc lập. Nhiều sự gay go trở ngại sẽ xảy ra. Chúng ta phải khôn khéo và kiên quyết. Khôn khéo để tránh những sự không lợi cho ta. Kiên quyết để giành cho được nên hoàn toàn độc lập".

Quốc dân Đại hội đã thông qua "Mười chính sách lớn của Việt Minh" đó là chính sách thể hiện đường lối xây dựng về chính trị, quân sự, kinh tế, văn hóa xã hội và ngoại giao của nước Việt Nam mới - nước Việt Nam độc lập và tự do, đặt cơ sở pháp lý cách mạng đầu tiên cho một chế độ mới của dân, do dân và vì dân sắp ra đời. Nắm vững thời cơ cách mạng, Quốc dân Đại hội đã quyết định toàn dân đoàn kết đứng lên vũ trang khởi nghĩa giành chính quyền, Lệnh Tổng khởi nghĩa được thông qua. Uỷ ban giải phóng dân tộc Việt Nam (tức Chính phủ lâm thời) được thành lập do Hồ Chí Minh làm Chủ tịch, Trần Huy Liệu[6] làm Phó Chủ tịch và 13 ủy viên. Đại hội thống nhất quy định quốc hiệu, Quốc kỳ, Quốc ca của nước Việt Nam mới. Để tạo điều kiện hành động kịp thời, Đại hội quyết định giao toàn quyền chỉ huy khởi nghĩa cho Uỷ ban khởi nghĩa.

Thay mặt nhân dân cả nước, nhân dân Tân Trào đã cử một đoàn đại biểu mang bò, vịt, gạo, trứng đến chào mừng Đại hội. Cảm động trước tình cảm chân thành của nhân dân các dân tộc Tân Trào và trước cảnh các em bé theo bố mẹ ra đình chào mừng Đại hội, Người chỉ vào một em bé cởi truồng mang cái bụng giun to tướng, nói với các đại biểu: "Chúng ta làm cách mạng để làm gì? Là để giải phóng dân tộc làm cho nhân dân ấm no hạnh phúc. Nhiệm vụ của chúng ta là làm sao cho các em bé có cơm ăn no, có áo ấm mặc, được đi học, không lam lũ mãi thế này". Câu nói đã thể hiện mong muốn tột bậc của Người trong hơn 30 năm tìm đường cứu nước, gây xúc động sâu sắc trong lòng các đại biểu tham dự đại hội cũng như của khách tham quan ngày nay khi đến thăm khu di tích Tân Trào.

Quốc dân Đại hội kết thúc, Người đọc lời tổng kết, chúc các vị đại biểu trở về địa phương nỗ lực phấn đấu cùng toàn dân chớp lấy thời cơ đưa cách mạng đến thắng lợi. Đại hội tổ chức một cuộc liên hoan văn nghệ trong đình, Chủ tịch Hồ Chí Minh như một người Cha của một đại gia đình, tạo cho Đại hội một không khí thân mật, đoàn kết và thoải mái, Người nói cùng các vị đại biểu: "Bây giờ đang vui như thế này thì ta hãy tổ chức một trò chơi vui mà học đi". Mỗi vị đại biểu đều có một tiết mục góp vui. Đồng chí Hoàng Đạo Thúy mở đầu bằng bài Lửa trại, đoàn đại biểu Hà Nội hát tập thể bài Quảng châu công xã của Đỗ Nhuận. Đồng chí Nguyễn Đình Thi là đại biểu đại diện cho giới tri thức đã đứng lên hát bài Thanh niên cứu quốc, có câu: ''Gươm đâu, gươm đâu, thời cơ đang đến - Tiến lên, tiến lên theo cờ Việt Minh''. Bài hát mang lại không khí hân hoan cho toàn Đại hội. Đợi cho không khí lắng xuống, Người nói với đồng chí Nguyễn Đình Thi: "Bài hát của chú rất hay, nhưng chú phải đổi một câu: bây giờ chú còn gươm đâu? gươm đâu? thì không hợp nữa, mà chú phải nên hát là gươm đây, gươm đây, thời cơ đang đến thì mới kịp tình hình chung". Các đại biểu reo lên nhiệt liệt tán thưởng.

Sáng ngày 17 tháng 8 năm 1945, Uỷ ban dân tộc giải phóng ra mắt Quốc dân Đại hội và làm lễ tuyên thệ. Hôm đó đường rất lầy lội, đồng chí Nguyễn Lương Bằng được cử đi đón Người từ lán Nà Lừa. Người đi chân đất, đến gần tới đình, Người xuống suối rửa chân. Suối sâu, đường trơn và dốc, đồng chí Nguyễn Lương Bằng định chạy đến đỡ, Người gạt đi và bảo "Không sao, chú cứ đi". Người bước tới trước đình, rồi lên đứng giữa các vị đại biểu trong Uỷ ban dân tộc giải phóng đọc lời tuyên thệ:"Chúng tôi là những người được Quốc dân Đại hội bầu vào Uỷ ban dân tộc giải phóng, để lãnh đạo cuộc cách mạng của nhân dân ta. Trước lá cờ thiêng liêng của Tổ quốc, chúng tôi nguyện kiên quyết lãnh đạo nhân dân tiến lên, ra sức chiến đấu chống quân thù giành độc lập cho Tổ quốc. Dù hy sinh đến giọt máu cuối cùng quyết không lùi bước. Xin thề! xin thề!". Giọng Người trang nghiêm, lời thề dõng dạc biểu thị khí phách kiên cường, quật khởi của cả dân tộc.  

 Đại hội bế mạc trong không khí Tổng khởi nghĩa sôi sục, các đại biểu khẩn trương trở về địa phương lãnh đạo nhân dân nổi dậy giành chính quyền theo ba nguyên tắc: tập trung, thống nhất, kịp thời. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã thay mặt Ủy ban dân tộc giải phóng gửi thư kêu gọi đồng bào toàn quốc trước giờ tổng khởi nghĩa.

Hôm chia tay các đại biểu dự Đại hội, Người đến gặp và chia quà cho mọi người. Nghe đồng chí Trần Huy Liệu, Trần Đức Thịnh - những đồng chí hoạt động lâu năm, tính tình sôi nổi, có khi nóng nảy nói "Mấy thằng Tây quèn quỳ gối đầu hàng Nhật, chúng còn ló mặt ra là phải quét ngay", Người giải thích: "Chú nói mấy thằng Tây quèn, nhưng cả đế quốc Pháp thì nó chưa quèn đâu. Nhất định là nó lăm le cướp lại nước ta. Và nhất định là ta sẽ đánh lại. Nhưng phải đánh như thế nào cho thắng, phải tích luỹ lực lượng, không đánh theo kiểu một trận anh hùng rồi ra sao thì ra"[7]. Người giải thích thêm: Ta phải lợi dụng việc Đồng minh vào giải giáp quân Nhật, làm cho Đồng minh thấy ý chí độc lập của dân ta và ta phải tổ chức lực lượng.

Dự đoán chính xác thời cơ, có kế hoạch chuẩn bị đón thời cơ, chớp lấy thời cơ thuận lợi, khẩn trương, kiên quyết khởi nghĩa để giành chính quyền và đánh đổ bọn bù nhìn tay sai trước khi quân Đồng minh vào Đông Dương, tước vũ khí Nhật đã thể hiện sự lãnh đạo đúng đắn và tài tình của lãnh tụ Hồ Chí Minh và Đảng ta. Quốc dân đại hội là hình ảnh tiêu biểu của khối đoàn kết dân tộc đồng tâm nhất trí đứng lên đem sức ta mà giải phóng cho ta. Đại hội đã biểu thị lòng tin tưởng tuyệt đối của toàn dân tộc vào sự lãnh đạo của Đảng và lãnh tụ Hồ Chí Minh.

Nhìn nhận lại ý nghĩa lịch sử của Quốc dân đại hội, vai trò của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong tiến trình lãnh đạo cách mạng Việt Nam, Tổng Bí thư Nông Đức  Mạnh đã viết trong "Quốc dân đại hội Tân Trào": "Quốc dân đại hội thực sự là một cơ cấu quyền lực có đủ uy tín để quyết định nhiệm vụ đối nội và đối ngoại, thông qua chủ trương Tổng khởi nghĩa và 10 chính sách lớn sau khi giành chính quyền, bầu Ủy ban Dân tộc giải phóng, thể hiện sự sáng tạo độc đáo về tư tưởng dân quyền và xác lập cơ cấu quyền lực toàn dân của Chủ tịch Hồ Chí Minh được thể hiện ngay trong quá trình giải phóng dân tộc. Tư tưởng đó đã phát triển và hoàn chỉnh ngay sau Quốc dân đại hội, trong Tuyên ngôn Độc lập ngày 2 tháng 9 năm 1945, khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và đã được thực hiện trong toàn bộ quá trình đấu tranh để bảo vệ và xây dựng đất nước ta.

Là di tích tiêu biểu trong quần thể di tích lịch sử văn hóa và sinh thái Tân Trào, đình Tân Trào đã nhiều lần được trùng tu, chống xuống cấp. Năm 1950, dưới sự chỉ đạo trực tiếp của đồng chí Tôn Đức Thắng, Ban Thường trực Quốc hội đã tiến hành tu sửa đình, thay một số cột con bị mối mọt và lợp lại mái. Hai cột con chái phía đông và hai cột trụ chái phía tây được thay bằng gỗ trâm trai; hai cây kẻ gian phía đông, kẻ bẩy thứ 3 (từ ngoài vào) được thay bằng gỗ xoan; xà ngang phía trước và một số xà nách gian chái phía tây cũng được mới.

Trong các năm 1965, 1969 đình tiếp tục được tu sửa. Năm 1970 nền đình được đổ một lớp bê tông. Năm 1972 được thay một số cột con, đòn bẩy, lợp lại mái, xây dựng hàng rào xung quanh.

Năm 1990, đình được xây dựng bia ghi dấu sự kiện tại di tích. Tháng 4 năm 2000, đình được trùng tu lớn, thay hai xà chái phía đông, thay một cột đỡ rầm sàn, toàn bộ đòn tay, một số ván sàn, lợp lại mái, trồng hàng rào cây xanh găng hoa tím xung quanh đình. Năm 2003, con đường mới chạy qua phía trước đình được hoàn thành tạo điều kiện thuận lợi cho sinh hoạt của người dân địa phương và khách thăm quan di tích. Năm 2009, đình Tân Trào được tu bổ, chống xuống cấp.

 

[1] Trên câu đầu có ghi ngày tháng năm dựng đình bằng chữ Hán nôm:

"Hoàng triều Khải Định bát niên thập nhất nguyệt nhị thất nhất ất hợi nhật tỵ kiến thụ thượng lương đại cát thịnh vượng tuế thứ quý hợi niên trọng đông nguyệt cốc nhật lương khởi càn nguyệt hưởng lợi tinh".

Tạm dịch: "Năm thứ tám của triều Khải Định, mùa đông ngày 21 tháng 11 năm 1923 thì dựng đình. Đó là ngày tốt, đình có hướng tốt vì thế dân chúng được lộc tốt và thịnh vượng".

[2] Tổng Ủy viên Hướng đạo Đông Dương (1930-1945). Giám đốc trường Võ bị Trần Quốc (1946-1947). Tổng thư ký Ban thi đua Trung ương (8-1948). Cục trưởng Cục Thông tin liên lạc (6-1949). Năm 1958 được phong quân hàm Đại tá. Đại biểu Quốc hội khóa I và II.

 

[3] Tại Quốc dân Đại hội  (tháng 8 năm 1945) tại Tân Trào được bầu vào Uỷ ban dân tộc giải phóng. Từ sau cách mạng tháng Tám, ông được Đảng và Nhà nước giao nhiều trọng trách như: Bộ trưởng Bộ Canh nông, Bộ trưởng phụ trách văn hóa nghệ thuật, Chủ tịch Hội Liên hiệp văn học nghệ thuật Việt Nam; là đại biểu Quốc hội khóa I, II, VII, VIII.

[4] Tên thật là Đặng Xuân Khu. Tham gia cách mạng từ năm 1925. Quyền Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Đông Dương 1940). Tổng Bí thư  Đảng Cộng sản Đông Dương (1941). Tổng Bí thư Đảng Lao động Việt Nam (2-1951). Phó Thủ tướng Chính phủ kiêm Chủ tịch Uỷ ban Khoa học Nhà nước (1958). Uỷ viên Bộ Chính trị Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam (1960-1982). Chủ tịch Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng Nhà nước nước Cộng hoà xã hội Chủ nghĩa Việt Nam (1960-1981). Chủ tịch Hội đồng Nhà nước (1981). Từ tháng 7 năm 1986 đến trước Đại hội VI của Đảng, ông được bầu làm Tổng Bí thư  Đảng Cộng sản Việt Nam (7 đến 12-1986)

[5] Tên thật là Hạ Bá Cang. Tham gia cách mạng từ năm 1925. Uỷ viên Ban chấp hành Trung ương lâm thời của Đảng Cộng sản Đông Dương (1930). Uỷ viên Thường vụ Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương (1941). Uỷ viên Bộ Chính trị Đảng Lao động Việt Nam, Chủ tịch Tổng Công đoàn Việt Nam (1951-1957). Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Chủ tịch Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (1960). Chủ tịch Đoàn Chủ tịch Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (1977).

[6] Là một trong những yếu nhân của Việt Nam Quốc dân Đảng ở Nam Kỳ, sau tham gia Đảng Cộng sản Đông Dương. Sau cách mạng tháng Tám, lần lượt được cử giữ các trọng trách: Bộ trưởng Bộ Tuyên truyền; Chủ tịch Hội Văn hoá cứu quốc, Uỷ viên Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, Viện trưởng Viện Sử học, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Khoa học xã hội. Đại biểu Quốc hội từ khoá I đến khoá III.

  [7] Huy Cận, Quốc dân Đại hội Tân Trào in trong cuốn Tuyên Quang trong cách mạng tháng Tám và kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ Tuyên Quang, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội 2009, tr 212  

Tin cùng chuyên mục